Sáng 24/5, Quốc hội bỏ phiếu chính thức phê chuẩn ông Đinh Tiến Dũng làm Bộ trưởng Bộ Tài chính với số phiếu đồng thuận 71,2 %.
[links()]
Trước đó, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc bổ nhiệm ông Đinh Tiến Dũng làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, thay cho người tiền nhiệm là ông Vương Đình Huệ đã được điều chuyển sang làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương với số phiếu 88,75%.
Ông Đinh Tiến Dũng chính thức được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Tài chính. |
Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm chức danh Tổng kiểm toán Nhà nước của ông Dũng với đa số phiếu thuận. Đây là một thủ tục cần thiết trước khi bỏ phiếu bầu ông làm Bộ trưởng Tài chính.
Đồng thời ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình nhân sự Tổng kiểm toán mới là ông Nguyễn Hữu Vạn, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, để Quốc hội thảo luận cho ý kiến và bầu vào ngày 25/5.
Theo tờ trình của Chính phủ, ông Đinh Tiến Dũng sinh ngày 10/5/1961, dân tộc Kinh, trình độ chuyên môn cử nhân tài chính kế toán, thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh; trình độ lý luận chính trị cao cấp, ngoại ngữ tiếng Anh B.
Ông là cán bộ được đào tạo cơ bản, đã đảm nhiệm nhiều chức vụ trong bộ máy nhà nước trước khi được bầu làm Tổng kiểm toán, như Kế toán trưởng Tổng công ty thủy tinh và gốm xây dựng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tài chính của Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.
Tháng 1/2011, ông Dũng trúng cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, ngày 2/8/011 ông được Quốc hội bầu vào chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước thay người tiền nhiệm là ông Vương Đình Huệ.
Tổng Kiểm toán Nhà nước dưới thời ông Dũng đã tham gia kiểm toán rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực “nóng” của xã hội, như ngân hàng, Tập đoàn, tổng công ty nhà nước…
Mới đây, tờ SGTT đã dẫn kết quả kiểm toán năm 2011 của Kiểm toán Nhà nước tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kết quả cho thấy, thu nhập bình quân của các chức danh quản lý thuộc khối văn phòng tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước cao hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân của các đơn vị thành viên.
Như Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), thu nhập bình quân của lãnh đạo là 79,749 triệu đồng/người/tháng, khối văn phòng Tổng công ty là 32,9 triệu đồng/người tháng. Tại tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) thu nhập bình quân của lãnh đạo năm 2011 là 56,5 triệu đồng/người/tháng, khối văn phòng Tổng công ty cao nhất là 28,4 triệu đồng/người/tháng...
Trong khi, theo Kiểm toán nhà nước, năm 2011, có 4/27 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và một số công ty con thuộc khối này thua lỗ, và nhiều tập đoàn, tổng công ty có kết quả kinh doanh giảm mạnh so với năm 2010.
Như, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ tới 1.671 tỉ đồng; tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) lỗ 137,9 tỉ đồng; tổng công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinainco) lỗ 19,83 tỉ đồng; tổng công ty Xăng dầu quân đội (Mipeco) lỗ 17,1 tỉ đồng.
Tổng nợ phải thu của 27 tập đoàn, tổng công ty nhà nước tính đến 31/12/2011 là 54.133 tỉ đồng; nợ phải thu trên tổng tài sản là 20,56 % và trên vốn chủ sở hữu là 82,97%...
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu hơn 491,5 tỉ đồng…
Theo Kiểm toán Nhà nước, doanh nghiệp xăng dầu có nhiều sai phạm, như Saigon Petro mắc vi phạm khi xây dựng mức thù lao cho đại lý, tổng đại lý không có cơ sở, chênh lệch lớn giữa các giai đoạn, khác biệt giữa các khách hàng và chưa đúng với quy định chung của công ty. Ngoài ra, chính sách điều hành giá bán xăng dầu, việc quản lý sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp này cũng còn nhiều bất cập...
Trong kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đang diễn ra, Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách năm 2011 đối với Ngân hàng Nhà nước, 6 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và chuyên đề huy động vốn, sử dụng vốn tại các công ty tài chính.
Theo Kiểm toán Nhà nước, nhu cầu vốn rẻ cho nền kinh tế chưa đáp ứng được, tăng trưởng tín dụng không đạt chỉ tiêu Chính phủ giao, trong khi tỉ lệ nợ xấu liên tục tăng từ năm 2007 và đặc biệt năm 2011 đã tăng đột biến, lên mức 3,07%…
Tại một số thời điểm, xuất hiện giao dịch cho vay, gửi tiền liên ngân hàng lãi suất cao hơn quy định. Thậm chí, vào tháng 10/2011, có giao dịch lãi suất lên tới 30%, tháng 11/2011 có giao dịch với lãi suất lên tới 37,5%/năm, trong khi lãi suất huy động trên thị trường lúc đó theo quy định của NHNN tối đa là 14%/năm.
Đáng chú ý, một số ngân hàng cho vay trên thị trường liên ngân hàng có nợ quá hạn cao. Điển hình là số dư tiền gửi đến ngày 31/12/2011 của MHB tại các tổ chức tín dụng khác là 11.737,8 tỉ đồng, trong đó số quá hạn chưa thu được phải gia hạn là 1.157 tỉ đồng và hơn 4 triệu USD. Song hành với đó là tỉ lệ nợ xấu tại các ngân hàng còn cao như BIDV 2,96% (chưa bao gồm nợ của Vinashin), MHB 2,49%...
Cuối năm 2011, Kiểm toán Nhà nước cũng đã công bố kết quả kiểm toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), theo đó, năm 2010 EVN lỗ 8.416 tỉ đồng; tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là âm 14,8%; tỉ suất lợi nhuận/tổng tài sản là âm 2,78%. Kết quả SXKD của EVN giảm so với năm 2009 là 11.907 tỉ đồng. Trong đó, số lỗ trong SXKD điện của EVN là 10.541 tỉ đồng…
Đầu năm 2013, Kiểm toán Nhà nước cũng công bố kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2010 và kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), với nhiều sai phạm trong quản lý, trong đó có việc chậm nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng…
Theo kế hoạch kiểm toán năm 2013 của Kiểm toán Nhà nước, đơn vị này sẽ kiểm toán 8 tập đoàn nhà nước, trong đó có những ông lớn như Tập đoàn Dầu khí (PVN), Điện lực (EVN), Xăng đầu (Petrolimex)…
- P.V (tổng hợp)