Đề xuất có danh hiệu ’Công bộc Nhân dân’

13:46, Thứ ba 23/07/2013

( PHUNUTODAY ) - Rõ ràng danh hiệu vì nhân dân là danh hiệu cao quý và ý nghĩa nhất ở nước ta. Vấn đề tại sao lại chỉ có nhà giáo, nghệ sĩ, bác sĩ có mà các ngành nghề khác như công chức, lãnh đạo lại không được?

Mới đây, trong phiên họp lần thứ 52 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương ngày 17/7, một thực trạng đáng lo ngại của việc thi đua khen thưởng ở nước ta hiện nay đã được đặt ra là hàng triệu người lao động thi đua, nhưng khen thưởng lại quá ít, điều này đã khiến không ít người phải băn khoăn suy nghĩ.

 
a
Danh hiệu "Công bộc Nhân dân" nên có mặt ở Việt Nam càng sớm càng tốt.
Trên thực tế trong lao động hiện nay, khen thưởng là hoạt động vô cùng cần thiết. Bản chất con người ai cũng thích được khen ngợi, được vinh danh bởi đó là những ghi nhận của lãnh đạo đối với năng lực của mỗi người lao động. Nếu không có sự khen thưởng cho những người làm việc đạt được thành tích tốt, hiệu quả cao thì việc suy giảm tinh thần phấn đấu cũng như sự cạnh tranh trong công việc là hoàn toàn có thể xảy ra.
 
Bên cạnh đó, việc đang còn thiếu những danh hiệu phù hợp dùng để khen thưởng cho các đối tượng đặc biệt, có những đóng góp lớn đối với sự phát triển của xã hội cũng được xem là một vấn đề đáng lo ngại. 
 
Lâu nay người ta vẫn biết đến các danh hiệu nhân dân để vinh danh những người phục vụ nhân dân, cống hiến cho xã hội, những người của công chúng như nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ... 
 
Nhưng dường như chừng ấy là chưa đủ cho hàng triệu con người ở những lĩnh vực khác trong xã hội đang ngày đêm miệt mài phấn đấu trong sự nghiệp, đóng góp sức mình cho sự phát triển của đất nước.
 
Cách đây không lâu, trong Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) đã bổ sung hàng loạt các danh hiệu mới: Nhà khoa học nhân dân, nhà khoa học ưu tú, và đặc biệt, danh hiệu “danh nhân” cho thấy các nhà làm luật đã nhận thấy được tình trạng thiếu danh hiệu này. Tuy nhiên, sau đó việc các danh hiệu này bị loại bỏ và không được đưa vào Luật chính thức đã khiến không ít người cảm thấy thất vọng. 
 
Rõ ràng danh hiệu vì nhân dân là danh hiệu cao quý và ý nghĩa nhất ở nước ta. Vấn đề tại sao lại chỉ có nhà giáo, nghệ sĩ, bác sĩ có mà các ngành nghề khác lại không được?
 
Trong trường hợp nhà khoa học chúng ta có thể lý giải rằng họ đã được vinh danh bằng  thành tựu sáng tạo bằng những giải thưởng, vậy với những công việc như công chức, các vị lãnh đạo tại sao không có danh hiệu vì nhân dân?
 
Người ta vẫn hay gọi lãnh đạo là công bộc hay đầy tớ của nhân dân. Trong thư gửi "Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng" được đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định lãnh đạo là đầy tớ ủa nhân dân khi viết: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta."
 
Là những người góp phần rất quan trọng trong sự phát triển của xã hội bởi vai trò định hướng thông qua các chính sách nên việc ghi nhận vai trò của công chức, lãnh đạo bằng các danh hiệu cũng là hết sức cần thiết. 
 
Đấy là còn chưa kể việc làm lãnh đạo - công bộc của nhân dân ở nước ta hiện nay đang gặp phải rất nhiều khó khăn, mệt mỏi, trên ép xuống dưới đẩy lên, cứ gọi là "trăm dâu đổ đầu tằm". Có một thực tế  ở Việt Nam là lãnh đạo là một nghề vô cùng khó, việc làm sao để vừa lòng cấp trên, yên lòng cấp dưới không hể là chuyện dễ dàng.
 
Đơn cử chỉ một ván đề rất đơn giản là chuyện báo cáo kết quả công việc, thực trạng quản lý đã thấy gian nan vô cùng. Nói thật thì bị vạ, không báo cáo đúng thì chưa tròn trách nhiệm. Hơn nữa, trong cùng một vấn đề báo cáo có thể khiến sếp này hài lòng, sếp kia nhắn trán khó chịu...
 
Đấy, chỉ với công việc hàng ngày là báo cáo mà cũng tốn không biết bao nhiêu là chất xám chứ có phải chuyện đùa đâu. Mà hơn hết, là công bộc, trên lưng sẽ gánh đầy trách nhiệm với nhân dân, phải làm sao cho vẹn toàn, để có thể giải quyết ổn thỏa lợi ích tập thể và cá nhân cũng khó khăn vô cùng. 
 
Chính vì vậy thiết nghĩ trong hệ thống danh hiệu vì nhân dân cấp nhà nước, chúng ta nên có danh hiệu "Công bộc Nhân dân" để ghi nhận sự cố gắng của các vị lãnh đạo từ T.Ư đến địa phương.
 
Rất có thể với sự ra đời của danh hiệu này, chúng ta sẽ chứng kiến được sự thi đua không nghừng nghỉ trong hệ thống công chức nói chung cũng như giữa các vị lãnh đạo nói riêng để có thể dạt được hiệu quả công việc một cách tốt nhất. Cùng với đó là việc các "chính sách, quy định trên trời" cũng sẽ được hạn chế, thậm chí là biến mất bởi sự ra đời của nó phản ánh tình trạng làm việc có hiệu quả không cao, và như vậy những người ban hành ra chúng sẽ càng xa vời với danh hiệu "công bộc nhân dân".
 
Cả đời làm đầy tớ nhân dân, cống hiến sự phát triển của đất nước mà không được một lần vinh danh "vì nhân dân" thì quả thật là việc vô cùng đáng buồn với rất nhiều người. Có lẽ vì vậy mà danh hiệu "Công bộc Nhân dân" nên có mặt ở Việt Nam càng sớm càng tốt.
  • Quyên Quyên
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc