Trước khi xem xét kháng cáo, bản án sơ thẩm được Hội đồng công bố khiến phiên tòa lặng đi. Vì ghen tuông, người chồng này đã mua tới 40 lít xăng, đổ ra các thùng sơn rồi chở đến quán cơm mà vợ đang bán. Cả thùng xăng 10 lít đã được Trãi trút lên người vợ, từ đầu trở xuống! Đang bán hàng cạnh lò than lại bị từng ấy lít xăng của người chồng đổ lên, người vợ đã bị biến thành ngọn đuốc sống, vùng vẫy trong tuyệt vọng, đau đớn. Dù mọi người xung quanh đã đưa đi cấp cứu nhưng người vợ tội nghiệp đã chết hai ngày sau đó bởi vết thương quá nặng.
Người đàn ông bị phụ tình và cơn giận mang tên “phóng hỏa”
Trãi quen biết chị H.T.L.A từ nhiều năm trước, thông qua một vài người bạn. Là người con gái cũng gọi là có nhan sắc nhưng đường tình duyên của L.A lại rất lận đận. L.A có 3 người con thì chúng có tới 3 người cha khác nhau. Mỗi người đàn ông đi qua đời chị, có yêu thương rồi cũng lại bỏ lại cho người phụ nữ này sự cay đắng, thiệt thòi khi phải nuôi con vất vả một mình.
Trãi chứng kiến hết, biết rõ hết mọi chuyện tình cảm của L.A và dấy lên lòng xót xa cho người phụ nữ truân chuyên này. Thế rồi, đến năm 2004, khi đứa con trai út của L.A chưa tròn tuổi mà cha đứa bé (tên T) lại lần nữa bỏ L.A mà đi, Trãi đã đến bên chị. Bước đầu chỉ là sự quan tâm, chia sẻ, sau đó Trãi đã đem lòng yêu người đàn bà này lúc nào không hay. Lòng bao dung của người đàn ông cũng khiến cho Trãi coi bé Cường (con út của L.A) như con ruột của mình.
Vốn không giàu có gì, chỉ là một công nhân của Xí nghiệp liên hiệp Ba Son nhưng bị cáo cũng dốc lòng lo cho L.A và đứa bé. Nhiều năm trôi qua, cái gia đình nhỏ ấy cũng đã từng rất hạnh phúc. Chồng đi làm, vợ chăm sóc con và buôn bán lặt vặt để kiếm sống. Thế nhưng, vốn là người có máu mê đỏ đen, L.A thường xuyên tham gia đánh bài, chơi hụi, số đề.
Thế rồi, số tiền nợ cứ ngày càng chất chồng. Người đòi nợ tới làm dữ. Thương vợ, thương con, Trãi cắn răng bán luôn căn nhà mà mẹ mình đã cho để có tiền trả nợ cho vợ. Bán nhà rồi, vợ chồng con cái dắt nhau đi thuê nhà để ở. L.A cũng thuê một mặt bằng trên đường Hoàng Hà để mở quán cơm, coi như một sự chuộc lỗi với chồng vì đã để mất khoản tiền quá lớn.
Giữa năm 2010, bị cáo Trãi cũng nghỉ làm ở Ba Son, ở nhà phụ vợ buôn bán. Từ chỗ là người đàn ông đi làm giờ phải ở nhà trông con, thỉnh thoảng lại ra phụ rửa chén, bưng bê tại quán cơm của vợ đã khiến Trãi thấy bức bối. Cuộc sống vợ chồng đã bắt đầu có những cơn sóng gió. Thêm vào đó, sự “trở về” của người đàn ông tên T, cha của cháu Cường như “đổ thêm dầu vào lửa”, càng làm tăng mâu thuẫn của hai vợ chồng.
Bằng giọng cay đắng, bị cáo Trãi khai trước tòa: “Lúc trước ông T cũng thỉnh thoảng đến thăm con, bị cáo và ông ấy cũng trò chuyện bình thường. Nhưng rồi ông T cứ lấy cớ thăm con đến nhiều hơn, ở hoài trong căn nhà của bị cáo”. Rồi Trãi cũng nhận ra thái độ lạnh nhạt của vợ đối với mình tăng dần theo số lần ông T đến thăm con. Cho rằng L.A đã thay đổi, muốn quay lại với ông T nên Trãi ghen. Cơn ghen đã khiến người đàn ông quay sang hoạch họe, cãi vã với vợ vì những lý do không đâu. Thế rồi, trong một lần cãi nhau to, L.A đã thẳng thắn thừa nhận không còn tình cảm gì với bị cáo, đề nghị bị cáo phải ra khỏi nhà”.
Nói tới đây, bị cáo Trãi đã không còn kìm giữ được mà bật khóc: “Tôi đã hết lòng yêu thương vợ, coi con riêng của vợ như con ruột của mình, bán cả nhà của mình để trả nợ cho vợ mà giờ cô ấy cứ đòi đuổi tôi ra khỏi nhà mỗi lúc cãi nhau. Nhiều lúc tôi như phát điên. Có hôm tôi nắm con dao, ngồi cả buổi trong phòng mà không biết sẽ phải làm gì nữa”. Thế rồi, con uất ức, ghen tức vì bị phụ tình, Trãi đã mua xăng để đốt vợ.
Nguyễn Ngọc Trãi |
Hội đồng xét xử hỏi:
- Tay bị cáo bị tật có phải do bị bỏng lúc đốt vợ?
-Thưa phải ạ. Lúc tạt xăng vào người vợ, bị cáo đâu có định đốt vợ, chỉ muốn dọa cô ấy để cô ấy đổi ý mà đừng bỏ bị cáo. Mà nếu cô ấy không chịu thì bị cáo cũng muốn chết chung với vợ… Nào ngờ cô ấy đứng cạnh bếp than nên mới bị bắt lửa. Bị cáo cũng bị bỏng nhiều chỗ ở tay, ngực, lưng…
- Sau khi tạt xăng vợ, bị cáo đi đâu?
- Thấy L.A cháy, bị cáo hoảng quá vội bỏ chạy, mà cũng chẳng biết đi đâu, bị cáo lang thang chỗ này chỗ khác đến ngày hôm sau thì bị bắt. Người bị phỏng cũng không dám đến bệnh viện để chữa trị nên vết bỏng mới nặng hơn, để lại nhiều di chứng thế này.
- Bị cáo nói đã muốn chết chung với vợ, tòa sơ thẩm tuyên tử hình sao bị cáo còn xin giảm án?
- Lúc đó thiệt tình bị cáo cũng muốn chết cho rồi. Nhưng sau đó nghĩ lại, bị cáo muốn được sống để có thời gian chăm sóc cho con. Bị cáo coi Cường như con ruột vậy. Giờ mẹ cháu mất rồi, bị cáo muốn bù đắp cho con.
- Nhưng Cường có phải con ruột bị cáo đâu?
- Dạ, nhưng bị cáo coi nó như con ruột.
Tấm lòng người mẹ xin giảm án cho kẻ giết con mình
Khi người mẹ ruột của L.A được tòa gọi thẩm vấn thì sự tức giận của người dự án đối với bị cáo đã vơi đi. Người đàn bà với khuôn mặt phúc hậu, từ đầu phiên tòa đến giờ vẫn ngồi chăm chú lắng nghe từng lời của con rể đã nói ngay:
Mẹ vợ bị cáo |
- Thằng Trãi nó khai đúng hết, không có lời nào sai đâu thưa tòa.
Người mẹ cho biết bà hiểu con gái mình hơn hết. Theo lời bà, L.A vốn là người mê cờ bạc từ trước tới giờ. Chính bà cũng đã từng phải bán nhà để đỡ nợ cho L.A. Theo bà mẹ, khi biết Trãi yêu thương L.A, chính bà đã khuyên: “Con L.A nó vậy, con có chịu nổi không mà đòi lấy nó?”. Thế nhưng, Trãi đã bỏ ngoài tai lời khuyên của bà để đến với L.A.
Người mẹ cũng xác nhận với tòa: “Không ai thương con riêng của vợ như Trãi đâu tòa ơi. Thằng Trãi nó chăm sóc cháu Cường từ ngày bé và thương yêu cháu thiệt tình. Tình cảm của cha con nó tốt lắm. Bữa nay tôi cũng dắt cháu Cường đến đây để làm chứng với tòa, nhưng bảo vệ nói cháu còn nhỏ quá, mới 8 tuổi nên không cho vào. Nếu có cháu ở đây xin tòa cứ hỏi…”.
Hiểu con gái, hiểu sự đau khổ thiệt thòi của con rể, bà mẹ cũng là người đệ đơn đến tòa với yêu cầu tha thiết xin cho Trãi được giảm án tử hình. Khi tòa hỏi có hay không việc bị cáo khai L.A muốn bỏ bị cáo để quay lại với người đàn ông trước, bà mẹ khẳng khái: “Có đấy thưa tòa. Tôi biết con L.A nó mê thằng T lắm. Thằng T bỏ mẹ con nó khi cháu Cường chưa đầy tuổi nhưng nó vẫn không quên. Giờ thằng T về thăm con, muốn quay lại là nó đòi bỏ Trãi liền”. Bà mẹ nói đến đây, người dự khán nhìn thấy cánh tay cứng đờ vì chằng chịt sẹo của bị cáo đưa lên ngang mặt. Hình như là nước mắt người đàn ông này lại rơi.
Ngoài bà mẹ, hai đứa con lớn của L.A cũng đã gửi một lá đơn, tha thiết xin tòa giảm án cho cha dượng. Không chỉ cháu Cường mà một trong hai người con lớn này cũng cùng với bà ngoại đến tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, do không có giấy tờ tùy thân, cậu cũng phải ở bên ngoài cùng với em trai.
Hội đồng xét xử im lặng vài giây. Chủ tọa gọi bà mẹ lên hỏi tiếp:
- Lá đơn kháng cáo này do bà tự nguyện viết?
- Thưa đúng ạ.
- Bị cáo đã giết chết con gái bà, vì sao bà xin giảm án cho bị cáo?
- Dạ lúc mới biết tin thằng Trãi nó đốt con L.A, tôi giận lắm chứ. Nhưng sau đó nghĩ lại, con tôi đã chết rồi, giờ tôi không muốn mất đi thằng con rể nữa.
Như một luật sư, bà mẹ nó những điều tốt đẹp về con rể. Nào nó là người tốt bụng, quan tâm tới mọi người, hết lòng yêu thương vợ và con riêng của vợ, nào là chỉ trong phút giây thiếu suy nghĩ mà nó mới dại dột thế… Bà còn trưng ra một bằng chứng làm tình tiết giảm nhẹ cho con rể: sau khi xử sơ thẩm, chị gái của Trãi đã đem tới cho tôi 21 triệu đồng bồi thường tiền ma chay để xin tòa giảm án tử hình cho Trãi.
Đây không phải là lần đầu tiên bà mẹ xin tòa xử nhẹ cho kẻ đốt chết con mình. Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND TP HCM xét xử cách đây 2 tháng, bà cũng đã có mặt để xin tòa giảm án cho Trãi, nhưng yêu cầu của bà không được tòa chấp nhận. Trước đó, đơn bãi nại của bà cũng đã được gửi tới cơ quan điều tra Viện kiểm sát.
Hội đồng xét xử tuyên bố vào nghị án đã lâu nhưng bà mẹ vẫn ngồi nguyên tại chỗ. Ánh mắt đăm chiêu, lo lắng. Rồi ánh mắt bà mẹ tỏ ra lo lắng cực độ khi Hội đồng xét xử tuyên đọc bản án chung thẩm, một bản án có giá trị thi hành ngay, không còn cơ hội để kháng cáo. Rồi khuôn mặt bà dãn dần sau những lời nhận định của Tòa. Nụ cười nở vội trên khuôn mặt bà mẹ khi Hội đồng xét xử tuyên chấp nhận kháng cáo của bị cáo, của mẹ nạn nhân để giảm xuống còn tù chung thân cho Trãi. Nắm tay người dự khán không quen biết, giọng bà luống cuống: “Mừng quá, thế là nó thoát chết rồi! Thôi cứ cải tạo tốt rồi sẽ chóng được về”.
Bà mẹ lập cập ra về. Bước vội những bậc tam cấp tại tòa, bà hòa vào những người thân của bị cáo, đi về góc sân nơi có hai đứa con của L.A đứng chờ để báo tin cho chúng. Nhìn sự thân thiết, chia sẻ niềm vui với nhau của bà mẹ và người thân bị cáo, không ai ngờ đó là hai bên gia đình đối nghịch nhau trong các vụ án giết người. Không có sự thù hận, căng thẳng của hai bên gia đình như thường xảy ra trong các vụ án giết người khác.
Họ cùng ngồi án lại bên bóng mát của gốc cây trong sân tòa, chờ để được nhìn và tạm biệt Trãi trước khi bị cáo được đưa đi cải tạo, trả giá cho lỗi lầm của mình. Tin rằng, trước sự tha thứ của bà mẹ và những đứa trẻ, vòng tay rộng mở của người thân, đường về của bị cáo Trãi sẽ ngắn lại.
- Quý Đăng