Ôm con trong lòng, đôi mắt của người mẹ nhiều khắc khổ nhìn vô định vào khoảng không phía trước. Chị kể về những tháng ngày chạy chữa cho con, kể về cuộc sống của chị bây giờ. Những giọt nước mắt cứ lăn dài, đó là những giọt yêu thương, những nỗi xót xa của một người mẹ chỉ khao khát một điều rằng đứa con trai 15 tuổi của chị có thể một lần cất lên tiếng gọi mẹ.
Hành trình của tình yêu thương
Đã 15 năm nay, chị Trịnh Thị Tuyết (Tư Đình, Long Biên, Hà Nội) kiên trì và bền bỉ tìm mọi cách chạy chữa cho đứa con trai mắc chứng tự kỷ điển hình từ lúc mới sinh ra. Năm nay, cháu Hiếu đã 15 tuổi nhưng cậu bé vẫn chỉ có thể lê la khắp nhà, nghịch ngợm đồ đạc như một đứa trẻ.
Không biết nói, không nhận thức được mọi thứ xung quanh. Thế giới của Hiếu chỉ gói gọn trong căn phòng nhỏ với tình yêu thương của mẹ.
Ngày Hiếu ra đời là cái ngày chị Tuyết không bao giờ có thể nào quên. Cũng kể từ đây, cuộc đời chị trải qua biết bao nhiêu sóng gió, vất vả, truân chuyên vì con.
Đời chị khổ quá. Nhưng càng khổ, chị lại càng thương con hơn, càng khổ, nỗi xót xa càng lớn, chị lại muốn dành tất cả những yêu thương của người mẹ để bù đắp cho số phận của đứa con gặp nhiều bất hạnh. Chị Tuyết kể về cái ngày chị vượt cạn sinh ra Hiếu, đôi gò má gầy của chị cứ lăn dài những giọt nước mắt:
“Tôi mang thai cháu khỏe mạnh không phải thuốc thang gì. Nhưng đến hôm đẻ thì cháu bị ngạt. Điều kiện trạm xá không tốt, cháu tím đen cả người. Sợ hãi quá, mọi người vội phải đưa lên Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu”.
Chị Trịnh Thị Tuyết |
Hai mẹ con chị được cứu, nhưng linh cảm của một người mẹ mách bảo cho chị biết điều chẳng lành, có một cái gì đó sẽ ập xuống đầu đứa con trai bé bỏng mới lọt lòng của chị. Điều dự cảm ấy không lầm khi ngày càng lớn, Hiếu càng ốm yếu, chậm chạp và có những hành vi bất thường.
So với bạn bè cùng lứa, Hiếu chỉ nhỏ xíu, quặt quẹo ốm đau quanh năm suốt tháng. Mới mấy tháng tuổi chị Tuyết đã phải đưa con đi khám, chữa bệnh ở nhiều nơi, nhưng thể trạng cháu cũng chẳng khá lên. Lên 2 tuổi mà Hiếu vẫn không biết nói, chỉ ê a ra hiệu và đặc biệt luôn luôn quấy khóc.
Khi Hiếu lên tám tuổi cũng đánh dấu tám năm chị Tuyết đôn đáo khắp nơi tìm thuốc thang, tìm thầy chữa trị, tám năm không một bữa cơm ngon, không một giấc ngủ trọn vẹn. Suốt tám năm ròng rã, chị Tuyết ôm con đi chạy chữa khắp nơi.
Ai mách đâu đi nấy. Vay mượn, nợ nần, đường xá xa xôi không cản được những bước chân của người mẹ. Nhà không có xe máy, chị đi bằng xe đạp, rồi nhờ anh em, họ hàng đưa đi, có nhiều khi phải nhờ đến sự giúp đỡ của cả hàng xóm láng giềng.
“Cũng may được mọi người giúp đỡ cho nhiều, chứ nhiều lúc nghĩ cũng không biết sẽ phải làm gì để có thể vượt qua được những khó khăn như thế”, chị Tuyết tâm sự.
Vừa lo chạy chữa cho con, vừa phải đi làm đủ việc để kiếm tiền lo cho cuộc sống và tiền thuốc. Cứ tranh thủ những lúc con ngủ, chị phải để con một mình, chạy ra đồng làm quấy làm quá. Chồng chị Tuyết làm phụ hồ, ngày nắng ngày mưa, vất vả chẳng được bao nhiêu.
Nhìn sâu vào đôi mắt vô hồn của con, chị đọc được tiếng gọi của con nơi tận sâu đáy mắt, chỉ một mình chị hiểu được, chỉ mình chị thôi, thứ ngôn ngữ của tình mẫu tử. |
Nhà có hơn ba sào ruộng. Tất tật mọi việc trông cậy vào đó. Có thời gian, khi đêm xuống, chờ cho con ngủ, chị thức trắng để ra đồng cuốc xới cho kịp vụ.
“Nhiều khi vừa làm vừa lo nơm nớp cháu ở nhà một mình, nhỡ không may…. Nhiều hôm cũng phải để liều thế chứ biết làm sao được. Không làm thì lấy gì mà ăn”, vừa lau mặt cho đứa con vô thức, chị Tuyết vừa tâm sự.
Thấy chị vất vả, lại thương cháu Hiếu phải chịu nhiều thiệt thòi, các cô giáo mầm non trong làng bảo chị mang cháu ra lớp để các cô trông giúp. Mừng mừng tủi tủi, chị những mong cho con được ra lớp, đi học để tình trạng của con tốt thêm lên.
Nhưng chẳng được mấy hôm, Hiếu đập phá đồ đạc khiến các bạn trong lớp sợ hãi, rồi gào khóc, cấu xé, cắn cả cô giáo, chị Tuyết lại phải nước mắt ngắn dài, đưa con về.
Không bỏ cuộc, chị lại hỏi han tìm lớp cho con đi học vì chị sợ để con ở nhà một mình, bệnh tình sẽ ngày càng nặng thêm. Chị lân la, tìm hỏi khắp nơi, khi biết có Trung tâm dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ cách nhà hơn chục cây số, lóc cóc xe đạp, chị tìm đến gặp được bà giám đốc Trung tâm, trình bày về hoàn cảnh của mình và xin cho Hiếu được đi học tại đây.
Thương hoàn cảnh của chị, bà giám đốc đồng ý, chị Tuyết mừng rơi nước mắt. Lớp học bán trú, sáng sang chị chở con đi, tối lại lóc cóc đón con về. Dù vất vả nhưng chị Tuyết tràn đầy hi vọng.
Rồi cũng chỉ được vài tuần, các cô giáo không thể kiểm soát được tình hình của Hiếu. Chỉ cần vắng mẹ, Hiếu lại gào khóc thảm thiết, tự đánh đập mình. Chị ngậm ngùi, gạt nước mắt lại đưa con về nhà.
Cả đời chị vất vả, chị cũng chẳng biết thế nào là bệnh tự kỷ. Chị chỉ biết dành hết tình yêu thương cho đứa con ngây dại của mình. Chạy vạy chữa trị khắp nơi và cố làm mọi điều tốt nhất cho con dù có phải khánh kiệt hết mọi cái gia sản nhỏ nhoi của cả gia đình chị.
Chị đã trải qua những cuộc hành trình mà chỉ có tình mẫu tử mới đủ sức mạnh mà làm được. Không nản chí, vẫn cứ hi vọng và tin tưởng, chị Tuyết cố gắng tự mình dạy dỗ cho con từng li từng tí những mong con có thể nhận biết được thế giới xung quanh nhưng dường như tất cả đều vô vọng.
Chị lại càng thương con nhiều hơn. Và chị lại càng chỉ biết dành tình yêu thương cho con nhiều hơn.
Bao giờ con biết gọi mẹ…?
Trong căn phòng khách nhỏ của ngôi nhà hai tầng cũng đã cũ, một cậu bé gầy ốm, la lê dưới nền gạch. Dưới căn phòng chỉ có duy nhất một tấm phản có trải chiếc chiếu kê ở một góc. Cạnh cửa sổ là chiếc chăn mới được trải, phòng khi cậu bé bám vào cửa sổ mà sàn trơn dễ ngã.
Hiếu bị tai nạn thường xuyên. Vết sẹo trên đầu do ngã cầu thang chưa lành, cậu bé lại mới bị gãy tay vì trèo lên cửa sổ. Lúc chị Tuyết để con ở nhà một mình, tranh thủ chạy ra đồng thì cậu bé ở nhà trèo lên cửa sổ và ngã gãy tay.
“Về đến nhà, thấy con nằm còng queo trên sàn, tay sưng vù, sợ quá, lao đến với con, hô hoán mọi người đưa đi viện. Nó đau mà cũng không biết kêu, không biết gọi mẹ. Đôi mắt cứ vô hồn nhìn.
Mỗi lần con ngã, trầy xước mặt mày, chân tay như thế, đau lắm, đau như đứt từng khúc ruột”, chị Tuyết nức nở, không kìm được xúc động. Từ ngày con bị gãy tay, chị Tuyết không dám rời con nửa bước, cứ quanh quẩn ở nhà, bỏ hết cả ruộng đồng.
Căn nhà mà chị đang ở bây giờ có đến hết đời chị cũng chẳng dám mơ. Lúc trước, cả gia đình chị sống trong ngôi nhà cấp bốn xập xệ ở mé góc vườn.
Thương các em, thương cháu, chị Đinh Thị Hòa, chị chồng chị Tuyết bán đi mảnh đất bố mẹ để lại cho mình, dồn tất tật tiền xây cho em, cho cháu căn nhà, còn chị, một mình, không gia đình, chị bảo chị sống thế nào cũng được.
Chị Hòa kể: “Thương cháu, thương em lắm. Đời nó vất vả nhiều. Cùng là phụ nữ tôi hiểu mà. Mười mấy năm ròng đôn đáo chạy chữa cho con mà nó cũng đâu có khỏe mạnh gì.
Có nhiều đêm con khóc, mẹ cứ nhong nhong con khắp sân đến một, hai giờ sáng. Rồi mẹ cũng khóc. Tôi cũng có ngủ được đâu. Thấy cảnh đấy, chỉ còn biết lau nước mắt”.
Tất cả mọi đồ đạc trong nhà đều phải treo lên cao. Ổ điện cũng phải trông cẩn thận và lắp thiết bị tự ngắt. Nhìn vào đôi mắt vô hồn của đứa con ngây dại của mình, chị Tuyết vẫn tin tưởng, đến một ngày, con chị có thể cất tiếng gọi mẹ.
“Đến tuổi này, con nhà người ta đã có thể giúp đỡ bố mẹ nhiều việc, vậy mà con mình…. Chỉ mong mỏi một ngày nào đó, nó có thể gọi một tiếng mẹ thôi”, chị Tuyết giàn giụa nước mắt, giọng nghẹn ngào.
Bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu nỗ lực dành hết cho con, nhiều lúc, chị cảm thấy mình bất lực và quá mệt mỏi. Chị bảo, nhiều lúc ngước lên trời cao mà hỏi, tại sao nhà mình ăn ở hiền lành, phúc đức bao nhiêu đời như thế mà số phận lại trớ trêu đến vậy, gương mặt hiền hậu của người phụ nữ nhiều vất vả trĩu nặng, đôi mắt gánh nặng một nỗi buồn.
Chị Tuyết cho biết, bây giờ Hiếu đã ngoan hơn, ít khóc và không nổi nóng như trước. Chút thay đổi dù nhỏ nhất của con chị cũng nhận ra, và nó làm vui lòng người mẹ khốn khổ ấy.
Nhưng sau lần bị ngã gãy tay, cháu yếu đi nhiều khiến chị Tuyết lo lắng nhiều hơn, chị gắng chăm chút cho con chỉ mong con khỏe lại được như trước. Những đêm thức cùng con đến một hai giờ sáng, xót lòng, đôi mắt người mẹ cứ ngân ngấn.
Ôm con trong lòng, chị thầm ước con cất tiếng gọi mẹ. Giá như điều đó xảy ra thì lòng người mẹ vui sướng biết bao nhiêu. Nhưng, dù điều ước có chưa đến thì chị Tuyết vẫn cứ tin sẽ có một ngày…
Nhìn sâu vào đôi mắt vô hồn của con, chị đọc được tiếng gọi của con nơi tận sâu đáy mắt, chỉ một mình chị hiểu được, chỉ mình chị thôi, thứ ngôn ngữ của tình mẫu tử.
- Việt Duy
[links()]