Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện khảo cổ học - người sẽ tham gia xây dựng kế hoạch cho trương trình điều tra, thám sát khảo cổ Trường Sa được dư luận hết sức quan tâm này.
PV: - Theo thông tin từ tỉnh Khánh Hòa, Viện Khảo cổ học và Khánh Hòa sẽ có kế hoạch dự kiến điều tra, khảo sát khảo cổ học các đảo nổi, đảo chìm tại huyện đảo Trường Sa do Việt Nam kiểm soát. Ông có thể cho biết thêm các thông tin cụ thể về dự án này?
PGS.TS Tống Trung Tín: - Thực ra, đây mới chỉ là kế hoạch dự kiến chứ chưa hình thành cụ thể. Hiện tại chúng tôi mới chỉ dự kiến khoảng quý I, quý II của năm 2014 sẽ tiến hành. Trên thực tế kế hoạch này cần nhiều thời gian chuẩn bị bởi việc điều tra, thám sát, khảo cổ ở khu vực biển đảo xa sẽ rất phức tạp và khó khăn.
Dự kiến sẽ có khoảng 10 người tham gia vào nhóm khảo cổ, tuy nhiên cần có sự tuyển chọn bởi môi trường tiến hành khảo cổ là biển đảo xa sẽ rất khó khăn chứ không đơn giản như đất liền.
Cụ thể nhóm tham gia sẽ là những người có kinh nghiệm khảo cổ và đặc biệt là khỏe mạnh để có thể đương đầu với sóng gió.
PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học. |
PV: - Ông có thể chia sẻ về những khó khăn mà nhóm khảo cổ đã lường trước rằng sẽ gặp phải?
PGS.TS Tống Trung Tín: - Như chúng ta đã biết, khi tiến hành thám sát, khảo cổ ở biển đảo xa cần có phương tiện di chuyển, các trang thiết bị máy móc thăm dò hiện đại… mà đơn vị tiến hành khảo cổ hiện nay không thể chủ động được. Do vậy muốn di chuyển hay nghỉ ngơi trong khu vực nơi đảo xa rất cần có sự hỗ trợ của lực lượng hải quân và chính quyền sở tại.
Tuy nhiên, do đây mới chỉ là kế hoạch chưa cụ thể, khi xây dựng bản kế hoạch chi tiết chúng tôi sẽ đề ra các phương án giải quyết khó khăn để nhóm thám sát, khảo cổ có điều kiện làm việc có hiệu quả.
PV: - Xin ông cho biết dự đoán triển vọng điều tra khảo cổ học sẽ thấy được những gì ở các đảo tại Trường Sa?
PGS.TS Tống Trung Tín: - Trên thực tế, việc nghiên cứu khảo cổ rất khó nói trước được gì. Hơn nữa việc khảo cổ lại được tiến hành ở các địa bàn đảo chìm, đảo nổi nơi mà các nhà khảo cổ học ít được tiếp cận vì vậy lại càng khó đoán trước.
Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức trong việc quan sát, nghiên cứu các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa, tuy nhiên kết quả phải phụ thuộc vào thực tế tại đó.
Bên cạnh đó, các vấn đề như quy mô và phương tiện hỗ trợ của chương trình khảo sát khảo cổ cũng sẽ có ảnh hưởng lớn đến kết quả. Nếu nhóm thực hiện được thực hiện kế hoạch trên quy mô lớn, có tàu, có các phương tiện như radar, máy thăm dò định vị cùng với hệ thống kĩ thuật hiện đại đi theo sẽ có điều kiện tốt hơn để đạt những kết quả khả quan hơn.
PV: - Theo ông những hiện vật tìm thấy sẽ đóng góp thế nào trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam?
PGS.TS Tống Trung Tín: - Điều này phụ thuộc vào những hiện vật mà nhóm nghiên cứu tìm thấy được. Nếu chúng ta tìm được những di vật của người Việt ở đấy và xác định được tuổi của chúng thì đó sẽ là bằng chứng về các hoạt động của người Việt nơi đảo xa.
Tuy nhiên việc nghiên cứu này cũng phải tiến hành hết sức cẩn thận và đòi hỏi có sự chính xác lớn và việc nghiên cứu lý giải thật kỹ lưỡng.
Cách đây hơn 20 năm, chúng ta cũng đã tiến hành thăm dò, nghiên cứu hai đợt ở các khu vực đảo chìm, đảo nổi do Việt Nam kiểm soát với kết quả đã tìm được nhiều chứng cứ góp phần khẳng định các hoạt động từ sớm và lâu dài trong lịch sử của người Việt ở các đảo Trường Sa.
PV: - Vậy kết quả khảo sát, nghiên cứu hai đợt đã tiến hành trước đây như thế nào?
PGS.TS Tống Trung Tín: - Đã tìm thấy di chỉ cư trú và các mảnh gốm, sứ Việt Nam do chất liệu bền vững cho nên không bị hủy hoại bởi môi trường biển.
Hiện tại, chúng tôi đang nghiên cứu, giám định lại theo các kết quả nghiên cứu mới các tài liệu đã thu được cũng như các tài liệu đang nghiên cứu trước khi giới thiệu rộng rãi với giới nghiên cứu và công chúng.
PV: - Xin cảm ơn ông!