Phong tục đi lễ đầu năm
Tết đến xuân về là thời điểm khởi đầu cho một năm mới, mang theo nhiều hy vọng. Vào thời xa xưa, dịp năm mới chính là dịp “ngũ cốc đại thục” (ngũ cốc chín), cổ nhân sau khi được mùa sẽ tiến hành những nghi lễ thờ phụng và cảm tạ Thần linh, đồng thời cầu xin năm sau được mưa thuận gió hòa.
Năm mới theo truyền thống cổ xưa là bắt đầu từ mùng 8 Tháng Chạp, kết thúc vào 15 Tháng Giêng. Ngày mùng 8 Tháng Chạp chính là ngày Đức Thích Ca Mâu Ni khai ngộ thành Phật. Chính vì thế, trong dân gian và chùa chiền, ngày này người ta đều ăn cháo, một mặt là cầu nguyện cho năm mới ngũ cốc dồi dào, lục súc hưng vượng, nhưng mặt quan trọng hơn là để tỏ lòng kính ngưỡng, hướng về Đức Phật.
Cũng chính vào thời điểm ấy, cửa chùa rộng mở đón tiếp du khách bốn phương về đi lễ Phật đầu năm. Người Việt đến chùa không đơn giản chỉ là để ước nguyện, mà còn để hòa mình vào chốn tâm linh, gạt bỏ đi những lo toan vất vả của cuộc sống.
ông Nguyễn Cung Hà, Phó chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý, Viện Nghiên cứu và ứng dụng Tiềm Năng Con Người cho biết:
“Sau lễ giao thừa, người Việt thường hay chọn ngày giờ Hoàng Đạo (tức sau 00h đêm) để đi lễ chùa đầu năm cầu cho Quốc thái dân an, thế giới được hoà bình. Tùy theo sở nguyện của từng người mà có sự sở cầu tương ứng như mong cầu sức khoẻ cho bản thân và gia đình, cầu công thành danh toại, cầu thi cử đỗ đạt, cầu tài lộc, cầu may mắn, cầu gia đình bình an và thịnh vượng... Và hầu hết khi đến chùa quỳ gối trước Phật Thánh, Tam Bảo mọi người thường cầu cho tâm hồn luôn luôn được sáng trong và thánh thiện”.
Ngoài giờ Hoàng Đạo, ông Cung Hà cũng chia sẻ thêm vào những ngày mùng 2, mùng 3 tết các gia đình hoặc những người có tuổi có thể đến chùa để cầu bình an, may mắn cho cả gia đình.
Chia sẻ về lễ vật để dâng cúng trong chùa, ông Cung Hà nhấn mạnh tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của từng người mà sắm nhiều hay ít. Lễ chùa thường là lễ chay gồm: Hương, nến, phẩm oản, bánh kẹo, hoa quả. Lưu ý thêm khi đến chùa kiêng cúng lễ mặn và đồ vàng mã.
Đi chùa ngày Tết đã trở thành một thói quen ăn sâu trong tiềm thức của người Việt. Tuy việc này đã khác nhiều so với ngày xưa thế nhưng, người dân vẫn đang ngày đêm cố gắng lưu giữ tục lệ này như một nét đẹp truyền thống mỗi khi xuân về.
Vậy đầu năm mới người ta nên cầu gì khi đi lễ chùa?
Nếu là cầu tiền tài, may mắn, danh vọng
Cả cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dẫn dắt các đệ tử của ngài đi xin ăn, đi hóa duyên, yêu cầu họ vứt bỏ hết những tâm đeo bám vào tiền tài danh vọng. Ngài dạy cho họ biết buông bỏ, biết cách tu hành, để rồi thật sự đạt được trí huệ cao hơn. Vậy thì những lợi ích phàm tục này có phải là những gì Đức Phật sẽ cấp phát để con người ham muốn tới u mê?
Nếu là cầu duyên
Theo lý nhà Phật thì duyên cũng thật không phải thứ có thể cưỡng cầu. Chưa nói đến tình duyên, mà thậm chí là duyên cha mẹ, duyên con cái, cũng đều chỉ gói gọn trong một kiếp này. Có ai là mang theo được cái duyên ấy? Đức Phật hướng con người ta đến sự giải thoát khỏi cõi luân hồi, cũng chính là thoát khỏi những duyên nợ ân oán.
Vậy thì làm sao Phật có thể ban duyên cho người ta? Điều ấy có lẽ cầu Nguyệt lão se tơ hồng nghe ra còn hợp lý, nhưng không có cái phúc phận ấy thì cũng không thể nào toại nguyện.
Nếu là cầu sức khỏe, bình an
Theo lý nhân quả và niềm tin vào sự luân hồi thì con người ta gặp chuyện không may đều là để hoàn trả những oan nợ đã làm từ một hay nhiều kiếp trước, sau khi hoàn trả và chịu khổ rồi thì người ta mới có được phúc phận. Vậy nếu nói một người luôn sống thoải mái cả cuộc đời, thì phải chăng họ sẽ không còn cơ hội tiêu trừ những ác nghiệp? Phải chăng điều chờ đợi họ sẽ là oan nợ chất chồng, là đại nạn khó thoát?
Nếu là cầu cho người khác
Cũng có người chẳng cần gì cho bản thân, nhưng lại muốn cầu cho người khác, hàm ý rằng cái tâm ấy là “vì người khác”. Nhưng “người khác” ấy thường thì là con cái, cha mẹ, anh chị em, cũng là cái tâm hướng tới người thân, chứ ít có ai thật sự cầu cho “người khác” cả.