Điểm chung của các vụ siêu vỡ nợ ở Hà Nội

16:10, Thứ hai 17/10/2011

( PHUNUTODAY ) - Có thể thấy điểm chung của các vụ vỡ nợ là: Con nợ đã huy động tiền với lãi suất rất cao; Trước khi gom được tiền thì các con nợ đã tạo lòng tin cho các chủ nợ bằng cách khuếch trương thanh thế và trưng ra vẻ bề ngoài sáng loáng. Cuối cùng là họ… đột nhiên biến mất – hành động thay thế cho lời tuyên bố vỡ nợ.

(Phunutoday) - Trong vòng chưa đầy 1 tháng đã có 4 vụ vỡ nợ với số tiền “khủng” lên đến hàng trăm tỷ đồng trên địa bàn Hà Nội đã khiến dư luận bàng hoàng.
[links()]
Vụ vỡ nợ mới nhất vào tháng 10/2011 đã xảy ra tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Chủ nợ là Phạm Thị Chinh (36 tuổi) cùng chồng là Nguyễn Ngọc Chúc (42 tuổi, HKTT tại số nhà 17, ngõ 13, tổ 28, phường Nghĩa Đô, quận Cầu  Giấy, Hà Nội). Cho đến chiều 14/10, danh sách người bị hại của Phạm Thị Chinh tạm thời chốt lại ở con số 12.

Số bị hại gửi đơn đến Công an quận Cầu Giấy là 3 và Văn phòng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội là 9 với tổng giá trị thiệt hại là 25,460 tỷ đồng, 100 cây vàng, 6.000 Euro và 151.400 USD.

Ảnh: Dân Trí
Vụ vỡ nợ lên đến 400 tỷ đồng của vợ chồng Quang- Quyên là cú sốc đầu tiên với người dân Hà Nội về tín dụng đen. (Ảnh: Dân Trí)

Xung quanh vụ vỡ nợ này, một số người bị hại còn loan tin cho nhau rằng, số tiền họ bị mất không thấm vào đâu bởi khi Chinh bỏ đi, đã có 3 người ở quận Tây Hồ đến nhà Chinh đòi 210 tỷ đồng và một người ở Hòa Bình cũng nói bị Chinh cướp trắng nhiều tỷ đồng. Được biết, vợ chồng Chinh - Chúc trước đây cùng làm tại Công ty Vàng bạc đá quý Mạnh Hải (tại 39 Nguyễn Trãi Thanh Xuân), nhưng đã nghỉ việc từ 4 năm trước.

Thủ đoạn gom tiền của vợ chồng Chinh - Chúc là vay tiền để mở cửa hàng vàng bạc riêng, lãi suất 9% tháng, có người Chinh hứa hẹn trả 14-15%/tháng. Những người cho Chinh vay tiền chỉ có giấy tờ viết tay, thậm chí chỉ ghi sổ và Chinh ký nhận vay tiền mỗi lần với một chữ ký khác nhau.

Theo tìm hiểu tại địa phương, vợ chồng Chinh - Chúc luôn thể hiện là những người đàng hoàng tử tế, chưa có bất cứ điều tiếng gì. Chinh là con cả trong gia đình có 3 chị em (2 gái, 1 trai). Hiện vợ chồng Chinh - Chúc và vợ chồng người em trai ở cùng bố mẹ tại ngôi nhà số 17 nói trên.

Đến đêm 6/10, gia đình Phạm Thị Chinh gồm bố mẹ đẻ của Chinh là ông Phạm Hùng Chính, bà Nguyễn Thị Xuyến; Nguyễn Ngọc Chúc (chồng Chinh) cùng 2 đứa con nhỏ đã bỏ nhà đi trốn.

Ngôi nhà
Ngôi nhà "con nợ" Nguyễn Thị Cúc tại Văn Minh, Văn Nhân, Phú Xuyên luôn đóng cửa im lìm

Đến ngày 10/10, UBND phường Nghĩa Đô chuyển cho công an phường lá đơn của ông Phạm Hùng Chính trình bày việc vợ chồng con gái bỏ trốn do vỡ nợ. Nhà số 17, ngõ 13, tổ 28 Nghĩa Đô đã được bán cho Công ty Đại Dương.

Ngày 12/10, tổ dân phố cùng UBND, Công an phường Nghĩa Đô đã tiến hành niêm phong nơi ở của Phạm Thị Chinh. Đây là vụ vỡ nợ thứ 4 trên địa bàn Hà Nội chỉ trong một thời gian ngắn. Tính đến thời điểm này, vụ vỡ nợ của vợ chồng Chinh- Chúc là có số tiền “khủng nhất”.

Trước đó, giữa tháng 9/2011, vụ vỡ nợ tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng do Tạ Việt Quang (SN 1975) và vợ Bùi Thị Quyên (SN 1976) làm chủ cũng khiến người dân sôi sùng sục khi số nợ ước tính lên đến 400 tỷ đồng.

Hai vợ chồng Quang – Quyên vốn là chủ của 2 salon bán xe ôtô ở phố Tây Sơn và tại Trung tâm thương mại Tuấn Quỳnh ngay trung tâm thị trấn Phùng và là chủ hiệu vàng lớn nhất tại Thị trấn Phùng.

Đang làm ăn hoành tráng, ngày 16/9, khi một chủ nợ từ Sơn Tây đến tiệm vàng Quang Quyên thu nợ mà Công ty TNHH Du lịch Quang Quyên đã đồng ý giao ngôi nhà trên cho khách hàng với giá 16 tỉ đồng.

Đến ngày 17/9 thì không thấy tung tích cặp vợ chồng này đâu. Các chủ nợ liền đến 2 salon trưng bày lấy ôtô để thu hồi nợ. Đến lúc này thì cả thị trấn nháo nhào vì theo dư luận, hàng trăm người dân "dính" vào vụ vỡ nợ này với số tiền thiệt hại lên tới trên 400 tỉ đồng.

Ngày 27/9, cặp vợ chồng này đã bị bắt khi đang lẩn trốn. Tại cơ quan công an, Quang cho biết mục đích vay tiền là để kinh doanh, chủ yếu là bất động sản. Thời gian gần đây, do thị trường nhà đất đóng băng, xuống giá, trong khi đến kỳ đáo nợ ngân hàng, Quang đã vay tiền lãi suất cao để trả nợ cho các khoản vay trước.

Tuy nhiên, khi được hỏi hiện có bao nhiêu bất động sản, giá trị tài sản hiện có là bao nhiêu, Quang trả lời do đầu tư nhiều quá nên không nhớ hết?!

Vụ vỡ nợ tại Công ty Quang - Quyên chưa kịp lắng xuống thì ngày 23/9, tại quận Hà Đông, tiếp tục xảy ra một vụ tuyên bố vỡ nợ khác tại số 5 phố Nguyễn Thái Học, phường Quang Trung, quận Hà Đông.

Theo kết quả điều tra ban đầu của CQĐT Công an quận Hà Đông và lời khai ban đầu của Nguyễn Thị Dậu (48 tuổi) cùng chồng là Nguyễn Hồng Hảo (51 tuổi, ở phường Quang Trung, quận Hà Đông), hai vợ chồng Hảo có vay tiền, vàng (khoảng hơn 15 tỉ đồng và 14 cây vàng) của một số người, và đến nay chưa có khả năng thanh toán.

Cũng theo lời khai ban đầu của vợ chồng Dậu, năm 2005 đến nay, anh chị đã cho anh T ở quận Hà Đông vay số tiền 10 tỉ đồng với lãi suất 1.000 đồng/ngày/1 triệu, tăng theo thời gian và tùy thỏa thuận. Hiện tại anh T đang nợ vợ chồng chị khoảng 145 tỉ đồng, bao gồm cả tiền lãi nhưng anh T không trả nên Dậu chưa có tiền trả đúng hẹn cho những người vợ chồng Dậu đã vay.

Cái tên gây sốt tiếp theo thuộc về vợ chồng Nguyễn Thị Cúc- Nguyễn Xuân Hùng ở Phú Xuyên. Số tiền mà Cúc huy động của người dân tạm tính là 273 tỷ đồng.

Tuy nhiên đến thời điểm này, CQĐT Công an huyện Phú Xuyên mới chỉ xác nhận số nợ mà Cúc để lại là 17 tỷ đồng, vì những nạn nhân khác chưa tố cáo. Cũng giống như vụ vỡ nợ tại thị trấn Phùng, cả làng chỉ ngã ngửa người ra khi Cúc bỏ trốn khỏi nơi cư trú đêm 5/10. Tin Cúc bỏ trốn cũng đồng nghĩa với việc làn sóng những người cho Cúc vay tiền xuất hiện với những tờ giấy viết tay xòe ra những con số cho vay khủng.

Có thể thấy điểm chung của các vụ vỡ nợ là: Con nợ đã huy động tiền với lãi suất rất cao; Trước khi gom được tiền thì các con nợ đã tạo lòng tin cho các chủ nợ bằng cách khuếch trương thanh thế và trưng ra vẻ bề ngoài sáng loáng. Cuối cùng là họ… đột nhiên biến mất – hành động thay thế cho lời tuyên bố vỡ nợ.

Hiện nay, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra các vụ vỡ nợ này. Kết quả cuối cùng chưa ngã ngũ nhưng đây là bài học đắt giá cho những người dễ dàng bị đồng tiền làm cho lóa mắt.

Nhưng, vì sao các vụ vỡ tín dụng đen lại cùng xuất hiện trong bối cảnh này?

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh – Giám đốc Công an Hà Nội đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng vay nợ “tín dụng đen” đang diễn trên địa bàn thành phố. Theo Tướng Nhanh, hiện tình trạng cho vay theo kiểu “tín dụng đen” đang xảy ra ở nhiều địa bàn, trước đây tập trung ở nội thành, trong thời gian qua, việc cho vay tín dụng đen đã lan rộng sang các vùng nông thôn, ngoại thành.

Có một số giải thích cho việc xuất hiện một loạt vụ vỡ nợ tiền tỷ này đó là do thị trường đang vào điểm rơi về đầu tư vì chứng khoán không còn hấp dẫn; bất động sản đi vào chu kỳ nguội lạnh không có giao dịch và không còn những mức giá ảo quá mức; vàng thì luôn trong tình trạng bấp bênh về giá… Sự trồi sụt của thị trường khiến cho những nhà đầu tư lao đao.

Trong bối cảnh đó, những chủ nợ lại huy động tiền với lãi suất cao và có tiền ngay khiến các con nợ sẵn sàng móc hầu bao mà không thắc mắc về số tiền vay để làm gì, liệu có sinh lời đủ để trả tiền lãi suất huy động…

  • (Tổng hợp)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc