Theo tài liệu dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác được gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm.
Mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) hằng năm đã tăng từ 3,8 lít (giai đoạn 2003-2005) lên 6,6 lít (giai đoạn 2008-2010) và lên tới 8,3 lít năm 2016 - tức là đã tăng tới 118% và tăng 30 bậc, từ vị trí 94 lên vị trí 64/194 nước, trong khi mức tiêu thụ trên toàn cầu tăng không đáng kể.
Trong đó, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh hơn từ rượu nên nguy cơ tác hại do sử dụng bia cũng đang ngày càng gia tăng. Năm 2017, Việt Nam sản xuất hơn 4 tỷ lít bia, hơn 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 230-280 triệu lít rượu thủ công.
Nếu tính riêng trong số nam giới trên 15 tuổi thì một người nam giới của Việt Nam tiêu thụ trung bình tới 27,4 lít cồn nguyên chất (năm 2010). Mức tiêu thụ này là rất cao, xếp thứ hai trong các nước Đông Nam Á/Tây Thái Bình Dương, xếp thứ 10 Châu Á và thứ 29 thế giới. “Mức độ này sẽ còn gia tăng trong những năm tới nếu không có các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ để điều chỉnh kịp thời”, Bộ Y tế (cơ quan chủ trì soạn thảo) dự đoán.
Do đó, trong dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác của Bộ Y tế, để kiểm soát việc cung cấp rượu bia, các cửa hàng chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng nghiêm cấm khuyến mại rượu, bia trực tiếp cho người tiêu dùng; dùng rượu, bia làm giải thưởng cho các cuộc thi hoặc các hành vi cung cấp rượu, bia miễn phí.
Dự thảo nêu rõ, không được bán rượu, bia tại các địa điểm như cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em, nơi làm việc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trạm dừng nghỉ trên đường quốc lộ, tỉnh lộ. Ngoài ra, không được bán rượu, bia bằng máy bán tự động, bán cho người dưới 18 tuổi, người đã có biểu hiện say rượu, bia.
Không chỉ vậy, Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia và đồ uống có cồn khác còn nghiêm cấm quảng cáo, giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức, trên tất cả các phương tiện quảng cáo đối với rượu, bia từ 15 độ trở lên; quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ trên phương tiện giao thông, công trình giao thông, phương tiện quảng cáo ngoài trời, chương trình, kênh truyền hình, phim và ấn phẩm khác có đối tượng trẻ em, trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử trừ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia.
Trong khi đó, quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ trên báo hình, báo nói chỉ được thực hiện từ sau 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau và hạn chế hình ảnh uống rượu, bia trong các sản phẩm điện ảnh, truyền hình.
Một trong những quy định chặt chẽ nhất trong Dự thảo đó là bia, rượu không được tài trợ cho các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí; không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ và không được có tên sản phẩm rượu, bia trên vật phẩm tài trợ.
Đáng chú ý, điều 9 dự thảo luật đưa ra nhiều biện pháp quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia và đồ uống có cồn khác. Theo đó, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu phải đáp ứng các điều kiện sản xuất, kinh doanh và có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ.
Cơ sở bán rượu trực tiếp đến người uống tại chỗ không phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định của Chính phủ.
Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, việc cấp mới, cấp lại giấy phép, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thay đổi địa điểm kinh doanh rượu, bia và đồ uống có cồn khác phải bảo đảm khoảng cách bán kính giữa các địa điểm không nhỏ hơn 200m, trừ các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, du lịch.
Rượu, bia và đồ uống có cồn khác được sản xuất, nhập khẩu để kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá. Rượu thủ công có đăng ký kinh doanh khi bán trực tiếp cho người tiêu dùng phải được chứa đựng trong bao bì có ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất.
Không được sử dụng cụm từ “rượu thuốc”, “rượu bổ” để đặt tên và ghi nhãn sản phẩm rượu, bia và đồ uống có cồn khác. Không được bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác tại các địa điểm sau: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em; nơi làm việc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trừ các doanh nghiệp kinh doanh rượu, bia và đồ uống có cồn khác.
Những hệ lụy do rượu bia liên tục xảy ra, tiếc rằng việc lạm dụng rượu bia gây hậu quả xấu chưa khi nào thuyên giảm và lạm dụng rượu bia là vấn đề chưa bao giờ thôi nhức nhối trong cộng đồng. Bởi vậy, quy định chỉ được bán rượu bia, đồ uống có cồn từ 6-22 giờ trong dự thảo trên được nhiều người đồng thuận. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay rất khó khả khi thi đưa vào áp dụng từ thực tế.
Trên thực tế, để đáp ứng nhu cầu sử dụng bia rượu của đông đảo người trên, những cơ sở kinh doanh bia rượu mọc lên trên cả nước từ thành thị đến nông thôn đa dạng về loại hình kinh doanh từ quán bia, quán nhậu, nhà hàng, quán Karaoke, thậm chí quán trà đá vỉa hè cũng tranh thủ bán bia rượu. Vậy nên, nếu thực hiện quy định chỉ được bán rượu bia, đồ uống có cồn từ 6-22 giờ thì dù có huy động cả bộ máy chính quyền địa phương đi kiểm tra cũng không đủ nhân lực.
Ví dụ một phường có đến hàng trăm cơ sở bán bia rượu thì phường đó không thể bố trí đủ người để đi canh từng cơ sở xem họ chấp hành Luật ra sao. Chưa kể nếu làm thêm giờ sẽ phát sinh thêm chi phí, phình to bộ máy nhân lực trong khi vấn đề tinh giản biên chế đang được triển khai rộng rãi. Dễ dẫn đến tình trạng cố tình lách luật và người dân sẽ tìm đến những nơi bán chui để mua được rượu bia dẫn đến khó khăn trong quản lý.
Cùng với việc kiểm tra, giám sát thực thi được cho là khó khả thi, việc cấm bán bia rượu từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau hay bán rượu bia theo 2 khung giờ nhất định trong ngày như trên sẽ ảnh hưởng rất lớn không chỉ đến ngành rượu bia mà cả ngành du lịch, phát triển kinh tế của các địa phương. Mặt khác, nó sẽ làm gia tăng tình trạng tiêu thụ rượu bia bất hợp pháp, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hiện 75% tổng sản lượng rượu đang nằm ngoài nguồn thu ngân sách. Bên cạnh đó, việc cấm bán rượu, bia theo giờ không rõ mục đích và hiệu quả.
Thay vì đưa ra những quy định khó khả thi ở thời điểm hiện tại như quy định Chỉ được bán rượu bia, đồ uống có cồn từ 6-22 giờ, Bộ Y tế nên tăng cường tuyên truyền khuyến cáo để người dân thấy tác hại của việc dùng quá nhiều rượu bia để tự điều chỉnh hành vi của mình. Đồng thời, nên đề xuất phương án đánh thuế cao với mặt hàng rượu bia để toàn dân hạn chế sử dụng thì sẽ có hiệu quả cao hơn.