Dấu ấn của ứng viên Phó thủ tướng Phạm Bình Minh

06:17, Thứ hai 21/10/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Ở vai trò Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Phạm Bình Minh được đánh giá đã có cố gắng rất nhiều để thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, phù hợp với lợi ích của Việt Nam.

                     Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh.

Ông Phạm Bình Minh sinh năm 1959, quê ở Nam Định, có học vị thạc sỹ Luật và Ngoại giao tại Trường Fletcher Tuft, Mỹ. Ông Minh là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Xuất thân trong gia đình có cha là nhà ngoại giao nổi tiếng (ông Nguyễn Cơ Thạch, tên khai sinh Phạm Văn Cương, từng là Bộ trưởng Ngoại giao và Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), ông Phạm Bình Minh nối nghiệp cha khi theo học tại ĐH Ngoại giao Hà Nội (nay là Học viện Ngoại giao). Tốt nghiệp năm 1981, ông làm chuyên viên Vụ Đào tạo (Bộ Ngoại giao) và trải qua quá trình hoạt động liên tục 30 năm trong ngành trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII năm 2011.

 Trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ vào năm 2006 khi vừa được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X, ông Phạm Bình Minh chia sẻ về ảnh hưởng của người cha đối với sự nghiệp ngoại giao của mình: “Cha tôi nói rằng ông rất tâm huyết với nghề ngoại giao và mong mỏi có một người con nối nghiệp. Tôi thật sự biết ơn cha tôi vì đã hướng tôi vào một công việc nhiều ý nghĩa”.

Về con đường thăng tiến trong sự nghiệp, ông Phạm Bình Minh nói: “Cha tôi nghỉ việc ở ngành ngoại giao từ năm 1991 và mất cách đây đã 8 năm (năm 2006). Nhưng những kết quả tôi đạt được ngày nay phần nhiều nhờ tôi học từ cha mình. Ông vừa là người cha vừa là người thầy của tôi và ảnh hưởng rất lớn tới phong cách làm việc của tôi”.

Nói về công việc của mình trên cương vị người hoạt động hàng chục năm ở ngoại giao đa phương, ông Minh cho rằng, “vai trò của người cán bộ ngoại giao trong thời bình cũng quan trọng như vai trò của người lính trong thời chiến”.

 Ở vai trò Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Phạm Bình Minh được đánh giá đã có cố gắng rất nhiều để thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Ông Minh cũng đẩy mạnh sâu sắc quan hệ với các nước. Ngoài việc nâng cấp, tăng cường quan hệ với các nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc. Năm nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ chiến lược với một số nước như Pháp, Thái Lan, Indonesia và Singapore.

Có thể thấy rõ những hoạt động tích cực của Bộ trưởng Phạm Bình Minh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 diễn ra hồi đầu tháng 7/2013 tại Brunei với 8 nước Đối thoại gồm: Australia, Canada, Liên minh Châu Âu (EU), Ấn Độ, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Hoa kỳ.

Phát biểu tại các hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao những tiến triển tích cực và quan trọng trong quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác; nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực cùng có lợi ích chung như kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, ứng phó với các thách thức đang nổi lên và các vấn đề an ninh phi truyền thống…

Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị các Đối tác tiếp tục ủng hộ và có những đóng góp thiết thực cho các mục tiêu trọng tâm của ASEAN như xây dựng Cộng đồng, triển khai liên kết và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển Tiểu vùng, trong đó có Tiểu vùng Mê Công, cũng như ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế của khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+…

Trong trao đổi tại các hội nghị, Bộ trưởng cũng khẳng định ủng hộ mạnh mẽ lập trường và các nguyên tắc ASEAN về vấn đề Biển Đông, trong đó có nguyên tắc kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng Luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc (1982); đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm có Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) để bảo đảm hiệu quả hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Năm 2013 đánh dấu mốc 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, ông Phạm Bình Minh đã có chuyến công du Nhật bản hồi giữa tháng 9 vừa qua.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu của Việt Nam nhất là về kinh tế, thương mại và sẵn sàng cùng phía Nhật Bản thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước không ngừng củng cố và phát triển.

Tại cuộc họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 5 do Bộ trưởng Phạm Bình Minh cùng Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kishida Fumio chủ trì hai bên đã kiểm điểm lại chương trình hợp tác của Việt Nam và Nhật Bản trong năm qua, đồng thời bàn biện pháp thúc đẩy thực hiện các chương trình hợp tác. Trong đó, hai bên nhất trí tăng cường thúc đẩy và chuẩn bị cho những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước từ nay đến và trong năm 2014, thời cực thúc đẩy một cách có hiệu quả những hiệu ứng hiện có giữa Việt Nam và Nhật Bản, đó là những cơ chế đối thoại, giúp việc giữa Việt Nam – Nhật Bản, cũng như đối với văn phòng hai nước Việt Nam – Nhật Bản.

Hai bên cũng trao đổi nhiều về các biện pháp để tăng cường cho các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Về thương mại, hai bên đã nhất trí với nhau về việc cần những biện pháp thúc đẩy để thực hiện các thỏa thuận của lãnh đạo hai nước, đó là làm sao tăng gấp đôi kim ngạch thương mại giữa hai nước vào năm 2020, như trong Tuyên bố Việt Nam – Nhật Bản vào năm 2011.

Trong đó, thay mặt Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Bình Minh có đề nghị phía Nhật Bản tạo điều kiện hơn nữa cho các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản. Đặc biệt là hàng nông sản, phía Việt Nam cũng đưa ra những đề nghị rất cụ thể, như đề nghị tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam xuất được xoài hay thanh long tiếp cận thị trường Nhật Bản. Đối với hàng thủy sản, cần có áp dụng tiêu chuẩn cụ thể như của châu Âu thì hàng thủy sản Việt Nam mới có thể tiếp cận được với người tiêu dùng Nhật Bản.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao nguồn viện trợ phát triển của Nhật Bản. Đến nay, Nhật Bản là nước đứng đầu trong việc viện trợ phát triển cho Việt Nam. Tại cuộc họp, phía Nhật Bản đã thông báo sẽ viện trợ 500 triệu USD để thực hiện 3 dự án trong giai đoạn 1 của năm tài khóa 2013, đây là những dự án rất quan trọng về xây dựng cơ sở hạ tầng cho Việt Nam.

Một kết quả đáng chú ý nữa, tại cuộc học lần này hai bên đã trao đổi với nhau về việc hợp tác trong các diễn đàn đa phương và các cơ chế đa phương. Ví dụ, Việt Nam và Nhật Bản đều đang tham gia trong quá trình thương lượng Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), cần phối hợp với nhau để thực hiện việc kết thúc thắng lợi trong năm 2013 như theo lịch trình. Hay hợp tác với nhau trong việc thỏa luận về kinh tế trong ASEAN với các đối tác.

Cũng trong tháng 9/2013, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp tục có chuyến tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức (IAMM) tổ chức bên lề khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) lần thứ 68 tại thành phố New York, Mỹ nhằm chuẩn bị Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, sẽ diễn ra từ ngày 8 - 9/10 tại Brunei, theo TTXVN.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao nỗ lực của nước Chủ tịch Brunei, nhấn mạnh trong năm 2013 ASEAN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có việc củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề an ninh và phát triển ở khu vực cũng như cho việc tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ Liên hợp quốc.

Cùng ngày, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã tham dự Cuộc họp giữa các Ngoại trưởng ASEAN với Tổng Thư ký LHQ và Chủ tịch ĐHĐ LHQ. Trong phát biểu, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao hợp tác ASEAN–LHQ thời gian qua, đặc biệt là đóng góp của LHQ trong nỗ lực của ASEAN thúc đẩy xây dựng cộng đồng vào năm 2015, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối nội khối. Bộ trưởng cho rằng ASEAN và LHQ có thể tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực như hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ, xử lý các vấn đề toàn cầu.

Về tình hình khu vực, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng các bên liên quan cần nỗ lực thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn hàng hải ở khu vực, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982 của LHQ, triển khai Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Hồi cuối tháng 5 vừa qua, trong vai trò đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ với những lo lắng, sốt ruột của cử tri, đại biểu bên lề Quốc hội về tình hình Biển Đông.

Sau sự việc va chạm nghiêm trọng trên Biển Đông giữa tàu cá Việt Nam và tàu Trung Quốc vừa qua (tàu Trung Quốc truy kích, suýt đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt hải sản tại ngư trường Hoàng Sa), Bộ Ngoại giao đã ra công hàm phản đối. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng có những luận điệu phản bác ngang ngược.

Bộ trưởng Minh thừa nhận gần đây tình hình Biển Đông có những căng thẳng tăng thêm, nhưng ông nhấn mạnh: "Ta phải tiếp tục đấu tranh ngoại giao. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nêu rất rõ, vùng đánh cá đó là ngư trường của Việt Nam. Việc Trung Quốc cản trở việc đánh cá của ngư dân ta là vi phạm các nguyên tắc ứng xử trên biển", theo VNE.

"Nguyên tắc của Việt Nam là bảo vệ ngư dân và những hành vi cản trở ngư dân như vậy là rất nghiêm trọng. Trên ngư trường, nếu có những vi phạm vào vùng biển của Việt Nam thì các lực lượng chức năng sẽ có trách nhiệm bảo vệ".

Chia sẻ với những lo lắng của đại biểu Quốc hội về tình hình biển Đông, trước không ít ý kiến đặt ra về tính hiệu quả của các biện pháp ngoại giao được kiên trì áp dụng lâu nay và đòi hỏi Việt Nam cần tính đến các biện pháp mạnh mẽ hơn, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói rằng: "Ta đang dùng tất cả các biện pháp để đấu tranh bảo vệ ngư dân. Đấu tranh ngoại giao là biện pháp trong thời bình và luôn là biện pháp được tất cả các nước sử dụng. Những sự việc tranh chấp trên biển không chỉ có ngư dân Việt Nam phải đối mặt mà ngư dân các nước khác trong khu vực cũng vậy".

"Việt Nam dùng biện pháp ngoại giao và tất cả các biện pháp hòa bình có thể để đấu tranh, bảo vệ chủ quyền", Bộ trưởng Minh nhấn mạnh.

Mới đây nhất trong sáng 10/10, khi tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao việc Ngoại trưởng John Kerry cùng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vừa ký tắt Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: