Làm người hòa giải đã gần 20 năm, nên những trường hợp khó xử nhất, gai góc nhất ông Nguyễn Hải Đồng, thành viên tổ hòa giải của xã Hưng Long, Mỹ Hào, Hưng Yên cũng đã từng trải qua, với mỗi trường hợp ông đều có cách ứng phó linh hoạt khiến cả người trong cuộc và ngoài cuộc đều phải tâm phục khẩu phục.
Trong đó, trường hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn và chị Phạm Thị Trang là trường hợp khiến ông Đồng mất nhiều công sức suy nghĩ nhất, vất vả nhất mới có thể hòa giải thành công được.
“Làm vợ thì không được phép giỏi hơn chồng…”
“Cuộc sống ở nông thôn nhiều khi còn hơi bất bình đẳng, suy nghĩ và nhận thức còn kém và chưa mang tính mở.
Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình, có khi chỉ vì sự nghèo túng, thiếu thốn, sinh con một bề, chồng cờ bạc rượu chè, hoặc vợ học thức cao hơn chồng…
Những mâu thuẫn nhỏ nếu không được giải quyết sẽ dẫn đến mâu thuẫn lớn khó dung hòa. Vì thế, mình là trí thức nên phải là người giúp họ hiểu đúng đắn vấn đề, nhận ra lỗi lầm và lấy lại hạnh phúc” – Ông Đồng chia sẻ.
Với hơn 20 năm tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc và gần 10 năm học và công tác tại Học viện Quân Y, ông Đồng đã tích lũy cho mình những kinh nghiệm sống quý giá, sự kiên trì bền bỉ, lòng thương yêu con người và đặc biệt là những giá trị quý báu của hạnh phúc gia đình.
Người người chồng đánh đập vợ chỉ vì học thức cao hơn mình. Ảnh minh họa |
Vì thế, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại nước bạn Lào, năm 1980 ông trở về quê và tham gia vào hoạt động xã hội của địa phương. Và cho đến nay, công tác hòa giải là điều mà ông tâm đắc nhất cho đến suốt cuộc đời.
Nói về trường hợp của gia đình anh Tuấn và chị Trang, ông Đồng cho biết đó cũng chỉ là một trong số những trường hợp mà ông hòa giải thành công, nhưng điều đặc biệt ở chỗ là để hòa giải được trường hợp này, ông đã mất nhiều công sức, đi khắp nơi, huy động tín nhiệm của nhiều ban ngành đồng thời vạch ra một kế hoạch hoàn hảo để họ có thể trở về với nhau.
Anh Tuấn và chị Trang đến với nhau là do có người mai mối, nhưng về sống với nhau rồi mới này sinh tình cảm. Thấm thoắt 10 năm trôi qua và giờ hai người cũng đã có được 2 bé gái. Hạnh phúc vẫn cứ êm đềm trôi đi nếu như cuộc sống không gặp phải những khó khăn về kinh tế khiến cả hai vợ chồng phải lo lắng.
Vì nhà nghèo, lại không có tài nên anh Tuấn chỉ dừng lại ở việc biết viết chữ. Nhưng trái lại, chị Trang lại là người có học, kém anh Tuấn 1 tuổi nhưng chị cũng học hết cấp 3, mà ngày xưa để có thể học đến cấp 3 cũng là một kỳ tích.
Tuy nhiên, số phận không đem lại may mắn cho chị, học cao nhưng chị vẫn phải làm nông nghiệp, rồi thi thoảng tham gia công tác xã hội trong thôn xóm.
Biết là sự chênh lệch về trình độ cũng không có ảnh hưởng gì lớn đến hạnh phúc gia đình, thế nhưng điều qua tiếng lại, lâu dần anh Tuấn cũng thấy chạnh lòng, xấu hổ khi bị mọi người nói cái đầu thấp kém vợ.
Mỗi khi có khách tới nhà chơi anh Tuấn luôn là người ra tiếp chuyện mà ít khi để chị Trang ra vì cái sĩ diện nên lúc nào anh cũng chỉ sợ người ta cho rằng phận làm chồng mà không bằng vợ. Mỗi khi đụng vào chuyện gì đó mà hai người bất đồng ý kiến mà chị Trang cứ cố nói đúng là kiểu gì cũng bị anh Tuấn mắng, chửi: “Mày dám cãi tao à?”.
Có lần, hàng xóm sang chơi, biết tính sĩ diện của anh nên họ trêu: “May mà anh Tuấn lấy được chị Trang thông minh sắc sảo, lại có học thức cao, nếu không giờ cũng chẳng được thế này”.
Sau nghe được anh không những không tự hào về vợ mà sầm mặt lại lừ lừ nhìn chị Trang, đôi mắt đỏ vằm như chuẩn bị bốc lửa. Biết tính chồng nên chị đành im lặng cúi đầu.
Thế rồi sau bữa cơm tối, anh lấy cớ cơm nát, canh mặn mà nghiến răng chửi, đánh chị: “Này thì học thức, này thì thông minh, mày làm vợ thì không được phép giỏi hơn chồng nghe chưa, biết điều thì ở nhà chăm sóc chồng con để ông còn kiếm tiền…”, hai đứa con nhỏ cũng sợ hãi mà khóc thét lên.
Từ đó, anh Tuấn trở nên cục tính, lầm lì và vũ phu hơn, những trận chửi rủa, những trận đòn cứ thường xuyên như cơm bữa. Anh bắt chị Trang ở nhà đồng áng, chăm con chăm chồng, không cho tham gia vào bất cứ hoạt động xã hội nào của thôn xóm.
Chị Trang lúc nào cũng chỉ lầm lũi ở xó nhà, sang chơi với hàng xóm mà bị anh Tuấn phát hiện thì y rằng tối về lại ăn đòn. Hàng xóm biết chuyện sang khuyên bảo anh cũng không nghe.
Chị Trang không thể chịu đựng được nữa nên bế con bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Anh Tuấn biết vậy nhưng cũng không làm gì và hỏi ý kiến anh chị em trong nhà. Mọi người đều khuyên anh bỏ vợ để sau này khỏi nhục vì vợ. Anh cũng làm theo và không đón chị và con về.
Thế nhưng từ khi chị Trang về nhà ngoại, anh Tuấn chỉ có một mình với căn nhà trống trải, không ai cơm nước giặt giũ, không có con để mong anh mỗi khi về nhà, anh thấy buồn và hối hận vì những hành động thiếu suy nghĩ của mình. Mọi người hòa giải anh không nghe, mà anh chỉ nể và tin tưởng mình ông Nguyễn Hải Đồng.
Kế hoạch hòa giải thuyết phục
Ông Đồng cho biết, anh Tuấn cũng đã nhiều lần tới gặp ông khóc lóc, van xin để nhờ ông tới nhà vợ hòa giải, tuy nhiên sau nhiều lần thấy anh hối hận thực sự nên ông mới quyết tâm giúp, và cũng vì ông thương những bọn trẻ nhiều hơn.
Sau khi yêu cầu anh Tuấn cho biết địa chỉ nhà vợ, ông nói với anh cứ yên tâm ở nhà đợi tin của ông.
Vậy là một mình ông Đồng đạp xe gần 6 cây số tới nhà chị Trang. Qua điều tra ông được biết nhà bố mẹ chị trồng và bán rất nhiều cây cảnh, nên ông đã đưa ra kế hoạch để tiếp cận “đối tượng”.
Ông Đồng nhớ lại: “Sau vài lần tới xem cây cảnh, tôi mới thân thiết được với ông Kha - bố vợ anh Tuấn. Mỗi khi nói chuyện phiếm, tôi đều hỏi dò “Hình như nhà ông có con gái lấy chồng ở Hưng Long, xã tôi thì phải?”, bấy giờ ông Kha mới lắc đầu, thở dài nói: “Vâng, đúng thế, nhưng giờ hai vợ chồng nó xích mích, thằng chồng đánh chửi nó nhiều quá nên nó về đây rồi và chuẩn bị đi nước ngoài, cũng chẳng biết thế nào nữa. Có chồng như vậy thà không có còn hơn, khổ vợ khổ con chứ làm cái gì.”
Sau khi nghe được những lời nói, cử chỉ và thái độ của ông Kha, ông Đồng biết vụ này có vẻ khó hòa giải, vì bên nhà vợ không còn chút tin tưởng vào anh Tuấn, đồng thời cũng biết được tâm tư nguyện vọng của gia đình bên ấy.
Biết vậy, ông Đồng đinh ninh là chị Trang chắc vẫn quanh quẩn ở nhà chứ chưa đi đâu xa, rồi ông về thông báo tình hình cho anh Tuấn, đồng thời tiến hành kế hoạch hòa giải một cách nhanh chóng, thuyết phục để chị Trang chưa kịp đi xa. Nghe tin, anh Tuấn vui mừng và nhất quyết làm theo lời chỉ dạy của ông Đồng.
Để có được bằng chứng thuyết phục chị Trang quay lại, đồng thời cũng là chứng cứ để anh Tuấn không thể chối cãi khi tái phạm ông Đồng đã yêu cầu anh Tuấn viết một tờ giấy cam đoan.
Nội dung về những tội lỗi mà anh Tuấn đã gây ra cho chị Trang và các con, sau đó là sự hối hận của anh và cam đoan rằng sẽ không bao giờ được đánh đập, chửi bới, đối xử vũ phu với vợ nữa. Sau đó sẽ phải ký tên vào.
“Để tăng tính thuyết phục hơn nữa, tôi đã tới xã xin chả chữ ký của chủ tịch các ban ngành: Hội cựu chiến binh, hội nông dân, hội phụ nữ, hội người cao tuổi... vào bản cam đoan của anh Tuấn và làm nhân chứng cho sự hối lỗi của anh.
Đồng thời cho anh Tuấn biết, nếu anh còn tái phạm, đánh đập vợ con để chị Trang phải bỏ về nhà lần nữa thì bản cam đoan này sẽ được đọc trên đài phát thanh và không ai có thể giúp anh được nữa” – ông Đồng cho biết.
Sau khi đã có bản cam đoan của anh Tuấn, ông Đồng đã tới nhà chị Trang và đặt vấn đề với bố mẹ chị, rồi mời cả ông bà và chị Trang tới nhà anh Tuấn một chuyến.
Lúc ấy, ông Kha mới biết thì ra vị khách quen thuộc vẫn thường qua vườn cây nhà ông lại là họ hàng với anh Tuấn, vì nể tình thân với ông Đồng nên họ đã đồng ý.
Hôm đó, tại nhà anh Tuấn, có đủ bố mẹ của hai bên gia đình, hai vợ chồng và những đứa con, ông Đồng mới đưa ra tờ cam đoan của anh Tuấn, đồng thời photo ra làm nhiều bản và đưa cho mỗi người một bản giữ lại. Ông Đồng thay mặt anh Tuấn đọc tờ cam đoan trước cả nhà, biết xấu hổ nên cả buổi anh Tuấn chỉ cúi đầu im lặng.
Lúc mới đầu, không khí còn im lặng, căng thẳng. Nhưng sau khi có sự thuyết phục, phân tích và lý giải của ông Đồng, đồng thời ông cũng là người bảo lãnh cho sự hối hận của anh Tuấn, mọi người cũng xuôi.
Ông Kha chấp nhận và tha thứ cho anh Tuấn, rồi khuyên chị Trang về với chồng con. Không biết nói gì hơn, chị Trang ngồi khóc nức nở bên chiếc giường phần vì vẫn còn thương chồng, phần vì thương con, và hi vọng vào sự đổi thay thực sự của chồng. Lúc ấy, anh Tuấn mới xin lỗi và hứa sau này sẽ yêu thương vợ con hơn.
“Thế là đôi vợ chồng trẻ lại về với nhau sau quãng thời gian dài xa cách, những đứa con thấy bố mẹ khóc cũng xúm lại khóc theo. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Hi vọng sau này hai vợ chồng sẽ biết thương yêu nhau và quý trọng nhau hơn.” – ông Đồng vui vẻ nói.
Và cho tới bây giờ, cuộc sống của họ vẫn hạnh phúc, cái bản cam đoan kia ông Đồng vẫn giữ, ông hi vọng, và có lẽ sẽ không bao giờ phải dùng tới nó nữa.
- Song Lê
[links()]