Henriette Bùi Quang Chiêu đã quyết định theo học Đại học Y khoa Paris vào năm 1927. Quyết tâm theo học Y khoa của cô bé Henriette khi đó trở nên mãnh liệt hơn khi mẹ cô mất vì bệnh tật. Sau 7 năm học tập, Henriette Bùi Quang Chiêu bảo vệ luận án đạt loại Xuất sắc vào năm 1934. Luận án của cô sinh viên Henriette khi đó được hội đồng giám khảo khen ngợi và tặng thưởng huy chương.
[links()]
Henriette Bùi Quang Chiêu là nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam. Bà đã trải qua rất nhiều khó khăn để có thể trở thành một nữ bác sĩ Việt trên đất Pháp.
Trong cuộc sống hôn nhân, việc Henriette Bùi Quang Chiêu li hôn với người chồng luật sư danh giá, “môn đăng hộ đối” Vương Quang Nhường đã gây ra nhiều tai tiếng lúc bấy giờ. Sau này, luật sư Nhường lấy con gái của vua Thành Thái, còn bà gắn cuộc đời mình với một chiến sĩ cách mạng.
Nữ bác sĩ Việt đầu tiên
Henriette Bùi Quang Chiêu sinh ngày 8/9/1906. Bà là con gái thứ ông Bùi Quang Chiêu, một chính khách có tiếng ở Nam Kỳ với bà Vương Thị Y, xuất thân trong một gia đình giàu có gốc Hoa.
Henriette Bùi Quang Chiêu được sinh ra tại Hà Nội, sau đó chuyển vào Sài Gòn sống. Ngay từ nhỏ, Henriette Bùi Quang Chiêu đã nổi tiếng là một cô học trò thông minh, sáng dạ. Khi mới 15 tuổi, vì rất muốn du học, ngày nào bà cũng nói với cha về chuyện mình muốn đi sang Pháp.
Nhiều lúc, ông Bùi Quang Chiêu phát cáu mà nói rằng không biết phải làm sao với bà. Thế là, ngay lập tức, bà liền trả lời rằng hãy cho bà sang Pháp đi học. Và cuối cùng, Henriette Bùi Quang Chiêu cũng thực hiện được ước mơ sang Pháp học tập.
Henriette Bùi Quang Chiêu sinh ngày 8/9/1906, là nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam. |
Do lúc đó, Henriette Bùi Quang Chiêu mới có 15 tuổi nên ông Bùi Quang Chiêu đã thuê một vị giáo sư để đi cùng với Henriette sang Pháp. Học ở Pháp được một năm, mẹ của Henriette mất vì bệnh lao phổi.
Trong khi đó, bản thân Henriette cũng bị bệnh đau mắt mà phải gián đoạn một năm học. Đến năm 1926, Henriette tốt nghiệp bậc trung học tại Lycée Fenelon ở Paris.
Từ niềm kính phục, trân trọng người anh của mình là Louis Bùi Quang Chiêu - một bác sĩ chuyên về bệnh Ho lao nổi tiếng tại Sài Gòn, Henriette Bùi Quang Chiêu đã quyết định theo học Đại học Y khoa Paris vào năm 1927.
Quyết tâm theo học Y khoa của cô bé Henriette khi đó trở nên mãnh liệt hơn khi mẹ cô mất vì bệnh tật. Sau 7 năm học tập, Henriette Bùi Quang Chiêu bảo vệ luận án đạt loại Xuất sắc vào năm 1934. Luận án của cô sinh viên Henriette khi đó được hội đồng giám khảo khen ngợi và tặng thưởng huy chương.
Năm 1935, Henriette Bùi Quang Chiêu quyết định trở về Việt Nam và sau khi về nước, bà đã nhận chức vụ Trưởng khoa Hộ sinh ở Bệnh viện Chợ Lớn. Ở Bệnh viện, với khí khái độc lập, không ít lần Henriette Bùi Quang Chiêu đã bị các y bác sĩ người Pháp gây khó dễ cũng như thể hiện thái độ kỳ thị dân tộc.
Tại những buổi họp, các bác sĩ người Pháp chỉ nói chuyện với y bác sĩ người Pháp trong khi những người Việt Nam thì phải đứng riêng một góc. Henriette Bùi Quang Chiêu đã tỏ thái độ của mình trước sự phân biệt đối xử này. Bà nói rằng, người Việt và người Pháp hoàn toàn bình đẳng với nhau.
Khi Henriette Bùi Quang Chiêu được giao cho chức vụ y sĩ trưởng ban thì giám đốc bệnh viện là một người Pháp đã ra lệnh cho bà phải mặc váy đầm. Giám đốc người Pháp nói với Henriette Bùi Quang Chiêu rằng nếu bà mặc váy đầm thì bà mới có thể có được sự kính trọng và bình đẳng hơn trong mắt người Pháp.
Trước yêu cầu và lời lẽ đầy khinh miệt này, Henriette Bùi Quang Chiêu đã đáp lại một cách đầy mạnh mẽ rằng bà sẽ chỉ ăn mặc như một người Việt Nam để những đồng bào Việt kính trọng bà.
Trên thực tế, khi sống ở Pháp, Henriette Bùi Quang Chiêu cũng đã mặc đầm quen. Tuy nhiên, từ hôm đó, sau thái độ của người giám đốc bệnh viện, Henriette Bùi Quang Chiêu chỉ mặc trang phục Việt trong thời gian làm việc tại bệnh viện.
Rồi cả những bất công về tiền lương cho y bác sĩ Việt – y bác sĩ Pháp, thái độ phục vụ bệnh nhân người Việt – người Pháp đều được bà Henriette Bùi Quang Chiêu tích cực đấu tranh bằng nhiều hình thức khác nhau.
Có lần, sau khi trình bày quan điểm với Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy không được, bà Henriette Bùi Quang Chiêu đã đệ yêu cầu của mình lên hẳn Thống đốc nhằm thay đổi cách khám chữa bệnh, phát thuốc đầy kì thị với người Việt.
Thậm chí, lúc bấy giờ, giới y khoa Pháp tại Đông Dương thường tỏ thái độ coi thường nền y học Việt Nam trước đó. Bà Henriette Bùi Quang Chiêu đã thể hiện quan điểm đối lập của mình thông qua nhiều bài báo trong đó nêu rõ những thành tựu mới trong nền Y học do người Pháp mang đến song cũng đề cập một cách cụ thể vai trò quan trọng của y học dân tộc nước nhà.
Thái độ ngay thẳng, luôn đòi hỏi sự công bằng bình đẳng giữa những người Việt và người Pháp cũng như đấu tranh cho nền y học nước nhà của Henriette Bùi Quang Chiêu đã khiến không ít người Pháp, thậm chí là cả báo chí Pháp ở Sài Gòn lên tiếng chỉ trích bà.
Tuy nhiên, điều đó chưa bao giờ khiến Henriette Bùi Quang Chiêu lo sợ mà bị suy giảm tinh thần đấu tranh của mình.
Và cuộc sống riêng đầy thăng trầm
Năm 1935, sau khi về nước được một năm thì Henriette Bùi Quang Chiêu được cha mai mối với luật sư Vương Quang Nhường. Luật sư Vương Quang Nhường được biết đến là một trong những trí thức lớn của Nam Kỳ lúc bấy giờ. Ông sinh năm 1902 tại Yên Luông Đông, Gò Công.
Vương Quang Nhường đã sang Pháp theo học trường Luật và Kinh tế. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ Luật khoa, Vương Quang Nhường đã trở về nước với tư cách là tiến sĩ Luật khoa đầu tiên của nước ta.
Là người có học vấn cao, kiến thức rộng nên Vương Quang Nhường được các giới thượng lưu Việt, Pháp lúc bấy giờ kính nể. Bởi vậy, cuộc hôn nhân giữa Henriette Bùi Quang Chiêu và Vương Quang Nhường được đánh giá là cuộc hôn nhân “môn đăng hộ đối” bậc nhất thời bấy giờ.
Thế nhưng, chính bản thân bà Henriette Bùi Quang Chiêu lại là người phản đối cuộc hôn nhân tưởng chừng rất xứng tầm với bà như vậy. Henriette Bùi Quang Chiêu không muốn có một cuộc hôn nhân xếp đặt, dù là với một người trí thức lớn, tài năng đi chăng nữa.
Tuy nhiên, dưới sức ép và sự kiên quyết của cha, Henriette Bùi Quang Chiêu đã phải đồng ý với cuộc hôn nhân này. Đám cưới của Henriette Bùi Quang Chiêu và Vương Quang Nhường được tổ chức ngay trong năm 1935 và trở thành một trong những cuộc hôn nhân được chú ý nhất lúc bấy giờ.
Là một cuộc hôn nhân được đánh giá “cân xứng” của hai con người đều tài năng song chỉ không đầy hai năm chung sống, cuộc hôn nhân của Henriette Bùi Quang Chiêu và Vương Quang Nhường đã tan vỡ.
Về sau, khi giải thích việc tan vỡ này, bà Henriette Bùi Quang Chiêu nói rằng: bởi sự khác biệt giữa hai người là quá lớn. Với Henriette Bùi Quang Chiêu, người chồng mà cha đã chọn cho bà quả thực là một người đàn ông rất tốt, rất có tài và cũng đã chăm sóc cho bà một cách tận tình.
Nhưng, ông lại không phải là người có thể chia sẻ, cảm thông với công việc bận rộn, vất vả của một nữ bác sĩ như bà. Bà thường xuyên phải vắng nhà để có thể tham gia vào việc khám chữa bệnh, kể cả trong những buổi đêm, trong khi ông thì không chấp nhận mãi như vậy, chính vì thế sự khác biệt giữa hai người khó lòng dung hòa, buộc phải li dị.
Vụ li dị của Henriette Bùi Quang Chiêu với Vương Quang Nhường quả thực đã gây ra một “chấn động” lớn ở Sài Gòn nói riêng và Nam Kỳ nói chung lúc bấy giờ. Không ai có thể tưởng tượng được rằng một người phụ nữ trí thức, lại xuất thân trong gia đình của ông Bùi Quang Chiêu lại có thể đệ đơn xin li hôn.
Vậy nên, người ta cứ bàn tán không ngớt về sự “liều lĩnh, cả gan” của Henriette Bùi Quang Chiêu vào thời điểm lúc đó. Sau khi li hôn, bà Henriette Bùi Quang Chiêu với ông Vương Quang Nhường vẫn là những người bạn tốt của nhau.
Cũng từ đó, bà Henriette Bùi Quang Chiêu dốc mọi tâm sức vào việc nghiên cứu, khám chữa bệnh của mình.
Đến cuối năm 1945 thì gia đình Henriette Bùi Quang Chiêu đã xảy ra một biến cố lớn. Ông Bùi Quang Chiêu cùng với ba người anh em trai của Henriette Bùi Quang Chiêu bị bắt và giết chết.
Một người bạn thân thiết của bà là kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích, bấy giờ đang giữ chức Khu bộ phó Việt Minh cũng bị chính quyền Pháp bắt và kết án tử hình.
Henriette Bùi Quang Chiêu đã quen biết với Nguyễn Ngọc Bích, khi đó đang là một sinh viên Cầu đường trong thời gian học tập tại Pháp. Hai người nhanh chóng trở thành bạn tâm giao khi rất hiểu và chia sẻ với nhau trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Sau khi từ Pháp trở về, Nguyễn Ngọc Bích là một trong những người hoạt động Cách mạng tích cực tại Nam Bộ. Khi Nguyễn Ngọc Bích bị bắt thì bà Henriette Bùi Quang Chiêu đã vô cùng lo lắng. Bà cùng với một số sinh viên trường học cũ của Nguyễn Ngọc Bích tích cực vận động đòi thả tự do cho ông.
Cuối cùng, sự vận động của Henriette Bùi Quang Chiêu cũng có kết quả. Ông Nguyễn Ngọc Bích được tha nhưng với một điều kiện là phải rời Việt Nam sang sống tại Pháp. Henriette Bùi Quang Chiêu vẫn tiếp tục ở lại Việt Nam và làm công việc nghiên cứu Y khoa của mình.
Đến năm 1957, bà Henriette Bùi Quang Chiêu sang Nhật Bản để nghiên cứu và theo học về Châm cứu. Bà đã học tại Nhật trong hai năm rồi trở về nước và phát triển hướng nghiên cứu của mình với ngành Châm cứu.
Đến năm 1961, Henriette Bùi Quang Chiêu sang Pháp và mở ở đây một phòng mạch. Cũng tại Pháp, Henriette Bùi Quang Chiêu đã gặp lại ông Nguyễn Ngọc Bích. Mối thân tình mà hai người đã có phát triển thành tình yêu.
Bà Henriette Bùi Quang Chiêu và ông Nguyễn Ngọc Bích về sống với nhau như vợ chồng. Rất không may là ông Nguyễn Ngọc Bích lại bị ung thư vòm họng.
Thế nên, sau bốn năm chung sống trên đất Pháp, năm 1965, bà Henriette Bùi Quang Chiêu đã đưa ông Nguyễn Ngọc Bích trở về Việt Nam để ông có thể sống những ngày cuối đời trên quê hương.
Ngay trong năm đó, ông Trần Ngọc Bích mất. Cũng từ đó, khi còn lại một mình, bà Henriette Bùi Quang Chiêu đã không ngừng tích cực tham gia các hoạt động khám, cứu chữa thương bệnh binh trong chiến tranh.
Mãi đến năm 1971, bà Henriette Bùi Quang Chiêu mới sang lại Pháp. Ở đây, bà tiếp tục khám chữa bệnh cho đến năm 1976. Bà mất vào ngày 27/04 vừa qua tại Paris.
- Sê San