Trong văn hóa dân gian phương Đông, âm lịch giữ vai trò quan trọng trong việc xác định mùa vụ, cưới hỏi, tang lễ, và nhiều hoạt động tâm linh khác. Trong đó, tháng 6 âm lịch thường bị xem là tháng không thuận lợi may mắn và mang theo nhiều quan niệm kiêng kỵ.
Tháng 6 đã đáng sợ lại còn nhuận tháng 6 thì năm đó "tháng đáng sợ" bị kéo dài gấp đôi. Năm Ất Tỵ 2025 cũng là năm nhuận tháng 6. Vậy vì sao người xưa lại sợ tháng 6 âm lịch đến vậy? Và điều gì khiến tháng 6 nhuận trở thành nỗi ám ảnh?
1. Tháng 6 âm lịch – Thời điểm giao thoa âm dương bất ổn
Theo quan niệm dân gian truyền miệng, tháng 6 âm lịch là giai đoạn giữa năm, thời tiết oi bức, nắng mưa thất thường, dễ sinh dịch bệnh, mùa màng khó khăn nên bị cho là thời điểm âm khí bắt đầu mạnh lên, dương khí suy giảm. Nhiều người tin rằng, khi âm dương mất cân bằng, linh hồn, vong linh lang thang dễ xâm nhập trần thế, gây nhiễu loạn.
Ngoài ra, tháng 6 còn là tháng sát với tháng 7 âm lịch – tháng cô hồn. Nhiều người cho rằng vong linh bắt đầu "rục rịch" trở lại dương gian từ cuối tháng 6, khiến không khí tháng này vốn đã u ám lại càng thêm phần đáng ngại.

2. Tháng 6 – Thời điểm dễ gặp biến động về sức khỏe, tài lộc
Tháng 6 âm lịch thường là trùng vào tháng 7, 8 dương lịch, đó cũng là cao điểm màu hè, tiết Tiểu thử, Đại Thử. Nắng nóng mưa bão thường diễn ra mạnh mẽ vào lúc này. Nếu năm nào thời tiết không thuận thì tháng 6 âm lịch càng có đặc điểm thời tiết khắc nghiệt.
Đây cũng là giai đoạn mùa màng theo tập quán nông nghiệp phổ biến ở châu Á. Thế nên tháng 6 âm lịch nếu mùa màng không thuận, thiên tai dịch bệnh xuất hiện sẽ là một nỗi ám ảnh với cư dân nông nghiệp xưa, khi mọi sinh kế đều phụ thuộc vào đất trời. Bởi vậy người xưa lo lắng về tháng 6 là lo lắng về mùa màng, về thiên tai thời tiết.

Tháng 6 âm lịch với đặc điểm thời tiết khắc nghiệt gần nhất năm cũng dễ gây ra tình trạng sức khỏe suy giảm, bệnh ập tới bất ngờ vì nắng nóng, mưa bão sấm sét bất thường. Với đặc điểm khoa học y tế xa xưa chưa phát triển thì nhiều trường hợp bệnh bất ngờ xảy ra không giải thích được sẽ bị cho là ma ám, là xui rủi. Chính vì thế trong quan niệm dân gian lưu truyền thì tháng 6 âm lịch lại càng bị cho là tháng đáng sợ và nỗi sợ có phần nhuốm màu tâm linh hơn thực tế.
Trong thực tế thì tháng 6 âm lịch thường đáng lo ngại là vì thời tiết anh hưởng tới sinh hoạt, sức khỏe, gia tăng bệnh hô hấp, tiêu hóa, sốt xuất huyết, tăng nguy cơ tai nạn khi đi đường vì thời tiết không thuận, tăng nguy cơ đột quỵ do nắng nóng, do lối sinh hoạt không đúng (tắm đêm, tắm ngay sau khi đi nắng về, ngủ ngoài trời bị cảm lạnh...)
3. Tháng 6 nhuận – Nỗi lo nhân đôi?
Năm nhuận xuất hiện là do cách sắp xếp lịch và nhuận tháng nào là do ngẫu nhiên. Nhưng nếu nhuận tháng 6 thì quan niệm xưa cho rằng năm đó, khoảng thời gian xui rủi kéo dài hơn. Thế nên nhuận tháng 6 hoặc tháng 7 thường bị cho là năm ít may mắn và đáng sợ hơn nhuận tháng 2, tháng 3. Theo lịch âm, một năm thường có 12 tháng, tuy nhiên để cân bằng với năm dương lịch, cứ 2 – 3 năm lại có một năm nhuận, và tháng được nhuận có thể rơi vào bất kỳ tháng nào. Khi tháng nhuận rơi vào tháng 6 – tháng đã mang nhiều kiêng kỵ – thì người dân càng kiêng dè hơn.
Do đó việc nhuận tháng 6 đáng sợ hơn nhuận tháng khác là do quan niệm tâm linh dân gian truyền miệng chứ hoàn toàn không có cơ sở nào khẳng định năm nhuận tháng 6 thì sẽ xấu hơn nhuận tháng khác.
Vì sao lại sợ tháng 6 nhuận?
Kéo dài vận xui: Người xưa tin rằng những điều không may, tai ương, xui xẻo nếu có thể xảy ra trong tháng 6 thì khi có tháng 6 nhuận, chúng kéo dài gấp đôi, khiến mọi chuyện càng rối ren.
Tăng thêm âm khí: Tháng 6 vốn là tháng âm khí mạnh, nếu kéo dài thêm một tháng thì thời gian âm khí lấn át dương khí cũng kéo dài, dẫn đến nhiều hiện tượng tâm linh, điềm gở dễ xuất hiện hơn.
Tâm lý e ngại khởi sự: Trong năm có tháng 6 nhuận, nhiều người tránh cưới hỏi, khởi công, mở hàng vì lo ngại "không tụ được phúc khí". Có quan niệm cho rằng tháng nhuận là tháng không có thần linh trông coi, dễ gặp chuyện bất trắc.
Những điều người xưa thường kiêng kỵ trong tháng 6 âm lịch
Để tránh tai họa, người xưa truyền nhau nhiều điều kiêng kỵ trong tháng 6 âm, đặc biệt là tháng 6 nhuận, như sau:
- Không đi xa, tránh xuất hành về khuya: Âm khí dễ khiến tinh thần mệt mỏi, hao tổn sinh lực.
- Không tổ chức đám cưới, khai trương: Dễ rơi vào cảnh “cưới chạy tang”, “khai mà không phát”.
- Tránh đưa tiễn người thân: Nếu có tang sự, gia đình thường hạn chế tụ tập đông người, lo ngại lây bệnh hoặc gặp điều xui xẻo.
- Không đi tắm sông, tắm suối: Tháng 6 nhiều nơi mưa lũ, dễ xảy ra tai nạn, lại thêm lo ngại “ma nước” kéo chân người trần.
- Không đốt tiền vàng lung tung: Vì cho rằng hành động này vô tình “mời” các vong linh lang thang đến gần gia đình.
Ngày nay bạn có nên quá lo lắng về tháng 6 âm lịch?
Dù tháng 6 âm lịch hay tháng 6 nhuận chứa đựng nhiều quan niệm tâm linh, nhưng trong thời đại hiện đại, nhiều chuyên gia khuyến khích nên nhìn nhận những tín ngưỡng này dưới góc độ văn hóa và tâm lý. Những kiêng kỵ phần nhiều mang tính nhắc nhở để chúng ta cẩn trọng hơn trong sinh hoạt, trong hành xử đi đứng. Đặc biệt vào thời giản mà thời tiết "nghịch" thì con người càng nên cẩn trọng hơn.
Tuy nhiên, thận trọng không có nghĩa là mê tín. Thay vì lo lắng thái quá, chúng ta nên giữ gìn sức khỏe, chú ý đến an toàn, lên kế hoạch kỹ lưỡng trước mọi quyết định quan trọng. Dù không có căn cứ khoa học rõ ràng cho mọi điều kiêng kỵ, nhưng những kinh nghiệm dân gian này phần nào phản ánh mong muốn sống an lành, hài hòa với trời đất.
Trên thực tế tháng 7 âm lịch là tháng mà nhiều người không dám làm việc lớn, thế nên đôi khi nhuận tháng 6 âm lại là tăng thêm 1 tháng để họ kịp hoàn thành kế hoạch trước tháng 7 âm. Như vậy nếu họ sợ tháng 7 âm hơn thì tháng 6 nhuận lại là một cơ hội.
Người xưa cũng dạy rằng mọi phong thủy tốt nhất là trí tuệ và tâm sáng. Bởi thế hãy vận dụng một cách linh hoạt,sáng tạo lời dạy của người xưa, tránh sa vào cực đoan sợ hãi.