Đau đầu dạy cháu đích tôn

15:15, Thứ sáu 27/01/2012

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Tôi chợt hiểu, không ai khác mà chính bản thân mình phải làm gương để con cái noi theo. Trong quá trình làm tròn chữ hiếu, vô tình tôi đã thay đổi suy nghĩ của con trai về cách sống.

(Phunutoday) - Trong xã hội hiện nay vẫn còn quan niệm “Chục gái không bằng một trai” nên việc cưng chiều con trai trong nhà là điều lẽ nhiên đúng, nhất là nhà nào chỉ có con trai độc đinh. Vì thế, đã có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười khi gia đình quá nuông chiều thằng con đích tôn của mình, việc dạy dỗ con cái càng trở nên khó khăn hơn khi có sự can thiệp của nhiều thế hệ trong gia đình.

[links()]

“Nó là đích tôn của cả cái nhà này đấy!”

Bà nội vui mừng nhận xét: “Thằng cháu đích tôn bây giờ ngoan lắm biết quan tâm lo lắng cho bà rồi”. (Ảnh minh họa)
Bà nội vui mừng nhận xét: “Thằng cháu đích tôn bây giờ ngoan lắm biết quan tâm lo lắng cho ông bà rồi”. (Ảnh minh họa)

Chuyện về gia đình chị Hảo ở Đống Đa – Hà Nội là một ví dụ điển hình. Chị và chồng chị đều là giảng viên đại học nên việc muốn thăng tiến trong công việc thì gia đình chị không thể sinh quá 2 con, con gái đầu của chị năm nay 7 tuổi, cả dòng họ nhà chồng chị chỉ cầu mong chị sinh thêm cho một thằng cu để còn nối dõi tông đường.

Tuy vợ chồng chị là người tiến bộ nhưng gia đình nhà chồng lại có gốc ở vùng quê Nghệ An nên việc mọi người thúc giục chị sinh con cũng là điều dễ hiểu. Từ ông nội của chồng chị, đến bố chồng rồi đến chồng chị đều là con trai duy nhất trong nhà, giờ đến chị mà không sinh được thằng con trai e rằng khó sống với mọi người lắm.

Mọi ước nguyện cũng thành hiện thực, đầu năm ngoái chị hạ sinh được một thằng cu như mong ước của mọi người. Từ hôm biết tin chị sinh được thằng cu, mọi người mừng ra mặt. Bà nội còn quyết định lên sống với cháu để còn chăm cháu đích tôn của bà, bà bảo: “Các anh các chị bây giờ vụng lắm, không chăm nổi cháu tôi đâu”, nên sau hôm hai mẹ con xuất viện bà cũng khăn gói ra Hà Nội dài ngày để chăm cháu.

Với anh chị thì con nào cũng là con mình, con gái cũng được mà con trai cũng tốt, chỉ mong chúng ngoan hiền, học hành thành đạt sau này thành người có ích cho xã hội là vui lắm rồi, con trai mà nó phá phách quá thì cũng bằng thừa. Thằng cu Tùng nhà chị giờ đã gần 2 tuổi rồi, chị than thở:

“Giờ nó nghịch lắm, được bà nuông chiều từ khi sinh ra nên nó chẳng biết sợ là gì nữa, không biết sau này nó lớn uốn nắn nó có kịp không nữa, tôi lo lắm nhưng chẳng biết làm thế nào. Làm thế nào được bây giờ khi cứ muốn dạy con, uốn nắn con thì bà nội lại can thiệp vào. Có lần nó không chịu ăn, lại phá phách làm đổ hết thức ăn lên người, tôi bực quá giơ tay đánh nó một cái vào mông, nó khóc thét lên, bà nó trong nhà chạy ra chưa biết chuyện gì đã bế cháu lên rồi mắng tôi là chị định đánh chết cháu tôi đấy à? Nó là đích tôn nhà này đấy!”.

Người xưa có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” cũng không có gì sai. Cu Tùng biết có bà chiều nó nên càng ngày càng được thể, muốn làm gì thì làm, muốn nghịch gì thì nghịch, thích quà gì hoặc thích đồ chơi gì là cứ gọi bà chứ có dám gọi bố mẹ đâu. Cu cậu mà làm gì sai, thấy bố mẹ thay đổi sắc mặt là cu cậu gọi bà như là bùa cứu sinh của cu cậu vậy, cứ như vậy, càng ngày cu Tùng càng quá đáng, lời nói của bố mẹ dần dần không còn có chút trọng lượng nào đối với nó nữa.

Có lần cu cậu mang cặp kính của bố ra nghịch, cặp kính này là của người bạn thân từ thuở bé của bố cu cậu ở Ý về tặng, nó đáng giá thật nhưng bố cu cậu lại rất quý tình bạn này nên để nó trong tủ làm kỷ niệm chứ không dùng. Bố thấy con đưa kính và mấy đồ đạc trong tủ ra chơi nên cũng nhắc nhở cu cậu cất vào cho bố rồi đưa đồ chơi của con ra mà chơi, ấy thế mà cu cậu vênh cái mặt lên bảo “bà cho con chơi rồi ấy chứ”.

Quay đi quay lại mấy vòng, cu cậu lấy cái búa cao su đập cái kính vỡ tan tành. Thấy sắc mặt của bố thay đổi, cu cậu như đánh hơi được mùi đòn roi nên mặt tái mét, thế mà cũng không quên gọi vọng một câu:  “Bà ơi”. Bà thấy cái giọng cháu gọi khác thường nên chạy xuống, cu cậu quấn ngay chân bà. Bà xuống nhìn hiện trường là biết ngay thằng cháu bà vừa gây ra tội gì nên cố ra sức bào chữa: “Con nít nó có biết gì đâu, hỏng rồi thì thôi chứ đánh con làm gì cho tội nó, mà tôi thấy anh có đeo cái kính đó bao giờ đâu”.

Tuy hôm đó có bà chữa cháy cho nhưng cu cậu vẫn không tránh được trận đòn của bố. Từ hôm đó cu cậu nể bố ra mặt, tuy vẫn còn phá phách nhưng khi bố đi làm về thì vẫn có biểu hiện thay đổi nhiều lắm. Từ hôm con trai đánh cháu đích tôn, bà giận vợ chồng chị Hảo liền mấy ngày, cứ ăn xong là bà lại bế cháu lên phòng, không tham gia bất kỳ chuyện gì trong nhà nữa.
 
Đem chuyện này phàn nàn với các chị em cũng có con nhỏ và sống cùng ông bà nội ở cơ quan, chị Hảo học hỏi được khá nhiều điều. Chị nhận ra rằng, sở dĩ con chị ngang bướng như vậy cũng một phần là do vợ chồng chị. Bà nội chiều cháu là điều đương nhiên, có vẻ như nhà nào cũng vậy. Nhưng cái quan trọng là vợ chồng chị phải có thái độ cương quyết, cứng rắn với con và phải là người quyết định chuyện dạy con cái trong gia đình.

Nể bà nội là một chuyện, dạy con lại là chuyện khác. Cái mà vợ chồng chị cần làm bây giờ là cần nói chuyện với bà nội của cu Tùng, để bà hiểu rằng, bà thương cháu thì không nên chiều cháu quá mà phải có kỉ luật, có nguyên tắc thì sau này thằng bé mới thành người tốt được. Cu Tùng là cháu đích tôn nhưng không có nghĩa là nó không phải bị phạt mỗi khi làm sai điều gì, không có nghĩa là nó muốn gì được nấy và không biết sợ ai...

Tuy nhiên, nói những điều này với bà nội của cu Tùng không phải là việc dễ dàng. Bởi mấy năm nay, bà có niềm vui lớn nhất là cu Tùng, mọi tình yêu thương bà dồn hết cho cháu. Vậy nên, vợ chồng chị cần hết sức hiểu và thông cảm cho bà để cùng chia sẻ tình cảm với bà và cùng bà nuôi dạy cu Tùng tốt nhất.

Cha mẹ giữ thế chủ động

Gia đình chị Định (Mai Động, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng có cùng hoàn cảnh với gia đình chị Hảo, nhưng chị Định cứng rắn hơn, biết cách dạy cậu quý tử nhà mình hơn nên càng lớn cậu ấm nhà chị càng ngoan. Chị chia sẻ: “Từ khi thằng cu Bờm nhà mình chào đời, vì là đích tôn 3 đời nhà chồng nên cu Bờm được ông bà, bố và các cô cưng chiều lắm, mình chẳng bao giờ dám nặng lời với cháu trước mặt ông bà nếu không muốn chống chọi với bão tố”.

Năm nay cu Bờm đã 6 tuổi nhưng suốt ngày chỉ quanh quẩn bên ông bà nội vì chỉ có ở bên ông bà, nó mới được chiều chuộng, được làm những điều nó thích, được đòi hỏi  những thứ mà nó muốn có. “Cứ thế càng ngày nó càng được thể, đã mấy lần tôi chứng kiến nó nói với ông bà rất hỗn nhưng ông bà không có phản ứng gì, tôi thấy nóng mặt lắm. Lúc không có ông bà bên cạnh tôi hỏi cháu:

“Tại sao con hay nói hỗn với ông bà thế? Con là cháu mà như thế là không tốt đâu”. Ấy thế mà nó trả lời câu hỏi của tôi một cách tinh ranh: “Con là cháu đích tôn mà, ông bà chiều con lắm, con nói thế có thấy ông bà mắng con đâu”, chị Định kể.

Cu Bờm vừa ăn cơm vừa chơi tàu hỏa, ô tô, có những hôm ngồi ăn đến 2 tiếng đồng hồ chưa xong bữa cơm trong khi mọi người đều đã quay lại với công việc của mình, ăn hết bát cơm là nó lại gọi bà, không biết bà đang ở đâu, cứ nghe thấy tiếng cháu gọi là bà lại lao vào xới cơm cho cháu mặc dù nồi cơm nằm chình ình trước mặt nó.

Chị Định cho biết đã nhiều lần góp ý với ông bà rằng đừng làm thế mà cháu quen thói ỷ lại, phải để cháu tự lập từ bé cho quen dần đi nhưng ông bà không nghe, còn quay lại bảo: “Công việc nhẹ nhàng thôi mà, có vất vả gì đâu mà con lo, nó còn bé đã hiểu chuyện đâu, xới cho cháu bát cơm thì có gì đâu mà con bận tâm”.

Sự nuông chiều con cháu thái quá của ông bà làm cho cháu có thói quen ỷ lại, thích hưởng thụ. “Với ông bà là thế nhưng trước mặt tôi thì nó đâu có dám, ở nhà với tôi nó trở thành đứa con ngoan, khác hẳn với việc ở nhà với ông bà.

Đã nhiều lần tôi than thở với chồng để tìm cách nói chuyện với ông bà vì sang năm cháu cũng đã bắt đầu vào cấp một, phải hình thành thói quen tự lập cho cháu từ bây giờ nhưng chồng tôi cũng thế, nuông chiều con nên cũng bảo nó còn bé lắm, đã hiểu chuyện đâu mà dạy với dỗ, chờ nó lớn rồi tính sau. Đến chồng tôi cũng thế thì tôi chịu, chờ cho mấy cu cậu này lớn chắc thành tướng cướp rồi thì dạy nổi nữa không”, chị Định ngao ngán.

Chị kể tiếp về cách mình đã dạy dỗ con đích tôn để cháu không hoàn toàn bị phụ thuộc vào cách mà bà nội đã nuông chiều nó bấy lâu nay: “Cha đẻ tôi bệnh, ba chị em tôi thay phiên nhau lo cho cha. Do tôi nhỏ con nhất nhà nên khó đỡ cha mỗi lúc uống thuốc, ngồi lên, nằm xuống, vì vậy, mỗi lần vào bệnh viện chăm sóc cha thì đều có chồng, con hỗ trợ. Con trai tôi quen dần với việc lo lắng cho ông ngoại.

Tranh thủ những lúc như thế, tôi kể với con về những kỷ niệm mà cha lo cho tôi khi còn bé. Tôi nhắc lại những chuyện ông bà nội, ngoại đã lo lắng chăm sóc khi cháu còn nhỏ. Tôi kể lúc cháu bị sốt, bà nội đã bế cháu chạy bộ vào bệnh viện, rồi những lúc ông chỉ vì một quyển truyện cháu thích mà lang thang khắp các nhà sách, tìm mua kỳ được.

Cha tôi mất, ba chị em tôi thay phiên đến chăm sóc mẹ. Tôi thường đưa cu Bờm đi cùng mỗi lần sang bà ngoại. Một hôm, tôi bị cảm nhưng hôm đó phải đưa cơm sang cho bà, cu Bờm tự nguyện xin đưa cơm sang nhà bà thay mẹ vì nhà bà ngoại cách nhà tôi không xa lắm, cháu nói: “Mẹ mà sang với bà bây giờ, sẽ lây bệnh cho bà đó”. Tôi cám ơn con trai vì sự chia sẻ trách nhiệm này và cháu cũng rất vui khi giúp mẹ.

Tôi chợt hiểu, không ai khác mà chính bản thân mình phải làm gương để con cái noi theo. Trong quá trình làm tròn chữ hiếu, vô tình tôi đã thay đổi suy nghĩ của con trai về cách sống. Từ một người ích kỷ chỉ biết nhận, cháu đã biết lo toan cho ông bà.

Từ đó, mỗi lần bà nội có biểu hiện gì về bệnh như đứng lên rất khó khăn, ông nội bị lãng tai… là cháu “báo cáo” đầy đủ cho cha mẹ. Ông nội bị đau chân mấy năm nay, không biết từ bao giờ cu cậu đã biết xoa bóp chân cho ông mỗi khi trở trời. Bà nội vui mừng nhận xét: “Thằng cháu đích tôn bây giờ ngoan lắm, biết quan tâm lo lắng cho bà rồi”.

  •  Hoàng Tú
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc