(Đời sống) - Ngày 3/4, Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị lần thứ 11 (mở rộng) nhằm báo cáo tình hình công tác quý I, nhiệm vụ trọng tâm công tác quý II/2013 và trong thời gian đến.
[links()]
Phó Bí thư Thường trực, phụ trách Thành ủy Đà Nẵng – ông Trần Thọ đã đề ra “những việc cần làm” để Đà Nẵng tiếp tục giữ vững hình ảnh của mình. Có thể nói đây là những chỉ đạo “quyết liệt” của ông Trần Thọ thời kỳ “hậu” ông Nguyễn Bá Thanh.
Phát biểu với hội nghị, Phó Bí thư thường trực, phụ trách Thành ủy Đà Nẵng – ông Trần Thọ nêu ra “16 đầu việc” để lãnh đạo TP Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy mạnh thực hiện. Các đầu việc đó là, tập trung giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển vì doanh nghiệp phát triển thì nguồn thu mới ổn định.
Ông Trần Thọ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Dân Trí |
Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; các ngành cùng UBND TP Đà Nẵng cùng ký kết triển khai phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng do Ngân hàng thế giới tài trợ, đây là một dự án đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện môi trường, hệ thống giao thông công cộng….
Ông Thọ cũng yêu cầu đẩy nhanh việc xây dựng nông thôn mới, tập trung quyết liệt chỉ đạo thu chi ngân sách xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cả năm, tiếp tục đẩy nhanh các công trình trọng điểm, đẩy nhanh các dự án giải phóng mặt bằng bố trí TĐC cho người dân.
Theo ông Thọ cho biết, TP Đà Nẵng hiện đang nợ dân hơn 1.300 lô đất TĐC nhưng chỉ mới bố trí được hơn 30 lô. Liên quan đến các dự án kéo dài, ông Thọ yêu cầu Sở TN-MT cùng UBND TP Đà Nẵng xem xét thu hồi, xử lý triệt để xiết lại khâu quản lý chung cư, rà soát xử lý đối tượng “cò chung cư”, phải công khai minh bạch, đúng đối tượng trong vấn đề cấp chung cư cho người dân…
Ông Trần Thọ lưu ý về khoản nợ tiền đất lên tới 4.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.600 tỷ nợ quá hạn. Ông đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu để thu hồi khoản nợ này theo hướng có lợi cho người dân và thành phố vẫn thu được khoản tiền nợ.
Trước đó, trước khi ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, ngày 12/1, ông Nguyễn Bá Thanh đã gặp Sở Sở VHTTDL và Sở LĐTBXH để nghe, giải quyết kiến nghị và căn dặn, chỉ đạo… Ông nói: “Tôi chỉ gặp hai sở VHTTDL và LĐTBXH vì văn hóa, du lịch liên quan đến mũi nhọn phát triển kinh tế xã hội của Đà Nẵng, còn ngành LĐTBXH liên quan thiết thực đến xóa đói, giảm nghèo và chính sách của thành phố”.
Sau khi nghe lãnh đạo Sở LĐTBXH báo cáo về công tác thực hiện chính sách đối với người có công; chính sách bảo trợ xã hội và giảm nghèo; lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội… và các đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo sở, các trung tâm trực thuộc, ông Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo: Sở LĐTBXH phải đặc biệt chú ý quan tâm đến nhóm người rất nghèo thuộc các đối tượng là người có công, bệnh tật, người nghiện ma túy… Ông yêu cầu Sở LĐTBXH phải luôn để mắt tới hoạt động của những trung tâm trực thuộc quản lý những đối tượng này. Ông nói: “Chúng ta đang nghèo mà để thất thoát tiền bạc do tham ô, lãng phí là điều không thể chấp nhận và tha thứ được. Cán bộ ai muốn làm giàu thì đi kinh doanh, chứ không thể đụng vào tiền bạc ở những lĩnh vực này”.
Với các nhiệm vụ trọng tâm của Sở LĐTBXH trong thời gian tới, ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu phải xem lại cách thức dạy nghề cho lao động nông thôn như lâu nay. Theo ông, dạy nghề cho lao động nông thôn là rất khó và ngành LĐTBXH thành phố Đà Nẵng làm như lâu nay là chưa hiệu quả: “Bây giờ đưa một ông tiến sĩ về dạy chưa chắc dân đã nghe; nhưng nếu đưa một ông nông dân có kinh nghiệm về nói chuyện cũng chưa chắc hiệu quả, vì nông dân có kinh nghiệm làm ăn thường giấu nghề”.
Liên quan đến chương trình “5 không 3 có”, trong đó “không có người lang thang xin ăn” cũng như bán hàng rong trên địa bàn thành phố, ông Thanh yêu cầu Sở LĐTBXH thời gian tới phải phối hợp với các địa phương xử lý quyết liệt hơn.
Cuối cùng, ông Thanh yêu cầu Sở LĐTBXH Đà Nẵng phải “cho qua” các đối tượng nghiện ma túy lâu năm để ưu tiên đối với các đối tượng mới. Ông nói: “Những đối tượng nghiện lâu năm, không thể cai được thì nên cho dùng chất ma túy thay thế để cầm cự. Còn những đối tượng mới lần đầu, biện pháp chủ yếu là răn đe, giáo dục chứ đừng cắt đường học hành và hòa nhập xã hội của họ”.
Trong buổi nói chuyện với lãnh đạo, cán bộ ngành VHTTDL TP Đà Nẵng chiều ngày 11/1 ông Thanh đã bắt bệnh ngành rằng: Tắm nước ngọt, gửi xe ở các bãi biển Đà Nẵng được tiếng là giá rẻ. Tuy nhiên lúc cao điểm lại hết nước cho người dân tắm. Muốn xây dựng thương hiệu phải chú ý từng tí một.
Tại Hội nghị quản lý đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2002-2012, Trưởng ban Nội chính TƯ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã phát biểu những lời gan ruột: “Tôi đã thống nhất với UBND TP Đà Nẵng hơn 20 điểm nhấn kiến trúc cùng nhau ký vào trước khi tôi bàn giao công tác tại địa phương. Một đô thị không thể thiếu quy hoạch và vấn đề quản lý quy hoạch.
Sau này, nếu phát hiện vi phạm, tôi có về hưu cũng sẽ chống gậy ra phản đối”. – Ông nói.
Liệu những tâm huyết, những chỉ đạo xuất phát từ gan ruột vị cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh có được tiếp nối, thực hiện xuất sắc?
PV. (Tổng hợp)