Đạo võ của một võ sư danh tiếng đất Quảng Bình

06:23, Thứ năm 22/03/2012

( PHUNUTODAY ) - Ông Du luôn quan niệm “Dạy võ không chỉ đơn thuần là dạy các em biết cách tự vệ chiến đấu mà hơn hết là dạy những đạo lý làm người. Dù là môn võ nào đi chăng nữa, đạo vẫn là gốc nguồn của võ!”.

“Tôi dạy võ không phải vì tiền bạc mà đơn giản là vì đam mê, mong góp chút sức cho phong trào luyện tập võ thuật cổ truyền Việt Nam. Đặc biệt là ở các vùng làng quê, nơi phong trào tập võ chưa phát triển mạnh” – võ sư Du tâm sự.
[links()]
Võ sư Nguyễn Xuân Du năm nay 42 tuổi, nhưng hơn 20 năm qua ông lang thang khắp mọi miền quê tầm sư học võ. Khi dứt áo ra đi, ông mong ngày trở về mang theo võ nghệ khổ công học được và danh tiếng cho miền quê gió lào cát trắng.

Những năm 1991-1999, chàng trai trẻ Xuân Du tham gia hầu hết các võ đài ở khu vực Bình Trị Thiên. Với độc chiêu đá tạt hiểm ác, cực mạnh cùng những đường long đao xoáy tít khiến danh tiếng Xuân Du vang dội nhanh chóng trong giới võ học.

Sau cuộc chiến tay đôi với tay cao thủ thượng thừa võ Muay người Thái, Nguyễn Xuân Du “rửa dao gác kiếm” quy ẩn giang hồ, về quê sống cuộc đời thanh thản bên cạnh lớp võ cổ truyền miễn phí của mình.

Lang bạt học võ nghệ

Từ con đường bê tông rải thảm nhựa phẳng lỳ, chúng tôi rẽ vào con đường làng bằng đất, phơi đầy rơm rạ. Hỏi nhà võ sư Du, từ người già tới trẻ nhỏ ai cũng tận tình giúp đỡ. Một cụ già nhai trầu đỏ miệng, khoát tay bảo: “Có phải chú Du dạy võ cho mấy đứa nhỏ ở làng không?

Chú ấy ít khi ra khỏi nhà, thường quanh quẩn trong lò võ cùng đám đệ tử múa may dao kiếm”. Theo sự dẫn đường của một đứa nhỏ chừng 7 tuổi, cũng là môn đệ của vị  võ sư làng này, chúng tôi đi mãi rồi cũng thấy cơ ngơi cùng lò võ cổ truyền miễn phí của thầy Du.  

Võ sư Nguyễn Xuân Du trình diễn thế “đệ nhất siêu long đao”.
Võ sư Nguyễn Xuân Du trình diễn thế “đệ nhất siêu long đao”.

Điều đầu tiên ấn tượng nhất ở vị võ sư Nguyễn Xuân Du là gương mặt nghiêm nghị của kẻ võ học, đôi mắt có thần ánh lên sự minh mẫn. Khi chúng tôi đến cũng vừa lúc Du dạy cho học trò những tuyệt thế, yếu hiểm trong đường đi của thanh đao.

Gần năm mươi môn sinh ngồi dưới sân lát gạch chăm chú nhìn thầy triển khai chiêu thức. Với thanh long đao ước chừng nặng hơn mười cân, võ sư Du cầm chắc nịch trong bàn tay, thân hình nhanh nhẹn, uốn lượn, uyển chuyển như nước chảy mây trôi.

Đường long đao xoay tít, loang loáng ẩn chứa trong đó một nội lực võ công thâm hậu. Bài quyền kết thúc, võ sư Xuân Du đặt thanh long đao xuống. Nét mặt ông bình thản, nhẹ nhàng, trong hơi thở phát ra không hề có chút gì gấp gáp hay mệt mỏi.

Mặc dù bài quyền “đệ nhất siêu long đao” là một trong những môn khổ công tu luyện, tập trung tinh thần để dùng nhiều sức mạnh cơ thể.

Tiếp chuyện chúng tôi, võ sư Nguyễn Xuân Du cho biết, ông hiện là Trọng tài Võ cổ truyền quốc gia, Ủy viên Ban chấp hành Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Bình. Những năm 1991-1999, khu vực Bình Trị Thiên mở ra nhiều khu vực võ đài tự do để thi thố võ thuật, tranh tài cao thấp.

Mọi hảo cao thủ miền Trung xôm tụ khá đông đủ trong các lần tổ chức, háo hức được thử sức mình với bao kỳ tài võ thuật.

Thời điểm ấy, chàng trai trẻ đầy nghĩa khí Nguyễn Xuân Du cùng Nguyễn Quang Hiệp liên tục giật giải quán quân, chiến thắng vang dội trước sự im lặng hậm hực của kẻ thất bại. Hai ông được mệnh danh là những “mãnh hổ” quyền uy.

Khi bước chân lên sàn đấu, Xuân Du thường trụ đài một vị trí và phang ra những đòn đá tạt uy lực bằng chân trước. Những đòn đá cực kỳ mạnh mẽ lạ thường, đa số nhiều đối thủ nếm phải đòn này thì đều chung số phận “nốc ao” ngay hoặc có khi bay ra khỏi đài.

Ngón đòn này được Du sử dụng thành thục qua nhiều năm trời, trở thành thế mạnh và đặc trưng riêng. Có lẽ chính vì vậy mà người trong giới võ nghệ thường mến tặng gọi Du là “vua đá tạt”.

Hướng mắt phía những môn đồ đang miệt mài tập luyện, võ sư Nguyễn Xuân Du kể lại rằng ông sinh ra trong một gia đình dòng dõi võ thuật ở làng Xuân Hồi, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Lên năm 8 tuổi, cậu bé Xuân Du đã theo cậu là võ sư Lê Văn Hoàng học võ thuật cổ truyền. Có niềm đam mê cùng tố chất võ học nên cậu bé Du hăng say luyện tập, có khi bỏ dỡ bữa ăn chạy ra sân cầm kiếm múa mải miết.

Năm 1989, võ sư Nguyễn Xuân Du từ biệt cố hương để lên Khe Sanh thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị với ý định lập nghiệp. Hằng ngày ông làm cửu vạn bốc vác mọi thứ mà người ta thuê, kiếm ít ỏi tiền mưu sinh.

Tại đây, ông “tầm sư học đạo” với 2 võ sư Hồ Văn Hinh, Hồ Văn Hứa, truyền nhân môn phái Tây Sơn Nam Phái.

Lúc này, Tây Sơn Nam Phái là một võ phái rất nổi tiếng ở khu vực miền Trung. Võ công môn phái là sự pha trộn kỹ thuật chiến đấu của các dòng võ Tây Sơn (Bình Định), võ Muay Thái, võ Lào nên phong cách thực chiến rất đa dạng, hiệu quả, đặc biệt rất mạnh ở trong trường hợp nhập nội giáp chiến.

“Không di chuyển nhiều, vận dụng đòn tay linh hoạt mạnh mẽ của môn Quyền Anh, gối chỏ của Muay và đòn chân trong võ Việt chính là nét đặc sắc của Tây Sơn Nam Phái”- võ sư Xuân Du cho biết.

Thị trấn Khe Sanh có vị trí nằm sát cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, việc thông thương làm ăn buôn bán diễn ra quanh năm nhộn nhịp. Không chỉ là địa danh lịch sử nổi tiếng, Khe Sanh còn được xem như là miền đất võ của cả miền Trung, tập trung những võ sĩ đánh đài nổi tiếng các tỉnh…

Các võ đài dựng lên, quanh năm diễn ra hàng ngàn những trận đấu lớn nhỏ gay cấn. Hai năm sau, võ sư Nguyễn Xuân Du bắt đầu thượng đài võ tự do tại các lôi đài Khe Sanh.

Võ sư Nguyễn Xuân Du với tư chất thông minh và nền tảng hơn 10 năm theo học võ thuật đã nhanh chóng hấp thụ toàn bộ những sở học tinh hoa võ thuật của hai vị võ sư, phát huy những kỹ thuật chiến đấu thượng thừa của Tây Sơn Nam Phái.

Khi nghe đến tên tuổi của ông, nhiều người dân ngưỡng mộ võ thuật đã gác lại công việc để tận mắt thấy Du ra đài chiến đấu.

Vào năm 1995, võ sĩ Puoat Xannarit, đương kim vô địch môn Muay Thái tại khu vực Đông Bắc Thái Lan đã lập lôi đài thách đấu tại thị trấn Khe Sanh. Các môn phái khác trước uy danh của võ sĩ máu chiến này đều có ý thoái lui, không một ai dám lên tiếng đáp lời thách đấu.

Để giữ thể diện và oai danh của mình, Tây Sơn Nam Phái đã cắt cử Nguyễn Xuân Du lên phá đài và hy vọng chiến thắng. Mới vào trận thấy bên đối phương dáng người nhỏ bé như một thư sinh, Puoat có phần coi thường, cười thầm trong bụng.

Vào trận, Puoat đã chủ động di chuyển áp sát và tung đòn gối chỏ. Võ sĩ Xuân Du bình tĩnh phòng thủ, hóa giải và trả đòn bằng chính những đòn đánh chỏ gối mang chính bản sắc… Muay Thái.

Trận đấu diễn ra gay cấn, quyết liệt, Puoat thường xuyên tung những đòn đá chẻ khá hiểm hóc. Đáp lại, võ sư Xuân Du liên tục nhập nội để hạn chế đòn đá chẻ đối phương và tung ra những cú đấm liên hoàn của Quyền Anh rất mạnh vào đầu Puoat.

Những cú đấm dứ liên tục vào vùng đầu làm cho Puoat phải rất vất vả bo găng phòng thủ. Trong một tích tắc khi cùi chỏ cánh tay Puoat nâng cao lên bảo vệ đầu, võ sư Xuân Du thừa thế đã tung ra một đòn đá tạt cực mạnh vào hông Puoat.

Đòn đá quá mạnh của một võ sĩ được mệnh danh là “Vua đá tạt” đã khiến Puoat đổ gục, không đứng dậy được. Sau trận đấu đó, võ sư Xuân Du được Ban tổ chức thưởng 5.000 đồng, giá trị tương đương khoảng 5 triệu hiện tại.

Kể lại về quá trình khổ luyện đòn đá tạt, ông Du nói: “ Ở thị trấn Khe Sanh khi đó có vô số chuối rừng, loại chuối này cứng và mềm dai hơn nhiều chuối mình (chuối ta), mấy anh em chúng tôi chặt chúng về và treo lên gốc cây, tập đá cho khi nào nó gãy đôi thì thôi!

Ban đầu chưa quen bàn chân sưng lên đau dữ lắm. Lâu dần thành quen, nội lực bàn chân tăng lên, chỉ cần đá một cái là cả cây chuối to gãy đôi”. Suốt gần mười năm ở Khe Sanh, hầu như ngày nào ông Du cũng tập đã chuối rừng. Bởi vì nếu bỏ một tháng ngắn ngủi, xem như công lực sẽ nhanh mất hết.

Tinh thần đạo võ

Sau hơn 10 năm thượng đài với vô số thành tích, năm 1997, võ sĩ Nguyễn Xuân Du giải nghệ và về quê lấy vợ. Ông mở lớp võ tại sân nhà riêng của người anh trai (ngã ba Cam Liên, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) và tiếp tục kế thừa phát triển tinh hoa võ phái.

Lớp võ miễn phí ban đầu chỉ là một khoảng sân nhỏ hẹp chưa đầy 200 mét vuông (sau này lớp võ chuyển ra tại sân trụ sở Nhà văn hóa thôn Mỹ Duyệt, xãCam Thủy).

Nghe tiếng võ sĩ Xuân Du về mở lớp võ, nhiều bà con họ hàng đã đến gửi con theo học. Không chỉ có các em nhỏ và thanh niên mà thậm chí là những người lớn tuổi trung niên cũng đăng kí để học võ thuật.

“Cái sân nhỏ mà có hơn 200 người học, tôi phải chia lớp ra để dạy. Lớp người lớn và lớp trẻ em nhỏ. Nhìn lớp học đông vui mình cũng phấn khởi và có thêm động lực để dạy”- võ sư Nguyễn Xuân Du vui vẻ nói.

Khắc phục mọi thiếu thốn khó khăn, võ sư Nguyễn Xuân Du đã đào tạo được một thế hệ học trò đầu tiên gặt hái được nhiều thành công, đạt thứ hạng cao tại giải Vô địch võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Trị lần thứ nhất.

Lớp học trò này đã trở thành những chú “gà chiến” chất lượng, làm nòng cốt cho đội tuyển võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Trị đi thi đấu giải quốc gia, điển hình trong số đó là những cái tên Văn Quý, Văn Trỗi, Xuân Long, Ngọc Dương, Quang Tiến…

Mười lăm năm qua, võ sư Nguyễn Xuân Du đã đào tạo ra hàng trăm huấn luyện viên và vận động viên võ thuật. Điều đặc biệt là ngoài tiền phí may võ phục đai đẳng ra, thì suốt quảng thời gian dài ấy, ông không hề thu thêm một khoản tiền nào cả.

Ông tâm sự: “Tôi dạy võ không phải vì tiền bạc mà đơn giản là vì đam mê, mong góp chút sức cho phong trào luyện tập võ thuật cổ truyền Việt Nam. Đặc biệt là ở các vùng làng quê, nơi phong trào tập võ chưa phát triển mạnh” – võ sư Du tâm sự.

Ông Du luôn quan niệm “Dạy võ không chỉ đơn thuần là dạy các em biết cách tự vệ chiến đấu mà hơn hết là dạy những đạo lý làm người. Dù là môn võ nào đi chăng nữa, đạo vẫn là gốc nguồn của võ!”.

Sau hơn mười lăm năm dạy võ, niềm vui lớn nhất của ông là được nhìn thấy các học trò của mình khôn lớn, trưởng thành. Những học trò của ông hiện giờ rất nhiều người đã có gia đình, có công ăn việc làm ổn định.

Trong số đó, có người tiếp tục theo đuổi nghiệp võ, có người làm bác sĩ, công an, sĩ quan quân đội…

Hằng năm, cứ đến ngày 20/11, các thế hệ học trò của võ sư Nguyễn Xuân Du dù đang học tập và làm việc ở đâu vẫn không quên gọi điện về cho ông, và gửi những lời chúc như với những thầy cô trong ngành giáo dục khác.

Và đây cũng chính là món quà vô giá mà ông đã có được trong suốt mấy chục năm theo nghiệp võ, nó trở thành động lực để ông tiếp tục cố gắng cho công việc giảng dạy, truyền bá, phát huy võ thuật cổ truyền một thời vang danh lẫy lừng.

  • Cao Nguyên
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc