Ngày 6/4, Cty Điện lực Tokyo (Tepco), đơn vị quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản, chuyển hàng tấn nước nhiễm xạ ở mức cao từ một bể chứa trong lòng đất sang chỗ khác, vì nước nhiễm xạ có khả năng đã rò rỉ.
[links()]
Kiểm tra phóng xạ tại Fukushima sau thảm họa hạt nhân năm 2011 |
Tối 5/4, Tepco thông báo, có tới 120 tấn nước nhiễm xạ có khả năng đã ngấm vào lòng đất, vì một trong bảy bể chứa bị rò rỉ.
Sử dụng đồng thời năm máy bơm, Tepco hy vọng rằng, đầu tuần tới sẽ chuyển hết 13.000 tấn nước nhiễm xạ trong bể chứa rò rỉ sang bể chứa gần đó.
Vài ngày sau trận động đất, sóng thần tháng 3/2011, nhà máy Fukushima xảy ra vài vụ nổ, chất phóng xạ phát tán vào không khí, nước biển và đất, gây ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ năm 1986.
Trong khi Nhật Bản đang đau đầu với vấn đề phóng xạ hạt nhân thì Việt Nam đang tích cực tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân trong chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với kinh phế trong 8 năm lên đến 200 tỷ đồng.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 370/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020.
Tổng kinh phí dự kiến từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Đề án là 200 tỷ đồng, bố trí theo hai giai đoạn: Giai đoạn 2013-2015 khoảng 50 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 khoảng 150 tỷ đồng.
Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì đề án. Theo Đề án này, các nội dung thông tin tập trung vào chủ trương của Đảng, chiến lược, cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển điện hạt nhân; định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân đến năm 2030 ở Việt Nam; Đặc điểm, tính chất và lợi ích kinh tế-xã hội của điện hạt nhân; lịch sử, thành tựu, kinh nghiệm, tình hình và xu hướng phát triển của điện hạt nhân trên thế giới; Sự cần thiết phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam; Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các cơ chế, chính sách di dân, tái định cơ, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút lao động... phục vụ dự án.
Các nội dung về đảm bảo an toàn, an ninh trong phát triển điện hạt nhân bao gồm: an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, ứng phó sự cố hạt nhân; Chu trình nhiên liệu hạt nhân, xử lý và quản lý chất thải phóng xạ; Hệ thống quản lý nhà nước và các văn bản pháp luật về đảm bảo an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và phát triển điện hạt nhân.
- (Theo TPO, Phunutoday)