Những loại polyp nào có nguy cơ ung thư và cần phải cắt bỏ?
Polyp là dạng tổn thương lành tính phổ biến, thường là khối nhô lên từ bề mặt niêm mạc. Chúng có thể xuất hiện ở nhiều bộ phận trong cơ thể, phổ biến nhất là đại tràng, dạ dày, túi mật, mũi và nội mạc tử cung. Phần lớn polyp không có triệu chứng, nhất là ở giai đoạn đầu và thường chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe.
Tại đại tràng, polyp tuyến (adenoma) và polyp răng cưa (serrated) là hai loại có nguy cơ chuyển thành ung thư cao. Khoảng 75% các ca ung thư đại trực tràng phát triển từ polyp tuyến. Trong đó, polyp tuyến dạng nhung mao có nguy cơ cao nhất, tiếp theo là polyp tuyến hỗn hợp và dạng ống. Nếu polyp lớn hơn 1cm, nguy cơ ung thư tăng rõ rệt. Vì vậy, những loại này thường được khuyến nghị cắt bỏ sớm.
Polyp tuyến trong dạ dày cũng có nguy cơ cao chuyển thành ung thư, chiếm khoảng 10-20% các loại polyp dạ dày. Những polyp có đường kính trên 2cm, cấu trúc nhung mao hoặc có loạn sản sẽ làm tăng nguy cơ ác tính, nên cần cắt bỏ càng sớm càng tốt.
Với polyp túi mật, loại polyp tuyến có nguy cơ cao, đặc biệt khi đường kính trên 1cm. Khi phát hiện polyp lớn hoặc nghi ngờ ác tính, bác sĩ thường khuyên nên cắt bỏ túi mật.

Polyp có gây triệu chứng gì không?
Đa số polyp không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, nếu phát triển lớn hoặc số lượng nhiều, có thể gây:
Đại tràng: đi ngoài ra máu, táo bón, tiêu chảy, đau bụng.
Dạ dày: đau bụng, đầy hơi, ợ chua, khó tiêu, chảy máu tiêu hóa.
Túi mật: thường không triệu chứng, nhưng có thể gây khó chịu vùng bụng phải, nhất là sau bữa ăn nhiều dầu mỡ.
Mũi: nghẹt mũi, giảm hoặc mất khứu giác, đau đầu, đau vùng mặt.
Nội mạc tử cung: kinh nguyệt nhiều, kéo dài, ra máu bất thường sau mãn kinh.
Nếu không cắt polyp, có tự khỏi được không?
Việc có cần cắt polyp hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại polyp, kích thước, vị trí, triệu chứng và tiền sử bệnh của người bệnh.
Một số polyp có thể tự biến mất, ví dụ polyp tuyến đáy dạ dày có thể thoái lui sau khi ngưng sử dụng thuốc ức chế bơm proton. Tuy nhiên, phần lớn polyp sẽ không tự biến mất và có thể phát triển to hơn, làm tăng nguy cơ ung thư theo thời gian.
Do đó, với những polyp có nguy cơ ác tính, các bác sĩ thường khuyên nên cắt bỏ để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.
Việc có cần cắt bỏ polyp hay không cần được đánh giá kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố. Người bệnh nên đến khám chuyên khoa, tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và thực hiện theo dõi định kỳ. Bên cạnh đó, duy trì lối sống lành mạnh và khám sức khỏe thường xuyên sẽ giúp phòng ngừa hiệu quả sự xuất hiện của polyp.