Đường kim mũi chỉ "bỏ bùa" thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp

06:36, Thứ hai 16/05/2011

( PHUNUTODAY ) - #160; Trái lại, chiến tranh, bom đạn và chia ly như chất xúc tác khiến tình yêu của họ càng nồng thắm, son sắc.

(Phunutoday) - Quen nhau trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, những năm tháng son trẻ nhất cuộc đời thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp và người bạn đời Chu Thị Loan dành cả cho đất nước, cho nhân dân, song không phải vì thế mà họ không thể dành cho nhau những điều ngọt ngào, tuyệt diệu của tình yêu đôi lứa. Trái lại, chiến tranh, bom đạn và chia ly như chất xúc tác khiến tình yêu của họ càng nồng thắm, son sắc.


Thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp tráng kiện và dường như "trẻ" hơn nhiều so với tuổi 73 của mình, ông cười hiền hậu "đó đều là do một tay bà ấy chăm sóc cho tôi", quả đúng như người ta nói "con chăm cha không bằng bà chăm ông". Nói đoạn, ông quay sang nhìn âu yếm và đầy biết ơn bà Chu Thị Loan - người vợ hiền thảo của ông như má ửng hồng bởi lời "nịnh đầm" rất "tình" của người bạn đời bà hằng yêu mến và kính trọng.

Mất bố từ khi còn ở trong bụng mẹ, cô con gái Chu Thị Loan chưa từng được hưởng hơi ấm hạnh phúc của người cha. Những gì cô biết về cha mình qua lời kể của mẹ và anh chị em rằng bố là một người đàn ông mạnh mẽ, tốt bụng và chăm chỉ. Hồi đó, mất đi trụ cột gia đình, mọi gánh nặng dồn cả lên đôi vai tần tảo của mẹ. Không được bố bế ẵm dù chỉ một ngày, Chu Thị Loan chào đời trong nỗi niềm sầu tủi và thương yêu quặn thắt của mẹ và những người thân.

Hình như, cảm thấu được thiệt thòi mà cô sớm phải gánh chịu từ tấm bé, bao nhiêu yêu thương, chiều chuộng mẹ và anh chị đều dồn cả cho cô.
Suốt thời niên thiếu của cô là những tháng ngày quẩn quanh bên vòng tay yêu thương của mẹ. Dù mẹ có yêu thương, săn sóc với tất cả tình yêu thương song, sự thiếu hụt tình thương và sự chỉ dạy của cha cũng để lại những khoảng trống nhất định, không thể lấp đầy trong lòng cô con gái bé bỏng.

 Vốn tính tình hiền lành, đa cảm, cô thường giữ riêng cho mình những xúc cảm, nỗi niềm riêng và không mấy khi bày tỏ với ai. Nhớ những năm tháng chiến tranh, cả nhà về tản cư tại Phú Xuyên (Hà Tây), tận mắt cô chứng kiến cảnh một người hàng xóm nát rượu hễ mỗi lần đi uống rượu về, người say mềm lại lôi vợ ra đánh ầm ĩ khắp xóm.

Hình ảnh người đàn ông ấy quấn tóc vợ, đánh đập tàn nhẫn người phụ nữ ông ta từng chung sống, gắn bó khiến cô gái Chu Thị Loan bị ám ảnh và đeo nặng nỗi sợ hãi, nghi ngờ về đời sống hôn nhân. Cô nảy sinh tâm lý sợ yêu và không muốn lấy chồng dù đã bước vào tuổi cập kê và không ít lần mẹ giục giã con gái yêu nên tìm một tấm chồng để yên bề gia thất. Hồi ấy, cô Loan được không ít chàng trai si mê, yêu mến bởi nét tính cách dịu dàng, hoạt bát cùng với diện mạo ưa nhìn, dễ thương.

Những chàng trai làng thầm thương nhớ trộm đã đành, đến cả những chàng trai phố thị cũng nghả nghiêng, xiêu lòng trước cô gái trẻ, nhưng cô chưa hề mảy may xúc động trước những lời lẽ tán tỉnh ong bướm của những chàng trai ấy. Hồi ở Hàng Đào cùng cậu mợ, cũng có một anh gần đó si mê lắm, nhưng cô một mực từ chối vì lý do hết sức đơn giản: không muốn yêu tư sản, và nỗi ám ảnh về người đàn ông vũ phu trong tiềm thức năm xưa vẫn chưa hề phai nhạt.

Trong tâm thức của cô gái trẻ, định rằng sẽ "ở vậy", quyết không đi lấy chồng, nhưng ông trời run rủi thế nào đưa đẩy cô gặp được anh bộ đội Vũ Ngọc Diệp - một chàng trai cũng rất đào hoa và được không ít cô gái trẻ đem lòng cảm mến. Thông qua lời giới thiệu của bạn bè, "lý lịch" của cô gái Chu Thị Loan anh đều đã thuộc lòng, không hiểu sao mỗi lần bạn bè nhắc tới tên cô ấy, lòng anh lại bừng lên khao khát được chở che, yêu thương và chăm lo cho Loan suốt cuộc đời. Đặc biệt, biết cô ấy sớm mất bố, sớm tự lập, lo toan, anh vô cùng thương cảm và yêu mến, ước ao được cùng cô san sẻ những thiệt thòi và gánh nặng trong cuộc sống.

Anh âm thầm quan tâm cô, dành cho cô những tình cảm chân thành, nồng ấm nhất của người lính cụ Hồ. Chính tình cảm chân thành và nồng hậu ấy của anh đã tạo nên sức mạnh kì diệu, đánh tan những nghi ngờ, mặc cảm đè nặng trong lòng cô suốt từ thuở nhỏ cho tới khi trưởng thành về lòng dạ khó đoán của đàn ông. Mỗi khi nhìn vào đôi mắt vời vợi yêu thương của anh, lòng cô chợt ấm lại khi tìm được một bờ bến bình yên và thực sự đáng tin cậy.

Chẳng biết tự lúc nào, cô phấp phỏng chờ đợi ngày nghỉ phép hoặc những lần ghé thăm nhà vội vã của chàng thanh niên trẻ, dù gặp nhau chốc lát, thậm chí chỉ kịp trao nhau ánh nhìn tin tưởng, yêu thương, anh lại vội vã lên đường, nhưng với cô, hình như bấy nhiêu đã là hạnh phúc, là động lực để cô tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa trong công việc hiện tại tại xí nghiệp may Chiến Thắng.

c
Thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp và vợ

Bà Chu Thị Loan cười hiền, đôi mắt dịu dàng, sâu thẳm ngước nhìn người bạn đời ngồi kế bên, nhẹ nhàng giãi bày, gặp gỡ và gắn bó với anh chàng bộ đội Vũ Ngọc Diệp là may mắn và cũng là sự lựa chọn sáng suốt nhất trong đời tôi. Cho dù hồi ấy nhiều người theo đuổi, thậm chí có những người có chức, có quyền, có tiền đặt vấn đề tìm hiểu tôi, song tôi không cần tiền, không cần địa vị bởi tôi là người con của người dân lao động, vất vả quen rồi nên tôi không sợ vất vả, không sợ nghèo, gặp được anh Diệp, có thể coi đó là niềm hạnh phúc lớn lao không gì sánh bằng và anh là người đàn ông có sức mạnh khiến tôi tin tưởng gửi gắm cả cuộc đời.

Nhớ về lần hẹn hò đầu tiên, hai ông bà nhìn nhau cười tủm tỉm. Hồi ấy, đơn vị của ông đóng quân ở Bắc Giang, chủ nhật ông tranh thủ về nhà thăm người yêu. Đạp xe cả quãng đường dài đằng đẵng, nghĩ tới hình ảnh cô gái nhỏ nhắn Chu Thị Loan đang đơi chờ mình, anh chàng si tình có thêm một nguồn sức mạnh kì diệu nhấn pê - đan vượt quãng đường gồ ghề, bụi bặm về bên người thương.

Về tới Hà Nội, anh tới điểm hẹn quen thuộc chờ đợi nàng, bụng dạ phấp phỏng, hồi hộp nhẩm tính những câu nói dịu dàng, ân cần định thì thầm với nàng, nhưng đợi cả buổi chiều, khi bóng nắng mờ dần và những góc nhà thành phố xô nghiêng với nhau trong mịt mù đêm tối, vẫn chẳng thấy bóng dáng nàng đâu.

Một nỗi buồn xâm chiếm lòng anh, có lẽ, sự vắng mặt của cô ấy là lời nhắn nhủ, cự tuyệt tình cảm của anh. Toan quay ngược xe đạp về Bắc Giang thì từ đâu cô tới, đôi má ửng hồng mướt mải mồ hôi. Cô tíu tít xin lỗi và giải thích, rằng mải đi tập tự vệ nên "quên" mất buổi hẹn hò, cô háo hức kể về thành tích được đơn vị cử đi thi bắn súng toàn thành phố. Bao nhiêu giận hờn, ngóng đợi tan biến đi đâu, thay vào đó là ánh mắt trọn vẹn yêu thương và cảm mến dành cho người con gái bé bỏng, giỏi giang mà anh đã trót trao cả trái tim mình vào đó.

Đám cưới diễn ra năm 1965 giống như một điều tất yếu và là kết quả của sự đồng cảm, gắn bó hai tâm hồn, hai trái tim, hai khối óc, vượt qua những chướng ngại thông thường để có ngày đoàn tụ bên nhau. Đám cưới diễn ra tại Hà Nội, do đơn vị anh và công ty may của cô chung tay tổ chức.

 Bạn bè tới rất đông, quà mừng đám cưới là những chiếc thau đồng, cái phích nhỏ...tuy không đáng giá bao nhiêu, nhưng là những lời nhắn nhủ chân tình và đầy ngụ ý về ao ước cuộc sống thuận hòa, yên ấm vợ chồng sau này. Hồi đó thiếu thốn, nhà cửa chưa có, đơn vị ông mượn tạm chiêu đãi sở một căn phòng nhỏ để làm phòng tân hôn cho đôi bạn trẻ, giờ nhắc lại, những kí ức năm xưa lại sống động dội về như mới diễn ra ngày hôm qua vậy.

Sau đám cưới, mỗi người dong duổi về mỗi phương khác nhau. Bà sơ tán lên Phù Ninh - Phú Thọ, còn ông công tác tại Trung đoàn tên lửa Phòng không, nay đây mai đó chẳng mấy khi có thời gian trở về thăm vợ. Thời gian gặp nhau rất ít, và cho tới tận 4 năm sau ngày cưới, hai người mới có được trái ngọt đầu tiên là sự chào đời của cậu con trai đầu lòng. Dù không ở bên vợ con, nhưng trong mắt bà, ông vẫn là một người chồng, người cha cực kỳ có trách nhiệm.

Đều đặn là những bức thư đầy ắp thương yêu, lần nào cũng vậy, luôn là những câu hỏi có khi bà tới mức thuộc lòng: Em và con ở nhà khỏe chứ? Các con có ngoan không...? Bà biết, ông chẳng khéo ăn khéo nói, nhưng bà cảm nhận được nỗi nhớ và tình yêu ông gửi gắm vào những bức thư đi xuyên qua bom đạn, bay về phía hậu phương xa xôi.

Phần bà, khi đã là quản đốc phân xưởng, công việc bộn bề, sáng sớm đạp xe hàng chục cây số tuyển công nhân may cho xí nghiệp, chiều về giảng dậy 4 lớp công nhân may, tối về chăm sóc hai con, nhưng tất cả những khó khăn, vất vả ấy bà chưa bao giờ ca thán nửa lời với ông.

Trái lại, bà kể về công việc của mình với một niềm yêu say tuyệt đối, nên ngày nghỉ hưu ở cái tuổi 47 - nghỉ hưu non do sức khỏe không đảm bảo, bà chống chếnh suốt cả một thời gian dài để tìm cách làm quen và cân bằng trở lại. Trong trái tim nồng nhiệt của bà, tình yêu và lòng thủy chung luôn song hành với nhau, những năm tháng ông chiến đấu xa nhà, bà từng nhận được lời đề nghị khiếm nhã của một người đồng nghiệp, đại ý, chồng em đi đánh giặc, bỏ rơi người vợ hiền thảo quay quắt một mình ở nhà, chúng ta có thể xoa dịu nỗi niềm của nhau.

Bà đã vô cùng tức giận trước lời nói ngông cuồng và vô lối ấy, thẳng thắn quay sang quát người đàn ông kia và khẳng định trong lòng bà chỉ có một người đàn ông duy nhất, là Vũ Ngọc Diệp mà thôi.

Thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp tự hào về người vợ bé bỏng của mình, có thể bà ấy không giỏi nữ công gia chánh, không nấu cho ông những bữa cơm đặc sắc, cầu kỳ, song bà ấy bỏ bùa ông bằng đường kim mũi chỉ, bằng những cử chỉ ân cần, dịu dàng và tinh tế. Tấm áo ông sứt chỉ, sờn vai, bà lại cặm cụi ngồi sửa sang, may vá, ngày xưa vậy và bây giờ vẫn thế. Với bà, đó dường như là món quà nhỏ, là niềm hạnh phúc thật khó diễn tả của người vợ đảm đang dành cho người chồng trận mạc thời chiến cũng như thời bình.

Bước qua chiến tranh, hai ông bà trở về cuộc sống thường nhật giản dị, xum vầy bên con cháu và bù đắp cho nhau những thiếu thốn trong chiến tranh đằng đăng. Quà tặng vợ có khi chỉ là chiếc khăn mặt, chiếc khăn mùi xoa, hoặc có khi chỉ là lời nhắc nhở khoác thêm tấm khăn nhỏ trong những ngày nối gió, thậm chí những thời khắc ông bà tản bộ cùng nhau dọc phố phường, cùng chiêm nghiệm về quá khứ, cuộc đời, bấy nhiêu thôi đã là hạnh phúc. Với họ, hạnh phúc bình dị lắm, sống, yêu và luôn hướng về nhau từ những năm chiến tranh cho tới lúc đầu đã bạc phơ tóc trắng, đủ để viết nên tình yêu đẹp, thủy chung và son sắc.

Vân Trang
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc