Gia đình Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân

09:58, Thứ hai 30/01/2012

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nghĩ về tất cả những gì mình đã đi qua, Thiếu tướng Vân nghĩ rằng “mình đã sống để không thấy hổ thẹn với bản thân”.

(Phunutoday) - Đã được nhà nước cho nghỉ hưu được hơn 15 năm, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, ông vẫn chưa được nghỉ ngơi, an nhàn bên gia đình. Ông bảo rằng, mình còn sức thì còn phải hoạt động, bao giờ chân không đi được, đầu không minh mẫn thì mới ở nhà với gia đình. Với cương vị Chủ tịch Hội cựu chiến binh Thành phố Hà Nội, Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân luôn tự nhủ, đã là người lính thì kể cả thời chiến hay thời bình, vẫn phải luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
 
[links()]
 
Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân
Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân
Suy nghĩ đơn giản như vậy, nhưng trong suốt cả cuộc đời, đi từ chiến tranh cho đến hòa bình, nguyên tắc đó đã giúp Thiếu tướng Vân vượt qua biết bao khó khăn, chông gai trong công việc cũng như cuộc sống. Khi được thành phố phong tặng danh hiệu Công dân Thủ đô, lúc trao nhận, ông bảo rằng, mình có làm được gì nhiều cho Hà Nội đâu. Biết bao nhiêu con người vẫn ngày ngày âm thầm cống hiến cho xã hội, cho thành phố, họ cũng rất đáng được phong tặng danh hiệu này…
 
Đó là sự khiêm tốn trong bản chất người lính của ông. Bây giờ, khi đã bước qua tuổi xế chiều muộn, nghĩ về cuộc đời mình, nhìn nhận lại tất cả những gì đã qua, Thiếu tướng Vân khẳng định rằng, để bản thân ông có được như ngày hôm nay, người đầu tiên ông cần phải cảm ơn chính là người vợ của mình. Suốt trong vài chục năm dài đằng đẵng, bà luôn là hậu phương vững chắc đứng phía sau giúp ông vững vàng, yên tâm để chiến đấu và công tác…

Gia đình Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân

Nhiều người biết đến vị Thiếu tướng này gắn liền với những công việc với nhiều thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, không nhiều người biết rõ về gia đình ông, những người đã chịu biết bao thiệt thòi, tự ổn định cuộc sống để vị Thiếu tướng yên tâm công tác. Thiếu tướng Vân vốn là người quê gốc ở vùng Yên Định (Thanh Hóa). Sinh ra trong một gia đình có 4 anh em, cha lại là một bậc lão thành cách mạng, chính vì điều này mà Thiếu tướng Vân từ sớm đã được giác ngộ với những tư tưởng Cách mạng, kháng chiến.
 
Năm 1952, khi chưa tròn 18 tuổi, đi theo tiếng gọi của Đảng, của dân tộc, Thiếu tướng Vân gia nhập Đoàn thanh niên xung phong chống thực dân Pháp. Lòng nhiệt huyết dâng trào trong suy nghĩ của một người thanh niên lúc đó đã khiến ông bỏ qua rất nhiều dự định riêng tư của bản thân để đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Đến năm 1953, ông chính thức đứng trong hàng ngũ của những người bộ đội kháng chiến. Sau đó, ông cùng với đơn vị được điều động lên Tây Bắc để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
 
Thời điểm này, ông thuộc đội 36 hay còn gọi “đội bác Chiến” (một trong 8 đội được Bác Hồ đặt tên Trường-Kỳ-Kháng-Chiến-Nhất-Định-Thành-Công) trực thuộc Bộ Tổng tham mưu. Đến năm 1954, khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ông chuyển về đơn vị Không quân, rồi sang Cục không quân. Thời điểm đó, Thiếu tướng Vân là lứa cán bộ chiến sĩ đầu tiên đặt nền móng cho Quân chủng phòng không - không quân bây giờ.

Đi qua kháng chiến chống thực dân Pháp rồi tiến đến kháng chiến chống Mỹ, Thiếu tướng Vân cứ triền miên với những công việc, nhiệm vụ ở nhiều đơn vị khác nhau. Thời điểm này, ông thuộc biên chế ở đơn vị pháo binh mặt đất bảo vệ thủ đô Hà Nội. Từ ngày khoác trên mình trách nhiệm của một người lính cụ Hồ, chàng trai trẻ Trịnh Thanh Vân dường như đã quên hẳn những ưu tư cá nhân.
 
Lúc đó, điều quan trọng nhất là chiến đấu, điều mong mỏi hàng đầu là đất nước nhanh chóng hoàn toàn độc lập. Cứ nghĩ vậy mà ngày tháng trôi qua một cách rất nhanh chóng, cho đến khi những bạn bè cùng trang lứa lúc đó đều đã xây dựng gia đình thì Thiếu tướng Vẫn cũng chưa kịp có cho mình một mảnh tình để vắt vai.
 
Nghĩ lại thời điểm đó, Thiếu tướng Vân kể lại, lúc đó mình cũng chẳng suy nghĩ là lấy vợ gì hết, trong đầu lúc nào cũng chỉ có “nhiệm vụ, chiến đấu chống giặc ngoại xâm”. Tuy nhiên, trong sâu thẳm suy nghĩ của ông luôn dự định rằng, khi nào bình yên trở lại ông sẽ về quê tìm và cưới một người con gái mà ông đã quen biết từ thuở thiếu thời.

Thời điểm đó, giữa Thiếu tướng Vân và người con gái thôn quê ấy thực ra vẫn chưa hẳn là một tình yêu. Vốn là hàng xóm của nhau, cả hai gia đình lại có mối quan hệ rất thân thiết với nhau nên cha mẹ đôi bên luôn muốn đôi bạn sẽ một ngày nào đó sẽ nên vợ, nên chồng. Mối quan hệ giữa Thiếu tướng Vân và cô gái thôn quê xinh đẹp bắt đầu từ những ngày tháng loạn lạc thời kỳ đất nước còn kháng chiến chống Pháp.
 
Cùng trưởng thành trong hoàn cảnh khắc nghiệt của dân tộc, chẳng hứa hẹn cũng chẳng ngỏ lời yêu đương, nhưng cả hai người lúc đó đều nghĩ rằng, đến một thời điểm nào đó hợp lý, họ sẽ đến với nhau. Đến khi cả hai người cùng bước vào tuổi 26, gia đình đôi bên thống nhất với nhau rằng, đến kỳ nghỉ phép sắp tới của Thiếu tướng Vân sẽ tổ chức đám cưới cho hai người.
 
Đúng như những gì dự định, khi Thiếu tướng Vân trở về nhà trong kỳ nghỉ phép đầu năm 1958, đám cưới của hai người đã diễn ra. Chẳng phải một tình yêu lãng mạn, sắc màu nhưng suốt trong những năm tháng Thiếu tướng Vân đi kháng chiến, người con gái ấy vẫn âm thầm chờ đợi ông. Kể cả khi đã bước đến tuổi 26, dù có biết bao nhiêu chàng trai theo đuổi, dù phải nghe rất nhiều lời thúc ép đi lấy chồng của người thân nhưng bà vẫn kiên định ý chí sẽ chờ đợi ông về. Và rồi, sự chờ đợi đó đã có một kết thúc tuyệt vời bằng đám cưới tràn ngập hạnh phúc…

Lấy vợ xong, Thiếu tướng Vân lại tiếp tục đi chiến trường, ông đi B rồi tham gia hầu hết các chiến dịch lớn nhỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ở nhà, trách nhiệm gánh vác tất cả các công việc lớn nhỏ, từ việc nuôi nấng con nhỏ cho đến chăm sóc cha mẹ già, tất cả đều dồn lên đôi vai vợ ông. Ở chiến trường xa, những lúc nghĩ về gia đình, Thiếu tướng Vân biết rằng vợ, con, cha mẹ ở nhà vất vả nhiều lắm, nhưng lúc này, ông đang phải hoàn thành trách nhiệm với dân tộc nên không thể về được.
 
Cùng nhau bước qua thời kỳ chiến tranh khói lửa, khi hòa bình, Thiếu tướng Vân lại nhận nhiệm vụ về Quân khu thủ đô. Vậy là, dù đất nước đã không còn khói bom nhưng hai ông bà vẫn chưa được ở gần nhau. Người ở thủ đô, người ở Thanh Hóa, chỉ đến khi nghỉ phép, Thiếu tướng Vân mới tranh thủ về thăm vợ con chớp nhoáng rồi lại lên đường. Cho đến tận năm 1993, khi được đơn vị phân cho một mảnh đất nho nhỏ ở Hà Nội, dựng tạm một căn nhà nhỏ hẹp, ông mới đón được gia đình ra sống cùng.
 
Đến lúc được ở gần nhau thì cả hai người đều đã bước sang bên kia sườn dốc của cuộc đời. Lúc này, những người con của Tướng Vân đều đã trưởng thành và điều đáng mừng tất cả đều theo nghiệp quân ngũ. Đôi lúc khi nói về gia đình mình, Thiếu tướng Vân vui đùa rằng: “Cả nhà 3 đời gắn bó với quân đội. Cuộc sống, sinh hoạt đôi lúc đều theo quỹ đạo của quân lệnh.”

Đón gia đình ra Hà Nội sống cùng được hơn 4 năm thì Thiếu tướng Vân được nhà nước cho nghỉ hưu. Thời điểm đó, ông đang giữ chức vụ Phó Tư lệnh chính trị Quân khu Thủ đô, Bí thư Đảng ủy Quân khu Thủ đô. Nghĩ rằng, khi được nghỉ hưu ông sẽ có nhiều thời gian hơn để bù đắp cho gia đình, vợ con sau những năm tháng vất vả, nhưng nhiệm vụ với đơn vị, với quân ngũ vẫn còn. Chẳng có một ngày thực sự để nghỉ ngơi, chỉ ngay sau khi thôi nhiệm vụ ở Quân khu thủ đô, Thiếu tướng Vân đã ngay lập tức chuyển sang Hội cựu chiến binh công tác.
 
Nghiệp quân ngũ với ông chẳng bao giờ kết thúc, và bản thân ông cũng suy nghĩ rằng, còn sức khỏe thì còn phải chiến đấu dù ở bất kỳ cương vị nào. Nhận nhiệm vụ mới, tuy nhiên, một điều khác so với những năm tháng ngày xưa là Thiếu tướng Vân không còn phải xa gia đình đằng đẵng như trước. Sáng ông đi làm, chiều lại được về cùng với vợ con, vui đùa bên những đứa cháu. Với ông, cuộc sống như vậy là đã quá hoàn mỹ, quá tuyệt vời. Chẳng ước ao giàu sang, phú quý, với Thiếu tướng Vân cuộc sống như vậy đã là quá đủ để ông hài lòng.


Từ khi nhận nhiệm vụ công tác tại Hội cựu chiến binh Hà Nội, khi nói về ông những người xung quanh chỉ nói vẻn vẹn một câu: “Đó là một vị tướng chỉ đi bộ đến cơ quan”. Gia đình ở khu vực Xã Đàn, khi Hội cựu chiến binh Hà Nội còn đặt trụ sở trến phố Thể Giao, thay vì dùng những phương tiện hiện đại, ông lại chọn đi bộ đến cơ quan. 5 giờ sáng hàng ngày, ông thức giấc rồi từ từ đi bộ đến cơ quan. Đoạn đường dài 5km nhưng với ông, việc đi bộ là hợp lý nhất.
 
Với khả năng của ông, việc có cho mình một chiếc xe máy, thậm chí, ông luôn được chế độ “xe đưa, xe đón” của cơ quan, nhưng Thiếu tướng Vân đã từ chối tất cả. Ông bảo rằng, mình còn sức còn đi bộ được. Sáng ra đi bộ đến cơ quan vừa là tập thể dục, rèn luyện sức khỏe thì chẳng tội gì không làm. Cứ như vậy, suốt trong năm tháng công tác, ông chẳng bao giờ dùng đến xe để đi đến cơ quan làm việc. Sáng nào, mọi người cũng nhìn thấy ông chậm rãi bước đến nơi làm việc, chẳng ngại ngày nắng hay mưa, người ta luôn thấy ông xuất hiện sớm nhất ở Hội.
 
Bây giờ, khi trụ sở Hội đã chuyển đến khu vực Mễ Trì, cách nhà gần chục cây số, Thiếu tướng Vân lại lựa chọn việc đi xe buýt đến nơi làm việc. Nhiều người lấy làm kỳ lạ và đặt câu hỏi sau ông lại phải “tự làm khổ mình”? Nhưng ông lại nghĩ khác, đi xe buýt đến nơi làm việc vừa là văn minh đô thị, giúp xã hội giảm ách tắc, lại tiết kiệm được cho bản thân và cơ quan thì chẳng tội gì mình không sử dụng. Hơn nữa, việc đi xe buýt còn giúp ông duy trì việc đi bộ hàng ngày, vì từ nhà đi ra điểm xe buýt, rồi từ điểm dừng vào đến nơi làm việc cũng ngót ngét vài cây số.

Cách lựa chọn phương tiện đi làm đó của Thiếu tướng Vân tuy đơn giản nhưng khiến cho những người xung quanh phải suy nghĩ. Là chủ tịch Hội, chế độ của ông là được xe đón tận nhà, đưa tận nơi, nhưng ông lại muốn sử dụng chiếc xe đó với những công việc khác của cơ quan. Theo Thiếu tướng Vân, lợi ích của cơ quan phải luôn được đặt lên trên hàng đầu. Ông bảo rằng, trong Hội cựu chiến binh vẫn còn rất nhiều những hội viên khó khăn, cần giúp đỡ, việc những người làm ở hội tiết kiệm được chi phí không cần thiết thì khoản tiền đó sẽ có thể giúp ích được cho những người khác.
 
Trong nhiệm kỳ gánh trách nhiệm là Chủ tịch hội, việc làm luôn được Thiếu tướng Vân ưu tiên hàng đầu là giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đồng thời là cả những trường hợp nghèo khó trong xã hội. Ông chẳng kể nhiều về những công việc mình đã làm được vì theo ông đó là thành tích chung của toàn cơ quan.
 
Thiếu tướng Vân cho rằng, nếu như chỉ trông chờ vào sức lực của một người thì công việc chẳng bao giờ có thể hoàn thành. Những gì là Hội cựu chiến binh Hà Nội đã làm được trong những năm qua là sự cố gắng của toàn thể các hội viên, những người luôn sát cánh bên ông trong những chiến dịch vận động, kêu gọi.

Mỗi khi đi đến những địa phương có các cựu chiến binh gặp hoàn cảnh khó khăn, Thiếu tướng Vân lạitrăn trở. Ông thường nói với những hội viên trong Hội rằng: “Ở Hà Nội có thể không còn những người chịu cảnh đói, nhưng những người nghèo thì còn rất nhiều. Trong số những người nghèo đó, có không ít người là những cựu chiến binh, những anh em cùng vào sinh ra tử với chúng ta. Và những hội viên trong Hội phải có trách nhiệm giúp đỡ những con người đó vượt lên hoàn cảnh, giúp họ và gia đình có cuộc sống đầy đủ hơn”.
 
Trong nhiệm kỳ làm việc của mình, Thiếu tướng Vân khẳng định, việc làm ông cho là thành công nhất đó chính là hai cuộc vận động kêu gọi từ thiện để lập những số tiết kiệm cho các cựu chiến binh nghèo. Ông nghĩ, đối với nhiều người, khoản tiền 5 - 6 triệu có thể chỉ là rất nhỏ nhưng với những người nghèo khó, chừng đó cũng đủ để họ thay đổi được cuộc sống. Người khỏe có thể dùng để mua con bò, con trâu để sản xuất, người yếu có thể gửi ngân hàng rồi lấy khoản lãi thêm thắt cho những chi tiêu hàng ngày.
 
Với những người khó khăn, một vài đồng cũng là vô cùng quý giá. Với suy nghĩ này, Thiếu tướng Vân rất cố gắng vận động mọi người trong xã hội cùng góp sức giúp đỡ cho những người nghèo. Cuộc vận động đầu ông thu được hơn 700 triệu và đã có đến vài trăm cựu chiến binh, người nghèo được hưởng lợi từ đây. Cuộc vận động thứ hai, chỉ trong hai tháng Hội thu được hơn 4 tỷ đồng.
 
Với khoản tiền này, sẽ có rất nhiều người khó khăn được giúp đỡ, cứ nghĩ như vậy Thiếu tướng Vân lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Ông biết rằng, mai đây khi những khoản tiền đó đến tay những hội viên khó khăn, những người nghèo khó, họ sẽ có thể thay đổi được cuộc sống của mình, một số người rồi sẽ thoát khỏi cảnh đói nghèo, cơ cực.

Theo ông,, những người Cựu chiến binh luôn phải đi đầu trong cách hoạt động để gương mẫu cho những người khác. Hội cựu chiến binh không đơn giản chỉ là hoạt động tương trợ lẫn nhau, mà mỗi khi chính quyền, nhà nước có việc cấp bách thì những hội viên phải xắn tay vào làm cùng. Là những con người được hưởng chế độ, chính sách của nhà nước, vì vậy, khi nào còn sức khỏe, còn chiến đấu được thì cựu chiến binh còn phải cống hiến cho Tổ quốc.
 
Luôn phải là những người đi đầu, người cựu chiến binh phải làm sao để các con cháu, những người sống xung quanh mình học và làm theo. Thiếu tướng Vân lấy một ví dụ nhỏ về việc những người cựu chiến binh phải luôn đi đầu trong cách hoạt động, đó có thể là việc giải phóng mặt bằng ở những khu dự án của thành phố. Nếu như ở đâu xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, người cựu chiến binh phải luôn đi đầu, là những người đầu tiên chấp hành quy định.
 
Có thể việc đi đầu đó sẽ khiến cho những cựu chiến binh phải chịu thiệt thòi về mặt vật chất, nhưng họ phải làm để những người khác còn noi theo. Ngay bản thân mình, Thiếu tướng Vân luôn xác định, phải là người đi đầu dù bản thân, gia đình có bị ảnh hưởng. Ông luôn nghĩ, chỉ cần mỗi người chịu nhún nhường một chút thì mọi việc sẽ được giải quyết một cách dễ dàng và nhanh chóng. Nếu ai cũng khăng khăng bảo vệ quyền lợi riêng tư của mình thì tất cả sẽ trở nên rối bời, không lối thoát.

Đoạn cuối đẹp của một cuộc đời vất vả

Bước sang tuổi 78, sức khỏe của Thiếu tướng Vân giờ không còn được như những năm tháng trước. Tuy nhiên, ông vẫn hoàn thành tốt những công việc của cơ quan và cả của bản thân. Một điều làm ông nuối tiếc trong lòng đó là bà nhà đã đi trước ông. Bà đã mất cách đây bốn năm vì một cách bệnh quái ác. Thiếu tướng Vân luôn nghĩ rằng, những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, ông sẽ dành trọn cho gia đình, cùng vợ chăm sóc cho những đứa con, đứa cháu. Nhưng giờ đây, hai người đã cách biệt âm dương, chẳng còn được nhìn thấy nhau nữa để mà trò chuyện, để mà chia sẻ.
 
Thẳm sâu trong trái tim mình, Thiếu tướng Vân luôn dành cho vợ mình một sự biết ơn. Nhờ bà mà ông đã có được một gia đình hạnh phúc, cũng nhờ bà mà ông đã có những ngày tháng yên tâm, vững vàng với công việc của đơn vị. Có được như ngày hôm nay, khoác trên mình danh dự của vị Thiếu tướng, là một Công dân Thủ đô, ông luôn nghĩ, tất cả những điều đó đều nhờ có người vợ đảm đang của mình đứng phía sau ủng hộ và giúp đỡ.

Những năm tháng tới đây, có thể Thiếu tướng Vân sẽ không là chủ tịch của Hội cựu chiến binh nữa, nhưng trong suy nghĩ ông sẽ luôn mang trách nhiệm của một người lính. Cả cuộc đời của Thiếu tướng Vân đã mang trên mình màu xanh áo lính thì sẽ mãi mãi phải hoàn thành trách nhiệm với Tổ quốc, với xã hội.
 
Rồi sẽ đến một lúc nào đó, khi sức khỏe yếu đi, khi mà không còn tham gia được tất cả các hoạt động của Hội được nữa thì tất cả mọi người sẽ vẫn mãi nhắc đến ông, dành cho ông những mỹ từ tuyệt vời nhất để nói về một vị Tướng “đi xe buýt đến cơ quan”. Một cuộc đời tuy đơn giản nhưng thành công, một chặng đường đi ghập ghềnh, khói lửa nhưng đầy màu sắc và tràn ngập hạnh phúc.
 
Nghĩ về tất cả những gì mình đã đi qua, Thiếu tướng Vân nghĩ rằng “mình đã sống để không thấy hổ thẹn với bản thân”. Mọi người sẽ còn nhắc nhiều đến ông như là một vị Tướng của cả thời chiến và thời bình, người đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách sống cho rất nhiều người khác trong xã hội.
  • Gia Nguyễn
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc