Dương Văn Dương, vị Tướng đầu tiên của chiến trường Tây Nam Bộ (II)

16:54, Thứ năm 29/09/2011

( PHUNUTODAY ) - Trong những tài liệu ít ỏi về thân thế và cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi của Thiếu tướng Dương Văn Dương, hầu hết những người ghi chép đều nhận định ông là nhân vật tiêu biểu cho giới hảo hán trọng nghĩa khí, hết lòng vì quốc gia đại cuộc.

(Phunutoday) - Anh hùng hảo hán đến lúc hy sinh- Những tài liệu xưa và nhiều bậc bô lão vùng Nhà Bè kể rằng, Dương Văn Dương có vóc người tầm thước, tính tình nghiêm nghị, ít nói, nhưng luôn có thái độ lễ phép, hòa nhã với mọi người, kính trên nhường dưới, chuyện phải trái rất phân minh. Chính điều đó làm cho những người từng biết ông và những tay anh chị giang hồ chọc trời, khuấy nước phải kính nể khi nghe nhắc đến tên thủ lĩnh Ba Dương.

Người ta còn truyền tụng rằng, ông hay nhắc nhở anh em giang hồ dưới trướng và những tay giang hồ bè bạn, rằng muốn làm anh chị không nhất thiết phải “hét ra khói, nói ra lửa” như những tay dao búa bến xe, bến đò. Điều căn bản để được mọi người nể phục là tài và đức phải đi đôi, không ngụy quân tử. Gặp Dương Văn Dương, ai cũng đều công nhận ông hội đủ cả tài và đức. Chính vì vậy mà lúc bấy giờ, nhiều người khẳng định, trong giới giang hồ Sài Gòn - Chợ Lớn, Ba Dương là người quân tử hiếm có. Trong những câu chuyện về con người quân tử của Ba Dương, cho đến nay vẫn còn truyền tụng nhiều câu chuyện đáng cảm kích.
Con kênh mang tên Thiếu tướng Dương Văn Dương xẻ dọc giữa ruột Đồng Tháp Mười là tuyến giao thông huyết mạch cả trong thời chiến lẫn thời bình.
Đầu năm 1945, trong lúc Ba Dương đang chỉ huy đàn em trấn giữ bến xe Pháp Ninh - Nam Vang thì quân Pháp đột ngột ban hành tình trạng khẩn cấp, tung quân gom bắt hết các phần tử mà giặc cho là nguy hiểm như Cộng sản, Cao Đài, Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh Độ Cư Sĩ và không tha đám dân giang hồ tứ chiếng. Trong lúc tình hình nguy cấp, Dương Văn Dương phải chạy về Cần Giuộc ẩn thân, nhưng vẫn không thoát khỏi mạng lưới chỉ điểm, nên ông bị bắt giải về quận.
 
Nghe tên ông đã lâu nhưng chỉ xem ông là một tay giang hồ vặt vãnh, tên chủ quận độc ác nghĩ ra cách buộc Ba Dương phải chết từ từ trong đau đớn, khổ sở. Tên chủ quận Cần Giuộc buộc Ba Dương phải nuốt cả một chùm tóc được cắt nhỏ vào bụng để thể hiện khí phách không sợ chết của một trùm anh chị giang hồ. Khi nghe tên chủ quận nói, Ba Dương biết ngay âm mưu thâm độc của kẻ thù, bởi tóc cắt nhỏ khi nuốt vào bụng sẽ dần phá nát bộ máy tiêu hóa, gây cái chết từ từ nhưng hết sức đau đớn, khổ sở.
 
Không còn đường thoái lui, hơn nữa nếu từ chối, Ba Dương sẽ bị tên chủ quận cho là hèn nhát và sẽ tung tin ra khắp giới giang hồ Nam kỳ lục tỉnh, nên ông chấp nhận nghiến răng thi hành bản án, dẫu biết nuốt xong mớ tóc kia thì cuộc đời ông ngắn chẳng tày gang. Trong thời gian chờ chết, thật may mắn là một học trò nghề võ trung thành của Ba Dương xin bảo lãnh ông về nhà. Nhờ những phương thuốc gia truyền của người học trò này, mớ tóc quái ác kia xổ ra hết và Ba Dương thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
 
Sau khi mạnh khỏe, Ba Dương tiếp tục tham gia các hoạt động cách mạng và khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8/1945. Khi chính quyền cách mạng được thành lập, trong số những quan lại viên chức ra trình diện, có viên chủ quận ngày xưa cố tình ép chết Ba Dương bằng mớ tóc cắt nhỏ. Vừa giáp mặt Ba Dương, biết ông nay là Chỉ huy trưởng bộ đội, viên chủ quận mặt xanh như tàu lá, quỳ sụp xuống đất lạy Ba Dương không ngớt.
 
Ba Dương nhìn viên chủ quận ngày xưa một hồi, Rồi bảo viên chủ quận đứng lên và thong thả nói: “Tội của ông lẽ ra tôi phải chặt 10 cái đầu mới hả dạ. Nhưng bây giờ đổi đời rồi. Ông mất hết chức hết quyền, trả thù là khi ông còn ngon lành kia, còn bây giờ tôi trả thù ông để làm gì? Tôi tha chết cho ông đó…”.Thái độ quân tử của Ba Dương làm cho viên chủ quận thức tỉnh, khi Pháp quay lại tái chiếm Nam Bộ, ông này không những không hợp tác với giặc mà còn động viên nhiều con cháu tham gia cách mạng.
 
Chuyện thứ hai là việc Ba Dương thực hiện nghiêm lệnh “quân pháp bất vị thân. Trong một lần, quân Pháp bất ngờ đánh úp đơn vị bộ đội do Năm Hà (em cùng mẹ khác cha của Ba Dương), thay vì chỉ huy bộ đội chống trả, Năm Hà chưa đánh đã vội vã ra lệnh cho quân rút lui. Khi biết tin này, gặp lại em, Ba Dương nổi trận lôi đình, lớn tiếng quở trách rồi kết luận: “Bộ đội là do nhân dân che chở đùm bọc, ơn đó chưa trả được. Nay giặc Pháp kéo tới, người chỉ huy lẽ ra phải đôn đốc bộ đội quyết chiến chống giặc, bảo vệ tính mạng, tài sản của dân, nhưng chưa đánh mà đã bỏ dân để rút chạy bảo toàn mạng sống là tội đáng chết”.
 
Nói xong, trước sự chứng kiến của đoàn quân, ông rút súng ngắn bắn Năm Hà ngay tức khắc, không một ai kịp can ngăn. Rất may là Năm Hà nhanh nhẹn tránh kịp cho nên mới giữ toàn mạng sống.
 
Cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, Ba Dương vẫn giữ trọn tinh thần quân tử và khí phách anh hùng . Nhiều người còn nhớ rằng, cuối năm 1945, Ba Dương nhận lệnh của tướng Nguyễn Bình chỉ huy lực lượng Bình Xuyên xuống chi viện cho chiến trường Khu 8 ở đồng bằng sông Cửu Long theo yêu cầu chi viện của Khu bộ phó Khu 8 Trương Văn Giàu.
 
Đầu năm 1946, Ba Dương đưa quân xuống tăng cường chiến khu Bến Tre, ứng cứu mặt trận An Hóa - Giao Hòa đang bị Pháp uy hiếp dữ dội. Ba Dương chọn các đơn vị Bình Xuyên thiện chiến lập liên quân gồm 5 đại đội đi Bến Tre, do đích thân ông chỉ huy. Ông cho liên quân tổ chức ăn Tết trước 3 ngày và trong đêm giao thừa cho quân vượt sông Soài Rạp, xuyên qua vùng Bình Phục Nhất, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), sau đó vượt sông Tiền để qua An Hóa.
 
Trên đường hành quân, Ba Dương chỉ đạo các cánh quân vừa đi vừa đánh địch ở Cần Giuộc, Cần Đước, Chợ Trạm, sau đó hợp quân tại Chợ Gạo trước khi vượt sông vào Bến Tre. Nhưng khi đến bờ sông phía Bến Tre thì được tin mặt trận An Hóa - Giao Hòa đã mất, nên Ba Dương quyết định tổ chức đánh đoàn tàu vận chuyển lương thực thực phẩm của địch, sau đó kéo quân về xã Châu Bình (Giồng Trôm) cùng hội quân với lực lượng Cộng hòa Vệ binh, Quốc gia Tự vệ cuộc của Trương Văn Giàu và Nguyễn Văn Quạn, bàn kế hoạch mở mặt trận đánh Pháp và phối hợp giải tán Đệ Tam Sư đoàn.
 
Sáng sớm ngày 16/1/1946, chỉ huy Ba Dương đang họp với các chỉ huy khác thì có tin quân Pháp tấn công. Đơn vị của Ba Dương đóng ở ấp Bình Khương (xã Châu Bình) chưa kịp triển khai phòng tuyến thì đã bị bao vây tứ phía. Trước tình thế nguy ngập, cấp bách, cán bộ tham mưu đưa cho Ba Dương một xấp giấy thuế thân để ông và một số cán bộ chỉ huy khác giả dạng thường dân lánh ra vùng an toàn.
 
Nhưng Ba Dương cương quyết xé nát xấp giấy thuế thân, dõng dạc nói: “Cảm ơn anh đã lo cho tôi, nhưng kẻ làm tướng khi lâm trận mà bỏ quân chạy trước là tướng hèn. Tôi quyết ở lại chiến đấu cùng anh em chứ không nghe theo lời anh”. Để dọn đường cho bộ binh tiến vào, quân Pháp cho hai chiếc máy bay quần thảo trên bầu trời nơi đơn vị của Ba Dương đóng quân, bắn phá ác liệt. Ba Dương xoay quanh cây rơm ở nơi đóng quân, vừa tránh đạn của máy bay vừa chỉ huy đơn vị triển khai chiến đấu.
 
Khoảng 8 giờ 30 phút, trong khói lửa mịt mù, Ba Dương trúng đạn hy sinh. Thi hài của ông sau đó được an táng tại Châu Bình suốt mấy chục năm, sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, hài cốt của ông mới được cải táng đưa về nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh yên nghỉ. Sau khi Khu bộ phó Khu 7 Dương Văn Dương hy sinh, tướng Nguyễn Bình và Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ đã đề nghị Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh truy phong cấp bậc Thiếu tướng cho ông. Ngày 5/8/1946 người sáng lập bộ đội Bình Xuyên lừng danh đã được truy phong quân hàm Thiếu tướng.
 
Trong những tài liệu ít ỏi về thân thế và cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi của Thiếu tướng Dương Văn Dương, hầu hết những người ghi chép đều nhận định ông là nhân vật tiêu biểu cho giới hảo hán trọng nghĩa khí, hết lòng vì quốc gia đại cuộc. Trong giới “giang hồ hảo hán” đi làm cách mạng, Ba Dương là người tiêu biểu cho sự tự rèn luyện, phấn đấu vươn lên và cũng là người có nhiều đóng góp cho sự thành công của sự nghiệp cách mạng, mà mọi người vẫn gọi là sự nghiệp của quần chúng. Khi Dương Văn Dương trở thành người chỉ huy quân đội, ông là vị chỉ huy gương mẫu, dũng cảm, được anh em tin yêu, kính phục.
 
Nhưng cuộc đời binh nghiệp của ông quá ngắn ngủi, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với cán bộ chiến sĩ Bình Xuyên cách mạng và nhiều người ngưỡng mộ ông. Lúc sinh thời các vị tướng nổi tiếng một thời của Nam Bộ như Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Đồng Văn Cống, Thiếu tướng Tô Ký, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định… đều xem thiếu tướng Dương Văn Dương là bậc đàn anh của các tướng lĩnh Nam bộ.
                              
Thường Dân
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc