GĐ trạm thu phí có nhân viên bị đánh xin từ chức

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) – Giám đốc đơn vị thu phí qua cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã gửi đơn đến công ty quản lý, Bộ GTVT xin từ chức vì áp lực trong việc thu phí qua trạm quá lớn.

Đời sống) – Giám đốc đơn vị thu phí qua cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã gửi đơn đến công ty quản lý, Bộ GTVT xin từ chức vì áp lực trong việc thu phí qua trạm quá lớn.
[links()]
Tờ Tuổi trẻ TP. HCM đưa tin, ông Trịnh Quang Thông, Giám đốc chi nhánh Công ty An Sinh tại Quảng Ninh (đơn vị quản lý trạm thu phí cầu Bãi Cháy) cho biết, vừa gửi đơn đến công ty quản lý, Bộ GTVT xin từ chức vì áp lực trong việc thu phí các phương tiện qua trạm thu phí cầu Bãi Cháy để hoàn vốn cho công ty.

Theo ông Thông, Công ty cổ phần An Sinh mua quyền khai thác trạm thu phí cầu Bãi Cháy từ năm 2010 trong thời hạn 5 năm (kết thúc ngày 31/12/2014) với chi phí 332 tỉ đồng.

Trạm thu phí qua cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh).

Tuy nhiên, kể từ khi Bộ GTVT áp dụng thu phí quỹ bảo trì đường bộ (1/1/2013) thì nhiều chủ phương tiện đi qua trạm kiểm soát không chịu mua vé.

“Các chủ phương tiện cãi nhau, gây gổ với nhân viên xảy ra như cơm bữa. Đỉnh điểm là vừa rồi một nhân viên nữ bị bốn người đàn ông hành hung vì cố giải thích và yêu cầu chủ phương tiện mua vé”, ông Thông nói về vụ việc xảy ra hôm 28/4.

Theo ông Thông, có đến 70 - 80% các chủ phương tiện khi qua cầu Bãi Cháy thắc mắc tại sao khi có quyết định ngừng thu phí rồi mà trạm thu phí ở đây vẫn thu vé... Đơn vị vẫn chưa nhận quyết định chính thức nào bằng văn bản của Bộ GTVT yêu cầu dừng việc thu phí, nên trạm vẫn hoạt động. Chính vì thế đã gây nên sự bức xúc cho các chủ phương tiện khi qua đây mà vẫn phải nộp phí...

Ông Thông khẳng định việc chủ trương áp dụng thu phí quỹ bảo trì đường bộ của Nhà nước là đúng đắn, nhưng các cơ quan chức năng lại không giải quyết dứt điểm việc đàm phán với các công ty đã mua bản quyền khai thác trạm thu phí.

“Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Bộ GTVT đàm phán với doanh nghiệp về việc mua lại trạm thu phí nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Khi mua quyền khai thác chúng tôi vay toàn bộ ngân hàng, giờ vẫn còn nợ tiền gốc 180 tỷ đồng, tiền lãi 99 tỷ đồng”, ông Thông cho biết thêm.

Sau khi chính thức thu phí bảo trì đường bộ từ 1/1/2013, Chính phủ đã đồng ý dừng một số trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước, tuy nhiên, trừ một số trạm thu phí hoàn vốn cho dự án BOT, vẫn còn một số trạm nhà nước đã bán quyền thu phí nên vẫn hoạt động.

Với các trạm đã bán quyền thu phí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồn Trường cho hay, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Bộ GTVT chủ trì đàm phán với nhà đầu tư về phương án tài chính, nguồn vốn mua lại và thời điểm dừng thu để báo cáo Chính phủ xem xét quyết định.

Tuy nhiên, “hiện việc mua lại như thế nào, giá cả ra sao vẫn đang được các bên đàm phán. Do vậy, đến thời điểm này, các trạm vẫn hoạt động”, Thứ trưởng Trường giải thích.

Tới nay chưa biết việc đàm phán mua lại các trạm trên sẽ kéo dài tới bao giờ, cũng chỉ nghe nói là đang tiến hành. Hy vọng việc đàm phán sẽ không kéo tới hết năm 2014 mới xong - thời điểm hợp đồng bán quyền thu phí hết hiệu lực, các trạm này không cần mua lại vẫn phải dỡ bỏ. Trong khi chờ đợi Bộ GTVT đàm phán với doanh nghiệp, người dân sẽ vẫn phải mất tiền phí qua các trạm, đồng thời cả tiền cho quỹ bảo trì đường bộ. Dù lãnh đạo Bộ GTVT liên tục lên tiếng không có tình trạng “phí chồng phí” như nhiều người lo ngại.

  • P.V (Tổng hợp)
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn