“Lần đầu tiên trong vòng 100 năm, chỉ số IQ của người phụ nữ đã vượt lên chỉ số IQ của nam giới và xu hướng này đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới...”
[links()]
Câu chuyện của cặp vợ chồng yêu toán học
Có thể nói toán học là định mệnh của cuộc đời Bảo Khanh và Văn Mạnh khi hai người, một nam, một nữ, ở hai nơi khác nhau, nếu không vì tình yêu với bộ môn toán học có lẽ họ sẽ không có cơ hội gặp được nhau.
Ngày ấy, Bảo Khanh là cô học trò cưng của các thầ̀y cô Trường chuyên Hùng Vương tại Phú Thọ, Văn Mạnh là học sinh ưu tú của Trường PT Chuyên Ngữ tại Hà Nội. Cả hai đều là những học sinh giỏi toán vượt qua được các kỳ thi thành phố và góp mặt tại cuộc thi Toán phạm vi quốc gia năm ấy.
Cũng chính tại thời điểm này hai người đã có cơ hội trao đổi với nhau liên lạc của mình. Để rồi sau đó, mỗi người lại về một nơi mà không ai có thể ngờ rằng người kia chính là một nửa còn lại của cuộc đời mình sau này.
Cuộc thi Toán toàn quốc năm ấy, Mạnh được giải nhì còn Khanh không có kết quả như mong muốn. Mạnh được tuyển thẳng vào đại học. Anh đã chọn Khoa toán – cơ – tin học trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội.
Còn Khanh dễ dàng vượt qua kỳ thi đại học và trở thành cô sinh viên hiếm hoi trong khoa Toán – tin Đại học Sư phạm Hà Nội. Cùng nhau học tại Hà Nội nhưng phải tới năm thứ 3, hai người bạn cùng tham gia kỳ thi toán toàn quốc năm nào mới liên lạc lại với nhau trong một dịp tình cờ.
Giáo sư James R. Flynn |
Họ nhanh chóng tìm thấy những điểm vừa phù hợp, vừa lạ lẫm ở người bạn đối diện, đặc biệt là những buổi trò chuyện say mê về toán học, về những con số, về cuộc sống xung quanh mình. Tình yêu tới với họ tự nhiên như điều sắp đặt trước cho số phận.
Tốt nghiệp đại học, có cơ hội học thạc sĩ ở nước ngoài nhưng Mạnh đã chọn việc học tại Việt Nam bởi lúc ấy cuộc hôn nhân của anh với Khanh mới bắt đầu. Anh dự định sau khi học xong thạc sĩ tại Việt Nam sẽ cùng vợ đi học tiến sĩ tại nước ngoài.
Khi quyết định kết hôn, Khanh xác định dù tuổi còn trẻ nhưng sẽ sinh con luôn. Cô nghĩ rằng sinh con sớm thì sau này sẽ có nhiều thời gian để nghiên cứu khoa học hơn, khi con bắt đầu đã lớn.
Việc mang bầu và sinh con cũng không gây quá nhiều vất vả khi có sự giúp đỡ của ông bà hai bên khi Khanh vừa theo học thạc sĩ. Cô hoàn thành khoá học trước khi chào đón cô con gái đầu lòng ra đời.
Những thành tích khi còn ngồi trên ghế nhà trường của Bảo Khanh cũng không thua kém chồng mình. Sau này, những người đã từng biết đến khả năng và niềm say mê công việc của cô vẫn bảo là người phụ nữ, cô phải hi sinh nhiều thứ cho chồng.
Học xong thạc sĩ, sinh con và nuôi con, Bảo Khanh lui về hậu phương chăm sóc con cái nhà cửa cùng với công việc dạy học của mình, cô muốn chồng yên tâm để phấn đấu trong sự nghiệp. Với Khanh, cô hiểu trong gia đình cả hai người không thể cùng giữ cái tôi quá lớn trong sự nghiệp.
Hiểu được lòng say mê với toán học của vợ và hiểu được tấm lòng của người bạn đời, anh Mạnh vẫn thỉnh thoảng mua một bó hoa hồng về tặng và nói lời cảm ơn vợ. Những lúc ấy, Bảo Khanh vẫn cười hạnh phúc và nói với chồng:
“Anh cố gắng cả phần mẹ con em nhé!. Vả lại anh luôn nói đàn ông có chỉ số IQ cao hơn phụ nữ còn gì, để anh phấn đấu nhiều hơn là đúng rồi”. Mạnh ôm vợ vào lòng đầy yêu thương và thầm cám ơn cuộc đời đã cho anh gặp được người phụ nữ của đời mình.
Ai thông minh hơn
Là thư ký và là người phụ nữ duy nhất trong phòng kinh doanh dự án của công ty H, Quỳnh Nga đôi lúc cảm thấy ấm ức với ông sếp quá “trọng nam khinh nữ” của mình.
Tất nhiên chẳng ai trong phòng kinh doanh này đối xử không phải với cô, tất cả đều chiều chuộng người phụ nữ duy nhất trong phòng mình, nhường nhịn và nhẹ nhàng với cô.
Ấy thế nhưng sống trong môi trường toàn nam giới, đôi lúc cô cũng “được” nghe những câu chuyện vô tư những lúc liên hoan tổng kết phòng hay giờ nghỉ trưa mọi người tụ tập uống trà và hầu như người đàn ông nào trong phòng làm việc của cô cũng đều đồng ý rằng không thể giao những việc quan trọng cho một nhân viên là nữ giới làm được.
Đôi khi nhận ra sự có mặt của Quỳnh Nga trong phòng, có người sợ cô phật lòng nên vội vàng giải thích rằng phụ nữ ngày nay phải làm nhiều việc: gia đình, con cái, rồi đi chăm sóc sắc đẹp này nọ nên không thể tập trung hết tâm trí vào công việc của mình.
Những lúc ấy cô chỉ cười trừ và xua tay ra hiệu mình không để ý đến câu chuyện tán gẫu của mọi người và cũng không hề phật lòng vì điều đó.
Nhưng nói vậy không phải Quỳnh Nga không để ý và ấm ức thay cho thân phận phái nữ. Nhớ những lần tuyển dụng, sếp của cô nhấn mạnh chỉ tuyển nam giới. Đành rằng công việc sale phái nữ sẽ gặp thiệt thòi như không thể “nhậu” giỏi bằng nam giới, thời gian không linh hoạt như nam giới nhưng những điều đó không thể quy kết rằng phụ nữ không thể làm việc tốt.
Đôi khi việc bán hàng cũng cần sự khéo léo tài tình xoay xở của một người phụ nữ. Ấy thế nhưng sếp của Quỳnh Nga không nhận ra điều đó một cách khách quan và cứ nhắc đến nhân viên nữ là… lắc đầu quầy quậy.
Phải thừa nhận một điều rằng giám đốc của Quỳnh Nga là một người khá bảo thủ. Cô được sếp tâm sự rằng: Dù người phụ nữ có giỏi thế nào cũng không thể nhạy bén bằng người nam giới. Thế giới đã có nhiều nghiên cứu rằng chỉ số thông minh của phụ nữ luôn kém hơn nam giới.
Quỳnh Nga cảm thấy rất ấm ức mặc dù sếp nói với cô rằng: mặc dù vậy ngoài chỉ số thông minh người phụ nữ lại hơn nam giới ở các chỉ số khác. Tự nhiên cô ghét cái gọi là “chỉ số thông minh” và không hiểu ai đã nghĩ ra nó để giờ phái mạnh lại càng có thêm cớ để… vênh mặt lên với những người khác phái.
Những bí ẩn về chỉ số thông minh
Đã từ rất lâu người ta biết tới IQ là chỉ số đo sự thông minh của từng người qua các câu hỏi trắc nghiệm. IQ là ký hiệu của chữ “Intelligence Quotient” trong tiếng Anh, thường được dịch là thương số trí tuệ hay chỉ số thông minh.
Được nghiên cứu và phát triển từ những năm đầu thế kỷ XX, tới ngày nay, “chỉ số IQ” đã trở thành một thuật ngữ vô cùng quen thuộc với tất cả mọi người. Điều đặc biệt trong suốt quãng thời gian biết tới chỉ số IQ, các nghiên cứu đều cho thấy rằng chỉ số IQ của phái mạnh luôn cao hơn phái yếu.
Nhưng lần đầu tiên trong 100 năm qua, sự mặc định nam giới thông minh hơn nữ giới đã bị phá vỡ. James R. Flynn là một giáo sư nổi tiếng trên thế giới về các nghiên cứu về chỉ số thông minh và các biến đổi của chỉ số thông minh theo thời gian.
Trong 100 năm qua, chỉ số IQ của cả người đàn ông và phụ nữ đã tăng lên, nhưng ở người phụ nữ nó đã tăng nhanh hơn và thậm chí giờ đây đã vượt cả chỉ số IQ của nam giới. "Đây là một hệ quả của cuộc sống hiện đại.
Sự phức tạp của thế giới hiện đại làm cho bộ não của chúng ta thích ứng và nâng cao chỉ số IQ của con người” – giáo sư Flynn khẳng định. Vậy giờ đây có thể nói rằng phụ nữ thông minh hơn nam giới chăng?
Hiện tượng chỉ số IQ của phụ nữ tăng nhanh có thể được giải thích rằng cuộc sống của người phụ nữ đã trở nên phức tạp và đòi hỏi đáp ứng nhiều yêu cầu hơn giữa công việc và gia đình.
Người phụ nữ ngày nay luôn có sự cố gắng hơn nam giới khi tạo ra một cuộc sống hoàn hảo: hoàn thành tốt công việc nhà, đảm đương tốt chức vụ ở công ty.
Tuy nhiên những nghiên cứu và phát hiện mới của giáo sư Flynn cho thấy chỉ số IQ ở người phụ nữ chỉ hơn ở nam giới một chút và cần thêm những nghiên cứu lâu dài hơn để khẳng định điều này. Việc tăng trưởng mạnh mẽ ở phái nữ chỉ mới xuất hiện gần đây.
Vị giáo sư nổi tiếng tiếng về IQ đã đối chiếu kết quả kiểm tra từ các quốc gia ở Tây Âu và Hoa Kỳ, Canada, New Zealand, Argentina và Estonia.
Ông Flynn cho biết: "Khi thế giới trở nên phức tạp hơn, và sống trong nó đòi hỏi tư duy trừu tượng hơn, mọi người đang thích nghi và chỉ số IQ biểu hiện điều này”.
Mặc dù những nghiên cứu và phát hiện của giáo sư Flynn được cả thế giới quan tâm và nhiều người chú ý, bản thân ông cũng khẳng định những nghiên cứu chỉ trên một số nước thưa thớt chưa đủ làm cơ sở nhưng xu hướng này đang tồn tại một cách rõ rệt.
Chính vì vậy các ông chồng và những người đàn ông đích thực hãy đừng chủ quan, bởi bên cạnh các anh là người phụ nữ không thua kém về cái đầu mà thậm chí có thể vượt lên dẫn đầu về trí thông minh đó!
- Hoàng Mai