Mảnh đất Tây Bắc không chỉ nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ mà ẩm thực nơi đây cũng phong phú, đa dạng. Được coi là một trong những món ăn đặc sản 'độc' và 'lạ' nhất ở Sơn La, món cá nhảy tuy chế biến khá đơn giản nhưng lại rất kén người ăn, không phải ai cũng dám thử.
Cá nhảy là món ăn quen thuộc tại các gia đình người Thái ở Sơn La. Điểm khác biệt của món này chính là ở cách ăn rất lạ lùng: Cá phải còn sống, được chế biến và ăn ngay tại bàn.
Chia sẻ về món đặc sản “độc nhất vô nhị này, chị Kiều Dung - một người ở Sơn La cho biết: "Tôi xin nói qua về món cá nhảy cho các bạn biết xem có quá ghê không. Nó là đặc sản vùng miền, có thể một số người chưa được đi nhiều, ít hiểu biết sẽ vô tư xúc phạm món ăn đặc sản của chúng tôi. Nhưng nếu các bạn được chứng kiến họ chế biến thì các bạn sẽ không thấy ghê hoặc bẩn một tý nào và không riêng gì dân tộc chúng tôi thích mà các bạn tôi quen từ khắp vùng miền về quê tôi họ được thưởng thức đều nói rất ngon và ngọt. Họ còn nghiền món này luôn. Mỗi khi các bạn tôi có thời gian lên thăm họ đều bảo tôi dẫn đi ăn món cá nhảy".
Cá dùng để chế biến món “cá nhảy” phải được nuôi ở ao tự nhiên hoặc bắt ở suối nguồn, cách xa khu dân cư. Cá bắt về phải còn sống, chọn những con cá bé, có kích thước lớn nhất là bằng ngón tay cái của người lớn, thả vào chậu nước muối sạch, để cá tự bơi và tiết hết những thứ bẩn ở trong người. Sau đó mang cá ra rửa lại bằng nước muối nhạt lần nữa là đạt yêu cầu.
Loài cá đặc biệt nhất để chế biến món này phải nhắc đến cá chép con. “Mỗi năm họ chỉ đc mỗi một mùa là mùa lúa nước. Khi bắt đầu cấy là mùa cá chép đẻ trứng. Họ lấy chứng cá chép bám vào hoa lục bình thả vào ruộng, đến mùa lúa ra hoa là lúc hoa gạo rụng xuống nước và cá chỉ được ăn hoa gạo đó nên con cá nó rất bé. Khi lúa bắt đầu vàng thì là lúc bà con tháo nước ở ruộng đi và các con cá chép được bắt về, con cá chỉ bé bằng ngón tay hoặc lớn hơn một tý thôi", chị Dung mô tả về loại cá đặc biệt này.
Điểm đặc sắc nhất của món ăn này chính là các gia vị đi kèm. Theo đó, cá được ăn kèm với lõi chuối tươi, rau thơm (mùi, húng, thì là, kinh giới…), các loại gia vị mắm, muối, mỳ chính, tỏi, ớt và đặc biệt là không thể thiếu hạt mắc khén (gia vị đặc biệt của người Thái). Tất cả phải được băm nhỏ tạo thành một hỗn hợp ăn kèm có độ chua, cay, nồng, ngọt và mùi thơm đặc trưng.
Để chế biến món gỏi này, chị Dung chia sẻ “bí kíp” chuẩn vị Sơn La: "Ra vườn nhà hái rau thơm sạch của giá đình đủ vị mang về rửa sạch rồi lấy nước măng chua của nhà đã ngâm cả năm ra đun sôi. Thả gia vị vào còn cá thì rửa thật sạch xong ngâm vào chậu nước rất nhiều muối để nó tự bơi, nó bơi trong nước muối nên nó tiết hết ra những thứ bẩn ở trong xong rồi mang ra rửa lại bằng nước muối nhạt lần nữa. Bát măng chua cho đầy đủ rau thơm và gia vị tỏi ớt chua cay xong khi ăn họ thả cá vào. Mà thường là các ông ở xóm rủ nhau ăn và uống rượu, họ bảo rất ngọt và ngon, không thấy kinh tởm như một số người không hiểu nói".
Với những người chưa từng biết món cá nhảy thì đây quả là món ăn lạ lùng, rất khó có thể tưởng tượng ra hương vị. Thêm nữa, cũng không nhiều người dám bỏ miếng cá sống vào miệng thưởng thức ngay lập tức.
Tuy nhiên với những thực khách sành ăn sẽ nhận ra ngay hương vị độc đáo nơi đầu lưỡi, đó là vị giòn, ngọt của thịt cá và vị cay của tỏi, ớt, vị tê tê nơi đầu lưỡi và mùi thơm nồng của hạt mắc khén. Các gia vị sẽ làm át đi vị tanh của cá chỉ còn lại vị ngọt giòn, thơm và bùi của thịt cùng những loại rau đi kèm.
Món cá nhảy khá phổ biến trong những gia đình người Thái ở Sơn La, đặc biệt là những khi có khách quý. Nếu một lần được đi du lịch ở đây, bạn nhất định phải nếm thử món ăn này, để cảm nhận được nét tinh túy, đa dạng của ẩm thực và văn hóa vùng cao Tây Bắc.