Trong hội thảo Lễ phục nhà nước do Bộ VH-TT-DL tổ chức vào sáng 17/4 tại TP.HCM đã xuất hiện thêm rất nhiều ý kiến đa chiều khác nhau về vấn đề lựa chọn quốc phục, lễ phục.
[links()]
Lại tiếp tục chín người, mười ý
Áo dài được nhiều người chọn là trang phục dân tộc, truyền thống của Việt Nam - Ảnh: Đ.T |
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm (ĐH KHXH-NV - ĐHQG TP.HCM) đã phân tích rõ về đặc trưng của trang phục dân tộc, quốc phục và lễ phục. Ông cho rằng quốc phục nằm ở vị trí trung gian giữa trang phục dân tộc và lễ phục, nên nó trở thành thứ trang phục hội tụ quá nhiều đòi hỏi: vừa dùng chung cho cả quốc gia, vừa có tính bắt buộc, lại vừa có tính truyền thống, có giá trị khu biệt bản sắc dân tộc - đó chính là lý do vì sao hầu như không nước nào quy định quốc phục.
PGS-TS Phan Thị Thu Hiền (ĐH KHXH-NV - ĐHQG TP.HCM) lại gợi ý nên nghiên cứu văn hóa lễ phục của Hàn Quốc để từ đó tìm kiếm gợi ý lễ phục Việt Nam cho phù hợp với từng trường hợp. Mỗi trang phục cần chuyển tải một thông điệp riêng, đồng thời phải hài hòa khi kết hợp trang sức, phụ kiện. “Người Hàn có phong trào dùng hàng Hàn, nhưng người Việt còn ít phong trào dùng hàng Việt. Chúng ta cần ý thức đúng đắn về vai trò và vị trí của lễ phục, quan hệ của văn hóa lễ phục để quảng bá hình ảnh dân tộc”, bà Hiền nói, “Việc sử dụng lễ phục ngoại giao cần được chú trọng như một cơ hội quảng bá thương hiệu và việc xây dựng văn hóa lễ phục là điều cần thiết”.
PGS-TS Nguyễn Xuân Tiên - Phó hiệu trưởng ĐH Mỹ thuật TP.HCM đặc biệt phê phán cách phối hợp Đông - Tây trong cách ăn mặc: veston và áo dài. Theo ông, việc nam mặc veston, nữ mặc áo dài trong mọi cuộc họp từ trong nước tới ngoại giao, trong mọi ngày lễ lạt truyền thống thể hiện sự nghèo nàn về nghệ thuật, là sự phối hợp khập khiễng, râu ông nọ cắm cằm bà kia. Việc lễ phục nhà nước chưa được chú trọng trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam hiện nay khiến người dân thấy chưa thuận mắt, khó có thể khích lệ lòng tự hào dân tộc, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.
Trong khi đó, ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL lại cho rằng không nên bó hẹp trong phạm vi lễ hội nhà nước, mà cần mở rộng thành tìm kiếm lễ phục Việt với các tiêu chí đẹp, tiện dụng, đa nghĩa, sử dụng được trong nhiều bối cảnh.
Đây là hội thảo mới nhất được cơ quan chức năng tổ chức nhằm xúc tiến việc lựa chọn quốc phục, lễ phục. Tuy nhiên, dường như sau mỗi lần tổ chức hội thảo, các ý kiến lại được đề xuất nhiều hơn và càng khó khăn hơn trong việc thống nhất ý kiến để lựa chọn.
Từ năm 2001, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) đã có một đề tài khá công phu về Lễ phục Việt Nam. Tuy nhiên, không phải thời điểm đó, vấn đề cần có Lễ phục mới đặt ra.
Ngày 2/6/1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 186-HĐBT về quy định một số nghi lễ nhà nước và tiếp khách nước ngoài. Theo đó, trang phục mặc trong trong các nghi lễ đó cần được nghiêm chỉnh, trang nhã và thống nhất đồng bộ. Tuy nhiên, cho đến năm 2001, khi “thử nghiệm” bộ Lễ phục để sử dụng trong Lễ Giỗ tổ Hùng Vương đến nay, việc thống nhất để có một bộ “quốc phục” vẫn chưa được thực hiện.
Hơn 20 năm vẫn chưa chọn xong một bộ quần áo
Hơn 20 năm qua, đã có hàng chục hội thảo quốc gia bàn về lễ phục, quốc phục, thậm chí các nhà thiết kế đã may thể nghiệm một vài mẫu…nhưng việc lựa chọn dường như vẫn giậm chân tại chỗ.
Trước đó, vào cuối năm 2012, cuộc hội thảo mang tên “Quốc phục Việt Nam tiêu chí và lựa chọn” đã được tổ chức tại Hà Nội. Rất nhiều ý kiến và bài thuyết trình đã được đưa ra, bởi các nhà chuyên môn các nhà nghiên cứu, nhiều vấn đề đã được đặt ra tại Hội thảo này, trong đó ý kiến chọn áo dài cho nữ và áo dài khăn đóng cho nam chiếm đa số, tuy nhiên, từ hội thảo đó đến nay, việc chọn lễ phục vẫn còn là dấu hỏi chấm chưa đi đến thống nhất.
Theo ThS Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ Thuật và Nhiếp Ảnh, đơn vị được giao trách nhiệm trực tiếp phụ trách việc lựa chọn quốc phục thì đến nay vẫn chưa có tiêu chí cụ thể. "Cho đến nay vẫn chưa có một tiêu chí cụ thể. Chúng tôi không tự đặt ra được tiêu chí mà tổng hợp tất cả các ý kiến của các nhà văn hóa, các nhà lịch sử, các nhà thiết kế mỹ thuật, nghệ thuật, các nhà nghiên cứu mỹ thuật và các nhà nghiên cứu chuyên sâu khác. Nó cần phải có lớp lang, trình tự cho nên các tiêu chí, yêu cầu phải được đưa ra dựa trên ý kiến tổng hợp của hội thảo 3 miền. Bây giờ nói tiêu chí thì chưa phải lúc, Bộ Văn hóa cũng chỉ đưa ra yêu cầu." - bà Hương cho biết.
Không biết sau bao nhiêu năm nữa, với bao nhiêu hội thảo được tiến hành mới có thể lựa chọn được quốc phục, lễ phục.
- Ngọc Lê (Tổng hợp từ TNO, Phunutoday)