1. Không nên tiết lộ thu nhập và tiền tiết kiệm cá nhân
Nhiều người có xu hướng nghĩ rằng, với anh em ruột thịt thì việc chia sẻ về mức lương, thu nhập hay khoản tiền tiết kiệm là chuyện bình thường. Nhưng trên thực tế, khi thông tin này được tiết lộ, điều đầu tiên mà một số người thân nghĩ tới có thể là… vay mượn hoặc xin hỗ trợ. Nếu thấy bạn kiếm được ít, họ sẽ thôi. Nhưng nếu nhận ra bạn có thu nhập cao hoặc để dành được nhiều tiền, họ có thể mặc nhiên cho rằng bạn "dư dả", và vì thế, có nghĩa vụ giúp đỡ anh em.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rằng phía sau sự "rủng rỉnh" đó là vô vàn áp lực, nỗ lực và cả hy sinh. Đồng tiền kiếm ra không hề dễ dàng, nhưng người khác – nhất là người được giúp một cách dễ dãi – lại thường không cảm nhận được điều đó.

Mỗi người trưởng thành trong môi trường khác nhau, có nhận thức và quan điểm sống khác nhau. Do đó, việc công khai tài chính cá nhân, ngay cả với người thân, đôi khi có thể dẫn đến hiểu lầm hoặc làm tổn hại đến các mối quan hệ. Hãy giữ kín, giúp khi cần và trong khả năng – đó là cách ứng xử khôn ngoan.
2. Không tùy tiện chia sẻ chuyện riêng của gia đình vợ/chồng
Khi đã lập gia đình, mỗi người đều có một "gia đình thứ hai". Việc duy trì khoảng cách tôn trọng giữa gia đình ruột thịt và gia đình vợ/chồng là điều rất quan trọng. Và điều đầu tiên cần ghi nhớ là: đừng mang chuyện riêng của bên nhà vợ hoặc nhà chồng ra kể cho anh chị em mình nghe, dù với ý định tâm sự.
Hùng – một người thành công khá sớm – từng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ gia đình vợ. Anh cũng là người nỗ lực và sống có trách nhiệm, nên bố vợ rất quý mến, luôn sẵn sàng giúp đỡ. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến một số anh em trong gia đình anh nảy sinh sự so bì. Đỉnh điểm là khi người em trai nhờ bố vợ Hùng giúp một việc mà không được, đã quay sang trách móc, cho rằng anh chỉ biết lo cho mình.

Nhiều người vô tư chia sẻ chuyện bên nhà vợ hoặc nhà chồng mà không biết rằng: nếu kể điều không hay, anh em sẽ nghĩ bạn khổ, hôn nhân không hạnh phúc. Nếu kể về sự giàu có, sung túc, có khi lại khiến người khác mặc nhiên đòi hỏi bạn giúp đỡ. Còn nếu lỡ lời nói xấu nhà vợ/chồng, bạn đã vô tình phá hoại hình ảnh của người thân yêu trong mắt gia đình ruột thịt.
Nói ít, giữ ý, cư xử chừng mực – đó là cách gìn giữ sự yên ấm và tôn trọng lẫn nhau giữa hai bên gia đình.
3. Đừng tùy tiện đánh giá hay góp ý về cuộc sống của anh chị em
Nhiều người cho rằng, anh em ruột thì có thể nói với nhau mọi điều, không cần giữ ý tứ vì “máu mủ ruột rà thì tình cảm không bao giờ phai”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi mỗi người trưởng thành, có cuộc sống và suy nghĩ riêng, thì sự thẳng thắn quá mức – nếu không đúng lúc, đúng cách – đôi khi lại trở thành nguyên nhân khiến tình thân rạn nứt.
Một người anh, vì không hài lòng với lối sống của em trai, đã thẳng thừng góp ý với giọng điệu thiếu tinh tế. Trong bữa ăn, dưới tác động của men rượu, anh bắt đầu chỉ trích em mình, cho rằng “là em thì phải nghe lời anh”. Ngược lại, người em cảm thấy bị xúc phạm, cho rằng anh trai không hiểu và áp đặt. Cuộc trò chuyện ban đầu vốn xuất phát từ ý tốt, cuối cùng lại biến thành mâu thuẫn khó hàn gắn.
Thực tế, qua thời gian, mỗi người một hướng – đi học, đi làm, lập gia đình… sự hiểu nhau giữa anh chị em cũng dần phai nhạt. Chúng ta không còn đồng hành trong từng ngày như thuở nhỏ, nên việc đưa ra nhận định hay đánh giá đôi khi trở nên phiến diện.
Việc nói ra suy nghĩ của mình một cách tuỳ tiện, dù có ý tốt, cũng có thể khiến đối phương cảm thấy bị xét nét, thiếu tôn trọng. Đặc biệt là khi chưa thực sự hiểu hết hoàn cảnh hay cảm xúc của họ. Vậy nên, nguyên tắc cần nhớ là: nghiêm khắc với chính mình, bao dung với người khác.
Hãy giữ lại những lời góp ý nếu không thực sự cần thiết. Bởi giữa anh chị em, đôi khi sự im lặng đúng lúc lại là cách tốt nhất để gìn giữ tình thân. Biết giữ ý, biết chừng mực không phải là toan tính – mà là sự khôn ngoan, tinh tế trong cách sống.