Tách thửa đất nông nghiệp là gì?
Theo quy định của Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 148/2020/NĐ-CP thì có thể hiểu tách thửa đất nông nghiệp là thủ tục phân chia quyền sử dụng đất và quyền sở hữu các tài sản gắn liền với đất thành nhiều thửa đất khác nhau.
Khi đó, từ một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các quyền sở hữu các tài sản gắn liền với đất sẽ được tách thành hai hay nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu các tài sản gắn liền với đất khác nhau.
Tách thửa đất nông nghiệp cần đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT, việc tách thửa đất nông nghiệp phải đáp ứng các điều kiện dưới đây:
- Thứ nhất, đất nông nghiệp tách thửa phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (ở một số địa phương lại không bắt buộc phải có giấy tờ này mà chỉ cần đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận).
- Thứ hai, thửa đất nông nghiệp không có tranh chấp.
- Thứ ba, đất nông nghiệp còn thời hạn sử dụng.
- Thứ tư, thửa đất nông nghiệp đáp ứng được điều kiện về diện tích và kích thước chiều cạnh tối thiểu để tách thửa.
Như vậy, trường hợp muốn tách thửa đất nông nghiệp cần phải đáp ứng các điều kiện nêu trên.
Đất nông nghiệp diện tích bao nhiêu được tách thửa?
Điều kiện về diện tích tối thiểu là một trong các điều kiện quan trọng khi tách thửa đất, tuy nhiên đây lại là điều kiện dễ vi phạm nhất.
Tại khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định như sau: UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Theo đó, diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất nông nghiệp sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Điều này có nghĩa, pháp luật sẽ không quy định hạn mức diện tích tách thửa tối thiểu chung mà mỗi địa phương sẽ căn cứ vào quỹ đất và quy hoạch sử dụng đất tại địa phương mình để quy định diện tích tách thửa tối thiểu riêng.
Do đó, khi làm thủ tục tách thửa đất nông nghiệp, trước tiên người dân cần kiểm tra kỹ quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất nông nghiệp tại địa phương mình là bao nhiêu và đối chiếu với diện tích thửa đất mà mình định tách xem có đáp ứng được hay không.
Muốn tách thửa đất nhưng không đủ diện tích, phải làm gì?
Việc người sử dụng đất không đủ điều kiện tách thửa đất nông nghiệp do không đảm bảo điều kiện về diện tích tối thiểu tách thửa xảy ra khá phổ biến. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP có quy định:
Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho thửa đất mới.
Theo quy định nêu trên, nếu người sử dụng đất xin tách thửa đất mà thửa đất được hình thành từ việc tách thửa không đảm bảo diện tích tách thửa tối thiểu thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa đất (mua thêm một phần thửa đất bên cạnh) và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất mới.
Quy trình tách thửa đất nông nghiệp thế nào?
Quy trình tách thửa đất nông nghiệp được thực hiện như sau:
Bước 01: Chuẩn bị hồ sơ
Căn cứ khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT, thành phần hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục tách thửa đất gồm có các giấy tờ sau:
– Đơn đề nghị tách thửa theo Mẫu số 11/ĐK;
– Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bước 02: Nộp hồ sơ
Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu.
Cách 2:
– Trường hợp địa phương đã tổ chức Bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
– Trường hợp địa phương chưa tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện nơi có thửa đất hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nếu chưa tổ chức Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Bộ phận tiếp nhận ghi và đưa người nộp hồ sơ giấy tiếp nhận và trả kết quả.
Bước 4. Trả kết quả
Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết phải trả kết quả cho người nộp hồ sơ.