Dân thiết kế thờ ơ thi quốc phục vì sợ điều tiếng?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Cuộc thi tuyển chọn thiết kế lễ phục nhà nước do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch phát động chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết thời gian nhận mẫu, nhưng đến nay dường như vẫn còn... khá im ắng.

“Đứng ngoài để bàn tán”

Theo báo Thanh Niên, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, đơn vị đảm trách thực hiện cuộc thi, thừa nhận nhiều nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp trong nước dường như không mấy mặn mà với cuộc thi này.

“Chúng tôi rất kỳ vọng các nhà thiết kế thời trang VN cùng tham gia cuộc thi tuyển lễ phục nhà nước vì họ giàu kinh nghiệm và sát sao nhất về thời trang. Tuy nhiên, qua thăm dò với những người trong nghề, chúng tôi thấy băn khoăn trước hiện tượng nhiều nhà thiết kế thời trang không tham gia cuộc thi. Có lẽ họ không đủ bản lĩnh để dám chơi trong cuộc chơi này, e ngại sự thắng thua về giải thưởng sẽ làm tác động ít nhiều, thậm chí mất đi thương hiệu họ đang có. Họ đã chọn cách đứng ngoài để bàn tán, bình phẩm hơn là bước vào cuộc thi như người trong cuộc”, ông Thành nói.

Nhiều nhà thiết kế thời trang Việt không hờ hững với cuộc thi lễ phục

Ông Thành cho biết, 20 mẫu lễ phục được chọn từ vòng sơ khảo sẽ được đầu tư tiền bạc để các thí sinh thiết kế thực hiện bằng chất liệu vải thực tế, tổ chức mặc thử và trình diễn với quyết tâm chậm nhất tới tháng 12 sẽ chọn được mẫu lễ phục thống nhất cho cả nước.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng nhìn nhận, nhiều nhà thiết kế chưa nhiệt tình tham dự cuộc thi, dù đây là dự án lớn và cũng là trách nhiệm của các nhà thiết kế đối với đất nước. Tuy nhiên, ông nói: “Tôi nghĩ lời mời cao hơn mâm cỗ. Với những nhà thiết kế hàng đầu hiện nay thì lời mời, cách mời sẽ thuyết phục họ hơn là những chuyện khác”.

Việc các nhà thiết kế 'đứng ngoài để bàn tán' trong cuộc thi thiết kế lễ phục đã khiến không ít người bất ngờ bởi một tham gia và đoạt giải trong một cuộc thi tầm quốc gia rõ ràng sẽ mang lại danh tiếng rất lớn cho những người tham gia.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng việc tham gia thiết kế lễ phục cũng tương tự như việc trở thành ứng viên Đại sứ du lịch, không khác gì làm dâu trăm họ, những người tham gia rất có thể bị soi mói đời tư hay nhận được những đánh giá không hay.

Hơn 20 năm vẫn chưa chọn xong một bộ quần áo
 
Hơn 20 năm kể từ lần đầu tiên Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao phát động cuộc thi thiết kế mẫu lễ phục Nhà nước (năm 1991) nhưng không thành công vì thiếu sự đồng thuận, cho đến nay việc lựa chọn dường như vẫn giậm chân tại chỗ.

Chính vì vậy mà những ý kiến về việc không không cần thiết phải có quốc phục Nhà nước xuất hiện ngày càng nhiều.

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Đừng quan tâm quá đến vấn đề quốc phục bởi trên thực tế, không nhất thiết phải có quốc phục, nhiều nước khác cũng đâu có quy định về quốc phục. Trong khi đó, rất nhiều những vấn đề văn hóa khác lẽ ra đáng phải quan tâm thì lại không lo".

PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp cũng cho rằng, lựa chọn quốc phục sẽ làm mất tính đa dạng của văn hóa 54 dân tộc, thiết kế quốc phục trở thành việc làm kỳ quặc. Đồng thời, ông Tiệp chỉ ra rằng, lễ phục quốc gia chỉ dùng trong các nghi lễ mang tính thiêng, đáp ứng nhu cầu tâm linh hơn đời sống thường nhật mà chỉ cần người phụ trách trực tiếp hành lễ mặc là đủ, như thế mới thiêng còn ai cũng mặc thì tính thiêng mất đi ý nghĩa của nó. Vì thế người tham gia lễ hội hay sự kiện lớn của quốc gia không nhất thiết phải mặc lễ phục.

Hơn nữa, trong hoàn cảnh thời gian gần đây Việt Nam đã đặc biệt quan tâm và quyết liệt chỉ đạo tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực. Với một chương trình đã kéo dài quá lâu mà khi phát động cuộc thi thiết kế lại không được những người trong ngành mặn mà tham gia ủng hộ thì phải chăng nên xem đây là một hoạt động lãng phí và nên dừng lại?

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn