Tại Trung Quốc, lễ hội mừng năm mới thường diễn ra từ mùng một cho đến hết mùng năm. Sau ngày thứ năm của Tết Nguyên Đán, mọi người lại trở về đời sống sinh hoạt bình thường.
Trong những ngày này, người dân Trung Quốc thường tránh làm một số việc với hi vọng đón những điều tốt lành nhất trong năm mới.
Tránh làm vỡ đồ thủy tinh, đồ sứ
Cũng giống như người Việt, đổ vỡ bị xem là đại kỵ ở Trung Quốc vào ngày đầu năm. Người dân nước này cho rằng việc vỡ gương, vỡ đồ sẽ phá đi tài vận trong năm mới, đặc biệt là đối với những gia đình buôn bán.
Do đó, nếu không cẩn thận làm vỡ, họ sẽ tìm mọi cách gắn lại. Khi đồ vật đã ở hiện trạng “không thể cứu vãn”, họ sẽ lấy vải đỏ bọc những mảnh vỡ, để lên bàn, sau đó khấn vái bằng những lời cầu may mắn, đợi sau ngày mở hàng mới bỏ đi.
Con gái đã xuất giá kiêng về nhà ngoại
Người Trung Quốc quan niệm con gái đã lấy chồng về nhà ngoại vào ngày đầu năm sẽ khiến cho gia đình mẹ đẻ gặp cảnh nghèo túng. Vì vậy, những cô gái đã xuất giá ở nước này chỉ thăm nhà ngoại từ mùng 2 hoặc mùng 3 trở đi.
Không chỉ vậy, họ còn cho rằng con gái lấy chồng đã thành người nhà khác. Hơn nữa, trong ngày đầu năm, nhà chồng có nhiều khách, do đó những người vợ phải ở nhà để…"bưng trà hầu hạ”.
Ảnh minh họa |
Mùng một kiêng ăn cháo, ăn mặn, uống thuốc
Từ xa xưa, cháo bị xem là thức ăn dành cho người nghèo tại nước này. Ngày nay, mặc dù đã trở thành món ăn bình dân thịnh hành, những cháo vẫn là thứ đồ bị kiêng vào ngày Tết của hầu hết các gia đình Trung Quốc.
Tại đây, những món ăn nấu từ gạo như cơm, xôi... rất được ưa chuộng vào ngày mùng 1 với mong muốn có một năm mới sung túc, giàu có.
Người dân nước này còn có thói quen ăn chay vào ngày đầu năm. Họ cho rằng năm mới là thời điểm thần linh tụ hội, việc không ăn mặn đồng nghĩa với tránh sát sinh để tỏ lòng thành kính với những đấng tối cao.
Bên cạnh đó, người Trung Quốc còn tránh uống thuốc vào ngày mùng 1 với hi vọng có một năm khỏe mạnh, không bệnh tật.
Kỵ đánh thức người khác bằng tên
Đánh thức người khác bằng tên riêng bị xem là một hành động bất lịch sự và gây xui xẻo trong ngày đầu năm mới ở Trung Quốc. Họ cho rằng hành động này sẽ khiến người bị gọi cả năm phải chịu đựng cảnh bị người khác giục giã, hối thúc.
Kỵ chúc Tết người đang ngủ
Tương tự như việc đánh thức bằng tên, chúc Tết người đang ngủ là một hành động khiếm nhã ở Trung Quốc trong ngày mùng một. Người dân nước này quan niệm việc làm trên sẽ khiến cho người nhận lời chúc sẽ phải nằm trên giường bệnh cả năm!
Kiêng giặt quần áo trong mùng một, mùng hai
Theo thần thoại Trung Hoa, hai ngày đầu năm là sinh nhật của Thủy Thần. Đây là vị thần cai quản mọi thứ nước trên thế gian. Do đó, việc giặt quần áo vào những ngày nay bị xem là bất kính đối với Thủy Thần.
Đầu năm ăn cơm “cũ”
“Cơm cũ” ở đây là chỉ cơm cúng từ đêm Giao Thừa. Người Trung Quốc kiêng nấu cơm mới trong ngày mùng một mà thường chuẩn bị một mâm cỗ đầy vào đêm trước đó để hôm sau ăn.
Ngụ ý của hành động này là mong muốn năm mới “ăn không hết của”, tài sản gia tăng.
Không ngủ trưa trong dịp Tết
Từ thời xa xưa, cổ nhân đã dạy “cấm trú tẩm”, nghĩa là ban ngày không được ngủ. Trong năm ngày Tết, việc ngủ trưa là điều kiêng kỵ tại Trung Quốc.
Bài học cuộc sống từ danh nhân: Ai chả có lần thất bại (Xi nhan) - (Phunutoday) - Giống như lời hát “Đoạn đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai…”, thành công chỉ đến sau khi ta thất bại... |