Sập giàn giáo thủy điện ở Lào, 2 người Việt tử vong
Tối 11/1, ông Phạm Minh Chuân, Chủ tịch UBBND xã Phú Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) cho biết, chính quyền địa phương và gia đình đã nhận được thông tin hai lao động quê xã Phú Thành và xã Tân Thành (huyện Yên Thành) tử vong trong vụ sập giàn giáo tại công trình thủy điện ở Lào.
Theo người lao động quê Nghệ An, Hà Tĩnh báo về, sáng 11/1, xảy ra vụ sập giàn giáo ở công trình thủy điện Mường Khống (Lào). Vụ sập giàn giáo khiến hai công nhân tử vong là anh Võ Văn Tuấn (33 tuổi, quê xã Phú Thành) và một công nhân tên Thái (quê xã Tân Thành) bị thương nặng, tử vong khi đưa đi cấp cứu.
Ông Chuân cho biết thêm: "Do công trình ở trong rừng sâu nên anh Tuấn đưa ra đến bệnh viện ở Lào thì tử vong. Còn công nhân quê xã Phú Thành tử vong trên đường đưa ra bệnh viện.
Anh Tuấn đã lập gia đình và đã có hai con đang học lớp 6 và lớp 5. Hoàn cảnh anh Tuấn ở quê nhà rất khó khăn. Thời gian qua, anh Tuấn đi làm thuê ở miền Nam rồi sang Lào làm công nhân, chắt chiu, dành dụm, vay mượn mới xây cất được hai gian nhà ở quê. Hiện người thân đang sang Lào làm thủ tục đưa thi thể anh Tuấn về quê nhà an táng"
Côn đồ đe đoạ, ném chất bẩn vào nhà chủ doanh nghiệp khai thác mỏ
Ngày 11/1, ông Trần Văn Sáng, trú tại thôn Hồng Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam), Chủ tịch HĐTV Công ty cổ phần ĐT&XD Nam Sơn, 1 doanh nghiệp khai thác mỏ đá trên địa bàn bức xúc cho biết, vào khoảng 21h ngày 3/1, camera của gia đình ông ghi lại được hình ảnh 1 thanh niên đội mũ màu trắng, đeo khẩu trang, mang chất bẩn đến ném vào nhà.
“Không rõ chất bẩn là loại gì nhưng nó có mùi rất khó chịu, sự việc cũng đã được gia đình tôi thông báo cho cơ quan chức năng ngay sau đó”, ông Sáng nói.
Tiếp đó, vào khoảng 22h ngày 4/1, gia đình ông lại phát hiện có 2 thanh niên đi trên xe máy hiệu Dream không có BKS, lượn lờ trước cửa cổng nhà. Sau khoảng 4 vòng đi lại và quan sát, 2 đối tượng này thực hiện hành vi ném kim tiêm vào cổng nhà ông.
Tưởng chừng sự việc chỉ dừng lại ở đ thì tiếp đó, vào lúc 13h ngày 7/1, 1 chiếc xe ô tô 16 chỗ mang BKS: 20L – 20xxx, dừng lại ngay trước cửa cổng nhà ông. Một lúc sau, xuất hiện người chạy vào giật cửa cổng và liên tiếp gọi tên ông Sáng, quát tháo.
Theo chủ nhà, nhóm người này liên tục đến nhà ông và công ty để uy hiếp khiến mọi người hoảng loạn và không thể tập trung làm việc được.
Nói về nguyên nhân nhiều khả năng dẫn đến sự việc trên, ông Sáng cho hay: “Khoảng hơn 1 năm nay, Công ty cổ phần ĐT&XD Nam Sơn của tôi và Công ty TNHH Hồng Hà do ông Nguyễn Huy Cường là giám đốc xảy ra mâu thuẫn trong hợp đồng hợp tác, hợp đồng đầu tư xây lắp dự án khai thác mỏ đá ở núi Thung Đền Bà Oanh, xã Thanh Thuỷ, huyện Thanh Liêm (Hà Nam).
Từ ngày Công ty TNHH Hồng Hà thuê vệ sĩ và một số người ngăn cản việc bán hàng của Công ty Nam Sơn thì mới xảy ra việc gia đình tôi bị đe dọa, ném chất bẩn vào nhà.
Trao đổi về vụ việc trên, ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng Công an huyện Thanh Liêm cho biết: “Trước đây, tỉnh Hà Nam có cấp phép cho ông ty TNHH Hồng Hà do ông Cường làm giám đốc khai thác mỏ, sau đó công ty này có ký kết hợp đồng với ông Công ty cổ phần ĐT&XD Nam Sơn do ông Sáng làm chủ. 2 bên sau đó đã chấm dứt hợp đồng thỏa thuận với nhau rồi mới xảy ra tranh chấp.
Hiện huyện đang đứng ra hòa giải cho đôi bên. Còn việc ông Sáng phản ánh nhà bị ném chất bẩn và kim tiêm, tôi sẽ cho anh em xác minh, làm rõ”.
CSGT dừng nhiều xe Grab, Uber đi vào phố cấm
Sáng 11/1, quy định cấm taxi truyền thống và xe Uber, Grab bắt đầu có hiệu lực trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội.
Các tổ cảnh sát giao thông cùng công an phường, thanh tra giao thông chốt trực, tuần tra tại khu vực phố Phủ Doãn, đoạn qua cổng bệnh viện Việt Đức, đã dừng xe để nhắc nhở, xử lý nhiều tài xế taxi dừng đỗ, đón trả khách và đi vào phố cấm.
Tại đây, nhiều tài xế Uber, Grab bị cảnh sát dừng xe đã bỏ chạy; một số tài xế khác thì trình bày với lực lượng chức năng là không biết có lệnh cấm, mặc dù ở đầu tuyến phố đã có tấm biển cấm khá lớn.
Tài xế trung tuổi đi xe Toyota Vios màu vàng cát, trước kính chắn gió gắn một tấm biển nhỏ "xe hợp đồng" vừa đi từ phố Triệu Quốc Đạt vào phố Phủ Doãn được chừng 20m, thì bị thượng úy Lý Quốc Dũng dừng xe và thông báo lỗi đi vào phố cấm. Nhắc nhở tài xế này, thượng úy Dũng nói, "từ hôm nay, các xe dưới 9 chỗ dạng hợp đồng vận tải bị cấm tương tự taxi truyền thống, nếu tài xế cố tình tái phạm thì chúng tôi sẽ xử lý theo quy định".
Tài xế này tỏ ra khá ngạc nhiên và cho rằng mình chưa nắm được chủ trương cấm nêu trên của Thành phố. Ông cũng cam kết không tái phạm.
Theo thượng úy Dũng, để phát hiện các loại taxi công nghệ như Uber, Grab không khó, vì hiện hầu hết xe tham gia thí điểm hoạt động ở Hà Nội đều được dán logo hình tròn ở bên hông phải, ngoài ra trước kính lái còn để tấm biển nhỏ ghi "xe hợp đồng".
Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 1 cho biết, trong sáng cùng ngày, các tổ công tác của đội tập trung tuần tra, kiểm soát và chủ yếu là nhắc nhở, tuyên truyền với tài xế taxi Uber, Grab.
Ông Ngọc nói, các hãng taxi cũng cần thông báo cho từng tài xế để nắm rõ chủ trương của thành phố. "Sau khi có thông báo cụ thể, tài xế vẫn cố tình không chấp hành thì đơn vị sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng khác xử lý nghiêm theo quy định", trung tá Ngọc nhấn mạnh.
Theo kế hoạch của Sở Giao thông Vận tải, trong 10 ngày đầu cắm biển cấm, cơ quan này giao lực lượng thanh tra phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an thành phố và chính quyền địa phương tổ chức chốt trực, hướng dẫn phân luồng giao thông cho các phương tiện.
Xem thêm:
1. Gã đàn ông xâm hại nữ hành khách ngủ trên máy bay khi vợ đang ngồi cạnh
2. Khỏa thân chạy xe, người đàn ông "nổi như cồn" trên mạng xã hội được gia đình đưa đi viện điều trị