1. Những tình huống xảy ra khi F0 lọt lưới
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng HCM, Việt Nam đang ở giai đoạn 3 của dịch bệnh là khi xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng. Ở giai đoạn 1, bệnh dịch bùng phát tại Trung Quốc và Việt Nam đã chủ động để kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, cả 16 người mắc bệnh ở trong giai đoạn 1 đã được điều trị khỏi.
Ở giai đoạn 2, ca bệnh thâm nhập từ nước ngoài về. Giai đoạn này Việt Nam cũng đã kiểm soát và ngăn chăn được dịch bệnh. Chưa xuất hiện ca bệnh lây lan trong cộng đồng mất dấu F0.
Giai đoạn 3, bệnh dịch đã xuất hiện trong cộng đồng và việc mất dấu F0 chắc chắn sẽ xảy ra do các biện pháp cách ly chưa hết những đối tượng có nguy cơ.
"Ở giai đoạn 1 và 2 việc tìm F0 rất quan trọng đối với việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh. Sang giai đoạn 3 khi ca bệnh ngoài cộng đồng, việc tìm trường hợp đó là F0,F1,F2,F3 quan trọng nhưng không còn có ý nghĩa quyết định nhiều", bác sĩ Khanh nói.
Trong trường hợp F0 lọt lưới, sẽ có hai tình huống có thể xảy ra:
- Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng và tới bệnh viện khám. Bác sĩ sẽ điều tra dịch tễ nếu nguy cơ sẽ được cách ly và xét nghiệm. Trường hợp này bệnh nhân sẽ lây cho người khác khi trước khi phát bệnh. Số lượng lây bệnh sẽ tùy theo mức độ tiếp xúc.
- Trường hợp thứ 2, người mắc bệnh triệu chứng rất nhẹ và có thể tự hết bệnh không cần điều trị. Trường hợp F0 này có thể lây cho một vài người qua tiếp xúc gần. Hiện nay, chưa ghi nhận ca đi ngang qua nhau mắc bệnh do Việt Nam có môi trường thông thoáng, làm tốt các biện pháp ngăn chặn, cách ly xã hội.
Bác sĩ Khanh cho hay: "Như vậy cả 2 trường hợp F0 lọt lưới trên đều có đặc điểm chung là lây bệnh cho người khác qua tiếp xúc gần".
2. Nguyên tắc phòng tránh dịch bệnh
Vệ sinh cá nhân đúng cách
Nên súc miệng bằng các dung dịch chuyên dụng hoặc pha nước muối ít nhất 3 lần/ngày: sau khi ngủ dậy, trước khi đi ngủ, sau khi đi làm về hoặc sau khi đến những chỗ đông người.
Hạn chế sờ tay lên mặt và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn chứa 75% nồng độ cồn. Khi rửa tay phải kỳ cọ ít nhất 20 giây dưới vòi nước để loại bỏ sạch vi khuẩn bám trên tay.
Đeo khẩu trang đúng cách
Theo các chuyên gia y tế, khẩu trang y tế thông thường đủ khả năng phòng ngừa virus corona, chỉ cần đảm bảo các nguyên tắc: thứ nhất là khẩu trang đạt chuẩn, thứ hai là đeo khẩu trang đúng cách.
Đeo khẩu trang đúng cách phải để mặt xanh có tính chống nước ra ngoài tránh các giọt bắn. Mặt màu trắng hút ẩm tốt nên quay vào trong để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang. Kéo khẩu trang che kín cả mũi lẫn miệng.
Tăng cường hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch yếu sẽ tạo cơ hội cho virus bệnh dịch tấn công vào cơ thể làm thổi bùng lên những căn bệnh. Muốn phòng tránh dịch bệnh, mọi người cần chú ý giữ ấm cơ thể, nghỉ ngơi điều độ, sinh hoạt hợp lý, duy trì luyện tập thể dục, thể thao mỗi ngày để tăng cường sức khỏe.
Hệ miễn dịch có thể được nâng cao bằng cách ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng.
Tỏi, gừng, sả là những loại thực phẩm nên duy trì dùng mỗi ngày sẽ tăng cường hệ miễn dịch cho phổi.Ăn nhiều các loại trái cây giàu vitamin C như cam, nho, cà rốt, kiwi,… để tăng cường đề kháng cho cơ thể, lọc sạch phổi sau một thời gian sử dụng.Ăn cân đối giữa các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.Uống nhiều nước.
Hạn chế tiếp xúc
Nên hạn chế đi đến các nơi tập trung đông người. Không được đi du lịch đến vùng có dịch bệnh. Trong trường hợp bắt buộc phải đến những nơi đông người hãy tự bảo vệ bản thân bằng cách mặc quần áo kín, đeo khẩu trang, rửa tay với dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng, hạn chế tiếp xúc và nói chuyện với người khác, nên giữ khoảng cách ít cách ít nhất 0,5-1m với người khác.
Khi đến các nơi công cộng hoặc nhà vệ sinh, nên sử dụng khuỷu tay hoặc một tờ giấy ăn, giấy vệ sinh sạch để cầm vào tay nắm để mở cửa. Sau đó, phải vứt bỏ tờ giấy vào thùng rác có nắp đậy. Nếu tiếp xúc tay trực tiếp với tay nắm cửa, cần rửa tay bằng xà phòng hoặc sử dụng nước sát khuẩn tay.