Đột nhập rừng ma, khám phá những bí ẩn của nhà mồ

17:22, Thứ bảy 15/10/2011

( PHUNUTODAY ) - Giữa thời văn minh hiện đại này mà vẫn nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số có những kiểu an táng người chết mà khi mới nghe qua đã có cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng.


Thâm nhập Nghĩa địa Treo của tộc người PaKô

Từ TP. Huế vượt hơn 100 km đường đèo hiểm trở với những dốc núi chênh vênh, vực thẳm, chúng tôi đến A Lưới – nơi cư ngụ của tộc người PaKô. Đường lên A Lưới đang trong quá trình thi công nên lởm chởm hố gà, hố voi kề sát nhau khiến xe cộ bị ách tắc hàng giờ liền. Từ thị trấn A Lưới, đoàn chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình lên cửa khẩu A Đớt (cửa khẩu biên giới tiếp giáp với Lào).

Khi trời vừa chập choạng tối, chúng tôi đến nhà của già làng Quỳnh Thi (87 tuổi) ở thôn 2, xã Hồng Thái (cách cửa khẩu A Đớt 20 km) xin tá túc, chờ đến sáng mai tìm đường vào “Rừng Ma”. Tối đó, mọi người quây quần bên ché rượu cần nghe già kể chuyện về khu nhà mồ bên suối Paray. Vị cao niên này kể: “Phong tục táng treo của cộng đồng các dân tộc sống dọc theo những dãy núi của huyện A Lưới như Tà Ôi, Pa Hy, Vân Kiều… có từ lâu đời.

Người chết được chôn xuống đất sau 3-5 năm hoặc có khi 10 năm thì được cất lên, làm lễ cải táng rồi đưa vào trong những cái Piêng (lăng mộ). Mộ có thể được xây hoặc dựng trên những cành cây cao so với mặt đất từ 0,5 – 1 mét”.

Lễ này thể hiện lòng biết ơn, kính trọng của con cháu đối với đấng sinh thành. Theo già Thi, hơn 30 năm nay, người làng chưa có ai dám một mình đặt chân vào khu nghĩa địa đó, họ sợ bị làng bắt vạ. “Con ma ở rừng nó thiêng lắm, nó sẽ theo chân người sống về quấy rối bản làng” già Thi lo lắng.

Qua một đêm thuyết phục, già làng Quỳnh Thi mới đồng ý dẫn chúng tôi thâm nhập khu nhà mồ. Trước khi bắt đầu chuyến hành trình vào rừng sâu, nơi đặt các Piêng, khuôn mặt già Thi hiện vẻ lo lắng và dặn đi dặn lại rằng: “Không được đụng tay vào bất cứ thứ gì trong nhà mồ, chỉ được phép đứng ở gần xem và chụp ảnh. Nếu trái lời sẽ bị con ma rừng bắt vạ, theo quấy suốt đời”.
d
Khu nghĩa địa treo của người PaKô
Đường đến khu nghĩa địa phải lội bộ qua con suối Paray mùa nước cạn, ngập ngụa bùn rồi mới vạch lá cây rừng đi tiếp hơn nửa tiếng đồng hồ. Dưới tán rừng nguyên sinh, những cây lồ ô gãy gập ngang ngửa như mắc cửi. Nắng chiều không lọt qua khỏi tán rừng già, rọi ánh sáng yếu ớt xuống những bụi lồ ô dựng đứng như đang che chở cho các thi hài hiển hiện trên mặt đất. Chúng tôi tiếp tục luồn sâu vào bên trong dưới những lớp lá dày hơn 20cm.

Trên đường đi, dưới chân chúng chân tôi là mảnh chén vỡ, gùi, balô, đèn pin, chai lọ... Đến khu trung tâm nghĩa địa, hàng chục ngôi nhà mồ với nhiều kiểu cách, hình dáng hiện ra trước mặt trong một cảm giác lạnh lẽo đến rợn người.

Phần lớn mộ ở đây đã bị hư hỏng nặng, mục ruỗng gỗ tre. Cái lớn cái nhỏ nằm san sát nhau. Phía bên ngoài nhà mồ được khắc trổ, chạm vẽ những hình thù kì quái nhìn rợn tóc gáy. Bên trong là là nơi đặt các A Pổ (cái tiểu), cạnh đó vương vãi ly chén, thau chậu, nhang đèn.

Càng đi sâu vào trong “Rừng Ma”, ánh sáng mặt trời càng yếu ớt khiến chúng tôi mất phương hướng, chỉ nghe tiếng nước chảy ào ào của con suối Paray. Cách trung tâm nghĩa địa gần 2 giờ lội bộ, trước mắt chúng tôi hiện lên hàng chục quan tài được đặt trên những giá gỗ với bốn cây cọc, cách mặt đất 0,5-1m... Ngoài các quan tài bằng gỗ có cả những quan tài được làm bằng nhôm, vỏ bom bi, thùng xăng gò hàn thành những quan tài rất đẹp.

Phía trên quan tài được lợp mái tôn hoặc cây lồ ô lật sấp ngửa, xung quanh vứt đầy rẫy những vật dụng mà người chết được “chia phần”, một số “con ma” còn được chia cả heo, gà sống buộc vào chân cột quan tài. Có nhà còn chia cả radio, bàn ghế, xe đạp (để ở ngoài) và vàng (đặt trong hòm). Ở những chiếc quan tài bục ra thấy mờ mờ trong đó những lớp xương trắng hếu của những con người đã trở thành người thiên cổ.

Mải mê chụp ảnh, ngoảnh lại chúng tôi không thấy già Thi đâu nữa. Nhìn mãi mới thấy già đang cắm đầu cắm cổ lao xuống dốc núi. Khi về, chúng tôi hỏi ra mới biết, “Già sợ quá, không dám đứng lâu vì sợ làng nhìn thấy sẽ bắt vạ”.
2
Già làng Quỳnh Thi dẫn chúng tôi  xâm nhập khu nghĩa địa treo
Dọc đường về, già Thi kể rằng, theo tập tục, chiều ngày 30 tết, già làng cùng những gia đình có người đã khuất hẹn nhau lên khu nhà mồ của bản làm vệ sinh, quét dọn, phát quang cây cối và thắp nhang khấn cầu phù hộ. Còn ngày thường, ngay cả đứa trẻ nhỏ đi chăn bò cũng ngại không dám bén mảng lại gần. Người Pa Kô vốn rất sợ ma, khi phát hiện có người xâm phạm vào mồ mả của người quá cố thì họ sẽ bắt về để phạt tội. Họ cho rằng sự xâm phạm đó sẽ gây nên tai họa, bệnh tật cho gia đình mình.

Già Thi cho biết thêm: “Bệnh bình thường thì không nói làm gì, nhưng những bệnh khó hiểu như tự nhiên hộc máu miệng, máu mũi hay bị ngọn lửa thổi tạt vào mặt, bị cây trong rừng đè lên người. Dân bản liền nghĩ ngay đến việc báo ứng do có người đột nhập vào Piêng”. Kẻ xâm phạm trái phép sẽ bị đưa ra trước làng chịu tội, có sự chứng kiến của già làng và dân bản.

Tùy theo gia chủ để có cách phạt nặng hay phạt nhẹ. Nếu phạt nhẹ thì nộp một con heo (từ 50 - 80kg) và một con gà, hai chai rượu. Nếu phạt nặng thì bắt nhà người đó phải xây lại Piêng mới và chịu số tiền lớn để người làng làm lại lễ cải táng.

Hỏi già làng Quỳnh Thi lần cuối cùng có thật hay không chuyện ma quỷ từ Piêng về báo ứng người dân trong thôn bản, già trầm ngâm nói: “Dù có hay không cũng là tập tục từ đời cha ông để lại. Mình không đứng ra tổ chức lễ A Riêu Ping thì dân bản không yên cái bụng để mà làm ăn được”.

Theo tập tục của người PaKô, lễ cải táng cho người đã khuất là một trong những lễ hội lớn của làng (chỉ sau ngày lễ cúng hồn lúa mới). Lễ vật phải được chuẩn bị từ ba tháng trước với các thứ như: Gà, dê, lợn, rượu, thịt thú rừng được bày trước sân nhà, sau vườn hoặc buộc chặt vào dưới gốc cây.

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày 2 đêm với những trò chơi dân gian đặc trưng của các bộ tộc sống dọc dãy Trường Sơn. “Để cho âm hồn người chết sớm được siêu thoát, người nhà phải cử người băng rừng, vượt núi đi mời anh chị em ở các bản làng về chứng kiến. Dù xa xôi đến mấy cũng không được bỏ sót người nào. Theo quan niệm của người làng, đây là dịp để người sống tiễn biệt người thân đã khuất về với Giàng. Từ nay âm hồn họ sẽ không còn lưu luyến với bản làng nữa”- Già Thi giải thích.
3
Một góc khu nghĩa địa treo.
Nghệ nhân Hồ Thị Tư (Phòng Văn hóa huyện A Lưới), chuyên nghiên cứu văn hóa của đồng bào PaKô cho biết, tục cải táng của người PaKô bắt nguồn từ câu chuyện tưởng nhớ người chết.

“Người PaKô quan niệm rằng, khi người ta chết đi thì phần hồn sẽ trôi dạt khắp nơi. Nếu được cải táng, hồn đó sẽ nhập về với cốt để gặp lại người nhà. Sau lễ táng đó, người chết sẽ vĩnh viễn về với Giàng. Họ nhớ đến người đã khuất nên mới nảy sinh ra tục cải táng”.

Để làm lễ cải táng, già làng và trai tráng khỏe mạnh trong bản làng phải cơm đùm gạo bới lội bộ qua ngọn A Nông cao vời vợi để vào rừng sâu tìm kiếm gỗ, tre nứa về làm nhà mồ.

Già Quỳnh Ngãi (thôn 3, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới) còn giải thích thêm: “Không phải loại gỗ nào cũng làm nhà mồ được, mình chọn loại gỗ quý có vỏ cây sần sùi, dáng thẳng, ngửi có hương thơm đặc trưng của núi rừng. Rồi sau đó mới cho bọn thanh niên ra sức đốn hạ. Còn tre nứa phải là những cây cao lớn, thẳng đứng và vỏ cây có màu xanh đậm. Đó là những cây chắc khỏe, hạn chế được mối mọt, mục ruỗng”.

 Việc xây dựng và chế tác nhà mồ khá đơn giản nhưng điều quan trọng là phải làm việc liên tục bất kể nắng mưa, tuyệt đối không được dừng lại. Theo quan niệm, ngừng nghỉ công việc sẽ mang lại xui xẻo cho gia chủ.

Trước lễ cải táng (A Riêu Ping) một ngày, đích thân già làng tổ chức lễ cúng mời tổ tiên về tham dự. Trong ngày lễ hội, người tộc PaKô từ mọi ngả kéo về tụ tập trong nhà Gươl (nhà thờ Giàng của người PaKô). Gia chủ đứng ra sắp xếp chu đáo mọi việc ăn uống, nghỉ ngơi và tiếp chuyện khách khứa. Khi phần lễ đã xong, chuyển sang phần hội, họ múa vòng quanh sân trung tâm.

Những thành viên trong đoàn múa không có nhạc cụ thì phải múa theo điệu A-zưng: Chân giậm dừng và xoay xoay trên 2 mũi bàn chân, tay thì vừa múa vừa hạ thấp.

Trong khi đó, những thành viên có nhạc cụ thì múa theo tiếng nhạc mà mình đang trình diễn... Đêm đến, bên ánh lửa bập bùng trước nhà sàn, già trẻ, gái trai nắm tay nhau thành vòng tròn nhảy múa, hát hò, khua chiêng đánh trống cho đến hết 3 ngày 2 đêm.

Già làng A Lăng Chư (thôn Đụt, xã Nhâm), nói rõ hơn cho chúng tôi biết, khi mặt trời của ngày thứ ba lên bằng con sào thì già làng cùng tất cả người nhà đến mộ phần để bốc đất lên. Nắm xương tàn của người chết nếu phân hủy thì bỏ vào cái A Pổ (tiểu) nhỏ, sau 3-5 năm xương người đã khuất còn nguyên vẹn thì cho vào cái A Pổ lớn hơn. “Không ít lần người làng hoảng hốt, lo sợ khi đào đất lên mà chẳng thấy hài cốt hay bộ phận nào của chiếc quan tài.

Hiện tượng mất xác xảy ra cũng khá nhiều, nó báo cả điềm xui hoặc sự may mắn cho cả gia đình. Để gọi hồn người chết về nhập cốt, già làng phải mời các thầy mo giỏi từ các bản tề tựu về làm lễ. Các thầy mo thường dùng con châu chấu đưa vào ống tre, bịt kín chỉ chừa lại một lỗ hổng nhỏ cho không khí vào.

Sau đó ống tre này sẽ được chôn xuống huyệt người đã khuất. Khoảng nửa con trăng (2 tuần) quay lại đào lên, nếu con châu chấu còn sống thì gia đình đó gặp may (hồn người chết đã về với xác), còn nó đã chết thì tai họa nhất định sẽ giáng xuống đầu gia chủ (âm hồn người chết sẽ theo quấy phá).
Khám phá những huyền bí giữa đại ngàn của người J’rai

Người J’rai, ở Gia Lai có rất nhiều quan niệm đặc biệt về thế giới người chết như: Người chết cũng có cuộc sống riêng đang tồn tại song hành như lúc còn sống, sống chung nhà thì chết sẽ được ở chung một mồ… Vì vậy họ có những phong tục rất kì lạ, mang nét huyền bí của đại ngàn Tây Nguyên.

Được xây dựng từ năm những năm 80 của thế kỷ trước, khu nhà mả của làng Plei Trang (xã Iapiar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) được xem là khu nghĩa địa lớn nhất của tộc người J’rai. Theo số liệu thống kê của xã, hiện có hơn 200 hài cốt được đưa về an táng tại khu nhà mả này. Nhưng điều đặc biệt nhất là tất cả họ chỉ được chôn trong 14 ngôi mộ với những phương thức rất kì lạ…

Theo chân ông Rahlan Djel, Trưởng thôn làng Plei Trang, chúng tôi đến mục sở thị những ngôi mộ chung của tộc J’rai. “Ở đây, trung bình mỗi ngôi mộ chôn từ 10-15 thi thể, có ngôi lên đến 45 người. Huyệt được đào sâu trên 3 mét, rồi chôn những người chết trong làng cho đến khi ngôi mộ này đầy xác người chết rồi mới có ngôi mộ khác.

Những người nằm cùng mả thường có mối quan hệ gắn bó khăng khít với nhau” ông Rahlan Djel nói: Trước đây, để lo hậu sự cho bản thân và gia đình, những người đàn ông khỏe mạnh khi còn trẻ tuổi đã phải vào tận rừng sâu tìm những cây gỗ tốt và to nhất, mang về nhà đẽo thành chiếc quan tài để dưới gầm nhà sàn chờ đến khi có người chết sẽ đặt vào quan tài, rồi mang ra khu nhà mả để chôn.
4
Khu nhà mả của người J’rai.
“Chúng tôi phải đi bộ từ khi con trăng khuyết đến lúc con trăng tròn thì dừng lại đốn gỗ. Trai làng chỉ chọn những cây cổ thụ ba bốn người ôm không xuể, mọc chênh vênh bên bờ vực thẳm mới ưng cái bụng”, già Leng nói.

Trước khi hạ cây, người đứng đầu đám lâm tràng như già Leng dùng dây đu mình lên cây đặt gà, đặt xôi cúng lễ để cảm ơn Giàng đã ban cho gỗ tốt. Sau khi làm xong thủ tục khấn vái, nhóm thợ mới dùng rạ, rìu đốn gãy từng cây. Gỗ được trâu kéo về ngâm trong bùn gần hai năm để chống mối mọt.

Sau đó, khối gỗ được vớt lên gọt giũa làm “nhà” cho người chết. Theo quan niệm của người J’rai, quan tài được làm bằng gỗ tốt thì hồn ma sẽ có cuộc sống sung sướng, không phải quay lại thế gian “hành” người còn sống.

Anh Klan, cán bộ văn hóa xã Iapiar giải thích: “Lũ làng sẽ đào một hố sâu khoảng 3 mét, rộng 2 mét, sau đó đặt quan tài xuống đất rồi lấp lại. Khi có người tiếp theo trong làng chết, người làng lại đào ngôi mộ này lên để chôn người mới chết vào trong quan tài.

Nếu xác của người chôn trước da thịt đã bị thối rữa chỉ còn xương, thì họ sẽ dồn tất cả xương cốt lại một chỗ, người lớn tuổi sẽ được để xương cốt lên đầu quan tài, người ít tuổi hơn sẽ được gạt xuống phần cuối cùng của quan tài, rồi đặt xác người mới chết vào trong quan tài ngay ngắn”.

Trường hợp khoảng cách giữa hai người chết quá gần nhau, xác của người đã chôn trước vẫn còn da thịt, thì người trong làng sẽ cắt bỏ hết da thịt của người nằm trong quan tài để lên trên mặt đất cho chim Cờ reng á (tức kền kền) ăn, rồi dồn xương lại đặt người mới chết vào trong quan tài.

Với cách này họ tin rằng, chim cờ reng á là loài chim của trời, khi ăn xong “thức ăn” của làng thì cả làng sẽ gặp may mắn… Cứ như vậy, họ sẽ chôn chung người chết trong làng cho đến khi chiếc quan tài đó đầy xương cốt thì sẽ làm lễ bỏ mả. Và một chiếc mả tập thể mới sẽ xuất hiện khi có người trong làng chết.

Người làng dẫn chúng tôi đi vào sâu trong khu nhà mả, một cảm giác ớn lạnh chạy dọc cơ thể. Trên đường đi vẫn còn vung vãi đầy những mảnh xương người còn sót lại. Chỉ vào ngôi mả vừa mới được đắp sơ sài, ông Djel nói: “Làng vừa có người chết nên ngôi mả này mới bị quật lên. Da thịt của người chết được vứt ở phía bìa rừng cho những con Cờ reng á ăn rồi”.

Phóng mắt nhìn về phía xa, những con kền kền và quạ vẫn đang tranh phần thịt còn sót lại. Quá sợ hãi, chúng tôi xin rút lui, không dám tiến sâu vào phía sát cánh rừng nữa. Nhưng nghe ông Djel kể thì phía sát bìa rừng là nơi tập trung các ngôi mả chung của người giàu trong làng.

Phần lớn các già làng, người giàu khi chết đều được nằm phía này. Lấy hết can đảm đi vào trong, tim chúng tôi đập thình thịch. Đến nơi, bảy ngôi mả to nằm liền kề nhau, cỏ đã mọc um tùm. Ông Djel cho hay, người làng ít ai dám bước vào khu vực này vì sợ những con ma nằm dưới mộ. “Họ (những người chết) đều là bậc có uy tín trong làng, nên dân làng kính nể không dám đến quấy rầy. Chỉ có già làng mới đại diện vào đặt lễ cúng” Djel nói.

Không chỉ chôn chung tập thể với quan niệm “sống cùng nhà, cùng làng chết cũng sẽ được chôn cùng mồ”, người J’rai luôn tin rằng người chết vẫn có cuộc sống riêng của họ không khác gì người còn sống. Chính vì vậy, họ chia tài sản cho người đã khuất để cho họ làm ăn ở thế giới mới của mình. Thông thường mỗi người chết thì được chia hai chiếc ghè Yàng, đàn ông sẽ có nỏ, gùi… đàn bà có khung cửi…

Ngoài ra, đi sâu tìm hiểu chúng tôi còn biết thêm, với người J’rai còn có một lễ hội đặc sắc khác là lễ Bâng thi. Lễ được tổ chức to không khác gì tết Nguyên đán của người Kinh, nhưng nó lại được tổ chức thường xuyên vào hàng tháng. Theo giải thích của anh Klan thì Bâng có nghĩa là ăn, Thi là thi thố (tức là lễ hội thi ăn).
5
 
Tuy nhiên, địa điểm diễn ra lễ Bâng lại ở một nơi khá đặc biệt, đó là khu nhà mả của làng. Vào ngày lễ Bâng thi, tất cả người dân trong làng sẽ tập trung trước cổng khu nhà mả để nghe già làng đọc lời khấn cầu mở đầu ngày hội.

Các gia đình sẽ mang theo rượu, gạo, thịt… tùy từng hoàn cảnh giàu nghèo mà góp vật chất vào ngày lễ của cả làng. Nhà nào giàu sẽ góp heo, dê… nhà nghèo thì góp gà, gạo… Những nhà góp nhiều lễ vật có giá trị lớn, chẳng hạn các vật tế lớn như: trâu, bò… thì sẽ được cả làng trọng vọng, ca tụng.

Sau khi đã báo với Giàng biết, người làng Iapiar tổ chức lễ Bâng thi, các gia đình sẽ tham gia cuộc thi nấu ăn, ai nấu ngon nhất sẽ được già làng công nhận và cũng được làng trọng vọng hơn những người khác… Món ăn của đội thắng cuộc được dâng lên cúng Giàng. Cuộc thi kết thúc, cả làng sẽ tập trung bên những ngôi mộ ăn uống no say và ngủ lại cho đến sáng ngày hôm sau.

Theo truyền thuyết của tộc người J’rai, lễ Bâng thi được tổ chức để nhớ ơn người đã khuất. Già làng Leng nói: “Bữa cơm được dọn ra trên những ngôi mả, lúc đó người sống và âm hồn người chết sẽ ngồi ăn chung. Đây cũng là dịp gặp gỡ giữa người sống và người chết sau một thời gian cách xa. Người làng có thể mời nhau ché rượu, miếng thịt để tỏ tình gắn kết với nhau.”

Ông Djel giải thích, sau khi người chết tròn một tháng thì diễn ra lễ Bâng thi. Người nhà của người đã khuất phải lo cúng Giàng một ghè rượu và một con heo, nhà nào nghèo thì một con gà và một ghè rượu, người trong làng đến dự lễ thì tùy tấm lòng (không bị ép buộc phải có).

Lễ vật này phải được đưa tới khu nhà mả hàng tháng, cho đến khi làm lễ bỏ mả cho người chết mới thôi. Phong tục làm lễ theo kiểu “làm cả tháng ăn một ngày” khiến cho đời sống kinh tế của người dân nơi đây quanh năm nghèo đói, đó là một thực tế của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người J’rai nói riêng.
5
 
Chúng tôi hỏi chuyện một người trong làng là anh D’klu thì người đàn ông này xác nhận: “Mẹ mình mất từ năm 2008 nhưng đến giờ nhà mình vẫn phải thường xuyên làm lễ Bâng thi dâng lễ vật gồm: gà và rượu đến khu nhà mả cúng Giàng. Mấy ngày nữa, lũ làng mới làm lễ bỏ mả cho mẹ, lúc đó nhà mình không phải dâng lễ Bâng thi nữa”.

Trường hợp chị H’kjen càng bi đát hơn, mẹ mất năm 2007, đến năm 2010 bố chồng lại nối gót ra đi, liên tiếp trong những năm ấy gia đình H’kjen phải dâng lễ Bâng thi nếu không sẽ bị làng phạt vạ, Giàng trút giận xuống bản làng. Chị chia sẻ: “Nhà mình phải liên tục làm rẫy bán lúa để mua heo, gà, rượu làm lễ Bâng thi hàng tháng. Không có tiền thì phải đi vay nợ nữa. Mình làm khổ cực như con trâu đi cày mà vẫn khổ cực”.

Theo bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai: Lễ Bâng thi của người J’rai diễn ra ở khu nhà mả là một hủ tục có từ những năm 70.

“Ăn uống tại các ngôi mộ chôn người chết dễ có nguy cơ mắc các bệnh về đường ruột, ngộ độc. Vi khuẩn và mùi hôi thối bốc lên từ hài cốt sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Trung tâm Y tế huyện đã nhiều lần cử cán bộ y tế xuống yêu cầu không được nấu ăn hoặc sử dụng nguồn nước trong khu nhà mả nhưng người làng không nghe theo. Họ vẫn tin vào hủ tục đã tồn tại bao đời”.
  • Thanh Bình
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc