Đôi dép và sự vô cảm dưới mái trường

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)-Càng gần đến ngày khai trường, những chuyện buồn của ngành giáo dục lại nhiều hơn lên khiến cho những người làm cha làm mẹ cảm thấy vô cùng bất an. Học trò bị cắt dép, bị đuổi ra khỏi trường vì màu quần đồng phục chưa đúng chuẩn, tại sao những hành động vô cảm như thế lại xuất hiện trong môi trường trồng người?

Suốt mấy ngày nay, câu chuyện về những học trò bị thầy giáo ở trường THPT Vị Thủy - Phân hiệu Vĩnh Thuận Tây (xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) cắt dép học trò vì theo quy định là các em phải mang giày ba ta tới lớp vẫn khiến dư luận chưa hết xôn xao. Có hai phe rõ ràng trong cuộc tranh luận này, phe thì bảo: Chuyện thầy cắt dép trò, không cho học sinh mặc sai đồng phục vào trường là đúng, cái gì đã thành nội quy thì phải tôn trọng, nếu không khi các em lớn lên sẽ trở thành những công dân không biết chấp hành pháp luật.

Phe khác không ủng hộ thì lên tiếng phản đối khía cạnh vô cảm trong lối hành xử của những người làm cô, làm thầy, nhất là trong những trường hợp học sinh ở vùng nông thôn, gia đình không có điều kiện khá giả. Cha mẹ các em đã phải lao động rất vất vả mới mua được cho con đôi dép, vậy mà thầy giáo lại hủy hoại nó, ngay trước mắt học trò như một trò hành hình dã man.

Tôi thiên về ý kiến của phe thứ hai, bởi thật khó để hình dung những chuyện phản giáo dục, thiếu tình người như thế lại xảy ra trong môi trường giáo dục, nơi những đứa trẻ đang như tờ giấy trắng, và nhân cách của chúng đang trong quá trình hoàn thiện. Một hành động vô cảm, cứng nhắc như thế, chắc chắn sẽ để lại di họa lâu dài.

Trò nghèo nông thôn đi học (ảnh minh họa)

Không chỉ đơn thuần là những đôi dép bị phá hủy, không chỉ đơn giản là việc các em mặc đồng phục không đúng bị các thầy đuổi về cho “nhớ đời” để lần sau đừng vi phạm, mà đó còn là sự phủi sạch tính nhân văn trong phương pháp giáo dục con người mà nền giáo dục nào cũng phải hướng tới.

Ngày xưa, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, rất nhiều những lứa học trò thế hệ 6x, 7x chúng tôi đã từng được thầy cô yêu thương, đói ăn thì thầy cô san sẻ, rách rưới thì thầy cô đùm bọc, hình ảnh người thầy thực sự bao dung và ấm áp như người mẹ người cha. Bởi lúc đó, cả thầy và trò chỉ có một chí hướng duy nhất, dìu dắt nhau, nương tựa vào nhau mà truyền thụ cho nhau những con chữ, kiến thức để trưởng thành.

Bây giờ, cuộc sống tưởng như đã khá hơn, tuy nhiên người giàu thì giàu lên rất nhiều mà người nghèo thì vẫn nghèo như thế, thế nhưng buồn một nỗi là tình người thì hầu như vắng bóng khỏi môi trường sư phạm. Con chữ, kiến thức đã thành chuyện bán mua, đã thấy nghẹn đắng khi trò nào không đi học thêm thì bị thầy cô cho vào “danh sách đen”. Thế nên mới có chuyện những người thầy lạnh lùng cắt dép của trò, hay đuổi học trò ra đường chỉ vì màu quần chưa chuẩn xác.

Chúng ta có nhiều cách để uốn nắn học trò, có nhiều con đường để khiến các em phải biết đề cao tính kỷ luật, nhưng trong nhiều cách ấy, chắc chắn không thể thiếu vắng tình thương và sự cảm thông. Trừng phạt một đứa trẻ bằng quyền năng của ông thầy thì quá dễ, nhưng khó hơn là làm sao để khơi gợi trong lòng đứa trẻ ấy một khao khát muốn vươn lên để không thua kém bạn bè về tư cách làm một con người tử tế chứ không chỉ đơn thuần là đôi dép, manh áo tấm quần. Thế nhưng thời nay, nhiều người làm thầy hầu như không bao giờ để tâm đến điều đó.

Giáo dục Việt Nam đang chạy theo thành tích, đang như những mạt sắt bị hút dính vào cục nam châm có tên gọi là “bề nổi” nên những điều căn cốt hầu như bị bỏ qua hết. Làm sao có thể cho ra đời những lứa công dân tử tế nếu như chúng chỉ được phết ngoài một lớp áo mỏng và giả dối về kiến thức, đạo đức, còn sâu bên trong tâm hồn, chúng đã bị bàn tay đen đúa của lối ứng xử vô cảm thế này làm hỏng? Làm sao chúng lớn lên có thể trở thành những người biết cảm thông với nỗi khốn khó của người khác, để nương nhẹ và cho nhau một cơ hội khi ở trường phổ thông, chỉ vì không đúng theo quy định, thầy lạnh lùng cắt dép học trò?

Con người thường có một phản ứng rất tự nhiên, chúng ta sẽ trao cho người khác những gì chúng ta đã từng nhận được. Vì vậy, nếu học trò nhận được tình thương và sự bao dung của người thầy, chúng sẽ trở thành những người trưởng thành thấu hiểu, biết cảm thông và ngược lại. Không hiểu những người làm thầy nghĩ gì mà lại hành xử phản giáo dục như vậy?

Mới hôm qua thôi, tôi đã bị sốc khi biết chuyện ở một ngôi trường THPT ở thị trấn của vùng nông thôn nọ, có một học sinh bị ngã từ trên tầng 3 xuống, máu phun ra xối xả, nằm bất động trên sân trường nhưng các bạn học chỉ đứng xem, chỉ chỏ và tranh thủ lấy điện thoại ra chụp ảnh và quay lại (để post lên facebook chăng), hầu như chẳng mấy ai xót thương. Còn nữa, một thầy giáo dạy Văn ở trường ĐH Sư phạm Vinh, lao vào ô tô tự tử, thân thể không toàn vẹn, thế mà hình ảnh vụ tai nạn thương tâm đã xuất hiện ngay trên diễn đàn sinh viên của trường với hàng ngàn lượt like (thích) và hàng trăm lượt share (chia sẻ) (!?). Thật không thể nào lý giải nổi.

Sự vô cảm từ xã hội đã lan vào trường học hay sự vô cảm từ trường học đã thẩm thấu ra ngoài xã hội, chắc không thể nào xác định nổi, vì giờ cả hai môi trường đều đã nhuộm nhoạm như nhau, đều đã bị đồng tiền thao túng.

Chúng ta tồn tại thì đơn giản, chỉ cần có cái ăn, có không khí hít thở là được, nhưng để sống cho ra một con người, biết yêu chuộng cái đẹp đẽ cao thượng, ghê sợ cái ác, cái xấu xa hèn mọn thì khó khăn vô chừng. Và những câu chuyện nhỏ mà không nhỏ như việc thầy cắt dép trò này đang làm cho cái đích “sống cho ra con người” ấy xa hơn bao giờ hết.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn