(Đời sống) - Trong khi người ta vẫn nói vài đồng bạc lẻ bây giờ không mua nổi mớ rau, cọng hành thì có những kẻ sẵn sàng đoạt mạng người sinh thành ra mình vì không được cho vài đồng tiền lẻ.
Nguyễn Mạnh Dương và con dao dùng để giết mẹ |
Thời gian gần đây, dư luận thật sự sốc với hàng loạt vụ án nghịch tử giết cha me, nghịch tôn giết ông bà chỉ vì không được cho vài đồng bạc lẻ. Nếu thống kê bằng phép tính thông thường chúng ta cũng nhận thấy tình trạng này đang ngày càng gia tăng. Cứ vài ngày, báo chí lại có một tin kể về những kẻ giết cha, giết mẹ, giết ông bà, anh em mình chỉ vì những cái lý do lãng xẹt. Và có người đã đổ lỗi là do bần cùng quá nên mới sinh đạo tặc.
Sẽ không thuyết phục lắm nếu chúng ta đổi lỗi cho khủng hoảng kinh tế, khi đồng tiền chi phối tất cả thì nó cũng ảnh hưởng đến mặt nhân cách con người. Truyền thống văn hóa của người Việt mình từ trước đến nay vẫn là "đói cho sạch, rách cho thơm" ấy vậy mà con người ta càng ngày càng vô cảm mất hết nhân tính.
Còn gì đau xót hơn cho những gia đình rơi vào hoàn ảnh ấy. Giá như đứa con do mình sinh thành và nuôi nấng đánh đổi tình cảm ruột rà lấy cả một gia tài thì còn dễ chấp nhận, đằng này chỉ vì thiếu tý tiền mà con không ngần ngại xuống tay với cha mẹ.
Mới đây, vào 4/2013, Lê Đức Toàn (tự Tý khùng, 21 tuổi, ngụ ấp 2, thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai, Bạc Liêu) đã ra tay với mẹ ruột sinh thành ra hắn khiến bà Trần Thị Mười (52 tuổi) nằm trên vũng máu chết mà không nhắm mắt được vì chính đứa con bà sinh thành và yêu thương đã đoạt mạng của mình. Lý do chỉ là vì Toàn xin tiền chơi game nhưng bị la rầy nên y ấm ức tìm cách giết mẹ.
Hay dã man hơn là Nguyễn Hữu Tài (19 tuổi, ngụ khu phố 3, phường 2, thành phố Bảo Lộc) vì thiếu vài nghìn đồng cho 1, 2 tiếng chơi game, Toàn về xin mẹ nhưng bà Bùi Thị Hồng Nhung (44 tuổi) không cho nên Tài đã dùng gậy đánh mẹ đến chết. Sự việc xảy ra từ cuối năm 2011 nhưng đến nay dư luận địa phương vẫn chưa hết bàng hoàng.
Ngay sau khi giết chết mẹ mình, Tài cho xác mẹ vào bao tải và đưa ra cạnh hòn non bộ gần nhà phủ cát lên. Hắn sống bình thường không có chuyện gì xảy ra mặc cho xác của mẹ lạnh lẽo, kiến bu.
Gần đây nhất, trưa ngày 31/7, tại thôn Hạ Câu, xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, Hải Phòng đã xảy ra một vụ giết người tàn nhẫn khiến người dân nơi đây hết sức bàng hoàng và căm phẫn. Phạm Văn Đoàn (36 tuổi) đã dùng dao nhọn đâm một nhát thấu ngực khiến mẹ ruột phải tử vong. Mẹ Đoàn là vợ liệt sĩ, cha hi sinh từ năm 1979 nhưng Đoàn không tu chí mà thường xuyên cờ bạc, lô đề. Bị mẹ mắng vì cái tội không làm ăn, xin tiền mẹ đi uống rượu không được, Đoàn sinh ra hậm hực nên đã chạy xuống bếp lấy dao đâm vào ngực mẹ cho bõ cơn tức.
Nguyễn Văn Tín (33 tuổi, trú ở xã Song Phượng, huyện Đan Phượng - Hà Nội) đã rút kéo đâm ông Nguyễn Văn Tân (62 tuổi) là cha đẻ của mình sau khi Tín xin tiền cha không được. Bị bố mắng, lại không được cho tiền Tín muốn trả thù cho bõ ghét.
Ngày 22/6/2013, tại thị trấn thị trấn Plêi Kần, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), Nguyễn Mạnh Dương sau khi đi uống rượu về y phát sinh mâu thuẫn với bà Lê Thị Cử (58 tuổi, là mẹ đẻ của Dương) vì mượn tiền không được đáp ứng. Trong cơn say, Dương chạy xuống bếp lấy dao lên trở cán đập mạnh vào đầu bà Cử khiến máu chảy rất nhiều. Bị con đánh, bà Cử la lớn “Bớ bà con làng xóm cứu tôi với...!”. Thấy mẹ kêu cứu, Dương dùng sống dao đánh vào hai chân của bà. Dương tiếp tục lấy gậy đánh liên tiếp vào đầu mẹ cho đến khi bà Cử tắt thở.
Không thể đem xác ra ngoài phi tang, Dương liền nảy sinh hành động cho xác bà Cử vào bao tải rồi ném tùm xuống giếng nhằm tránh sự phát hiện của mọi người, đồng thời vĩnh viễn chôn kín tội lỗi tày đình này.
Sau khi ném xác mẹ xuống giếng, vợ chồng Nguyễn Mạnh Dương vẫn thản nhiên sống trong căn nhà, dùng nước giếng sinh hoạt bình thường. Khi nước giếng bốc mùi vì sự phân hủy của thi thể bà Cử, sợ bị mọi người phát hiện, Nguyễn Mạnh Dương liền đúc một khối bê tông đặt lên miệng giếng. Khi phát hiện có bất thường về việc mất tích của bà Cử, con gái bà đã báo công an. Cùng lúc đó, Dương cũng lên cơ quan công an khai báo có xác chết không rõ danh tính trong giếng nhà mình. Tuy nhiên, hành động của vợ chồng Dương không qua mắt được cơ quan chức năng nên y đã phải trả giá cho tội lỗi trời không dung, đất không tha của mình.
Trong trường hợp của mẹ Đoàn, bà Nhung, bà Mười, bà Cử nếu không nghĩ đến người con ngỗ ngược mà cho con 1 - 2000 đồng để thỏa cơn khát thì sẽ không có những chuyện đau lòng như trên xảy ra.
Ở xã hội phát triển như hiện nay, giá vàng biến động liên tục, giá xăng cũng chạy riết theo cho bằng chị bằng em, giá điện leo thang theo thị trường thì mấy tờ tiền lẻ nhiều người chẳng coi ra gì. Thậm chí, đi chợ mua 1000 đồng hành lá, người ta còn bán với thái độ không vui và dặn dò mai mua 2000 nhé, mua ít bán không được. Hay những chuyện 1000 đồng 3 quả cà muối chẳng còn xa lạ với người dân. Nhưng với những kẻ nghiện ngập thì chỉ cần 1000 đồng thôi chúng cũng có thể mua được cả một giấc mơ oai hùng. Vậy nên chúng mới đánh đổi tất cả để thỏa cho cơn khát.
Gia đình vốn là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng nhân cách nhưng tình cảm gia đình Việt Nam đang xuống cấp trầm trọng. Con người có thể đánh đổi tất cả gia đình mình vì tiền, và điều xót xa hơn là đổi lấy vài đồng bạc lẻ.
Còn nhớ, tháng 9/2012, dư luận cả nước bức xúc với hành động của các con cháu của ông N. (Núi Trúc, Hà Nội) đã đẩy bố ốm nằm ngoài vỉa hè gần 10 giờ đồng hồ trước sự chứng kiến của người đi đường và hàng xóm chỉ vì tranh giành ngôi nhà ở vị trí vàng của phố Núi Trúc. Sự việc gây làn sóng phẫn nộ trong xã hội, hàng loạt tờ báo vào cuộc, hàng loạt chuyên gia lên tiếng về giá trị của gia đình ngày càng xuống cấp.
Vào thời điểm đó, chỉ cần gõ từ khóa "con đẩy bố ra vỉa hè" trên Google, chỉ trong vòng 0,23 giây đã có 752 nghìn bài viết về vụ việc này.
Thế nhưng từ đó đến nay, khi các vụ án con giết mẹ, đâm bố vì những lý do lãng xẹt được đưa tin trên mặt báo với mật độ dày đặc thì cũng là lúc dư luận trở nên bão hòa, các nhà xã hội học, chuyên gia tâm lý... trở nên mệt mỏi bởi họ thấy mình dường như bất lực trước sự xuống cấp ngày càng mạnh mẽ của nền tảng đạo đức gia đình.
- Trúc Linh (Tổng hợp)