Tôi nhớ có một nhà văn đã nói: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc nảy mầm từ trong những gian khổ và đau thương…”. Tôi nhận ra và tôi tin rằng, cuộc sống còn rất nhiều ý nghĩa, cánh cửa cuộc đời vẫn mở rộng ra đón đợi tôi.
[links()]
Sau khi bị tuyên án 20 năm tù, Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc được đưa về trại giam số 5, Yên Định, Thanh Hóa. Là người được học hành, giáo dục đầy đủ, nên ở đây, được sự động viên của các cán bộ trại giam, Quỳnh Ngọc đã dần lấy lại tinh thần và bắt đầu nhìn về tương lai phía trước, cố gắng vừa cải tạo, vừa học tập, trau dồi tri thức cho ngày trở về.
Đoạn trích sau được Quỳnh Ngọc viết về giai đoạn đó:
Tôi nhớ lại cách đây hai năm, chiếc xe thùng của Bộ Công an lao nhanh ra ngoại ô thành phố, đi qua những vùng đất chạy dọc đường Hồ Chí Minh và đưa tôi đến Trại giam số 5, Yên Định, Thanh Hóa vào một buổi trưa đầu tháng Sáu.
Cái nắng, cái gió của miền Trung khắc nghiệt cộng với nỗi mệt mỏi sau một chặng đường dài càng khiến tôi thêm ngao ngán. Toàn thân tôi như ngã quỵ trước một thực tế quá phũ phàng mà mình đang phải đối diện.
Phạm nhân Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc: Tôi tin hạnh phúc sẽ mỉm cười với những người biết đứng dậy sau vấp ngã. Quá khứ rồi cũng sẽ qua. Tất cả sẽ trở lại êm đềm và phẳng lặng. |
Tôi sẽ đối mặt sao đây cho chặng đường dài 20 năm phía trước? 20 năm dài đằng đẵng, mới chỉ nghĩ đến thôi cũng đủ làm tôi suy sụp tinh thần. Có lúc tôi rơi vào trạng thái vô định, dường như là tôi sẽ gục ngã, sẽ rơi vào đáy sâu vực thẳm mù khơi.
Tôi ao ước tôi có thể xé toang khoảng trời đen tối mà tôi buộc phải băng qua. Một ngày… hai ngày… ba ngày… tôi không biết mình đã đếm bao nhiêu ngày như thế. Chỉ biết rằng tôi đã phải sống trong khắc khoải, xót xa, đau khổ và nuối tiếc.
20 năm tù là quá dài cho một đời người. Đã có lúc tôi rơi vào sự tuyệt vọng và tìm đến một giấc ngủ ngàn thu để quên đi tất cả. Nhưng chỉ một lời nói của Ban (cán bộ) Đỗ Đình Thi đã cứu vớt linh hồn tôi, kéo tôi ra khỏi vực sâu tăm tối.
Ban đã nói: “Vào tù chưa phải là đã hết, đã mất cái nhỏ đừng đánh mất cái lớn hơn đó là nhân cách, sự sống của cái gọi là con người”.
Lời nói của Ban giúp tôi như bừng tỉnh lại sau cơn mơ dài. Từng ngày, tôi bắt đầu cảm nhận được tình yêu thương, sự kiên nhẫn động viên vun đắp sự sống trong tôi của những cán bộ quản giáo ở Phân trại số 4 này.
Những nguồn động viên đó đã kéo tôi ra khỏi vực thẳm. Để mỗi khi đêm về, tôi trăn trở nghĩ đến con trai, nghĩ về gia đình đang từng ngày ngóng đợi tôi, tôi vừa dằn vặt, vừa tự trách mình vì đã quá bi quan. Tôi nhớ có một nhà văn đã nói:
“Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc nảy mầm từ trong những gian khổ và đau thương…”. Tôi nhận ra và tôi tin rằng, cuộc sống còn rất nhiều ý nghĩa, cánh cửa cuộc đời vẫn mở rộng ra đón đợi tôi.
Bi kịch lớn nhất của đời người là mất đi mục đích sống, thiếu vắng ước mơ và khát vọng. Nếu có phải vắt kiệt sức mình qua từng ngày, từng giờ để vượt qua ngưỡng cửa của tội lỗi, tôi cũng sẽ cố gắng.
Vì tôi không cho phép mình gục ngã và tôi tin cuộc đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới. Tôi sẽ vượt qua những ranh giới đó để chiến thắng số phận của chính tôi và giữ lấy nó.
Tôi thường nghĩ về những động lực để phấn đấu: hình ảnh đứa con trai bé bỏng với đôi mắt ngấn lệ và bàn tay bé xíu; hình ảnh bố mẹ chồng với đôi mắt hõm sâu; hình ảnh anh trai tôi với khuôn mặt mệt mỏi, lo lắng.
Lời nói cuối cùng của mẹ dành cho tôi; niềm tin của chị Hồng, người đã tin tưởng và tha thứ cho tôi; và tiếng khóc nấc lên của bố tôi; linh hồn của người chồng mà tôi nhất mực yêu thương; sự bao dung, lòng nhân ái, thứ tình người ẩn sau sắc phục công an của những người quản giáo ở Trại giam số 5 này…
Tất cả đã giúp tôi có thêm sức mạnh để bắt đầu lại. Con trai tôi hiện giờ còn quá bé nên gia đình giấu không cho cháu biết chuyện. Mọi người trong nhà đều nói với cháu là tôi đi công tác. Cháu rất tin, vì lúc chưa xảy ra chuyện, tôi vẫn thường phải vắng nhà nhiều ngày.
Giờ cháu đã biết viết những chữ đầu tiên. Cháu có gửi cho tôi một lá thư, rất ngắn thôi, có lẽ là do bà nội dạy cháu tập viết: “Mẹ ơi, con chỉ biết viết một câu này thôi. Con yêu mẹ lắm”. Đó chính là sức mạnh giúp tôi nhìn về tương lai.
Có thể khi biết chuyện, con tôi sẽ hận tôi, sẽ xấu hổ vì tôi. Nhưng nhất định khi ra tù, tôi sẽ trở thành một người mẹ tốt, gây dựng lại cuộc đời để khiến nó có thể tự hào về mẹ. Tôi được cha mẹ hai bên yêu thương, chia sẻ.
Mẹ chồng tôi sau một thời gian đầu giận tôi vì những việc tôi đã làm đã tha thứ và bao dung với tôi, giúp tôi nuôi dạy con trai. Anh trai tôi luôn động viên và giúp đỡ tôi cả về vật chất và tinh thần.
Tôi luôn cảm nhận được một thông điệp từ gia đình mình: họ sẽ luôn ở bên tôi và giúp tôi vượt qua vấp ngã này. Đó thực sự là một niềm an ủi lớn với tôi.
Trong 2 năm tôi sống, sinh hoạt, học tập và cải tạo tại trại giam số 5 này, có biết bao nhiêu thăm trầm, biết bao giọt nước mắt, nhưng các cán bộ trại giam số 5 đã nâng đỡ tôi và dành cho tôi một thứ tình cảm ấm áp, dịu dàng, Ban Tuyến, ban Vân, ban Việt, ban Can…
Tất cả đã dành cho những tôi, những con người tội lỗi tình yêu thương của một người cha, người mẹ, người anh, người chị; đã kéo chúng tôi từ bên vực thẳm trở về với cuộc sống con người, cho chúng tôi được cất cao những tiếng hát, được nói lên những khát vọng được tìm lại chính mình.
Hai năm qua, tôi được sinh hoạt trong Đội văn nghệ của trại giam. Tôi vẫn nhớ như in những tình cảm mà các ban dành cho mình. Đó là một cốc nước mát giữa trưa hè sau những giờ luyện tập, hay một bát cháo nóng giữa mùa đông lạnh giá sau giờ biểu diễn.
Những điều nhỏ bé đó khiến tôi thấy ấm lòng. Cả cuộc đời mình, tôi sẽ không quên một quả trứng vịt lộn do ban Lường Văn Tuyến đưa cho sau một đêm diễn trong cái rét buốt của mùa đông. Hình ảnh ấy sẽ khắc sâu trong lòng tôi mãi mãi.
Tôi đã từng đứng trong bóng tối gạt vội dòng nước mắt mà thấy lòng se lại khi thấy các ban lặng lẽ ngồi dưới sân khấu, lặng lẽ vỗ tay cổ vũ, động viên cho đội văn nghệ biểu diễn trong đêm giao lưu giữa các phân trại.
Khi đó tôi nhận thấy khoảng cách giữa các cán bộ và phạm nhân thật ngắn. Tôi cảm nhận được tình đời, tình người trong những điều nhỏ bé đó.
Ở trong trại giam, sau những giờ phút lao động theo quy định của trại, tôi luôn khư khư ôm theo khi thì quyển tiếng Anh, khi thì những sách về quản trị kinh doanh. Tất cả những sách vở đó, tôi nhờ mẹ gửi từ nhà lên, với hi vọng mình sẽ không bị lãng quên kiến thức.
Trong lúc những bạn tù trong buồng giam xem ti vi, trò chuyện, tán gẫu thì tôi học. Tôi miệt mài học ngay trong 4 bốn bức tường trại giam lạnh lẽo, để mình không tụt hậu so với cả một xã hội thông tin đang tiến lên mỗi ngày, và tin là khi ra tù, mình sẽ tìm lại được thăng bằng trong cuộc sống.
Tôi tin trời không phụ lòng người. Tôi tin sau khi ra tù, xã hội sẽ bao dung hơn với những người từng mắc sai lầm như chúng tôi. Tôi hi vọng mọi người sẽ cho tôi một cơ hội để đứng dậy sau những vấp ngã.
Tôi có kiến thức, có gia đình ở bên cạnh, có sự nỗ lực hết mình và một tính cách cầu toàn trong mọi việc mình làm, nếu may mắn không bị kỳ thị, mặc cảm, tôi tin tôi sẽ lấy lại được những điều đã đánh mất.
Sau 2 năm cải tạo tại trại giam số 5, tôi đã không còn tuyệt vọng nữa. Ban Đỗ Đình Thi từng nói với tôi:
“Sinh ra trên đời này, ai chẳng mong mình có một cuộc sống sung sướng, hạnh phúc. Nhưng trong thực tế cuộc sống, có người hạnh phúc, kẻ bất hạnh và cũng không thể tránh được những sai lầm. Điều quan trọng nhất là phải biết sửa sai, biết vượt qua chính mình trong bất cứ hoàn cảnh nào”.
Tôi sẽ không trốn tránh số phận của mình; tôi sẽ sống và ngẩng cao đầu đón bình minh để tin vào một ngày mai cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Rồi thời gian sẽ lau khô những giọt nước mắt của tôi và tôi sẽ trở về vào một ngày mà cuộc đời tôi không còn rạn vỡ nữa.
Bài viết này có lẽ chẳng có giá trị gì so với bài viết của những nhà văn, nhà báo, nhưng đây thực sự là những lời tâm sự từ sâu thẳm trong lòng tôi và là lòng biết ơn của một phạm nhân như tôi trước những cán bộ của trại.
Tôi tin hạnh phúc sẽ mỉm cười với những người biết đứng dậy sau vấp ngã. Quá khứ rồi cũng sẽ qua. Tất cả sẽ trở lại êm đềm và phẳng lặng.
Giờ đây tôi không còn đau khổ nữa. Một ngày nào đó, tôi tin tôi sẽ lại được sống những tháng ngày hạnh phúc. Biết đâu sau những vấp ngã, khi đứng dậy tôi sẽ tỏa sáng lung linh hơn. Không bao giờ quá muộn để gột sạch quá khứ đau thương và làm lại từ đầu…..
Hồi ký đau thương của một cựu người mẫu
- NTQN