Sát thủ trong đêm vắng
Vụ án xảy ra đêm mười một Tết Tân Mão nhưng đến nay người dân huyện biên giới Tân Hưng (tỉnh Long An, giáp với tỉnh Svay Rieng, Campuchia) vẫn còn bàn tán xôn xao. Câu chuyện xảy ra có những tình tiết như trong phim xã hội đen khiến người dân vẫn còn rùng mình mỗi khi kể lại.
Câu chuyện xảy ra vào lúc rạng sáng 13.2.2011 (mười một tháng Giêng năm Tân Mão). Trong không khí se lạnh đầu xuân, người dân ấp Đường Xe (xã Vĩnh Thạnh) đang ngủ ngon giấc thì nghe những âm thanh náo động từ nhà ông Đặng Văn Thơi.
Mọi người chạy đến nơi thì thấy cảnh tượng kinh hoàng: anh con trai của ông Thơi đang phải cùng lúc băng bó cho 3 người trong nhà bị thương bởi các vết chém. Trên nền nhà máu tươi loang lỗ khắp nơi.
Bà Nguyễn Thị Gẫm đang điều trị tại bệnh viện |
Nhận được tin báo từ cơ sở, cán bộ chiến sĩ công an huyện Tân Hưng vừa xong buổi tuần tra đêm phòng chống tội phạm đang tạm ngã lưng trên các ghế bố tại trụ sở lập tức lên đường. Nhận định đây là vụ án hết sức nghiêm trọng, thủ đoạn của đối tượng táo bạo và liều lĩnh, lực lượng ứng trực của công an huyện được lệnh tập trung phá án ngay trong đêm.
Trung tá Phạm Văn Sơn – Phó trưởng Công an huyện Tân Hưng là người trực chỉ huy đêm đó đã điều động lực lượng xuống ngay hiện trường. Lúc này, Thượng tá Phạm Văn Mành – Trưởng công an huyện đang nghỉ phép về quê nhà cách nơi xảy ra vụ án 110km cũng được báo cáo để xin ý kiến chí đạo.
Thay vì giao việc qua điện thoại, thượng tá Mành đã ngay lập tức lấy xe tự lái đến ngày hiện trường chỉ đạo phá án. Thượng tá Mành nhận định, hiện trường vụ án cách trụ sở công an huyện khoảng 10km, xung quanh là đồng trống khá nhiều đối tượng sẽ dễ lẫn trốn đã chỉ đạo lực lượng công an các xã xung quanh khu vực có án phong tỏa toàn bộ khu vực để khép chặt lối thoát của hung thủ.
Đại úy Nguyễn Văn Dụ - Phó đội trưởng đội Cảnh sát hình sự là người dày dạn kinh nghiệm đấu tranh chống tội phạm được giao nhiệm vụ dẫn đầu tổ công tác.
Tại hiện trường để lại một nón bảo hiểm màu xanh, một túi xách màu đen, một đoạn tràm dài 2m có 2 càng sắt nối vào bình ắc quy bằng dây dẫn điện, một con dao to bản sắc lẹm dài 27cm có cán dài dùng để phát quang bụi rậm.
Kinh dị hơn, một phần vành tay của đối tượng bị cắn đứt còn nằm tại hiện trường. Các nạn nhân được xác định là ông Đặng Văn Thơi 61 tuổi bị chém vào cổ phía bên trái gây thương tích nặng, bà Nguyễn Thị Gẫm 60 tuổi vợ ông Thơi bị thương nặng với vết chém bên thái dương trái, chị Lê Thị Hiền bị chém vào trán bên trái, còn anh Đặng Rô Be (30 tuổi) bị thương ở tay. Các nạn nhận ngay lập tức được sơ cấp cứu và chuyển đi bệnh viện đa khoa Tân Hưng.
Từ lời khai ban đầu của gia đình nạn nhân, lực lượng công an xác định đối tượng gây án đang bị thương nặng và đã trốn thoát ra ngoài. Ông Thơi khẳng định, kẻ gây án là Tô Văn Xem, 29 tuổi, trước đây từng làm công cho gia đình ông Thơi.
Công tác truy tìm được triển khai nhanh vì tổ công tác nhận định đối tượng khó có khả năng đi xa do đã bị thương nặng. Công an ấp, dân phòng, công an xã và công an huyện giáp ranh là Vĩnh Hưng cũng được đề nghị hỗ trợ truy bắt đối tượng.
Bà Nguyễn Thị Gẫm đang điều trị tại bệnh viện |
Thế nhưng, như có phép tàng hình, các trinh sát lần theo vết máu được khoảng hơn 100m thì vết máu biến mất. Toàn bộ khu vực được quần đảo, các gốc cây, bụi rậm, ngọn cây đều bị sục xạo nhưng hoàn toàn không có dấu vết của đối tượng.
Khoảng hơn 2 giờ sau, thượng tá Mành đã có mặt tại hiện trường sau khi vượt quãng đường 110km giữa đêm khuya để trực tiếp chỉ đạo phá án. Xem xét kỹ hiện trường, thượng tá Mành khẳng định đối tượng đã dùng chiêu xóa vết máu bằng cách lội xuống kênh. Bằng kinh nghiệm chống tội phạm của mình, thượng tá Mành chỉ đạo lực lượng bám dọc theo bờ kênh để phát hiện điểm mà đối tượng sẽ phải leo lên. Lúc này, ca nô đặc chủng của công an huyện cũng được lệnh tiến về hiện trường để hỗ trợ truy bắt.
“Chúng tôi phải bắt cho được trước khi mặt trời mọc, vì khi chưa có ánh nắng vết máu vẫn còn đỏ, sẽ dễ nhận thấy. Nếu chậm trễ, nhiệt độ tăng cao vết máu sẽ khô lại, công tác tìm kiếm sẽ rất khó khăn”, thượng tá Mành nhớ lại.
Dưới ánh trăng non của đêm mười một tháng Giêng, những ánh đèn pin của lực lượng lượng truy bắt loang loáng trong đêm. Cuối cùng, một chiến sĩ phát hiện có vài vệt máu dính trên lá cây ngay sát bờ kênh, nhưng lần theo vết máu này được vài mét thì vết máu lại mất.
Tổ công tác nhận định có khả năng đối tượng thấy lực lượng truy bắt đã khép chặt vòng vây nên y không dám đi đường chính mà chủ động băng tắt những vạt tràm. Không còn vết máu, lực lượng tìm kiếm bắt đầu bám theo vết các lá cỏ bị giẫm đạp. Kiên trì lục soát đến gần sáng thì các anh phát hiện đối tượng đang nằm bất tỉnh trên một bờ tràm cách nhà nạn nhân gần 1km.
Trên người đối tượng bị một vết chém rất sâu ở cổ, bàn tay phải gần đứt lìa, trên đầu cũng có vết chém. Ngay lập tức, lực lượng truy tìm sơ cấp cứu và cầm máu cho đối tượng rồi mượn một chiếc võng, treo lên thanh tre để đặt đối tượng lên võng khiêng ra ca nô.
“Lúc này mạch của Xem đã rất yếu do mất nhiều máu, nếu chúng tôi không khẩn trương Xem sẽ chết” – thượng tá Mành nói. Do tên Xem khá to con (nặng gần 70kg) lại phải di chuyển trên ruộng sình nên các cán bộ chiến sĩ phải hết sức vất vả để đưa Xem ra ca nô.
Tới thị trấn Tân Hưng, do xe cấp cứu vẫn chưa ra tiếp nhận bệnh nhân nên các lực lượng công an huyện Tân Hưng lại tiếp tục cõng Xem chạy bộ thêm gần 1km đến bệnh viện. Theo các anh công an, dù Xem là tội phạm nhưng các anh không thể thấy y sắp chết mà không cứu.
Cõng Xem tới bệnh viện, nhìn vết thương đứt tới xương cổ, các bác sĩ bệnh viện Tân Hưng quyết định truyền máu và khâu ngay tại sàn ở sảnh bệnh viện để nhanh chóng chuyển lên tuyến trên chứ không để lại bệnh viện huyện vì sợ cứu không kịp.
Một bác sĩ tham gia cứu chữa Xem cho biết, thể lực của Xem thuộc dạng đặc biệt mới có thể chống chọi với tử thần. Thông thường, với những vết thương chí mạng như của Xem (vết ở cổ tới xương, tay phải gần lìa, nhiều vết trên đầu) người bình thường đã gục tại chỗ chứ không thể nào nào chạy gần cả cây số và có thể chịu mất máu trong suốt máy tiếng đồng hồ mà không chết.
Cuộc hỗn chiến một mất một còn
Tô Văn Xem (tự Thắng, SN 1982, ngụ ấp Tân Phong, xã Thành Thắng A, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) do gia đình khó khăn nên bỏ học sớm. Thay vì cùng cha mẹ làm ăn, Xem lại lao vào con đường tệ nạn và dần trở thành tên tội phạm nguy hiểm.
Năm 2005, Xem phạm tội cướp giật tài sản, bị Tòa án nhân dân huyện Mỏ Cày, Bến Tre phạt ba năm sáu tháng tù. Mãn hạn tù tháng 1.2009, y tìm đến huyện biên giới Tân Hưng, Long An để làm thuê mong chuộc lại lỗi lầm.
Thấy người thanh niên nhanh nhẹn, tháo vát, ông Thơi đồng ý nhận vào làm và cho ở lại qua đêm. Những đêm ngủ ở đây, vô tình y nghe ông Thơi nói với vợ con đang sở hữu một sừng tê giác chính hiệu trị giá hàng trăm triệu. Tài sản này ông cất kỹ trong thùng đồ cá nhân, không cho ai đụng đến.
Trung tuần tháng 6.2010, Xem nghỉ làm cho ông Thơi, về Bến Tre sinh sống. Những ngày ngồi quán cà phê, y nghe nhiều người bàn tán về sừng tê giác có chức năng trị bệnh hiểm nghèo, giá rất cao. Từ đây, Xem nuôi mộng một ngày có được chiếc sừng ấy để đổi đời. Chiếc sừng tê giác trong câu chuyện ông Thơi kể với vợ con hôm nào lại hiện rõ mồn một trong đầu Xem.
Ý đồ chiếm đoạt sừng tê giác của kẻ làm thuê bắt đầu nảy sinh. Xem lên kế hoạch đột nhập nhà chủ cũ, nếu bị phát hiện sẽ xử luôn gia chủ với mục đích chiếm bằng được tài sản.
Trưa 13.2.2011, Xem đi xe khách về huyện Tân Hưng. Chiều cùng ngày tới trung tâm thị trấn, Xem vào chợ mua một bình ắc quy, một máy xiệc điện rồi tìm tới ấp Đường Xe, xã Vĩnh Thạnh. Đêm khuya vắng người, y ghé chòi giữ lúa của dân lấy thêm một khúc cây đấu nối với bình ắc quy và máy xiệc để làm bộ phận kích điện rồi nằm ngủ.
Khoảng 23h50 phút, Xem lội bộ đến nhà ông Thơi cách đó khoảng 500m, mò vào nhà kho lấy dao chặt cây làm hung khí rồi theo cửa sau tiếp cận chiếc giường ông Thơi cùng vợ đang nằm ngủ. Nghe chó sủa liên hồi, ông Thơi thức giấc liền bị Xem chích điện khắp người. Dù bị điện giật nhưng nạn nhân đã dùng tay gạt mạnh làm cây chích điện rơi xuống đất.
Thấy bị lộ, Xem cầm dao chém vào người ông Thơi. Nghe tiếng la của chồng, bà Nguyễn Thị Gẩm thức giấc chui ra khỏi mùng cũng bị Xem chém liên tiếp nhiều nhát vào đầu ngã xuống đất. Con dâu ông Thơi từ trong buồng ngủ chạy ra cũng bị Xem chém.
Khi cả 3 nạn nhân nằm gục dưới đất, anh Rô Be con ông Thơi chạy ra ứng cứu liền bị Xem vung dao hạ thủ. Nhờ có luyện võ từ thuở nhỏ nên anh Be đưa hai tay lên đỡ và chụp được hai tay cầm dao của Xem để quật ngược trở lại. Con dao trên tay Xem chém nhiều nhát trúng ngay đỉnh đầu y nhưng Xem quyết không buông dao mà điên cuồng tấn công. Chính hành động này khiến y phải trả giá khi con dao lại một lần nữa bập ngay vào cổ Xem.
Khi anh Ro Be đoạt được dao thì Xem cắn một cú thật mạnh vào tay anh khiến con dao rơi xuống. Xem lại chụp được dao và chém loạn xạ nhưng lần này tự y lại chém gần đứt lìa tay mình. Trong cơn say máu, Xem điên cuồng chống cự nhưng y bị anh Rô Be bám chặt. Khi Y chuẩn bị chém được anh Be thì y bị anh cắn thật mạnh vào tay. Quá đau, Xem phải bỏ dao và chạy trốn ra ngoài.
Động cơ giết cả nhà chủ của Tô Văn Xem đang được cơ quan điều tra làm rõ. Tuy nhiên, từ khi vụ án xảy ra người dân vùng biên giới đồn thổi rất nhiều về chuyện có hay không chuyện một nông dân sỡ hữu chiếc sừng tê trị giá bạc tỷ. Lẽ dĩ nhiên, nếu như ông Thơi thật sự có sở hữu sừng tê, có lẽ ông sẽ không dại gì lại đi “khoe” để phải chuốc họa vào thân. Còn suy luận theo logic, từ xưa đến nay gia đình ông Thơi dù thuộc diện khá giả nhưng ông vẫn sinh hoạt theo kiểu thời khẩn hoang khi nhà cửa ban đêm ngủ không cần đóng cửa.
Ở vùng đất này lâu nay không có trộm cướp nên ông Thơi khi ngủ vẫn mở toang cửa chính, cửa sổ để hứng cái mát của gió trời. Hơn nữa, theo nghị định 48 của Chính phủ, những hành vi xâm hại đến thực vật rừng hoặc động vật hoang dã thuộc nhóm IA, IB quy định trong danh mục thực vật rừng, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm không thuộc phạm vi xử phạt vi phạm hành chính mà chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, công ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã mà VN đã tham gia ký kết nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển trái phép sừng tê giác. Do đó, nếu công dân nào sở hữu sừng tê cũng không được phép trao đổi, mua bán. Sừng tê lưu thông trên thị trường hiện nay hầu hết là sừng giả, với giá cả… trên trời. Đối với sừng thật, người ta rao bán khoảng 1 triệu đồng/ gam. Như vậy, đối với những sừng tê giác trưởng thành (khoảng 3 – 5 kg, thậm chí có sừng nặng lên đến 10kg), trị giá một sừng phải lên đến nhiều tỷ đồng. Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực Đông y, sừng tê giác có nguồn gốc Châu Phi sẽ rẻ bằng 10-20% sừng tê Châu Á.
Từ lâu, tê giác ở nước ta rất ít khi được phát hiện. Ở rừng nguyên sinh Cát Tiên đúng là có tê giác nhưng số lượng rất ít và được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong những câu chuyện mang màu sắc huyền bí của dân đi rừng, sừng tê có nét gì đó bí ẩn hơn các loài thú khác – phần vì mức độ quý hiếm, phần vì khả năng chữa bệnh của sừng tê mà lâu nay người ta vẫn đồn thổi. Người Stiêng ở Bù Đăng (Bình Phước) coi tê giác là con vật thiêng, ai giết được nó là lấy sức mạnh về mình, ngay cả ma quỷ cũng kiêng sợ.
Từ thời Bắc thuộc, dân ta phải lên rừng tìm sừng tê, ngà voi, xuống biển mò ngọc trai... để làm vật phẩm tiến cống cho các vương triều phương Bắc. Các tay súng thiện xạ người Pháp khi đặt chân đến cai trị nước ta, cũng không bỏ lỡ cơ hội săn lùng loài thú quý hiếm này.
Năm 1904, một người Pháp đã bắn hạ một con tê giác tại bán đảo Cam Ranh, theo tài liệu để lại thì đó là con tê giác hai sừng (Dicerorhinus) cuối cùng ở Việt Nam. Các dãy rừng hoang sơ giáp ranh ba nước Đông Dương cũng bị những thợ săn lão luyện quần nát để tìm sừng tê giác.
Các ghi nhận cho biết tê giác từng xuất hiện ở vùng cao nguyên Sơn La kéo dài theo trục Trường Sơn đến tận vùng rừng núi giáp ranh Đông Nam Bộ như Phước Long, Đồng Nai. Thế nhưng, đó là chuyện của ngày xưa. Hiện nay người ta biết rằng những khu vực này tê giác coi như đã tuyệt chủng.
Dân săn thú chuyên nghiệp cho rằng măng tre, nứa, quả non, cành non là thức ăn thường nhật của tê giác. Thế nhưng, bổ sung vào khẩu phần ăn của loài thú này là một số loại dược liệu chỉ có tê giác mới tìm được. Chính vì vậy, toàn thân tê giác được coi là một kho “dược liệu”.
Ngay cả phân tê giác phơi khô ngâm rượu cũng là vị thuốc quý, trị được các bệnh tê thấp, đau nhức kinh niên. Chưa thấy có tài liệu nào đề cập, nhưng một số người vẫn cho rằng máu tê giác pha rượu uống trị bách bệnh. Các loại sạn, sỏi, kết tụ trong túi mật... nếu lấy được gọi là tê ngưu hoàng (tê giác còn có tên tê ngưu giác) có tác dụng cải tử hoàn sinh (!).
Da tê giác hút được nọc độc rắn cắn, giải độc vết thương chó dại cắn... một cách thần kỳ. Nếu bị rắn cắn, chỉ cần lấy miếng da tê giác áp vào vết thương, nó sẽ dính chặt vào như sức hút nam châm. Khi nào hết độc, miếng da sẽ tự nhả ra. Đem ngâm vào rượu hay cồn cho nhả độc, xong đem phơi khô, cất giữ để tiếp tục sử dụng.
Tuy nhiên sức mạnh và truyền thuyết về tê giác lại nằm ở... cái sừng. Tìm trong tài liệu đông y cổ chỉ nói sừng tê giác là vị thuốc có tác dụng “thanh huyết, giải độc và định kinh”, thường dùng trong các trường hợp sốt quá hóa điên cuồng, thổ huyết, đau đầu, ung độc... Thật ra, sức hấp dẫn của sừng tê giác nằm chính ở đặc tính kỳ lạ của nó. Người ta cho rằng trong các loài động vật, chỉ tê giác là có thời gian giao cấu kéo dài kỷ lục, từ 2 đến 4 giờ mỗi lần nhập cuộc.
Theo họ sức mạnh vô địch ấy tập trung trên chiếc sừng với những hoạt chất có tác dụng như thần dược, mà bằng phương pháp nghiên cứu thông thường không thể biết rõ đó là chất gì. Một ít bột mài từ sừng tê giác có thể giúp người nhược dương trở thành người đàn ông phi thường trong việc phòng sự, ngay cả Viagra cũng phải chào thua(?).
Theo tài liệu, tê giác là loài thú một sừng đặc hữu quý hiếm nhất thế giới, có tên khoa học Rhinoceros Sondaicus Annamiticus, cùng nhánh với tê giác Java. Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vừa công bố đàn tê giác Việt Nam chỉ còn khoảng 5 - 6 con, sống dọc theo ven sông Đồng Nai, nơi tiếp giáp ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước.
Tại vườn quốc gia Ujing Kulon của Indonesia còn một đàn tê giác Java khoảng 60 con. Đây là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, đã được đưa vào sách đỏ và được bảo vệ nghiêm ngặt. Trên thế giới còn khoảng 1.900 tê giác đen, 11.000 con tê giác trắng châu Phi, 700 tê giác Sumatra, 1.200 tê giác Ấn Độ sống tại Công viên quốc gia Kaziranga.
Tê giác còn được tìm thấy ở vùng rừng núi biên giới Thái Lan và Myanmar, nhưng chưa có số liệu công bố chính thức. Do mức độ quý hiếm của loại thú này nên ngành chức năng bảo vệ rất nghiêm ngặt. Với số lượng tê giác đếm trên đầu ngòn tay như tài liệu khoa học công bố, chuyện một nông dân ở biên giới sở hữu sừng tê là chuyện không tưởng.
Thế nhưng do đâu Tô Văn Xem lại có niềm tin mãnh liệt vào sự tồn tại của sừng tê? Những người dân ở xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày, Bến Tre) tỏ vẻ ngạc nhiên khi hay tin Tô Văn Xem phạm trọng tội. Khi còn là một thiếu niên, nhà nghèo Xem đã biết làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi thân.
Học vấn ít nhưng anh ta được mọi người quý trọng bởi sức khỏe hơn người và làm việc bằng 2, 3 sức người khác. Lớn lên một chút, Xem kết bè kết phái với những thành phần bất hảo tại địa phương, thường xuyên tụ tập nhậu nhẹt rồi gây sự đánh nhau.
Trong những lúc chén tạ chén thù, một người bạn trong nhóm đệ tử lưu linh khoe rằng anh ta từng có lần được uống một ly “tửu giác” (rượu mài bột sừng tê giác). Kết quả là đêm hôm đó anh ta về nhà “yêu” vợ đến 4 lần mà không biết mệt(!).
Anh này còn vẽ ra bí quyết muốn biết sừng thật hay giả, chỉ cần để nó trong bóng tối, dùng cây đèn pin nhỏ rọi sát đáy sừng. Khi thấy nó đỏ rực lên như bóng đèn, thì chắc chắn là hàng thật (?). Có người dùng da cá đuối phơi khô để thử sừng. Da cá đuối vốn kỵ sừng, sừng mài đến đâu tan ra bột đến đó.
Người bạn này còn khẳng định tê giác không sống ở đồng bằng nhưng dọc biên giới Campuchia vẫn còn nhiều như bò ăn cỏ. Có thể từ những câu chuyện phiếm của bạn nhậu, Tô Văn Xem đã nuôi trong mình giấc mộng sừng tê. Cho đến khi nghe loáng thoáng thông tin nhà chủ có sừng tê giác, Xem bắt đầu lên kế hoạch để chiếm đoạt.
Khi đến huyện Tân Hưng, Tô Văn Xem được bà con nông dân nơi đây quý mến vì Xem siêng năng làm việc. Theo lời kể của ông Đặng Văn Thơi, ông biết rõ Xem là đối tượng vừa được mãn hạn tù trở về hòa nhập với cộng đồng. Thói đời đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại nên ông Thơi đồng ý nhận Xem làm công nhật – chủ yếu là thu hoạch lúa vào mùa vụ để Xem có tiền sinh sống. Thấy Xem khỏe mạnh, nhiều lần ông Thơi còn hào phóng ứng tiền trước rồi sau đó Xem làm dần để trả nợ.
Biết Xem gặp khó khăn, ông Thơi còn dành căn nhà cất giữ ruộng cho Xem làm nơi tá túc. Có lẽ chính vì được nhà chủ tạo nhiều điều kiện thuận lợi nên chuyện nhà ông Thơi thế nào Xem là người hiểu rõ nhất.
Hàng ngày, Xem đi làm và ăn cơm tại ruộng ông Thơi. Những khi không làm việc cho ông Thơi, Xem vẫn được ông cho tá túc miễn phí tạo điều kiện cho Xem làm lại cuộc đời. Hầu như khi nào trong nhà có tiệc rượu, ông Thơi cũng đều mời Xem tham gia cho vui mà không thấy Xem có biểu hiện gì bất thường. Trong thời gian làm công cho khá nhiều chủ ruộng tại Tân Hưng, Xem có đem lòng yêu một cô gái gần nhà ông Thơi. Tuy nhiên, do Xem có một tiền án, lại không nhà không cửa nên phía gia đình cô gái chưa đồng ý cho hai bên qua lại mà kêu Xem phải cố gắng tạo dựng sự nghiệp.
Thế nhưng, thay vì chí thú làm ăn để có thể lấy được vợ thì Tô Văn Xem lại chon con đường ngắn hơn là giết người cướp của để cuối cùng phải gánh chịu hậu quả do tội lỗi mà y gây ra.
Để vén lớp sương mù huyền bí xung quanh chiếc sừng tê giác, một nhóm chuyên gia của Đại học Ohio kiểm tra đầu của một số tê giác chết vì nguyên nhân tự nhiên. Họ tiến hành chụp cắt lớp những chiếc sừng và nhận thấy ở bên trong chúng có những lớp khoáng chất đặc được tạo nên bởi canxi và melanin. Những lớp canxi khiến lõi của sừng trở nên cứng và khỏe hơn, trong khi lớp melanin giúp lõi không bị xốp bởi tác động của các tia cực tím từ mặt trời. Phần bên ngoài của sừng mềm hơn nên dễ bị yếu trong quá trình tiếp xúc với nắng. Do đó, sừng bị bào mòn thành các hình thù đặc biệt sau những lần đánh nhau và mài xuống đất. Sừng tê giác có cấu trúc tương tự như một bút chì – với lõi chì ở giữa và lớp gỗ yếu hơn bên ngoài. Cấu trúc này cho phép tê giác có sừng nhọn hoắt. Nghiên cứu cũng chấm dứt những đồn đoán về việc sừng tê giác là tập hợp của hàng nghìn sợi lông. “Sừng tê giác hoàn toàn độc lập với lông, giống như móng ngựa, mai rùa và mỏ chim”, tiến sĩ sinh học Tobin Hieronymus, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu. Tobin chưa tìm ra tác động của nhiệt độ, chế độ ăn uống và tình trạng căng thẳng đối với sự phát triển của các lớp melanin và canxi bên trong sừng tê giác. Nhưng ông cho rằng nếu những bí ẩn đó được tìm ra, giới khoa học sẽ tìm ra các biện pháp hợp lý để giảm tình trạng săn bắn tê giác, bởi đa số tê giác bị giết hại vì sừng của chúng. |
Phương Dung