Đừng ’nổ’ quá, làm khổ nông dân

18:13, Thứ bảy 20/07/2013

( PHUNUTODAY ) - Vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại, thậm chí có không ít người hoài nghi về hiệu quả cây trồng trong tương lai đối với nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại, thậm chí có không ít người hoài nghi về hiệu quả cây trồng trong tương lai đối với nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dù hội nghị chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả tại các tỉnh Nam bộ đã tổ chức đến lần thứ 3, để ghi nhận ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp…


Các báo cáo về kết quả canh tác rau màu khắp các tỉnh trong vùng đều cho thấy, trồng các loại rau màu lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Trồng mè lợi nhuận có thể đạt mức trên 25 triệu đồng/ha, gấp mười lần trồng lúa; trồng đậu nành lợi nhuận khoảng 16,5 triệu đồng/ha, gấp gần bảy lần trồng lúa; trồng bắp lai mức lãi có thể đạt hơn 11 triệu đồng/ha, gấp hơn bốn lần trồng lúa…

Tuy vậy, diện tích trồng lại cứ giảm dần ngay tại những vùng đất có điều kiện tự nhiên khá phù hợp cho việc trồng tỉa các loại hoa màu này. Đơn cử tại Đồng Tháp, năm 2011 diện tích trồng bắp toàn tỉnh thống kê được khoảng hơn 4.900ha, năm ngoái giảm còn 4.600ha, và kết thúc vụ màu chính năm nay diện tích đất trồng bắp cũng chỉ mới đạt khoảng hơn 4.100ha…

Trồng đậu nành lợi nhuận gấp 7 lần trồng lúa nhưng diện tích trồng đậu nành cứ giảm dần.
Trồng đậu nành lợi nhuận gấp 7 lần trồng lúa nhưng diện tích trồng đậu nành cứ giảm dần.


Trong tình cảnh có nhiều địa phương cùng thừa nhận nông dân không đạt mức lãi 30% như vụ thu hoạch lúa hè thu năm nay, ông Nguyễn Hữu An, chi cục trưởng chi cục Bảo vệ thực vật – sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang, nói: “Nông dân cho rằng họ đã quá ngán ngẩm với cây lúa vì lỗ lã mấy vụ mùa liên tục”. Tuy nhiên “tụi tui sẽ lại trồng lúa vì biết trồng cây gì khác hơn”, dẫn lời số đông nông dân, ông An nói. Với nông dân, nếu trồng lúa có ế cũng có thể trữ lại thời gian dài, còn các loại bắp, đậu… thì mau hư hơn lúa.

Đặc biệt là các loại rau quả tươi chỉ có đường đổ bỏ nếu không bán được. Hơn nữa, mua có bạn – bán có phường, những bạn hàng rau họ đều đã có mối làm ăn với nhau, nếu có thêm người khác lại xảy ra tình trạng giành giật, quấy rối chất lượng, phá giá lẫn nhau…

Theo cục Trồng trọt – bộ NN&PTNT, đề án quy hoạch nông nghiệp đến năm 2020 đề ra mục tiêu duy trì khoảng 350.000ha đất trồng đậu nành; ĐBSCL gắng trồng khoảng 100.000ha bắp… để đạt sản lượng khoảng 700.000 tấn đậu nành và 550.000 tấn bắp/năm… cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng, chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

Ông Phạm Văn Bên, uỷ viên thường vụ hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, động viên: “Không cần xuất khẩu gạo, nếu nguồn trong nước đáp ứng đủ nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi thì mỗi năm nông dân đã tự làm ra ít nhất cũng 3 tỉ USD mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không phải làm gì cả”.

Tại Đồng Tháp, khi phong trào trồng đậu nành còn ở đỉnh cao, tỉnh này cũng đã đưa cơ giới vào hỗ trợ khâu thu hoạch. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của cơ giới sản phẩm đậu thu được đã bị lẫn bùn đất, giảm giá trị... Thực tế này chỉ có thể khắc phục bằng cách chọn các loại giống có chiều cao đóng trái (khoảng cách từ trái dưới cùng đến mặt đất) lớn hơn. Một nhược điểm khác của đậu nành là hạt giống chỉ cho phép tồn trữ không quá ba tháng. Như vậy với bộ giống vốn ít ỏi (3 – 4 giống) như hiện tại, đậu nành chưa đáp ứng được nhu cầu trồng luân canh trên đất lúa...

Ông Huỳnh Thế Năng, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nói rằng: “Các địa phương đừng “nổ” (khoe lãi lớn) quá, chết nông dân hết! Phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, tính toán kỹ... trước khi quyết định chuyển lúa sang màu”.

Tại một hội nghị liên quan tới nông, thuỷ sản mới đây, phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh gợi ý: “Các bộ ngành liên quan nghiên cứu xem có cần thiết thành lập một quỹ hỗ trợ sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông – thuỷ sản”. Hy vọng quỹ này khi ra đời sẽ thực sự là chỗ dựa cho nông dân nhất là trong thời kỳ chuyển đổi.

  • (Lược theo SGTT)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc