Nguyễn Đình Khoa (5 tuổi) và đứa em trai là Nguyễn Đình Nam (3 tuổi, ngụ khối 9, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) là hai đứa trẻ làm trong bãi gạch (táp lô) nằm sát bên quốc lộ. Nhìn hai đứa trẻ da rám nắng, đầu trần, chân tay lấm đầy đất cát, xi măng hồn nhiên chạy nhảy, ai cũng thắc mắc không hiểu hai đứa trẻ này vì sao phải đến đây làm việc?
Bên trong bãi gạch, một người phụ nữ mặc áo xanh công nhân cặm cụi bên chiếc máy làm gạch. Ngẩng lên không thấy 2 đứa trẻ, chị thảng thốt, vứt chiếc xẻng đang cầm trên tay xuống đất, cuống cuồng chạy đi tìm con. Vừa chạy, người mẹ vừa lớn tiếng gọi. Giọng chị lạc dần vì mệt mỏi, lo sợ. Chị là Nguyễn Thị Thơ (34 tuổi) mẹ của Khoa và Nam.
Những người làm xung quanh thấy thế cũng tất tả đi tìm giúp chị. Lát sau, thấy hai đứa trẻ trốn sau đống gạch chơi trốn tìm, chị Thơ thở phào nhẹ nhõm, chạy tới ôm con mắt rưng rưng nước. Chị mắng Nam và Khoa vì làm chị lo lắng không nguôi.
"Tôi chỉ sợ chúng mãi chơi quên lời mẹ dặn lại chạy ra ngoài đường quốc lộ hoặc chui vào máy làm gạch thì hối hận không kịp. Biết mang con đi làm cùng thế này tội cho con nhưng cực chẳng đã tôi mới phải như vậy. Chồng mất, bà nội cũng qua đời, ông nội thì đau yếu, gia đình ngoại ở xa, tôi chẳng biết gửi con để đi làm cả. Nếu ở nhà trông con thì mẹ con tôi biết lấy gì mà ăn", chị Thơ phân trần.
Hơn 2 năm trước, anh Nguyễn Đình Hoàng (chồng chị Thơ) đi phụ hồ tại một đập lớn ở Đà Nẵng thì bị đuối nước. "Chồng tôi qua đời khi đứa lớn mới hơn 2 tuổi, đứa nhỏ mới 9 tháng. Chúng chưa đủ lớn để kịp nhớ được mặt cha", chị Thơ khóc nghẹn.
Chị Thơ thành góa phụ khi mới chỉ 31 tuổi. Kinh tế phụ thuộc vào 2 sào ruộng lại một nách hai con, chị đành gửi con về mẹ chồng rồi đi phụ gạch gắng trang trải cuộc sống. Nhưng rồi mọi sự lại đổ ập xuống khi chồng mất được một năm thì mẹ chồng cũng khuất núi. Bố chồng thì thương xuyên đau yếu, nhà ngoại ở xa cũng chẳng dư dả gì, chị Thơ chấp nhận chèo chống một mình.
Hàng ngày, sau khi đưa đứa con lớn đi học tại trường mầm non, chị Thơ lại gửi đứa út nhờ hàng xóm xung quanh trông chừng để đi phu gạch. Hai tháng nay nghỉ hè, cả hai đứa con phải ở nhà, không gửi được ai, chị đành đưa chúng đi theo để vừa làm việc, vừa trông chừng.
Chủ xưởng gạch thấy cảnh mẹ góa con côi cũng rủ lòng thương, để chị Thơ vừa làm việc, vừa chăm con. Hàng ngày, chủ xưởng trả chị 110 nghìn đồng, chị gắng chi tiêu, ăn uống tằn tiện để tiết kiệm lấy một khoản sau này cho con đi học. Ấy vậy, vài bữa con nằm viện, những đồng tích góp lại đội nón ra đi.
"Nhìn hoàn cảnh ba mẹ con cô Thơ xót xa lắm. Chồng thì mất sớm, con cái thơ dại. Căn nhà của ông bà nội cho ở riêng thì như cái đáy chảo. Chỉ cần một trận mưa lớn, nước từ tứ phía đổ về khiến nhà cô ấy ngập lên tận nóc. 3 mẹ con phải đi chỗ khác nương nhờ. Nương vườn cũng vì vậy mà mùa mưa phải bỏ hoang, chăn nuôi không được.
Nhìn hai đứa con tội nghiệp lắm. Chúng nhỏ xíu, ốm đau suốt lại thiếu tình thương yêu chăm sóc của cha, hàng ngày phải theo mẹ đi làm vì trông có ai trông nom cả. Chỗ làm thì bụi bặm, nguy hiểm", bà Nguyễn Thị Ngân (hàng xóm chị Thơ) chia sẻ.
Hỏi bé Khoa bố đâu, đứa trẻ cười hồn nhiên chỉ tay lên bàn thờ, nơi treo di ảnh người cha xấu số. Chúng còn quá nhỏ để thấu hiểu nổi đau không còn cha trên cõi đời.
"Vất vả mấy tôi cũng ráng vượt qua, không nề hà, than thở. Chỉ mong ông trời cho tôi sức khỏe để tiếp tục chèo chống nuôi con. Mong hai đứa con bớt ốm đau bệnh tật. Cứ như thế này tôi sợ không lo nổi cho con cái học hành", chị Thơ thở dài trong tiếng nấc nghẹn.