Đột nhập biệt phủ thầy bói "lừng danh" Bắc Ninh

11:03, Thứ ba 28/06/2011

( PHUNUTODAY ) - Lê Nghị bất giác “lỡ lời” buông một câu rặt mùi phàm tục: “Dấp này hàng quán ế ẩm lắm…” rồi thở dài não nề.

(Phunutoday)- Nơi đây, nhấp nhô đến cả trăm pho tượng được bài trí theo thứ tự từ thấp đến cao. Phía dưới cùng, hai ông tượng La hán, có thể vì do chật chội, hoặc giả do không có chỗ bày biện, thầy Lê Nghị bèn sắm hai bức tranh có hai ông hộ pháp để đặt hai bên…

b
Biệt phủ "thầy Nghị" đang xây dở...

Buổi chiều Quế Võ bỗng trở nên ảm đạm. Đây là lần thứ hai tôi dọ dẫm tìm đường về Hà Liễu, mà mắt cứ dán vào quãng đồng xanh có cái cột thu phát sóng của Vietel mà định hướng. Bởi vì, nơi ấy có một cái “biệt phủ” đang được xây dựng. Một cái bạt xanh phủ từ trên tầng cao nhất rủ xuống, che đi được một phần những cột sắt bê tông vẫn còn lô nhô chĩa lên trời vì công trình chưa được hoàn thiện.

Trên cái nền bạt xanh ấy, một chiếc lọng khá to theo tư thế “nằm duỗi” đuỗn đuột, bên dưới tòn ten đeo một dải tua rua màu mè mà bất cứ “phủ”, “điện” của ông đồng, bà cốt nào cũng treo như là mốc đánh dấu cho con nhang đệ tử phân biệt, khỏi mất công dò đường.

Tôi may mắn tìm đúng cái ngôi nhà to đùng đang xây dở, mà cháu bé chừng chục tuổi đứng trốn nắng ở cổng nhà văn hóa Trại Hà – thôn Hà Liễu, cũng biết chỉ đường: “Chú đi đến cái ngã ba rồi rẽ trái, xong cứ tìm cái nhà nào to nhất làng này đang xây dở nhé!”. Cổng i-nốc cửa đóng then cài. Bốn bức tường rào cao ngất. Nhòm qua lỗ khóa to bằng bàn tay, chỉ thấy bếp tàn tro lạnh, cái lò hóa vàng cũng nguội ngắt, chỉ có đám bụi than vẫn còn dính trên đám tường chưa trát vữa.

 

Í ới gọi “thầy Nghị” mà chẳng có ai mở cửa, đám lau nhau giúp việc cũng không có ai, chừng một tiếng đồng hồ tôi lại phải ra về, để kiên nhẫn ngày hôm sau lò dò đến.

Lần này cũng mất chừng vài chục phút đợi cửa. Lê Xuân Nghị đích thân ra mở cửa, mái tóc bù xù dễ nhận – một “mốt” tóc của thập niên 90 tựa như một cái tổ quạ hay là một “fan” của rock có lẽ còn duy nhất sót lại và ngự trị trên đầu thầy. Thấy vẻ sốt ruột của tôi, “thầy Nghị” chả buồn nhìn lâu, rồi buông một câu hỏi không có cảm xúc:

- “Từ đâu đến thế?”
– “Từ mãi Thái Bình sang thầy ạ. Xa quá. Đi từ sáng đến giờ mới tìm được nhà thầy.”.
- “Thái Bình mày ở chỗ nào?”
– “Con dưới huyện Kiến Xương. Thầy  đã sang đó bao giờ chưa?”.
- “Vào đây uống nước. Tao chả biết Thái Bình ở đâu cả… Mà sao mày biết tao mà tìm đến?”
– “Gớm, tiếng của thầy ai mà chả biết hả thầy?”
– “Ăn thua gì. Tao nổi tiếng sang tận Mỹ, chứ Việt Nam nói làm gì. Sao, có việc gì? Hai thằng kia, mày dắt xe máy vào sân, để ngoài đấy mất ai có tiền mà đền cho chúng mày…”.

Hai anh bạn đi cùng tôi lũn cũn dắt xe vào sâu trong sân, sát cái chỗ bể hóa vàng to chừng chục khối. Bể hóa vàng này nguyên là cái gầm cầu thang lồi để đi lên gác trên. Kế đó là một cái trụ cột bê tông mọc từ dưới mặt đất, được chừng hai, ba mét thì “tõe” ra làm năm nhánh. Hỏi, “thầy Nghị” bảo, đấy là điện thờ Tổ Cô. Nhìn tiếp ra phía cái cổng là một chuồng gà có chừng mươi con gà nhiếp, mỗi con áng chừng bằng nắm tay – loại gà chỉ hợp với gà tần thuốc bắc. Cả “biệt phủ” vắng hoe không một bóng người. Mùi hương khói tịnh cũng không thấy đâu cả. Chẳng hiểu thần thánh hôm nay đáo nơi nao?

Kiếm chuyện làm quà, anh bạn đi cùng của tôi hỏi: “Thầy dấp này có khỏe không ạ?”
– “Mày nhìn tao thì biết đấy. Làm cái nghề này, lúc nào tâm chả tĩnh, chả an. Mà tâm tĩnh, tâm an thì lục phủ ngũ tạng mới vận hành tốt được.”. - “Hôm nay sao phủ của thầy có vẻ vắng thế?”. Lê Nghị bất giác “lỡ lời” buông một câu rặt mùi phàm tục: “Dấp này hàng quán ế ẩm lắm…” rồi thở dài não nề.

Đi qua gian điện thờ chính giữa nhà là vào tới phòng khách rộng chừng 40m2. Nơi đây là “văn phòng” thầy Nghị trực tiếp làm việc với khách hàng.

Chừng hơn chục manh chiều trải trên nền nhà. Góc tường, một chiếc két sắt được “giấu” sau cánh cửa gỗ lim kiên cố. Một chiếc ca-tap tài liệu dầy trịch, nắp ca-táp mở để lộ cuốn “sổ kế toán” đã ngả màu vàng ố. Cơ chừng, đó là “danh sách” các khách hàng qua nhiều năm thầy Nghị hành nghề.

"Thầy Nghị"...

Trên tường, chiếc tivi màn hình phẳng 42inchs mới coong đang bật một bộ phim hành động. Bộ phim Cuộc chiến thành Troi”. Có lẽ, ban nãy thầy Nghị mải xem phim nên không nghe thấy tiếng chúng tôi gọi cửa. Vừa rót nước mời, mắt thầy vẫn không rời khỏi bộ phim đang chiếu tình huống gay cấn. “Bộ phim này nó chiếu cảnh Pháp – Mỹ đánh nhau(!?) Ghê lắm đấy…” , thầy Nghị hăm hở. Rồi, tiện chuyện, thầy khoe luôn: “Cái tivi này người ta cho Nghị. 29 tết người ta chuyển đến, 30 tết thì lắp. Người ta trân trọng mình thì mới cho. Họ ở mãi Hà Nội, nửa đêm đánh xe mang đến.”.Tôi “chỉnh” lại lời thầy: “Biếu chứ ai lại nói là cho hả thầy?”.

Tôi lấy hết vẻ rầu rĩ cất lời: “Thầy xem giúp con. Ba anh em chúng con chung nhau mở cái xưởng, nhưng mới đầu tháng vừa rồi không biết đứa nào nó thù hằn, nó đốt cháy rụi. Bây giờ nợ nần chồng chất, mà người nọ nghi người kia. Cả tháng nay chúng con mất ăn mất ngủ. Đang nhiên thành con nợ. Thầy cho con thánh ý xem thế nào, để chúng con có phương hướng làm ăn, chứ nợ nần chồng chất thế này thì chết…”. 

- “Thế mày sinh ngày giờ nào?”
– “Con sinh năm Bính Thìn, ngày 01/7 dương lịch…”.
- “Giờ nào?”
– “Giờ thì con chịu thầy ạ?”.
- “Thế thì tao chịu. Phải chính xác ngày giờ tao mới xem được.

Ngưng một lát, thầy Nghị giơ tay bấm đốt: “Tuổi Bính Thìn năm nay là 35, được tuổi nhưng không hợp mùa sinh. Nếu lui lại được một tháng thì tốt. Sinh vào tháng tử. Nhưng năm nay, Thìn gặp Tỵ là được rồi, không phải lo lắng gì cả. Cứ yên ổn mà làm ăn, đừng có nghi kỵ cho ai, cứ ngay thẳng làm ăn. Thế còn thằng kia?”.

Quay mặt sang phía anh bạn tôi, thầy hất hàm hỏi. “Dạ, con có miếng đất ở quê ông bà già chia cho. Hai vợ chồng tính chuyện bán đi lên Hà Nội mua chung cư, nhưng bán mãi không được. Thầy xem có cách nào giải giúp.”

 – “Đất cát thì tao không làm, tao chỉ xem ngày tháng năm sinh thôi. Nhưng tao chỉ cho, mày sang gặp thầy Bút bên Thuận Thành, đến đó ông ấy làm cho. Về có mà đắt như tôm tươi.”.

Câu chuyện bỗng trở nên nhạt nhẽo vì thầy có vẻ nghi ngờ, hai mắt thầy đảo liên tục, và tập trung nhìn vào chiếc điện thoại trên tay anh bạn tôi đi cùng: “Chúng mày đừng quay phim chụp ảnh. Lên mạng mà đọc. Chúng nó viết về tao đầy…”.

Thầy vẫn không ngừng xưng hô “mày – tao” với chúng tôi. Trỏ tay lên hai bức ảnh treo hai bên, một bức là cô gái đang chơi đàn, ăn mặc theo kiểu diễn viên. Bức kia là ảnh một cô gái đang mặc quần áo của cung tần mỹ nữ ngày xưa, có chiếc quạt và đang múa rất đẹp. Cả hai bức nếu không nhìn kỹ dễ nhầm tưởng đó là diễn viên. “Tao chứ ai. Đấy là ảnh tao hầu đồng người ta chụp rồi phóng to tặng tao…”. Nhìn kỹ bức ảnh cô gái đang chơi đàn tam thập lục, ngón áp út có chiếc nhẫn mặt đá to gần bằng cái vỏ hến. Các ngón tay thon, dài và khá điệu đà. Chiếc nhẫn đó thầy Lê Nghị đang đeo. Nó khẳng định đích xác người trong ảnh là thầy Nghị người trần mắt thịt đang ngồi trước mặt tôi.

Lê Xuân Nghị, tên thường gọi là Lê Nghị, tên “pháp danh” là “thầy Nghị” sinh năm 1960, thường trú tại thôn Hà Liễu, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Khi tôi buồn rười rượi về chuyện cháy nhà xưởng, thầy động viên: “Mày năm nay mới 35, còn trẻ chán, lo gì. Tao năm nay 51, già rồi, nản lắm, chẳng làm ăn được gì nữa…”.

Dưới mái tóc bù xù như một cái tổ chim của thầy Lê Nghị là đôi mắt gần như mắt bồ câu, lông mày tỉa tót, và hàng lông mi viền quanh mắt được xăm một đường viền tím. Khuôn mặt thầy khá nhỏ nhắn, hàm răng nhỏ, đều, khá trắng, chiếc miệng rất duyên cùng với lời nói nhẹ nhàng lên bổng xuống trầm. Thầy Nghị mặc bộ quần áo nâu sồng, chiếc áo xẻ tà lên quá sườn. Mỗi lần thầy nghiêng người đều lộ một mảng sườn trắng lồ lộ. Thầy đảo mắt nhìn chúng tôi khắp lượt. Tôi xin phép thầy ra ngoài thắp nhang. “Không phải thắp đâu. Nhà này thắp hương vòng, cứ ra khấn là được!”.

Tôi lấy lý do để ra bên ngoài mục sở thị “biệt phủ” mà thầy Lê Nghị đang xây dựng. Ngôi nhà to chừng vài trăm mét vuông, sừng sững giữa làng Hà Liễu. Từ cổng ngoài đi vào, qua khoảng sân chật hẹp là khu hóa vàng. Rẽ tay phải là khu điện chính. Nơi đây, nhấp nhô đến cả trăm pho tượng được bài trí theo thứ tự từ thấp đến cao. Phía dưới cùng, hai ông tượng La hán, có thể vì do chật chội, hoặc giả do không có chỗ bày biện, thầy Lê Nghị bèn sắm hai bức tranh có hai ông hộ pháp để đặt hai bên…

Trong lúc chúng tôi chờ đợi chừng gần nửa tiếng đồng hồ thì có hai người phụ nữ lạ đi đến. Hai người phụ nữ thành kính đặt lễ, mỗi người 50.000 đồng. Thầy bỏ anh em chúng tôi ngồi lại, rồi, với cử chỉ hết sức duyên dáng, thầy ra khỏi chỗ ngồi uống nước tiến ra khu bàn mà thầy vẫn ngồi xem bói. Trước khi đi, thầy vẫn không quên “trả miếng” chúng tôi một lời: “Chúng mày về đi, hôm sau tao xem. Ngữ chúng mày thì cứ đợi đấy…”.
(Còn tiếp: Bài 2: Bị “thánh” đuổi)

  • Di Linh
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc