EVN cố tình tính sai hay chỉ quan tâm tới người giàu?

07:04, Thứ năm 29/08/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có một nghiên cứu về đánh giá tác động xã hội của việc điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện ở Việt Nam đã cho thấy thực tế không như EVN nói.

Không ảnh hưởng sao người nghèo nghèo đi

Từ trước đến nay, sau mỗi lần tăng giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN đều trần tình, tăng giá nhưng không ảnh hưởng tới người dân. Gần đây nhất vào ngày 1/8, EVN đã quyết định tăng giá điện thêm 5%. Trước việc tăng giá điện trong chỉ số giá tiêu dùng cao thì ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết việc tăng giá điện đã được tính toán theo quy trình đã được quy định trong Quyết định 24, không liên quan giá xăng dầu lên xuống. EVN căn cứ theo quy trình hàng tháng tính toán chi phí sản xuất kinh doanh, giá thành điện, xem những yếu tố đầu biến động như tỷ giá, giá nhiên liệu và cơ cấu sản lượng điện để quyết định giá điện tăng hay giảm.

"Đáng lẽ EVN phải tăng 10%, nhưng chúng tôi cân nhắc tình hình kinh tế phát triển ổn định và đời sống nhân dân bớt khó khăn nên chúng tôi kiến nghị chỉ tăng 5%. Đối với người thu nhập thấp và nghèo thì không bị ảnh hưởng"- vị lãnh đạo của EVN nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có kết luận khác hẳn. Một nghiên cứu về đánh giá tác động xã hội của việc điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện ở Việt Nam của CIEM đã cho thấy thực tế không như EVN nói.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng CIEM cho biết nghiên cứu dựa trên hai kịch bản là tăng giá 5% và 10%, còn trong trường hợp DN tăng giá 7% và 8% thì ý tưởng này cũng tương tự như thế. Theo báo cáo của CIEM, khi giá điện, xăng dầu tăng 5%, việc tăng đồng thời như thế là chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,46%. Tuy nhiên, tính cả tác động gián tiếp, chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh hơn nhiều ngay cả trong ngắn hạn (từ 2,14 - 2,53 tùy theo từng vùng), thậm chí còn tăng dần theo thòi gian khi cơ cấu và quy mô sản xuất của các ngành có điều chỉnh. Theo đó, các hộ gia đình sẽ phải chi trả nhiều hơn cho tiêu dùng.

Phần thu nhập cần trợ cấp để các hộ nghèo duy trì phúc lợi ban đầu là khá lớn. Dự tính mức trợ cấp này lên tới 48.700 đồng/hộ/tháng trong ngắn hạn và 53.600 đồng/hộ/tháng trong dài hạn (tính theo giá trị tiền đồng năm 2010).

Với số lượng khoảng 2 triệu hộ dưới chuẩn nghèo như hiện nay (theo số liệu điều tra mức sống của hộ gia đình năm 2010), chi phí trợ cấp từ ngân sách nhà nước để bù đắp thiệt hại cho người nghèo do tăng giá điện và xăng ước khoảng 97,4 tỷ đồng/tháng (tức là khoảng 1.168,8 tỷ đồng/năm) trong ngắn hạn, và khoảng 107,2 tỷ đồng/tháng (tức 1.286,4 tỷ đồng/năm) trong dài hạn.

Kịch bản thứ hai, điều chỉnh đồng thời giá xăng dầu và giá điện với mức tăng đều là 10% sẽ trực tiếp làm giá tiêu dùng tăng khoảng 0,58%. Nếu tính cả tác động gián tiếp thì tác động tăng giá còn lớn hơn: Chỉ số giá tiêu dùng tăng ngay lập tức từ 2,75 đến 3,13% tùy theo từng vùng (tức là cao hơn kích bản một khoảng 0,6 điểm phần trăm). Với kịch bản này, trợ cấp cho mỗi hộ nghèo để bù đắp thiệt hại do giá tăng dự tính lên tới 57.100 đồng/hộ/tháng trong ngắn hạn, và 62.900 đồng/hộ/tháng trong dài hạn. Trong ngưỡng dài hạn, tỷ lệ hộ nghèo đã tăng lên 0,88 điểm % và ở nông thôn tăng 1,44 điểm phần trăm.

Tính chung cho 2 triệu hộ dưới chuẩn nghèo, chi phí trợ cấp từ ngân sách nhà nước ước khoảng 114,2 tỷ đồng/tháng (tức 1.370,4 tỷ đồng/năm) trong ngắn hạn, và khoảng 125,8 tỷ đồng/tháng (tức 1.509,6 tỷ đồng/năm) trong dài hạn.

Như vậy, mô hình nghiên cứu được vận dụng trong báo cáo có thể tính đến tác động của tăng giá xăng dầu và giá điện đối với tỷ lệ nghèo và sự khác biệt theo vùng. Kết quả cho thấy việc điều chỉnh giá có ảnh hưởng khác nhau đến tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng và việc bù đắp thu nhập cho hộ gia đình bằng tỷ lệ lạm phát hoặc mức tăng giá xăng dầu/giá điện không giúp hộ gia đình đạt được phúc lợi ban đầu.

EVN không đánh giá hết được tác động của giá điện tăng với người nghèo

Doanh nghiệp chỉ tính rổ hàng của nhà giàu

Việc đánh giá sai tác động ảnh hưởng của tăng giá với đời sống người dân dẫn đến hậu quả tăng lạm phát ở vĩ mô, còn vi mô rõ ràng ngườidân đang phải chi thêm tiền cho chuyện cơm áo, gạo tiền. Điều này khiến cuộc sống người dân ảnh hưởng.

Theo TS Võ Trí Thành việc các doanh nghiệp đánh giá sai mức độ ảnh hưởng là họ chỉ tính toán dự trên "rổ hàng của người giàu". Trong khi đó, rổ hàng của người giàu và người nghèo khác nhau hoàn toàn. Ở thành thị người ta chỉ ăn 9 lạng gạo còn ăn thịt, ăn cá nhưng ở nông thôn người nghèo ăn tới 1,3 kg gạo, điều đó khi tăng giá lẽ ra doanh nghiệp phải tính toán được.

"Có thể tính một cách nhanh chóng và dễ hiểu như thế này, khi giá điện tăng, giá xăng dầu tăng thì kéo theo con gà, cân gạo cũng tăng theo. Trong khi đó, nhà nước chỉ hỗ trợ chi phí trong việc tăng giá điện, vậy giá của con gà tăng hơn, cân gạo tăng hơn thì ai giúp người dân bù. Chính vì thế, mọi phúc lợi của người dân không được như ban đầu, teo tóp dần, như thế là ảnh hưởng quá đi chứ làm gì mà không ảnh hưởng. Nếu nhà nước muốn bù đủ mức sống cho người nghèo như cũ thì bù như thế nào và liệu ngân sách có chịu được không." - TS Thành nhấn mạnh.

TS Thành cho biết kết quả nghiên cứu giúp ước tính được chi phí trợ cấp từ ngân sách nhà nước với các hộ nghèo sau khi thay đổi giá điện, xăng dầu. Điều này giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra chính sách cho phù hợp hơn.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc