Đóng thêm tiền BHXH để nhận lương hưu cao có được không?
Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Cùng với đó, Khoản 2 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, được sửa bởi Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH cũng hướng dẫn tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động bao gồm:
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh được thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
- Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng chưa tính đến hoặc có tính nhưng chưa đầy đủ.
- Các khoản bổ sung xác định được số tiền cụ thể và trả thường xuyên cùng với mức lương được thỏa thuận trong hợp đồng ở mỗi kỳ trả lương.
Có thể thấy, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là những khoản tiền cụ thể được xác định trong hợp đồng lao động, mang tính chất cố định, được chi trả thường xuyên ở mỗi kỳ trả lương.
Như vậy, người sử dụng lao động chỉ được đóng bảo hiểm xã hội dựa trên các khoản tiền đã được thỏa thuận cụ thể, rõ ràng trong hợp đồng lao động chứ không được tự ý chọn đóng bảo hiểm xã hội với mức lương cao hơn.
Phạt tiền nếu đóng BHXH sai quy định
Trường hợp đồng ý cho người lao động đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao hơn, công ty sẽ phải kê khai mức lương đóng bảo hiểm xã hội cao hơn so với hợp đồng lao động.
Lúc này, người sử dụng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng.
Theo đó, công ty sẽ bị phạt từ 12 -15% tổng số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.