Dù gạo VN đã đạt thành tích có giá rẻ nhất thế giới, nông dân trồng lúa hầu như không có lãi, thậm chí càng làm càng lỗ, nhưng khi hay tin Thái Lan bắt đầu xả gạo dự trữ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lập tức đánh tiếng tiếp tục giảm giá thêm.
Tờ Thanh niên ngày 15/7, dẫn lời ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết: “Doanh nghiệp sẽ chấp nhận giảm giá và tăng tốc xuất khẩu để kích giá trong nước tăng lên. Với giải pháp này, doanh nghiệp tiếp tục chịu lỗ nhưng sẽ tạo được sự luân chuyển lúa gạo trên thị trường, nhằm trước hết là không để giá giảm thêm nữa thay vì để nằm trong kho chờ giá lên. Thời điểm này chưa nên đặt vấn đề lời 30% hay không mà là làm sao bán được lúa gạo.
Vì vậy, để giữ được giá lúa gạo không giảm mạnh, việc mua tạm trữ phải thật sự rốt ráo nhằm kích hoạt thị trường, cộng với việc đẩy mạnh xuất khẩu sẽ giúp giá cả ở mức chấp nhận được”.
VFA thông báo sẽ tiếp tục giảm giá gạo xuất khẩu dù giá gạo VN hiện nay đang rẻ nhất thế giới, nông dân vẫn đang chịu nỗ. |
Đồng thời với đó, trước thực trạng nguồn cung quá lớn và dự báo Thái Lan chuẩn bị xả hàng, VFA vừa hạ mục tiêu xuất khẩu gạo năm nay từ 8 triệu tấn xuống còn 7,5 triệu tấn.
Khi đánh giá về giá lúa gạo hiện nay của VN, các chuyên gia đều có chung nhận định việc giao cho VFA thu mua tạm trữ gạo đang đẩy giá gạo VN xuống thấp, và không đúng đối tượng. Vì các doanh nghiệp thuộc VFA là các nhà làm thương mại, khi mua được giá rẻ thì sẵng sàng bán rẻ vẫn giữ được lợi nhuận, và ngược lại khi bán rẻ thì sẵn sàng về ép giá thu mua gạo trong nước, vì mục tiêu lợi nhuận của nhà kinh doanh.
Ngay như trong lời nói của Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cũng có rất nhiều điểm ngược nhau. Chẳng hạn bán rẻ để về mua đắt là điều không thể, doanh nghiệp chấp nhận lỗ cũng khó xảy ra vì lỗ thì chẳng ai làm; nói là tăng thu mua tạm trữ nhưng phải tăng xuất khẩu thay vì để nằm trong kho chờ giá lên; mục tiêu chương trình thu mua tạm trữ gạo là để nông dân có lãi 30% nhưng chính ông Phong cũng nói rất rõ rằng “chưa nên đặt vấn đề lời 30% hay không mà là làm sao bán được lúa gạo”.
Với cách bán gạo bằng mọi giá như vậy thì việc gạo VN bị ép giá, giá rẻ nhất thế giới đâu có gì là khó hiểu.
Theo hãng tin Reuters, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của VN giữa tuần qua được chào ở mức 410-415 USD/tấn, giá gạo 25% tấm ở mức 370-375 USD/tấn.
Trong khi cùng thời điểm giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 480 USD/tấn, còn giá gạo trắng tiêu chuẩn 100% B của Thái Lan ở mức 600 USD/tấn.
Giá lúa hàng hóa ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được thương lái thu mua với giá 4.300 - 4.400 đồng/kg; lúa tươi hạt dài giá 4.600 - 4.700 đồng/kg…
Giới thương nhân cho biết, hiện Thái Lan đang tìm cách “xả” kho lúa gạo tạm trữ khoảng 17 triệu tấn. Tuy nhiên không vì thế mà họ bán quá rẻ và bán bằng mọi giá, khi hơn hai tuần trước Chính phủ Thái Lan đã hủy một đợt chào thầu bán 250.535 tấn gạo từ kho tạm trữ, với lý do là các mức giá đặt thầu quá thấp.
Các quan chức cấp cao của Thái Lan cũng thừa nhận, họ vừa trở về sau chuyến thăm châu Phi nhằm nỗ lực bán gạo thông qua các thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ.
Tuy vậy, nhận định trên tờ Thanh niên, ông Nguyễn Đình Bích, Phó ban Nghiên cứu chiến lược phát triển thương mại (Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương), cho rằng, việc Thái Lan giữ nguyên hay giảm giá thu mua tạm trữ gạo đều không tác động nhiều tới tình hình xuất khẩu gạo của VN. Bởi hiện nay, giá gạo nước ta vẫn thấp hơn của Thái Lan rất nhiều.
“Lâu nay, giá gạo xuất khẩu của VN luôn ở mức thấp hơn nhiều so với giá xuất khẩu của các nước khác như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan... Nếu Thái Lan có giảm giá thì cũng khó có thể hạ giá xuống mức cạnh tranh được với gạo VN. Theo tôi, Ấn Độ và Pakistan mới đáng lo trước, vì giá gạo của họ tương đương Thái Lan”, ông Bích nói.
Theo thống kê của VFA, so với cùng kỳ năm 2012, nửa đầu năm nay, xuất khẩu gạo tăng 2,55% về số lượng nhưng lại giảm 2,04% về kim ngạch do giá giảm.
- P.V (Tổng hợp)