10 con không nuôi nổi một mẹ già
Không giống các Trung tâm hay Viện dưỡng lão của Nhà nước thành lập, Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Phúc Sinh (Gia Lâm, Hà Nội) là một trung tâm phi chính phí, hoạt động của Trung tâm vừa có tính xã hội lại vừa mang tính dịch vụ.
Anh Vũ Minh Lương (Giám đốc Trung tâm) cho biết hiện nay trung tâm chăm sóc khoảng 100 cụ từ nhiều tỉnh thành trong cả nước trong đó chủ yếu là các cụ ở Hà Nội. Đa phần các cụ ở đây đều đóng phí hàng tháng cho trung tâm, mức phí thì tùy thuộc vào yêu cầu về chế độ chăm sóc của người nhà các cụ. Những cảnh đời già neo đơn thì trung tâm nhận một hai trường hợp để chăm sóc miễn phí.
Ở nơi đây, mỗi cụ ông, cụ bà là một số phận hoàn toàn khác biệt. Trước đây, có thể họ là công nhân viên chức, một doanh nhân nổi tiếng hay một cựu quan chức nào đó song cuối cùng tuổi già thì ai cũng như ai bởi điểm dừng chân của họ là tại trung tâm này.
Đa phần các cụ ở trung tâm đều đủ đầy con cháu vì chỉ như vậy thì mới kham nổi phí dịch vụ tại trung tâm. Tuy nhiên, lớp con cháu đủ đầy ấy lại chẳng ra gì, có cũng như không bởi những đứa con đó câu có tình yêu thương với cha mẹ. Họ coi cha mẹ là “cái gai” trong mắt, lúc nào cũng chỉ muốn nhổ bỏ, tránh ra thật xa để khỏi bị làm phiền, khỏi bị liên lụy hoặc đơn giản hơn là giảm bớt số tiền đóng góp chung hàng tháng nuôi cha, mẹ.
Đến thăm nơi đây, ngồi nghe các cụ ông cụ bà mắt đỏ hoe kể về mảnh đời của mình và sự đối xử tàn nhẫn của con cái, chắc chắn ai cũng cảm thấy xót lòng. Rời khỏi Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Phúc Sinh nhưng câu chuyện về bà cụ Lưu (Hàng Đào, Hà Nội) vẫn ám ảnh từng bước chân của người viết. Cụ Lưu đã trải qua quãng thời gian tuổi già chỉ rặt nước mắt và… nước mắt.
Ngày còn trẻ, cụ Lưu luôn coi con cái là lộc của trời nên vợ chồng cụ sinh tới 10 người con. Chồng cụ mất khi đứa con trai út mới lên một tuổi, gánh nặng của một gia đình mười một miệng ăn đổ dồn lên đôi vai gầy của cụ Lưu. Lo ăn đã khó vậy song cụ Lưu chẳng mấy khi than phiền; ngược lại cụ vẫn cố gắng dùng hết chút sức lực nhỏ nhoi để kiếm tiền nuôi 10 đứa con ăn học và trưởng thành.
Ngày cậu con trai cả trúng tuyển vào Đại học Y Hà Nội rồi nhanh chóng được học bổng sang Mỹ du học theo chính sách của Nhà nước, cụ vui mừng khôn siết. Không có gì có thể diễn tả được niềm hạnh phúc, vui sướng lớn lao mà một người mẹ nghèo như cụ chưa bao giờ dám nghĩ tới. Sau bước thành công của con trai cả, các đứa tiếp theo nhà cụ cũng học hành giỏi giang và đều xây dựng được sự nghiệp tốt. Những tưởng thời thanh xuân vất vả vì con cái nhiều thì lúc về già cụ Lưu sẽ nhận được sự chăm nom tận tình của con cái. Song có lẽ chẳng ai ngờ có đến 10 đứa con mà đến tận bây giờ người mẹ già nua ấy vẫn không thoát khỏi cảnh cô đơn.
Lúc trước dù tuổi cao sức yếu nhưng bà vẫn cố gắng đảm đương phần nào việc nhà của cậu con trưởng. Bà làm điều này một phần vì muốn bản thân trở nên hữu ích hơn và một phần cũng vì sợ con cái dèm pha này nọ. Chính vì tuổi trẻ, tiền bạc, sức lực… bà cụ đã dành hết cho chồng cho con nên đến khi tuổi già xế bóng, sức khoẻ cụ Lưu ngày một kém. Sau một cơn tai biến bà cụ trở thành một phế nhân khi bị liệt gần như toàn thân, chỉ nằm bệt trên giường và không thể làm bất cứ việc gì dù là nhỏ nhất.
Hôm đầu tiên nằm trong bệnh viện bà cụ cảm động đến rơi nước mắt khi cả 10 đứa con đều đến thăm hỏi mẹ. Nhưng cụ Lưu đâu biết được rằng buổi họp mặt đó là để những đứa con yêu qúy của cụ đưa đẩy, chia nhau trách nhiệm việc trông nom. Sau vài tháng trời nằm viện, từng đứa con của bà cụ phân nhau rạch ròi từng ngày, từng giờ để chăm sóc mẹ. Bề ngoài thì là thế nhưng thực chất có mấy ngày cụ được nhìn thấy mặt con? Lấy lý do là bận việc công ty, cơ quan… các con của cụ đều đùn hết công việc chăm mẹ cho osin và cũng quên luôn việc đến thăm hỏi cũng như việc bản thân đang có một người mẹ già cả đang nằm hổn hển, đau khổ trong bệnh viện.
Sau khi ra viện, cụ về sống trong nhà của người con cả đang làm bác sỹ ở một bệnh viện tại Hà Nội. Nói là trông nom mẹ nhưng gia đình cậu con trai cũng bận rộn suốt ngày nên cậu giao bà cho hai cô giúp việc chăm sóc. Những tưởng cuộc sống của cụ sẽ tốt hơn những ngày nằm viện vì anh con cả thuê cho cụ hẳn hai ôsin chỉ để chăm sóc mẹ già.
Thế nhưng cụ không thể ngờ rằng cụ đang bị rơi vào một địa ngục mới: “Hàng ngày nó “nhốt” tôi ở trên gác hai cùng với hai người giúp việc. Nó kêu là bận rộn suốt ngày nên cứ 2, 3 ngày tôi mới nhìn thấy mặt nó một lần, có lần nó đi công tác xa nên một tuần mới nhìn thấy mặt nó” - cụ Lưu vừa nói vừa khóc, khuôn mặt già yếu của bà giàn giụa nước mắt. Người mẹ già nua ấy cúi gằm mặt xuống sau mỗi câu nói, thỉnh thoảng cố quay mặt đi để gạt bỏ những gọt nước mắt mọng đầy. Nhưng giấu sao nổi cặp mắt ướt nhẹt với cái nhìn xa xăm vô vọng của bà cụ, nó chỉ càng làm người ta thấy được sự buồn chán đã hằn rất sâu trên khuôn mặt của cụ Lưu từ lâu lắm rồi.
Con cái dửng dưng, ôsin mạt sát
Từ trước đến nay chỉ nghe thấy chủ hành hạ người giúp việc chứ chưa bao giờ nghe thấy chuyện chủ bị người giúp việc hành hạ. Thế mà chuyện đó lại có thật đối với bà cụ Lưu. Con dửng dưng đã đành nay cả người giúp việc cũng làm mọi cách để làm khổ cụ, người mà họ coi là “bà già lẩm cẩm”. Họ được thuê chỉ để chăm sóc mình bà cụ vậy mà họ cứ coi như đi làm không công vậy. Chúng không cho cụ Lưu ăn đúng giờ, ăn những thứ mà bà cụ thàm, cũng chẳng giúp đỡ gì, chỉ suốt ngày ngồi xem ti vi và đánh bài với nhau. Nếu có việc gì cần đến mà bà cụ gọi là chúng lại quát ầm ỹ như thể cụ Lưu vừa phải đi nhờ vả xin xỏ chúng.
Quần áo trong tủ của cụ, chúng cũng lôi hết ra để xem xét. Những bộ quần áo đẹp mà cụ rất ưng ý trước đây, chúng đều công khai “ăn cắp” mang về cho họ hàng thân thích ngay trước ánh mắt vô vọng và bất lực của cụ Lưu. Có hôm cụ khát quá gọi chúng mang nước cho mà chúng không ra, cụ đành phải cố lê thân hình khó nhọc trên giường để lấy nước uống.
“Biết chúng làm xằng làm bậy nhưng tôi cũng chẳng nghĩ ra cách nào để giải thoát cả. Con mình yêu thương, quan tâm mình thì sự vụ đã chẳng thế. Giờ tôi mà nói là người giúp việc lấy hết quần áo của mẹ rồi thì liệu thằng con tôi nó có tin vào lời của một “bà già lẩm cẩm”? Cộng thêm miệng lưỡi dẻo ngọt từ hai người giúp việc thì phần thua chắc chắn nằm trong tay tôi rồi.” Nghĩ vậy nên nhiều khi ấm ức muốn nói ra nhưng cuối cùng bà lại cố “ngậm tăm” để cuộc sống của cụ bình yên và cũng để con trai cụ đỡ đi phần nào những lo toan bộn bề ngoài xã hội.
Dù bệnh tật, dù bị đối xử tàn nhẫn nhưng người mẹ ấy lúc nào cũng trăn trở sợ con kiệt sức. Bù lại cho sự quan tâm của bà chỉ là những ánh mắt thương hại đôi khi là đỏ ngầu giận dữ vì “Tôi đã bảo bà phải tuyệt đối nghe lời ôsin cơ mà!?”
Và rồi chuyện gì đến cũng đến, trong một lần cố lê ra gần thành giường để lấy nước uống cụ đã lại ngã thêm một cú nữa. Trong căn phòng thân quen của bệnh viện, chín người con còn lại của cụ giả đò quan tâm, yêu thương mẹ và đổ dồn hết lỗi bệnh tật của cụ lần này lên đầu người anh cả.
To miệng là vậy nhưng khi người anh cả vùng vằng: “Thế ai chăm sóc mẹ được tốt hơn thì mang về mà nuôi, tôi càng rảnh nợ!” thì mấy người con còn lại đều co rúm người lại, kêu ca đủ điều. Nhà người con thứ hai thì bận bịu bán hàng không có thời gian chăm mẹ, con thứ ba thì không có điều kiên kinh tế, đứa thứ tư thì nói nó bố mệ chồng khó tính, đứa thứ năm thì thường xuyên phải đi công tác xa…“Thế đấy mỗi đứa một lý do chúng cứ đứa qua đưa lại nhau như tôi là quả bóng vậy” – cụ Lưu nghẹn ngào.
Sau buổi họp gia đình đầy căng thẳng đó, mười người con của cụ quyết định là mỗi nhà sẽ chăm sóc cụ trong một tháng. Nói là đưa mẹ về nhà phụng dưỡng lúc tuổi già nhưng các con thứ của cụ cũng chẳng khá khẩm gì hơn anh con cả, có người còn quên không cho cụ ăn.
Chịu cái cảnh du lịch nửa mùa này đâu được một năm thì mấy đứa con cụ lại họp nhau lại để tìm một trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hợp lý và đẩy được “mẹ già khó ưa” này đi. Và thế là hàng tháng con cái sẽ cùng nhau góp tiền để đóng hàng tháng cho Trung tâm còn hiếm hoi lắm mới có một người con đến thăm cụ. Thỉnh thoảng nếu con nào có đến chơi thì cũng chỉ suốt ngày kêu than con khổ thế này, thế kia khiến lòng bà cụ vốn xót con chẳng vui lên mà càng trở nên rầu rĩ.
Kể gần hết về cuộc đời mình cuối cùng cụ thỏ thẻ: “Tôi cũng sắp được về nhà rồi. Các con tôi lại đến đón về.” Khi chúng tôi chúc mừng cụ vì các con cụ có lẽ đã suy nghĩ kỹ và hối hận về những hành động của mình nên mới lại được xin đón mẹ về thì cụ chép miệng: “Mừng gì đâu hả các cô. Chúng vừa đi gọi hồn ông nhà tôi. Ông ấy bảo là chúng may mười đứa mà không chăm nổi mẹ mày hay sao mà phải đưa vào Trung tâm nhờ người ta chăm giúp thế. Nếu chúng mày mà không đón mẹ mày ra, để bà ấy tiếp tục sống trong đấy thì cũng đừng mong mà làm ăn phát đạt như trước nữa.
Lúc đầu chúng cũng có tin đâu nhưng về sau chắc có một vài trục trặc về buôn bán, bệnh tật nên chúng “hoảng” quá muốn xin đón tôi về thôi.” Bỗng nhiên nụ cười gượng trên môi cụ trở nên méo xệch, nơi khóe mắt, những giọt nước mắt nặng trĩu đua nhau hối hả rơi! Liệu rằng lần này, nỗi khổ đau của người mẹ già tần tảo, thương con ấy có chấm dứt?
Thùy Trang