Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn nguồn thống kê của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dựa trên báo cáo tài chính quí II của các công ty niêm yết trên hai sàn cho thấy ngành điện, nước và xăng dầu khí đốt dẫn đầu về tốc độ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2013 với lợi nhuận đạt 101% kế hoạch cả năm.
Những doanh nghiệp niêm yết trong ngành có tốc độ hoàn thành lợi nhuận cao nhất là Nhiệt điện Phả Lại (PPC) với 338%, Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) với 130%, Nhiệt điện Ninh Bình (NBP) với 138%, Công ty Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PGD) với 110% và Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) với 96%.
Báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm của ba công ty điện trên cho biết lợi nhuận trước thuế của PPC tăng đến 7,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.683 tỉ đồng, của BTP tăng 25% đạt 93,4 tỉ và của NBP giảm 45% xuống còn 23,23 tỉ đồng. Cả ba công ty đều có vốn góp của cổ đông nhà nước mà đại diện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo website của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM thì cổ đông nhà nước đang nắm 51% cổ phần của PPC, 79,56% vốn của BTP. Báo cáo tài chính quí 2 của NBP cho biết EVN đại diện cho phần sở hữu của nhà nước nắm 54,8% vốn của NBP.
Hai ngành tiếp theo có tỷ lệ hoàn thành lợi nhuận cả năm khá cao theo thống kê của VDSC là ngành bán lẻ với 69% và hóa chất với 68%. Thấp nhất là ngành vật liệu xây dựng chỉ mới đạt 4% kế hoạch lợi nhuận sau nửa đầu năm.
Lõ lãi của ngành điện và xăng dầu lúc thế này, lúc thế kia |
Theo VDSC, trong quí II, tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngành niêm yết hầu hết đều ở mức thấp, trừ ngành điện, nước, xăng dầu và khí đốt, với ROA khoảng là 11% và ROE 20%. Ngành có tỷ suất sinh lợi thấp nhất là xây dựng và vật liệu với tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sớ hữu xấp xỉ 1%, và trên tổng tài sản còn thấp hơn. ROA và ROE trung bình của các ngành trung bình là 2% và 5%, không thay đổi nhiều so với quí 1.
Với báo cáo trên, dư luận cảm thấy chán nản hơn với điệp khúc lỗ lãi của ngành xăng dầu, điện nước. Là những con số báo cáo mà cũng õng ẹo yêu ghét như con gái tuổi dậy thì lúc thế này, lúc thế kia. Chỉ mới đây thôi, đầu tháng 8/2013 khi tăng giá điện thêm 5 % ngành điện cũng than rằng điều chỉnh giá bán điện lần này để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do giá than đã tăng từ 37 đến 41% tùy loại than từ ngày 20/4/2013. Một quan chức EVN giải thích thêm việc tăng giá này chưa thể xử lý được khoản lỗ của những năm trước (đã được EVN công bố lên tới trên 20.000 tỉ đồng) và khoản tiền trên vẫn tiếp tục phải “treo ở đó, chờ xử lý dần”.
Trả lời trên Thời báo Ngân hàng, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết hiện nay lỗ cả kinh doanh và lỗ tỷ giá của ngành điện vào khoảng 20.000 tỷ đồng. Nợ cũ chưa trả hết, giờ lại xuất hiện nợ mới, “chỉ trong 6 tháng mà ngành điện đã nợ cả than và dầu khí là 9.300 tỷ đồng”, như ông Ngãi dẫn chứng.
Đó là chưa kể sức ép về đầu tư. Cũng theo ông Trần Viết Ngãi, ngành điện mới vay 14.500 tỷ đồng cho Thủy điện Lai Châu, trong khi công trình này cần số vốn đầu tư lên tới 36.000 tỷ đồng. “Chưa nói bây giờ còn đầu tư cho Mông Dương 1, đầu tư cho Thái Bình 1 (vay vốn ODA của Nhật), Nghi Sơn. Trong miền Nam thì có Duyên hải 1, Duyên hải 2, 3, Duyên hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 2, 4… Một loạt các nhà máy như vậy, EVN cần khoảng 6 – 7 tỷ USD”, ông Ngãi liệt kê một loạt dự án đầu tư đang khát vốn của ngành điện.
Cũng giống như ngành điện, mỗi khi xăng dầu than lỗ người tiêu dùng lại giật thót tim bởi cứ lỗ, nợ đọng là lại treo lên đầu dân đòi tăng giá. Từ giữa tháng 7, trong khi giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng giảm thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước vẫn rả rả kêu lỗ trên 300 đồng/lít xăng, gần 1.000 đồng/lít dầu hỏa. Mặc kệ giá dầu thế giới giảm các doanh nghiệp xăng dầu Việt vẫn ôm lỗ nên đòi bù lỗ từ người dân. Nhưng ngay sau đó, Petrolimex một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn nhất lại khoe lãi gần 900 tỷ đồng khiến người dân như "sôi máu" với doanh nghiệp này. Ấy vậy chưa đủ, doanh nghiệp này cho rằng lãi như thế còn ít lẽ ra phải cao hơn thì mới đủ định mức doanh nghiệp đề ra.
Cho đến thời điểm này, người dân đã thực sự mất niềm tin vào tính minh bạch của giá xăng dầu và giá điện. Các doanh nghiệp kêu thua lỗ còn báo cáo tài chính thì cứ lãi ròng lãi.