Gia giáo: Giáo dục con cái tốt, gia đình hưng thịnh, đời sau có người nối dõi
Thời xưa có câu chuyện “Mạnh mẫu tam thiên”, kể về mẹ của Mạnh Tử, vì con mà ba lần chuyển nhà để tránh xa những ảnh hưởng xấu từ môi trường, nhằm tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh nhất cho con.
Sự trưởng thành của con cái phụ thuộc rất nhiều vào lời nói và hành động của cha mẹ, cũng như môi trường xung quanh. Ví dụ, nếu bạn sống ở một khu vực nông thôn, nơi có nhiều gia đình nghèo khó nhưng không chịu lao động mà đưa con cái đi xin ăn để mưu sinh, thì con bạn cũng có thể nghĩ rằng việc "xin ăn" là cách duy trì cuộc sống và thậm chí là làm giàu. Khi tư tưởng này bén rễ, rất khó để thay đổi.
Cha mẹ tốt dùng lời nói và hành động của mình để truyền cảm hứng cho trẻ, tích cực thiết lập một “hình tượng chính diện”, nói ra những lời lạc quan, khích lệ và dùng thành công của mình để dẫn dắt lý tưởng cuộc sống cho con cái.
Về học tập, họ truyền thụ tri thức cho con, cho con học ở những ngôi trường tốt và tích cực quan tâm đến sức khỏe tâm lý của con, không bị ảnh hưởng bởi những quan điểm lệch lạc của xã hội.
Khi gia đình ngày càng thịnh vượng, con cái cũng sẽ không chịu thua kém, có chí tiến thủ. Câu "con hơn cha là nhà có phúc" minh họa cho điều này. Như câu "tre già măng mọc", rừng tre sẽ ngày càng um tùm và xanh tốt hơn, tượng trưng cho một đại gia đình hưng thịnh, và măng non chính là con trẻ. Hy vọng gia đình bạn cũng sẽ như vậy.
Gia phong: kính già yêu trẻ, dĩ hòa vi quý, ắt xuất quý nhân
Mạnh Tử nói: “Duy hiếu thuận phụ mẫu khả dĩ giải ưu”, ý muốn nói chỉ khi hiếu thảo với cha mẹ, ưu phiền mới tan biến hết thảy. Cha mẹ là trụ cột tinh thần của con cái, luôn đối xử tốt với con vô điều kiện. Khi con cái nghèo khó, chỉ có cha mẹ sẵn sàng đưa tiền của mình cho con tiêu. Ngoài cha mẹ ra, không ai có thể tốt với bạn hơn.
Hiếu thuận với cha mẹ và yêu thương con trẻ là dấu hiệu của một gia đình thịnh vượng. Nếu con cái trách cứ cha mẹ vô dụng, nghèo khó, cha mẹ trách móc con cái không hiểu thảo, con dâu trách mẹ chồng ích kỷ, cháu chắt không nghe lời ông bà, thì gia đình ấy khó mà sống hòa thuận lâu dài.
Gia phong tốt đòi hỏi mỗi thành viên trong gia đình phải có nhân phẩm tốt, hướng thiện và không làm điều xấu xa, phạm pháp. Gia đình lương thiện ắt xuất hiện quý nhân. Nếu trong gia đình có người luôn giúp đỡ người khác, hoặc cả gia đình đều thích giúp đỡ người khác, thì nhà đó chính là có quý nhân. Khi gặp khó khăn hay phiền phức, gia đình đó sẽ gặp được người tốt giúp đỡ.
Có câu “gieo nhân nào gặt quả nấy”, khi bạn gieo xuống đất hạt giống lương thiện, bạn sẽ thu hoạch được quả ngọt thiện lương.
Có một câu chuyện như sau: một ông lão bị lạc đường khi đến một làng nọ. Một người đàn ông trung niên tốt bụng đã đưa ông vào thị trấn. Con gái ông lão vô cùng cảm kích, muốn tặng người đàn ông chút tiền để cảm ơn, nhưng người đàn ông nhất định không nhận.
Vài ngày sau, vợ của người đàn ông ấy vào thị trấn tìm việc làm và may mắn tìm được công việc có thu nhập khá. Mấy hôm sau, chồng vào thăm vợ, phát hiện ra nơi vợ làm việc chính là doanh nghiệp của gia đình ông lão mà anh từng giúp trước đây.
Trong âm thầm, mọi thứ đều đã được định sẵn. Tích thiện giả thiện báo, tích ác giả ác báo, không phải là không báo, mà là chưa tới lúc báo. Kính già yêu trẻ là lương thiện; giúp đỡ người khác cũng là lương thiện. Gia đình thịnh vượng bởi vì mỗi thành viên trong gia đình đều là người lương thiện.
Gia nghiệp: gia lớn nghiệp lớn, chịu khó làm giàu, dư thừa quanh năm“Vợ chồng nghèo, mọi sự không thuận”, một gia đình sa sút, phần lớn là do nghèo khó, khiến vợ chồng đau đầu, cãi nhau, thậm chí không sống nổi với nhau. Một gia đình cần có nền tảng kinh tế vững chắc mới mong hưng thịnh.
Người dậy sớm mỗi ngày chắc chắn sẽ làm nên thành tựu. Cha mẹ dậy sớm lao động, con cái dậy sớm học bài, người già dậy sớm tập thể dục, cả nhà đều dậy sớm, đó chính là dấu hiệu của sự thịnh vượng.
Bạn học của tôi, T., xuất thân từ gia đình nông thôn, nhưng cậu ấy không muốn sống mãi ở đó. Hai vợ chồng quyết định vào thành phố mưu sinh, không mua được nhà nên đành thuê trọ.
Sau khi ổn định, hai vợ chồng làm thuê cho một công xưởng gần đó. Sau 2 năm, họ tích lũy được một số tiền và thuê một cửa hàng mặt đường để bán hàng ăn sáng. Chỉ trong vòng nửa năm, tiệm ăn sáng của T. và vợ đã nổi tiếng khắp thành phố, tiền kiếm được ào ào.
Hiện tại, T. đã mua được nhà mặt đường nhưng vẫn bán đồ ăn sáng. Có người hỏi: “Giờ đã là ông chủ rồi mà vẫn vất vả như thế ư?”, T. cười và nói: “Có làm thì mới có ăn, lao động là vinh quang, nhàn rỗi thảnh thơi thì sẽ lại nghèo thôi”.
Gia đình phát đạt thịnh vượng, ắt có gia nghiệp riêng và nỗ lực hết mình cho nó, đồng thời biết cách chi tiêu và tiết kiệm hợp lý.
Gia sửu: việc xấu trong nhà đừng truyền ra ngoài
Bất kể gia đình nào cũng có “gia sửu”, tức việc xấu xí trong nhà, và cách đối diện với điều đó thực ra chỉ là một bài kiểm tra.
Có những người thích đem chuyện trong nhà nói ra ngoài; có những người, khi cảm thấy bị ấm ức, đi đâu cũng ca thán; có những người lại gán cho người nhà những cái mác không đúng và đem những chuyện như vậy “tâm sự” với người ngoài, nhờ người ta can thiệp… Nếu bạn có thói quen như vậy, hãy sửa đổi, vì làm vậy là đang làm tổn thương chính bạn và cả gia đình.
Hạnh phúc gia đình không phải là không có lúc bi thương, buồn khổ, mà là mọi người cùng giải quyết những chuyện khó khăn, buồn khổ đó trong phạm vi gia đình. Có gì thì ngồi lại với nhau bình tĩnh mà nói, chuyện xấu xa tới đâu cũng phải nói cho đàng hoàng, kịp thời xoay chuyển tình thế.
Chuyện xấu trong gia đình sẽ từ chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Mâu thuẫn vợ chồng, ngồi lại nói rõ ràng với nhau, quá khứ rồi thì đừng mãi chấp nhất. Gia đình như vậy mới có thể vượt qua khảo nghiệm của phong ba bão táp.
Gia nhân: người nhà đồng lòng, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, khỏe mạnh, phúc khí dồi dào
Một gia đình có thịnh vượng hay không, “nhân” là yếu tố mấu chốt. Sức mạnh của một người là có hạn, nhưng sức mạnh của cả gia đình lại vô cùng lớn lao. Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Khi cả gia đình đồng lòng, bất kể là ủng hộ về vật chất hay tinh thần, đều có thể làm nên nghiệp lớn.
“Gia hòa vạn sự hưng”, bất kể gia đình nào, nếu suốt ngày cãi nhau, ắt sẽ không nên việc gì. Đơn cử như việc chồng ở ngoài đi làm mệt, vừa về đến nhà đã phải nghe vợ cằn nhằn, nào là lương ít, nào là ít để ý việc nhà, lâu dần sẽ khiến người chồng cảm thấy khó chịu, rồi uống rượu giải sầu, rồi rượu vào lời ra, lại cãi nhau, mâu thuẫn… cứ như một vòng lặp không có hồi kết.
Nồi vàng nồi bạc cũng chẳng bằng nồi đất mình tự nung. Một gia đình hòa thuận là bến đỗ bình yên của tinh thần, bất kể bên ngoài làm việc có mệt mỏi tới đâu, chỉ cần về nhà, nằm nghỉ một chút, tinh thần sẽ trở nên thoải mái và dễ chịu hơn rất nhiều. Sự ấm áp của gia đình là nguồn động lực vô cùng to lớn thúc đẩy một người nỗ lực hết mình.
Có người nói: “Sức khỏe là tài sản lớn nhất”, đúng vậy, một người mắc bệnh, cả nhà lo lắng. Gia đình thịnh vượng khi mọi thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh. Vì vậy, hãy yêu thương lẫn nhau, trân trọng duyên phận, giúp đỡ nhau và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.