EVN trách ông trời, người dân khoan dung giá điện

( PHUNUTODAY ) - Ai cũng biết thiên tai có chừa một ai đâu? Chỉ có người dân nghèo là hay than thở trách ông trời. Lầm to, EVN cũng trách ông trời đấy nhé.

(Đời sống) - Ai chẳng biết thiên tai chẳng chừa một ai đâu, mưa và nắng cho người giầu và kẻ nghèo hèn là như nhau. Ấy vậy mà những khi đói kém mất mùa, người dân lại kêu trời cứ như mọi lỗi lầm là do ông Trời gieo họa.  Mà không chỉ người dân ít học mới kêu trời đâu nhé, EVN cũng trách ông trời đấy


Cơn bão số 6 đi qua nhưng biết bao dư âm của nó vẫn khiến người dân Hà Nội cũng như một vài địa phương trong cả nước phải ám ảnh với hình ảnh đường phố bỗng biến thành sông...như trong ca từ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vậy. Người dân chưa kịp hỏi ông cấp thoát nước làm ăn thế nào mà để mới vài trận mưa cả Hà Nội đã mênh mông như hồ Tây thì ông nhà đèn đã nhanh nhẩu cất lời than thở. 

Người dân than vãn kể khổ về những bất tiện mà thiên tai gây ra đã đành, đằng này, Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN cũng tranh thủ lúc mưa to gió lớn kêu toáng lên rằng họ bị thiệt hại nặng nề vì mưa bão. Trong ngày hôm 12/6, báo ANTĐ dẫn nguồn tin từ EVN cho biết doanh nghiệp này kêu mất 47 tỷ đồng vì một trận bão số 6.  Trong đó,  tổng số đường dây trung áp bị sự cố: 366 lộ (trong đó 155 lộ bị sự cố thoáng qua). Hiện còn 2 nhánh rẽ 35kV chưa đóng điện thuộc khu vực Lạng Sơn; Tổng số TBA phân phối bị mất điện: 9.591 TBA. Đến 9h30 ngày 12/8, còn 44 trạm phân phối chưa đóng được điện thuộc Công ty Điện lực Lạng Sơn (huyện Đình Lập 11 trạm;  huyện Văn Lãng 33 trạm).

Bão gió làm đổ cột điện, EVN cũng than
Bão gió làm đổ cột điện, EVN cũng than


Bão số 6 cũng làm một số công ty điện lực bị ảnh hưởng như: Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình hư hỏng 30m2 mái tôn và biển tên Điện lực Yên Mô; Công ty Điện lực Thanh Hóa thì: đổ 25m tường bao trụ sở làm việc Điện lực Hậu Lộc, hỏng 164m2 mái tôn của Điện lực Nga Sơn, đổ tường bao và nhà phân phối 08 Trạm biến áp phân phối....Vắt tay lên trán nghĩ mà thương cái ông EVN quá, nhưng chợt nhớ đến cơn bão Sơn Tinh tháng 10/2012 tàn phá các tỉnh Đông Bắc Bộ, quật đổ cả tháp truyền hình 50 tỷ ở Nam Định nhưng có thấy ai than đâu? Khi đó, người ta khéo léo che những cái không nên than ấy không biết vì lẽ gì? Đáng lý ra không chỉ ngành điện mà cả ngành tivi lúc đó cũng nên kêu toáng lên là thiệt hại quá lớn do bão chứ nhỉ?  Lạ quá hè....

Vào đầu năm 2013, người dân cả nước mừng cùng với EVN khi doanh nghiệp này khoe lãi 6.000 tỷ đồng trong năm 2012. Số tiền này quả thực là một con số đáng tự hào của một doanh nghiệp vốn luôn than vãn lỗ nặng. Tuy nhiên, người dân chưa kịp chúc mừng EVN thì nhà đèn đã vội than khó khăn.

Trả lời trên báo chí vào tháng 1/2013, ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch EVN đã xác nhận mức lợi nhuận năm 2012 của tập đoàn này là gần 6.000 tỉ đồng. Dù đã có lợi nhuận nhưng các lãnh đạo EVN đều cho rằng năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn.

EVN cảnh báo tình hình khô hạn ở miền Trung và khả năng thiếu khí có thể khiến EVN phải huy động 1,8-2,4 tỉ kWh điện chạy dầu để đảm bảo điện cho miền Nam. Chính điều này EVN có khả năng tiếp tục lộ trình tăng giá điện của mình vào năm 2013.

Ngay sau đó, dù dự đoán mùa mưa năm nay nước cũng tràn trề chẳng kém năm ngoái, nhưng dĩ nhiên là nhà đèn vẫn cứ than.

Trở lại lịch sử than thở, có lẽ, chưa mùa nào mà EVN không than vãn điều kiện này, điều kiện khác. Than vãn nhiều quá nên đã có Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15/04/2011 . Quyết định 24 của Chính phủ (có hiệu lực từ 1/6/2011) cho phép ngành điện dù vẫn phải báo cáo với Bộ Công Thương nhưng gần như có quyền chủ động trong việc điều chỉnh giá dưới ngưỡng 5%. Kể từ đó, giá điện đã đều đặn tăng 4 lần, cùng với biên độ 5% (vào các ngày 20/12/2011, 1/7/2012, 22/12/2012 và 1/8/2013). 

Từ khi có quyết định 24, tần suất than của EVN càng nhiều hơn. Bởi kêu than nhiều thì mới nhận được thông cảm của người dân, tăng giá đỡ bị trách. Âu cũng là một cách tồn tại giữa thời khốn khó mà dân ta thì luôn đủ lòng bao dung.

Trúc Linh
 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn