[links()]
Anh Nguyễn Vũ Lâm (SN1983, Hoàng Mai, Hà Nội) hiện đang là một kỹ sư công nghệ thông tin đảm nhiệm Giám đốc kinh doanh cho một Công ty máy tính có tiếng. Do công việc phải liên hệ với khách hàng nhiều nên điện thoại di động lúc nào cũng phải thường trực và luôn trong tình trạng “bận rộn”.
“Tôi phụ trách mảng kinh doanh máy tính, khách hàng trong Nam, ngoài Bắc cũng nhiều, và chủ yếu làm việc thông qua điện thoại. Trước đây, tôi dùng mạng Viettel vì tính phổ biến và nhiều ưu đãi cho khách hàng, tôi cũng hài lòng về dịch vụ lắm. Nhưng bắt đầu từ năm ngoái, không hiểu sao máy của tôi nhận được các tin nhắn dịch vụ rất linh tinh với nội dung không lành mạnh như xổ số, xem lô đề, xem bói, mua sim số đẹp… Và càng ngày thì lượng tin nhắn gửi đến càng nhiều. Mới đầu là 1 – 2 tin/ ngày, sau 1 tháng thì lên đến hàng chục tin 1 ngày…”
|
Anh Nguyễn Vũ Lâm chia sẻ những bức xúc của mình về tin nhắn rác với PV Phunutoday |
Vì công việc bận rộn, anh Lâm cũng tạm thời cho qua, không để ý đến những tin nhắn vớ vẩn đó nữa. Nhưng đến một ngày, anh Lâm thực sự bực bội và vô cùng tức giận…
“Điện thoại của tôi là Nokia, dùng pin rất bền. Tuy công việc phải liên lạc điện thoại nhiều nhưng tôi phải dùng 2,3 ngày thì điện thoại mới hết pin. Hôm đó tôi đang chờ 1 cuộc điện thoại rất quan trọng của khách hàng, vì Công ty tôi nhận lắp đặt, cung cấp
máy tính cho một
cơ quan với hợp đồng trị giá 500 triệu đồng và người ta hẹn sáng hôm đấy sẽ gọi điện để trả lời và bàn bạc. Tối hôm trước đó tôi về muộn bởi đi ăn uống, nhậu nhẹt với khách, về đến nhà cũng say xỉn và quên luôn sạc điện thoại. Sáng hôm say vội vã đến công ty mà quên không đem theo sạc, điện thoại còn đúng 1 vạch pin.
Cả buổi sáng hôm đấy, tôi thấp thỏm đợi điện thoại và chỉ mong đừng hết pin quá sớm. Nhưng chốc chốc lại có tin nhắn đến mà toàn tin nhắn rác. Pin càng lúc càng yếu còn tôi thì bực không thể nào tả. Đợi mãi, đến khoảng 11h thì đối tác cũng gọi điện. Vừa nhấc máy alo được một cái thì điện thoại tít 1 tiếng, báo hiệu có tin nhắn đến và vụt tắt mất tiêu.
Tôi vội vàng mượn điện thoại của anh cùng công ty để lắp sim vào, mong cứu vãn tình thế nhưng vô ích. Sim của tôi lắp vào máy khác bị xoá toàn bộ cuộc gọi đến và đi, chỉ hiển thị đúng cái tin nhắn vớ vẩn mà lúc trước tôi không kịp đọc. Tìm mọi cách liên lạc với phía đối tác, xin được số di động của người phụ trách bên đấy và gọi điện thì người ta bảo: Tôi thấy anh nhận điện thoại rồi tắt máy luôn, sau đấy cũng không liên lạc lại ngay nên chúng tôi nghĩ phía công ty anh không còn muốn hợp tác nữa và chúng tôi đã làm việc với đối tác khác. Tôi sững sờ và bàng hoàng vì mất hợp đồng trong gang tấc…”
Sau khi sự việc xảy ra, anh Lâm đã bị khiển trách rất nhiều vì… tính bất cẩn và chiếc điện thoại.
“Lúc ấy tôi đã ước, giá như không có mấy cái tin nhắn rác gửi đúng lúc thì chắc điện thoại của tôi đã đủ pin để nghe hết cuộc gọi. Và giờ nghĩ lại cũng tự trách mình sao không thông minh hơn, mượn hẳn điện thoại của người khác để lắp sim vào từ sớm hay cẩn thận, có trách nhiệm hơn để sạc pin ngay từ đầu…”
“Chạy trời không khỏi nắng?”
Vuột mất hợp đồng béo bở 500 triệu chỉ vì mấy tin nhắn rác, anh Lâm vô cùng bức xúc và ngay ngày hôm sau, anh đã đổi sang dùng mạng Vinaphone.
“Phần vì bị gây ảnh hưởng đến công việc, phần vì bị làm phiền và bực bội nên tôi đã mua sim khác của Vinaphone để dùng, mong sẽ thoát khỏi những tin nhắn rác. Nhưng trái với mong muốn của tôi, chỉ sau 1 tuần kể từ ngày chính thức dùng sim đó, tôi lại bị tin nhắn rác quấy rối. Mà đen đủi hơn, dùng mạng Viettel thì 1 ngày tối đa cũng chỉ 10 tin nhăn rác, nhưng qua Vinanphone thì có ngày tôi phải nhận được 15 – 20 tin, đủ thể loại…”
Chia sẻ nỗi bực dọc với bạn bè, mỗi người khuyên anh một kiểu, chỉ cho anh đủ mọi cách nhưng tình hình vẫn chẳng khả quan hơn.
“Tôi đã thử đủ mọi cách. Tải phần mềm ngăn chặn tin nhắn rác, khiếu nại lên nhà cung cấp dịch vụ, gọi lại các số gửi tin nhắn đến, đổi sim số khác… nhưng đều vô dụng. Có khi nửa đêm đang ngủ, có tin nhắn đến, con gái lại giật mình tỉnh dậy khóc ré lên thế là cả nhà mất ngủ. Phiền toái vô cùng.”
| |
Dù đã thay đổi số điện thoại 3 lần, sử dụng 3 dịch vụ của 3 nhà mạng khác nhau nhưng anh Lâm vẫn không thể thoát được những tin nhắn rác. |
Chẳng làm thế nào khác được, anh Lâm lại quyết tâm đổi số một lần nữa, chuyển sang dùng Mobifone.
“Với một người làm kinh doanh như tôi thì việc đổi số rất tối kỵ, vì khách hàng rất khó liên lạc được mỗi khi cần. Vậy nên trong danh thiếp, tôi thường chỉ để số điện thoại công ty, hoặc dặn họ là nếu gọi di động không được thì gọi vào số cố định ở công ty hoặc số ở nhà. Nhưng cũng vì bị làm phiền nhiều quá nên tôi đành đánh bạo chuyển nốt sang mạng Mobifone xem thế nào, cũng mong được yên ổn. Nhưng… chạy trời không khỏi nắng.”
Chuyển từ dùng Viettel sang Vinaphone, rồi lại chuyển từ Vinaphone sang Mobifone mà “số kiếp” anh Lâm vẫn không thoát khỏi tin nhắn rác.
“Tôi cứ nhủ 1 ngày mà chỉ nhận 1 – 2 tin thôi là tốt lắm rồi. Không thì 5 tin cũng là may mắn, đàng này… Hồi dùng sim Viettel, số điện thoại của tôi cũng khá đẹp (đuôi 3 con 8) thì dễ bị gửi tin nhắn rác đã đành. Chuyển sang dùng Vinaphone, số cũng chẳng có gì đặc biệt mà vẫn bị làm phiền hàng chục tin mỗi ngày. Khi mua số Mobifone tôi đã quyết tâm mua số nào xấu xấu thôi, khó nhớ 1 tí cũng được, chỉ dùng để thuận tiện liên lạc là được mà cũng chẳng được tha. Ngày nào cũng bị tra tấn bởi lô đề, trúng thưởng. Vừa bực bội, ức chế lại gây nhiều phiền toái cho công việc và hơn hết là tôi đã mất hẳn niềm tin với dịch vụ mạng viễn thông Việt Nam rồi” – Anh Lâm chia sẻ.