Đời sống) - Ngày 24/9, trao đổi với Phunutoday, ông Đoàn Bá Cử, Tổng Giám đốc Công ty CP di tích và thiết bị văn hóa TƯ, đơn vị thi công giải thích nguyên nhân của việc dột mưa, nứt nẻ một số hạng mục đền Voi Phục - công trình được gắn biển kỷ niệm 1000 năm Thăng Long có thể "có con mèo trèo lên rồi gây dột chỗ này, dột chỗ khác. Cũng không loại trừ cả việc động đất. Và còn những nguyên nhân nào khác thì cũng chưa biết được"...
Theo Tổng giám đốc Cử, dự án tu sửa Đền Voi Phục năm 2009 để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là do đơn vị ông thi công, gói thầu được bảo hành 12 tháng. Đơn vị thi công làm tốt những thiết kế trong gói thầu của mình.
Mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm, công trình nhà mẫu đã bị dột, phải dùng hai chiếc chậu hứng nước trong những ngày mưa gió |
Được biết, công trình có tổng kinh phí đầu tư hơn 18 tỷ đồng bao gồm các hạng mục như quy hoạch tổng thể hạ tầng sân vườn, tường rào cây xanh, tôn tạo nhà Mẫu, nhà quản tượng, am hóa vàng, giếng ngọc, miếu Tả, miếu Hữu, cải tạo tổng thể hệ thống điện, nước, chống mối mọt, phòng cháy chữa cháy.
"Dự án gần như một đợt bao trùm, tương đối tổng thể. Tất nhiên, ở đây đền Voi phục nó là số phận của nó trong quá trình đô thị hóa đã chịu nhiều tác động lớn, từ công viên những năm 70 - 71 đặt vào đó, thực chất là xâm phạm, rồi một loạt các không gian đô thị hóa rồi mở đường, trông xe rồi xuống cấp những đợt tu bổ trong những năm trước đấy hoặc là nhân dân, hoặc là nhà nước tu bổ tiền cũng rất ít cho nên nó không đảm bảo.
Đợt vừa rồi, họ mới làm, can thiệp trở lại những tác động đó để trả lại tổng thể cho chùa. Những hạng mục hoặc xuống cấp hoặc sai lạc so với những năm qua thì có tìm về được một cái gì đấy nó cổ hơn từ giai đoạn trước của đền Voi phục.
Chú voi phục tại tứ trụ của đền bị đứt chuông, sau lần tu sửa các hạng mục đền năm 2009 |
Đấy cũng là nhờ một dịp kỷ niệm, đúng thời điểm tình hình kinh tế đất nước đang thuận lợi, Nhà nước có thể dành một khoản tiền lớn hơn để làm những công việc mà mình muốn làm nhiều hơn. Còn công trình nào cũng thế thôi, dự án họ quyết định đến khâu nào thì thiết kế phải theo, thi công phải thực hiện cái đó". - Ông Cử cho biết thêm.
Lý giải việc một số hạng mục mới đi vào sử dụng đã xuống cấp vị tổng giám đốc này khẳng định: "Thực ra một con đường bây giờ nứt ra, thời gian chưa lâu lắm dứt khoát là có lỗi của đơn vị thi công rồi.
Đây là con đường có đào, có đắp cho nên có thể có những nguyên nhân từ việc đầm chưa được kỹ, có thể nguyên nhân từ thi công lấp đường. Còn có một cái gì đấy thuộc về biến động địa chất cũng không loại trừ. Việc này tôi sẽ cho kiểm tra lại.
Có những nguyên nhân thuộc về phía người sử dụng. Còn chuyện dột nước mưa của đền mẫu thì việc lợp ngói ta từ thời xưa đến giờ đều có chuyện như vậy cả. Từ hoàng cung, các nhà thờ cổ của ta ngày xưa cũng thế. Có khi có con mèo trèo lên rồi gây dột chỗ này, dột chỗ khác. Cũng không loại trừ cả việc động đất. Và còn những nguyên nhân nào khác thì cũng chưa biết được.
Tuy đã hết thời gian bảo hành, trường hợp các cụ trong đền gọi người anh em hoàn toàn có thể làm được. Hiện tại đã sửa lại rồi, đảo cả ngói tươm tất hết rồi...
Về phần hai chú voi phục chúng tôi chỉ chữa lại chút ít thôi còn giữ nguyên những cái của các cụ. Chúng tôi chỉ sửa cái hư hỏng, những cái rỗng mục, cả thân thể của voi, màu sắc".
Xác nhận với Phunutoday, ông Nguyễn Quốc Tuy, Phó Ban Quản lý Đền Voi phục cho biết bên phía đơn vị thi công đã cho người về sửa đường, xem xét lại nhà mẫu dột. "Những rãnh nứt họ đã đào hết lên để sửa rồi. Còn trong nhà mẫu mưa dột thì cái ngói ta không thể nào tránh khỏi được, bất kể thợ nào giỏi đến đâu cũng không thể nào bảo làm 100% được".
Theo ông Tuy, hiện nay ngay tại nhà đền trên nền đất thánh cũng bị mưa, dột, nhà đền mới sửa. Cho đến thời điểm này, các hạng mục trong dự án trùng tu năm 2009 đều hết thời gian bản hành, bên công ty thi công bỏ nhân công còn nhà đền phải bỏ kinh phí, vật liệu để sửa chữa, khắc phục.
Tuy nhiên, theo ông Tuy, trước tình trạng này ban Quản lý đền voi phục cũng chưa có ý kiến gì với cấp trên để giải quyết. Bởi theo lý giải của ông Tuy: "Phần sửa chữa cũng không phải là nhiều, chỉ độ 1 vài tấn xi măng thì cũng chả đáng bao nhiêu. Cái đấy thì nhà đền chịu được. Công trình nhà mẫu họ chỉ lên đảo ngói và xem chỗ nào dột thì sửa thì cái này không mất tiền. Còn cái chậu tôi nghĩ có vài chục nghìn có hứng đến vài năm nó cũng chẳng hỏng được.
Có một lần nhà đền thuê thợ về sửa đền thánh cũng bị dột rất nhiều thì thợ họ cũng xem xét qua nhà mẫu họ cũng đảo ngói qua nhưng nó vẫn bị. Kỳ này nó vẫn dột nhà đền yêu cầu đơn vị thi công làm.
Anh giám đốc xây dựng rất tâm linh và làm rất tốt, chỉ cần cái nền chênh nhau khoảng 3 - 4 ly thôi là anh ấy bắt người ta sửa lại. Bên thợ họ thi công thì làm cực kỳ tốt.
Tôi ngày xưa cũng làm bên xây dựng nên rất thông cảm với họ. Chẳng hạn lợp tôn, làm nhà mái bằng hay ngói tây nó mới bảo đảm được còn lợp ngói ta thì đi hỏi bất kể nơi đâu mà bảo đảm 100% là không có. Cho nên mình phải thông cảm với người ta về chuyện ấy. Đó là chuyện bình thường thôi.
Cũng như việc con đường nó bị nứt, cái cầu đang làm như thế nào xe đỗ, xe đất đi qua. Chúng tôi chỉ gọi người sang sửa lại chứ không có kiến nghị gì lên trên. Mình cứ có cái gì lại gọi, người ta lại sang ngay".
Chiều cùng ngày, trao đổi với Phunutoday, đại diện của Ban Quản lý di tích và danh thằng Hà Nội cho biết, đơn vị này cũng chưa nhận được một văn bản báo cáo nào của cấp cơ sở về hiện trạng dột mưa, thấm nước của nhà mẫu Đền Voi phục cũng như sự xuống cấp của một số hạng mục trong đền.
Cũng theo vị đại diện này, trong dự án trùng tu Đền Voi phục năm 2009 hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long không hề có quyết định tu sửa hai chú voi phục tại tứ trụ. Duy có hai chú voi bằng đá đặt ở nghi môn ngoại là được công đức, khi chuyển về đền do không đạt yêu cầu thiết kế nên đã công đức hai chú voi mới này sang đơn vị khác.
Ngày 24/9, trao đổi với Phunutoday, ông Đỗ Viết Bình Chủ tịch UBND quận Ba Đình (đơn vị chủ đầu tư) cho biết quận chưa nhận được những báo cáo, kiến nghị về tình hình, hiện trạng của Đền Voi phục như báo nêu. "Chúng tôi đã bàn giao công trình cho phường Ngọc Khánh, có vấn đề gì, trưởng ban quản lý di tích phải có trách nhiệm báo cáo quận, để quận trả lời, làm việc với báo chí. Đánh giá chất lượng công trình báo chí phải làm việc với đồng chí chủ tịch UBND phường, vì đồng chí đó là trưởng ban quản lý di tích để sau này đồng chí đó có quan điểm, chúng tôi sẽ trả lời về vấn đề này sau". - Ông Bình cho biết. |
Công trình Nghìn năm Thăng Long dùng chậu nhựa chống dột |
- Khải Nguyên
[links()]