Du xuân ngày Tết quên mang GPLX bị xử phạt như thế nào?

( PHUNUTODAY ) - Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển ô tô, xe máy khi tham gia cần mang theo Giấy phép lái xe và các giấy tờ khác để xuất trình khi CSGT kiểm tra.

Quy định xử phạt với lái xe không xuất trình được giấy tờ như yêu cầu

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Khi điều khiển ô tô, xe máy tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo các giấy tờ như: đăng ký xe; giấy phép lái xe (GPLX) ô tô, xe máy; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, xe máy.

Trường hợp không có hoặc không mang theo các loại giấy tờ, người lái xe sẽ bị xử phạt hành chính được quy định tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cụ thể, người lái ô tô không có GPLX bị phạt từ 10 - 12 triệu đồng. Trường hợp không mang GPLX bị phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.

Người lái xe máy không có GPLX hoặc GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, bị tẩy xóa hoặc không hợp lệ hiện bị phạt 1 - 2 triệu đồng. Trường hợp quên không mang GPLX bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngoài ra, người điều khiển xe ô tô không có đăng ký xe sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 3 tháng. Nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện sẽ bị tịch thu phương tiện sung vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Liên quan đến giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (giấy kiểm định) xe ô tô, người điều khiển xe không có loại giấy này sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng, bị tước GPLX từ 1 - 3 tháng. Trường hợp không mang theo chứng nhận đăng kiểm sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.

Cách nào phân biệt hành vi không có và không mang GPLX

Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay, điều khiển xe cơ giới không có GPLX là một trong các hành vi bị nghiêm cấm tại Luật Giao thông đường bộ.

Khi người không có bằng lái sẽ thiếu hiểu biết pháp luật ATGT và kỹ năng điều khiển phương tiện, tiềm ẩn rất lớn nguy cơ tai nạn giao thông. Nghị định 123 sửa đổi Nghị định 100 đã tăng nặng mức phát đối với hành vi này đảm bảo tính răn đe.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo bà Hạnh, việc xử phạt đối với các hành vi không có GPLX cũng để ngăn chặn tình trạng người vi phạm không xuất trình giấy phép, chấp nhận nộp phạt thay vì phải tước GPLX.

"Một số hành vi vi phạm có mức phạt tiền cao, thời gian tước quyền sử dụng GPLX dài. Do đó, trong nhiều trường hợp, người vi phạm cố tình không xuất trình GPLX, khai báo mất để trốn tránh việc bị tước GPLX", bà Hạnh nói.

Nhiều bạn đọc cũng đặt câu hỏi phân biệt thế nào giữa hành vi không mang và không có các loại giấy từ, nhất là GPLX.

Luật sư Hoàng Văn Hướng cho hay, lỗi không có GPLX bị phạt nặng hơn rất nhiều so với lỗi không mang.

Theo quy định, tại thời điểm kiểm tra, nếu người điều khiển phương tiện không xuất trình được GPLX thì CSGT sẽ lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi không có GPLX và tạm giữ phương tiện theo quy định.

Trong thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm, nếu người vi phạm xuất trình được GPLX, CSGT sẽ ra quyết định xử phạt hành vi không mang theo GPLX.

Ngược lại, nếu quá thời hạn hẹn giải quyết, người vi phạm mới xuất trình được hoặc không xuất trình được GPLX sẽ phải chấp hành quyết định xử phạt hành vi không có GPLX.

Theo:  xevathethao.vn copy link