Lợi ích của đóng BHXH tự nguyện
Nếu người lao động có thu nhập dư dả mà không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc thì có thể tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng các quyền lợi dưới đây:
Được hỗ trợ mức đóng
Ngoài việc được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp thu nhập của bản thân, người lao động đăng ký tham gia BHXH còn được nhà nước hỗ trợ thêm 1 phần kinh phí tham gia.
- Đối tượng là hộ nghèo được hỗ trợ 30% mức đóng thấp nhất: 1.500.000 x 22% x 30% = 99.000 đồng/tháng
- Đối tượng là hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% mức đóng thấp nhất: 1.500.000 x 22% x 25% = 82.500 đồng/tháng
- Đối tượng khác được hỗ trợ 10% mức đóng thấp nhất: 1.500.000 x 22% x 10% = 33.000 đồng/tháng
Chế độ hưu trí
+ Lương hưu hàng tháng
Căn cứ Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định được lĩnh lương hưu hàng tháng. Số tiền lương hưu được tính dựa trên thời gian đóng và mức thu nhập mà người lao động đang đóng hàng tháng và được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng.
+ Trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu
Thời gian đóng BHXH tự hội nếu như vượt quá tỉ lệ hưởng tối đa, người lao động sẽ được trả thêm trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu.
+ Cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí
Ngoài lương hưu, người lao động còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, sử dụng đến hết đời (theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 146/2018/NĐ-CP). Mức hưởng ghi trên thẻ là 95% (cao hơn so với nhiều đối tượng khác).
+ Tiền BHXH 1 lần
Người lao động đóng BHXH tự nguyện không có nhu cầu hưởng lương hưu hàng tháng có thể lãnh tiền 1 lần.
Chế độ tử tuất
Khi người lao động qua đời, chế độ này được chi trả cho thân nhân của người lao động gồm các quyền lợi sau:
- Trợ cấp mai táng = 10 lần lương cơ sở.
- Trợ cấp tuất 1 lần hoặc trợ cấp tuất hàng tháng.
Lợi ích khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng
Nếu gửi tiết kiệm tại ngân hàng người dân sẽ được hưởng khoản tiền lãi theo kỳ hạn của khoản tiền gửi. Thời hạn gửi tiết kiệm càng lâu thì sẽ được hưởng mức lãi càng cao.
Theo Quyết định 575/QĐ-NHNN năm 2023, mức lãi suất tối đa dành cho các khoản tiền gửi ngắn hạn được quy định như sau:
- Tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng: Tối đa 0,5%.
- Tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng: Tối đa 5,5%/năm.
Đối với số tiền lớn và kỳ hạn dài, người dân sẽ được tính mức lãi cao hơn. Tùy vào từng ngân hàng sẽ có mức lãi riêng, thường dao động từ 7%-9%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11%/năm với số tiền từ 01 tỷ đồng trở lên.
Nên đóng BHXH hay gửi tiết kiệm ở ngân hàng?
Việc đóng BHXH hay gửi tiết kiệm đều có những ưu điểm riêng. Nhưng nếu xét về tương lai lâu dài, hạn chế rủi ro tối đa thì người lao động nên chọn đóng BHXH tự nguyện. Dưới đây là 2 lý do:
Về khả năng rủi ro
Quỹ BHXH được hình thành từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động và được bảo hộ bởi nhà nước nên không thể bị phá sản, đảm bảo chi trả các chế độ hưu trí và tử tuất cho người lao động.
Còn các ngân hàng hoạt động với mục đích sinh lời hoàn toàn có khả năng bị phá sản do làm thua lỗ. Khi đó người gửi tiết kiệm có khả năng bị mất trắng tiền.
Theo Quyết định 32/2021/QĐ-TTg, nếu ngân hàng phá sản, người dân sẽ được tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả lại tiền gửi nhưng tối đa không quá 125 triệu đồng.
Về lợi ích lâu dài
Người tham gia gửi tiết kiệm được hưởng một khoản tiền lãi theo kỳ hạn của tiền gửi. Nhưng nếu chỉ gửi tiết kiệm với số tiền lãi ít ỏi dưới 10%/năm sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi sự trượt giá. 20-30 năm sau, giá trị thực sự của khoản tiền gốc sẽ còn lại rất ít.
Nhưng nếu đóng BHXH để hưởng lương hưu khi về già thì mức lương hưu sẽ được điều chỉnh định kỳ theo tỉ số tiêu dùng của từng thời kỳ.
Thực tế gần như năm nào nhà nước cũng điều chỉnh tăng lương hưu với tỷ lệ dao động khoảng 7% đến hơn 10%. Nếu có tuổi thọ cao, tổng số tiền lương hưu mà người lao động nhận được là con số rất lớn.
Bên cạnh đó, trong thời gian hưởng lương hưu, người lao động còn được cấp thẻ BHYt với mức hưởng lên đến 95%. Khi mất, người thân được hỗ trợ chi phí mai táng và nhận trợ cấp tuất.