Gia đình ngọt ngào của cô bé tài năng Thanh Trúc

08:30, Chủ nhật 16/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Dù không giành được giải cao nhất trong cuộc thi “Vietnamrsquo;s got talent 2011” nhưng cái tên Thanh Trúc đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng khán giả truyền hình bởi sự hồn nhiên, vô tư và giọng hát giàu nội lực của một cô bé 7 tuổi.

Khán giả xem truyền hình hẳn còn nhớ hình ảnh cô bé Thanh Trúc – “con cò trắng bé nhỏ” của chương trình Vietnam’s got talent, với hàm răng sún với giọng hát trong vắt và cao vút. 

Phần biểu diễn đầy nội lực của cô bé ấy được nhạc sĩ Huy Tuấn, một thành viên của ban giám khảo nhận xét rằng: nhiều ca sĩ chuyên nghiệp khi biểu diễn với dàn nhạc, bị dàn nhạc đè bẹp, nhưng khi cháu cất tiếng hát, chú không ngờ rằng với thân hình nhỏ bé như thế kia, cháu lại đè bẹp cả dàn nhạc”. 

Dù không giành được giải cao nhất trong cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Việt Nam năm 2011” nhưng cái tên Thanh Trúc đã để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng khán giả xem truyền hình, một phần bởi sự hồn nhiên, vô tư và giọng hát giàu nội lực hiếm có cỏ của một cô bé 7 tuổi, phần nữa là do Thanh Trúc không phải là cái tên quá xa lạ với khán giả khi trước đó, cô bé ấy đã từng giành ngôi vị quán quân của cuộc thi ca hát dành cho thiếu nhi Đồ rê mí.

Sự tiến bộ của con là điều ngạc nhiên vô cùng hạnh phúc với vợ chồng tôi

Tôi đến tìm gặp ba mẹ của Thanh Trúc trong ngôi nhà nhỏ của họ ở thành phố Quảng Ngãi, anh Nguyễn Hữu Hạnh – cha của Thanh Trúc không giấu nổi niềm vui và ánh mắt tự hào khi kể về cô con gái bé nhỏ. Theo lời anh Hạnh, gia đình phát hiện ra năng khiếu của Thanh Trúc khi bé bắt đầu biết nói.

Hồi nhỏ, Trúc biếng ăn nên cả nhà thường phải mở các đĩa ca nhạc thiếu nhi trong lúc con ăn cơm. Dù chưa biết đọc nhưng Trúc đã hát thuộc làu làu các bài hát trong đĩa không sai một nốt nhạc nào, thậm chí không hề thua kém các ca sĩ nhí trong đĩa ở những nốt cao.

 Dù không giành được giải cao nhất trong cuộc thi “Vietnam’s got talent 2011” nhưng cái tên Thanh Trúc đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng khán giả truyền hình
Dù không giành được giải cao nhất trong cuộc thi “Vietnam’s got talent 2011” nhưng cái tên Thanh Trúc đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng khán giả truyền hình.

Vốn yêu thích chương trình Đồ rê mí từ lâu, năm 2010, anh Hạnh đăng ký cho con tham dự cuộc thi này, để giúp con bớt nhút nhát. Anh kể lại:

“Bản thân tôi cũng không thể ngờ bé lại có thể lột xác nhanh như thế. Thời gian đầu cháu còn khóc không chịu hát trước mặt ban giám khảo. Lúc tập thẩm âm, các cô hướng dẫn mãi nhưng Trúc không làm được, sợ quá cũng khóc váng lên.

Nhưng càng vào sâu các vòng trong, cháu càng tự tin và tự nhiên hơn trên sân khấu. Giải thưởng cao nhất là điều cả gia đình tôi và cháu cũng không ngờ đến”.

Trong suốt một tháng ròng tham dự cuộc thi Đồ rê mí, anh Hạnh chính là người đưa Thanh Trúc ra Hà Nội đi thi. Cả gia đình vẫn không thể nào quên kỷ niệm buổi sáng sớm, hôm đưa Thanh Trúc lặn lội từ Quảng Ngãi ra thủ đô.

Vì phải bay từ sân bay Đà Nẵng lúc 10h sáng nên 3h cả gia đình đã phải đi xe đò từ Quãng Ngãi ra Đà Nẵng. Lúc ấy, cô bé Thanh Trúc còn đang ngủ ngon, nên hai vợ chồng anh Hạnh, chị Nghiệm một người bồng con, người kia lỉnh kỉnh đồ đạc để lên xe cho kịp chuyến.

Thời gian đầu ở Hà Nội, chỉ có anh Hạnh chăm sóc Trúc, còn chị Nghiệm phải ở nhà coi sóc nhà cửa, và trông Khánh – cậu em trai kém Trúc một tuổi. Anh Hạnh kể lại:

“Ở nhà 2 chị em thường hay choành chọe với nhau, nhưng khi ra đến Hà Nội, ngày nào Trúc cũng đòi gọi điện thoại về nhà nói chuyện với em. Đến khi tôi đón cả 2 mẹ con ra Hà Nội để gia đình đoàn tụ, thì chỉ được một ngày thì 2 chị em lại tranh giành nhau hệt như ở nhà”.

Thanh Trúc bên bố mẹ và em trai
Thanh Trúc bên bố mẹ.

Cả anh Nguyễn Hữu Hạnh và chị Võ Thị Nghiệm đều là công nhân, gia đình không có ai theo nghệ thuật nên năng khiếu của Trúc phát triển hoàn toàn tự nhiên. Anh Hạnh thật thà tâm sự, dù hát không hay nhưng anh chính là người dạy Trúc những câu hát đầu tiên theo cách truyền miệng vì khi ấy cháu chưa biết chữ, chưa được học qua thanh nhạc.

Ngay cả khi tham dự cuộc thi Đồ rê mí, anh Hạnh cũng là người giúp con học thuộc lòng lời bài hát. Anh Hạnh vui vẻ kể: “Cha hát một câu, con hát theo. Thế nhưng hễ tôi hát sai lời, trật nốt hay trật nhịp thì ngay lập tức Trúc “chỉnh” ngay: Chỗ này ba hát sai rồi”.

Sau cuộc thi Đồ rê mí, thành viên ban giám khảo động viên anh chị cho Thanh Trúc đi học ở Nhạc viện để có cơ hội phát triển tài năng, nhưng anh Nguyễn Hữu Hạnh không dám nghĩ tới chuyện đó, bởi hoàn cảnh gia đình anh không đủ điều kiện để cho con phát triển tối đa tài năng của mình.

Anh Hạnh bảo, chỉ cố gắng cho cháu sinh hoạt ở Nhà văn hóa để duy trì, không để năng khiếu bị mai một. Nếu có cơ hội thì cho con tham dự các cuộc thi ca hát để cho cháu trưởng thành hơn.

Năm 2011, Thanh Trúc tiếp tục tham dự cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Việt Nam”. Cô bé lọt vào đến vòng chung kết và để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả xem truyền hình bởi giọng ca trong vắt và cao vút của mình.

Ngay từ vòng sơ khảo, khán giả đã vô cùng thích thú khi cô bé răng sún mặc bộ quần áo dân tộc, tự tin biểu diễn ca khúc “Hơ – ren lên rẫy”. Càng vào sâu vào trong, cô bé ngày càng thể hiện bản lĩnh sân khấu của mình với những ca khúc “khó nhằn”, thậm chí là với những ca sĩ đã có kinh nghiệm như bài “Về ăn cơm”, “Con cò”...

Anh Hạnh nói rằng, việc Trúc lọt vào vòng chung kết đã là một niềm hạnh phúc với gia đình. Nhưng khi biết mình không được vào top 4, Trúc đã ôm ba và khóc nức lên sau sân khấu. Lúc ấy, anh chỉ biết ôm con vào lòng để động viên con.

Dạy con phải luôn yêu thương, quan tâm đến người khác

Sau cuộc thi Đồ rê mí, Thanh Trúc có thêm rất nhiều bạn mới và cả những người hâm mộ từ khắp mọi miền đất nước. Có một bạn sinh viên tên là Đức ở Thành phố Hồ Chí Minh rất yêu quý cô bé. Sinh nhật và ngày lễ nào, chàng sinh viên ấy cũng gọi điện chúc mừng và gửi quà cho Trúc.

Khi cả gia đình đưa Trúc vào Thành phố tham dự vòng chung kết cuộc thi Việt Nam’s got talent, gia đình Đức đã mời cả nhà Trúc đến thăm nhà. Bố mẹ Đức cũng rất yêu quý sự hồn nhiên của Thanh Trúc.

Nhờ việc tham dự những cuộc thi ca hát, 2 gia đình họ đã trở thành những người bạn thân thiết với nhau dù cách nhau rất xa về khoảng cách địa lý.

Anh Hạnh thừa nhận rằng, Trúc có suy nghĩ lớn hơn và bản lĩnh hơn bạn bè cùng trang lứa. Từ sau 2 cuộc thi, Trúc đã trưởng thành hơn lên rất nhiều. Việc có thêm những người hâm mộ, mặt tích cực thì có thể nhìn thấy, nhưng anh cũng lo lắng những ảnh hưởng không tốt tới Thanh Trúc, bởi cô bé chưa định hình về mặt tính cách.

Chính vì thế, lúc nào anh cũng luôn nói với con rằng, các cuộc thi con tham dự chỉ là những chương trình giải trí trên truyền hình, con bây giờ được nhiều người yêu quý, nhưng nếu con kiêu căng và không biết cách quan tâm, yêu thương những người khác thì sớm muộn mọi người cũng quay lưng lại với con.

Trong gia đình, dù 2 chị em rất hay tranh giành với nhau, nhưng nhiều lúc Trúc tỏ ra rất có trách nhiệm với em. Cô bé thường xuyên dạy dỗ, chỉ bảo cho em Khánh mỗi khi 2 chị em cùng nhau ca hát hoặc vui chơi.

Chị Võ Thị Nghiệm vui vẻ kể lại, dù đã trưởng thành hơn rất nhiều sau 2 cuộc thi, nhưng Trúc vẫn giữ được vẻ hồn nhiên vô tư của một cô bé 7 tuổi. Nếu như anh Nguyễn Hữu Hạnh là người gần gũi, dạy dỗ con trong những lần đi xa, thì chị Nghiệm lại là người chăm sóc các con nhiều hơn khi bé ở nhà.

Vì 2 bé sinh cách nhau có 1 năm nên lúc nhỏ, Trúc thường xuyên ghen với em Khánh, và luôn nói với mẹ rằng mẹ thương em nhiều hơn. Khi mẹ nói mẹ thương 2 chị em như nhau, Trúc không chịu.

Những lúc như thế, chị lại phải thủ thỉ vào tai Trúc, nói rằng thương Trúc nhiều hơn một chút nhưng không để cho Khánh nghe thấy vì sợ cậu nhóc lại ghen ngược với chị.

Dù vậy, anh chị luôn dạy các con phải biết thương yêu nhau và quan tâm đến những người khác. Khi đi ra ngoài, anh Hạnh luôn nói với Trúc rằng, con hãy nhìn nhiều người xung quanh để thấy rằng gia đình mình còn rất may mắn và hạnh phúc.

Nếu có cơ hội, anh luôn giúp đỡ những người khác và lấy đó làm tấm gương để cho con cái noi theo. Vì vậy, Trúc cũng là một cô bé sống rất tình cảm. Chị Nghiệm bảo, chỉ cần nhìn mặt ba mẹ, 2 chị em Trúc đã biết tâm trạng của ba mẹ thế nào chứ không cần phải nói ra.

Thế nên cô bé rất ngoan và rất hiểu biết, biết cách lắng nghe và quan sát cảm nhận của người khác để không làm ba mẹ phiền lòng.

Không có điều kiện để cho con phát triển tốt nhất tài năng của mình, nhưng dành tất cả tình yêu thương và tâm huyết cho con, gia đình chắc chắn sẽ là một điểm tựa vững chãi để “cánh cò” Thanh Trúc sải rộng cánh bay đến những chân trời mơ ước.

  • Dương Dương

[links()]

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc